Nhờ triển khai mô hình "Dân vận khéo", tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia xã hội hóa việc lắp đặt "camera an ninh" trên địa thành phố Đà Lạt, thời gian qua, công tác an ninh trật tự trên địa bàn đã được đảm bảo. Nạn mất cắp máy bơm, vật tư nông nghiệp, trộm cắp hoa màu giảm hẳn. Tình trạng vi phạm trật tự an toàn giao thông, đổ rác không đúng nơi quy định cũng được cải thiện đáng kể…
Nhờ triển khai mô hình “Dân vận khéo”, tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia xã hội hóa việc lắp đặt “camera an ninh” trên địa thành phố Đà Lạt, thời gian qua, công tác an ninh trật tự trên địa bàn đã được đảm bảo. Nạn mất cắp máy bơm, vật tư nông nghiệp, trộm cắp hoa màu giảm hẳn. Tình trạng vi phạm trật tự an toàn giao thông, đổ rác không đúng nơi quy định cũng được cải thiện đáng kể…
|
Camera an ninh giúp lực lượng chức năng giám sát, xử lý nghiệp vụ an ninh trật tự tốt hơn. Ảnh: N.Thu |
Ông Đào Văn Nguyên, UVBTV Thành ủy, Trưởng Ban Dân vận Thành ủy Đà Lạt cho biết: Thực hiện sự chỉ đạo của BTV Thành ủy về việc tiếp tục lãnh chỉ đạo phong trào thi đua “Dân vận khéo”, từ hiệu quả mô hình “Camera an ninh” ở một số địa phương trong thành phố đã phát huy tác dụng trên các lĩnh vực phòng chống tội phạm, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự xã hội, vệ sinh môi trường, Ban Dân vận Thành ủy đã có công văn đề nghị Đảng ủy các phường, xã chỉ đạo Công an phối hợp với Mặt trận và các đoàn thể chính trị địa phương vận động nhân dân đẩy mạnh phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc gắn với phong trào phòng chống tội phạm” để tiếp tục nhân rộng triển khai mô hình trên mỗi địa bàn khu dân cư và xem đây là mô hình “Dân vận khéo” của năm 2017.
Công tác tuyên truyền, vận động trong nhân dân được triển khai lồng ghép với phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc theo tinh thần Chỉ thị 09 của Trung ương về phòng chống tội phạm trong tình hình mới. Toàn thành phố Đà Lạt hiện có 119 mô hình Tổ tự quản về An ninh trật tự, riêng năm 2017 đã xây dựng và đưa vào hoạt động 32 “Tổ dân phố, thôn không có tội phạm”, 31 tuyến đường đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Nổi bật hơn cả là mô hình “camera an ninh” của Phường 11 và Phường 1. Trong đó, Phường 11 đã vận động nhân dân xã hội hóa lắp đặt 40 “mắt camera” với số tiền trên 200 triệu đồng, góp phần quan trọng vào quá trình giữ gìn an ninh trật tự trong phường, giảm hẳn tình trạng mất trộm máy bơm, hoa màu, dây điện, hoặc việc vứt rác thải nông nghiệp, vỏ thuốc bảo vệ thực vật bừa bãi gây ô nhiễm môi trường như đã xảy ra thời gian trước đây, gây thất thoát tài sản, ảnh hưởng đến kinh tế, môi trường sống của người dân.
Tại địa bàn Phường 1, đến nay đã vận động nhân dân tham gia xã hội hóa lắp đặt được 19 “mắt camera” trên các tuyến đường, góp phần hạn chế đáng kể tình trạng mất an ninh trật tự, xô xát gây gổ đánh nhau hoặc tình trạng đổ rác không đúng nơi quy định. Khu vực Phường 1 là khu vực trung tâm của thành phố, nơi tập trung đông dân cư và khách du lịch trong và ngoài nước đến nghỉ dưỡng, mua sắm, ẩm thực… Gần đây nhất xảy ra vụ việc đánh nhau gây mất trật tự tại quán “Ốc Trang” đường Nguyễn Chí Thanh, nhờ có hệ thống camera an ninh nên ngay sáng hôm sau xảy ra vụ việc, đối tượng vi phạm đã bị công an triệu tập và xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật. Từ nhiều vụ việc mất an ninh trật tự được cơ quan công an giải quyết nhanh chóng nhờ hệ thống camere nên đã nhận được sự đồng thuận cao trong các tầng lớp nhân dân.
Mô hình lắp đặt camera đường phố này được triển khai ngay sau khi đoàn công tác của thành phố đi tham quan học tập mô hình camera an ninh của phường B’Lao, thành phố Bảo Lộc. Thấy hiệu quả nên lãnh đạo Ban Dân vận Thành ủy Đà Lạt đã tham mưu BTV và triển khai mô hình xã hội hóa “camera an ninh” trên địa bàn thành phố thông qua hình thức dân vận khéo. Trong đó, tập trung xây dựng mô hình điểm ở Phường 11, là địa phương phát triển nông nghiệp thuần túy nhưng gần đây xảy ra tình trạng mất an ninh trật tự, cứ vào dịp thu hoạch hoa màu sắp đến là nhà dân bị mất cắp hoa, lấy trộm máy bơm, vật tư nông nghiệp… gây hoang mang trong nhân dân. Chính từ việc chọn địa bàn trọng tâm, trọng điểm nên ngay khi chủ trương được triển khai tới phường, qua kênh tuyên truyền của khối dân vận, mặt trận, đoàn thể chính trị xã hội như Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Cựu chiến binh, Nông dân nên đã nhận được sự đồng tình hưởng ứng trong nhân dân. Hàng ngày, Công an Phường 11 có điểm tin và “chăm sóc” từng camera một nhằm đảm bảo duy trì hoạt động tốt nhất.
Hiện nay, camera là một trong những biện pháp hữu hiệu, là công cụ quản lý nhà nước đặc biệt giúp xử lý an ninh trật tự rất tốt. Hệ thống camera lắp trên các trụ điện ở đường phố, được tổ dân phố, công an phường chọn lắp ở vị trí thích hợp để theo dõi toàn diện, chính xác.
Để tiếp tục mở rộng mô hình quản lý này, cách làm được duy trì hiện nay là từng Mặt trận, đoàn thể đi từng tổ dân phố tuyên truyền kết hợp về phát triển du lịch chất lượng cao trong việc nêu cao ý thức của người Đà Lạt trong phong cách ứng xử văn minh, lịch sự với khách, từ lời ăn tiếng nói đến hành động cử chỉ phải thân thiện, làm sao để đẹp lòng khách đến, vừa lòng khách đi… kết hợp với việc tuyên truyền kêu gọi xã hội hóa lắp đặt camera an ninh. Trong đó, các đồng chí bí thư chi bộ, tổ trưởng tổ dân phố, trưởng ban công tác mặt trận là thành viên của tổ dân vận. Đây được coi là mô hình “Dân vận khéo” của thành phố trong năm 2017 và hiện rất nhiều phường, xã đã đăng ký xây dựng, cho thấy sự quyết tâm rất cao của Đảng ủy, chính quyền và được sự đồng thuận trong nhân dân.
NGUYỆT THU