Đến thời điểm này, huyện vùng sâu Cát Tiên đã có 19/37 trường học các cấp trên địa bàn đạt chuẩn quốc gia và từ nay đến cuối năm 2017, địa phương này đang nỗ lực để đạt chuẩn thêm 2 trường nữa.
Đến thời điểm này, huyện vùng sâu Cát Tiên đã có 19/37 trường học các cấp trên địa bàn đạt chuẩn quốc gia và từ nay đến cuối năm 2017, địa phương này đang nỗ lực để đạt chuẩn thêm 2 trường nữa.
|
Khu hiệu bộ vừa được xây dựng mới tại THCS Đồng Nai - Cát Tiên. Ảnh: V.Trọng |
Những nỗ lực
Cát Tiên hiện có 37 trường học trên địa bàn, trong đó có 34 trường do Phòng Giáo dục huyện quản lý và 3 trường trung học phổ thông (THPT) trực thuộc Sở Giáo dục Lâm Đồng. Trong 34 trường của Phòng quản lý có 11 trường mầm non, 13 trường tiểu học; 9 trường trung học cơ sở (THCS) và 1 trường Phổ thông Dân tộc bán trú tại Đồng Nai Thượng gồm cấp tiểu học và THCS. Tổng số học sinh toàn huyện thuộc khối trường Phòng Giáo dục quản lý trên 7.750 học sinh với 345 lớp trong năm học 2016 - 2017 vừa qua.
Là huyện vùng sâu của Lâm Đồng, dù hệ thống trường lớp trên địa bàn những năm gần đây không ngừng được quan tâm đầu tư xây dựng nhưng ngành vẫn đối mặt với rất nhiều khó khăn.
Trước nhất, do đường sá đi lại trong các xã vùng sâu như Phước Cát 2, Đồng Nai Thượng… còn rất nhiều khó khăn, nhất là trong mùa mưa, ảnh hưởng không nhỏ đến việc học sinh đến lớp. Địa phương cũng có không ít hộ dân đi làm ăn xa hằng năm, khi đi mang theo cả con em đi theo, các trường học khó duy trì được sĩ số. Cùng đó, còn không ít trường trong vùng sâu, vùng xa xây dựng đã lâu, trường xuống cấp cần được cải tạo xây mới.
Tuy nhiên, dù khó khăn nhưng theo Phòng Giáo dục huyện cho biết, những năm gần đây, huyện đã có những bước tiến lớn trong xây dựng trường chuẩn quốc gia trên địa bàn.
Tính đến thời điểm này, Cát Tiên đã có 19/37 trường học đạt chuẩn quốc gia, chiếm tỷ lệ 51,3% số trường học hiện có trên địa bàn, trong đó, có 6 trường mầm non, 8 trường tiểu học, 4 THCS, thêm 1 trường trong bậc THPT (đó là THPT Cát Tiên).
Chỉ tính trong năm 2017 này, huyện phấn đấu có 5 trường đạt chuẩn quốc gia. Bên cạnh THPT Cát Tiên và Mầm non Phước Cát 1 đã được kiểm tra công nhận trong thời gian vừa rồi, huyện sẽ tiếp tục rà soát đầu tư thêm một số trường đã tiệm cận các tiêu chí còn lại trong đó có Mầm non Đức Phổ, Mầm non Phước Cát 2, THCS Đồng Nai và THCS Quảng Ngãi, trong đó 2 trường THCS trên dự kiến sẽ được công nhận đạt chuẩn trong tháng 10 năm nay.
Theo ông Nguyễn Chí Nhân, Phó Phòng Giáo dục huyện, về cơ bản các trường mầm non đến nay phân bố khá đều trên địa bàn huyện, được đầu tư khá khang trang. Trong bậc tiểu học, bên cạnh một số trường đã được đầu tư bài bản gần đây thì hiện vẫn còn một số trường thiếu phòng y tế, thiếu phòng chức năng, thiếu khu hiệu bộ, sắp đến Cát Tiên sẽ đầu tư thêm một số hạng mục còn thiếu tại các trường cho mục tiêu đạt chuẩn như Tiểu học Mỹ Đức đang chuẩn bị xây khu hiệu bộ.
Trong khi đó, khối THCS đã được huyện đầu tư mạnh trong thời gian gần đây với hàng loạt trường được xây mới như THCS Quảng Ngãi, THCS Nam Ninh, THCS Gia Viễn; riêng THCS Đồng Nai trong hè này cũng đã hoàn tất khu nhà hiệu bộ để chuẩn bị cho việc đạt chuẩn trong thời gian đến.
Tổng cộng trong năm 2016, Cát Tiên đã đầu tư trên 35,8 tỷ đồng cho công tác xây dựng trường lớp trên địa bàn huyện, trong đó có khoảng 5,4 tỷ đồng mua sắm trang thiết bị. Còn trong năm 2017 này, tổng kinh phí xây dựng trường học trên 20,3 tỷ đồng, trong đó có khoảng 9 tỷ đồng cho trang thiết bị và đồ đùng dạy học.
Nâng cao chất lượng dạy và học
Bên cạnh tăng cường đầu tư cơ sở vật chất gắn với xây dựng trường chuẩn quốc gia, Giáo dục Cát Tiên cũng đã có những nỗ lực không nhỏ nhằm nâng cao chất lượng dạy và học trên địa bàn. Trong nhiều năm nay, huyện đã làm tốt việc huy động học sinh ra lớp trong các lớp đầu cấp cũng như công tác duy trì sỹ số trong năm, hạn chế học sinh bỏ học, nhất là các trường ở vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Riêng với học sinh dân tộc thiểu số (toàn huyện có khoảng 1.800 học sinh dân tộc thiểu số, trong đó mầm non trên 420 học sinh, tiểu học trên 850, THCS trên 520), Phòng Giáo dục yêu cầu các trường chú trọng đặc biệt, phân công giáo viên đứng lớp đủ về số lượng và đạt yêu cầu về chuyên môn nghiệp vụ (đạt và vượt chuẩn), giảng dạy với tinh thần trách nhiệm cao, chính vì vậy chất lượng giáo dục học sinh dân tộc thiểu số khá ổn định.
Ngành Giáo dục huyện cũng yêu cầu các trường học trên địa bàn duy trì tốt nề nếp trong năm học, thực hiện đúng quy chế chuyên môn, tăng cường việc ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy, thực hành và giáo dục ngoại khóa; nâng cao chất lượng sử dụng thiết bị dạy học trường đang có, đồng thời có kế hoạch phụ đạo cho học sinh yếu kém các bộ môn ngay từ đầu năm học.
Phòng Giáo dục huyện cho biết, lâu nay cũng làm tốt việc tổ chức các hội thi cấp huyện hằng năm, thi học sinh giỏi, thi giáo viên giỏi, tuyển chọn bồi dưỡng đội tuyển học sinh tham gia giải cấp tỉnh; chỉ đạo tổ chức các chuyên đề cấp trường và cấp huyện nhằm giúp giáo viên nâng cao trình độ chuyên môn, đổi mới phương pháp giảng dạy cho mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, nhất là tại các trường cận chuẩn.
Trong xây dựng trường chuẩn quốc gia, bên cạnh việc tích cực tham mưu các cấp đầu tư kinh phí mua sắm trang thiết bị dạy học, sửa chữa trường lớp, đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục trên địa bàn, Phòng yêu cầu các trường tăng cường tôn tạo cảnh quan, trồng thêm cây tạo bóng mát sân trường, trồng hoa, cây cảnh. Riêng những trường chưa đạt chuẩn quốc gia phải tự đối chiếu các tiêu chí trong bộ chuẩn quốc gia để có kế hoạch phấn đấu đạt các tiêu chí này trong thời gian đến, đồng thời nếu có sửa chữa tu bổ trường cũng phải hướng theo các chuẩn qui định của trường chuẩn quốc gia.
VIẾT TRỌNG