Đẩy mạnh phòng chống nguy cơ học sinh đuối nước

10:07, 06/07/2017

Tai nạn đuối nước đối với học sinh luôn là vấn đề nhức nhối của cộng đồng, đặc biệt là trong thời điểm các em nghỉ hè có nhiều thời gian vui chơi, giải trí. Điều đáng tiếc là mặc dù cơ quan chức năng, ngành giáo dục luôn chủ động tuyên truyền các biện pháp phòng chống đuối nước nhưng số vụ học sinh tử vong hằng năm hay trong dịp hè vẫn chưa có dấu hiệu thuyên giảm.

Tai nạn đuối nước đối với học sinh luôn là vấn đề nhức nhối của cộng đồng, đặc biệt là trong thời điểm các em nghỉ hè có nhiều thời gian vui chơi, giải trí. Điều đáng tiếc là mặc dù cơ quan chức năng, ngành giáo dục luôn chủ động tuyên truyền các biện pháp phòng chống đuối nước nhưng số vụ học sinh tử vong hằng năm hay trong dịp hè vẫn chưa có dấu hiệu thuyên giảm.
 
Bể bơi được xây dựng trong trường học vẫn là mơ ước của rất nhiều em học sinh. Ảnh: C.Thành
Bể bơi được xây dựng trong trường học vẫn là mơ ước của rất nhiều em học sinh. Ảnh: C.Thành
Năm nào cũng có đuối nước
 
Lâm Đồng thời gian này thời tiết thường mưa vào cuối chiều nhưng từ 9 giờ tới khoảng 14 giờ nhiều nơi vẫn khá nắng nóng. Bên cạnh đó, đây là thời gian nghỉ hè nên rất nhiều các em học sinh trên địa bàn thường chọn khu vực hồ thủy lợi, sông, suối...tự nhiên, ở gần nhà để giải nhiệt. Điều này tiềm ẩn nhiều nguy cơ về đuối nước, đặc biệt đối với trẻ em ở cấp bậc tiểu học. Ở lứa tuổi này, nếu xảy ra tình huống xấu như bị chuột rút hoặc bị cảm đột ngột, rủi ro đuối nước dẫn tới tử vong ở các em là rất cao.
 
Đơn cử vụ việc đau lòng liên quan tới học sinh đuối nước mới nhất là hai em học sinh nữ tại thôn Ma Đanh, xã Tu Tra, huyện Đơn Dương vào trưa ngày 24/6. Người nhà hai em học sinh gặp nạn cho hay, trưa ngày 24/6, Kơ Tong Sơ Nhi đi chăn dê cho gia đình và có rủ hai em Ma Lợi và Ma Như (học cùng Trường Tiểu học K’Lơm) đi chơi cùng. Tới một ao nước lớn nằm trên trục đường thôn Ma Đanh do người dân đào để phục vụ tưới tiêu cà phê, hoa màu cả 3 em rủ nhau xuống tắm thì bị chủ nhà phát hiện cảnh báo nên các em bỏ lên bờ tiếp tục chăn dê. 
 
Tuy nhiên, tới gần 12g trưa, trời khá nóng nực nên 3 em lén rủ nhau vào ao nước trên để tắm lại thì vụ việc đau lòng xảy ra. Sơ Nhi và Ma Lợi bị chuột rút nên không thể bơi vào bờ, người dân chỉ kịp cứu được Ma Như do em may mắn bám được vào cành cây ven bờ ao. Điều đáng tiếc hơn, như theo lời ông Lê Hữu Túc, Phó Chủ tịch UBND huyện Đơn Dương cho biết, thầy cô Trường Tiểu học K’Lơm cũng như gia đình hai em học sinh bị nạn đã nhiều lần nhắc nhở các em không được tắm tại ao nước sâu trên trục đường xã Ma Đanh nhưng do các em quá hiếu động, bản tính ham vui, khi gặp sự cố lại không có người lớn trông coi dẫn tới sự việc đau lòng trên.
 
Hay như vụ đuối nước ngày 18/2, tại hồ thủy lợi thuộc thôn 1, xã Lộc Phú (huyện Bảo Lâm) đã làm 2 em tử vong cũng xuất phát từ những trò chơi rất bình thường của trẻ nhỏ. Sáng hôm đó, em Nguyễn Văn Tuấn (8 tuổi), Dương Vũ Hoàng (8 tuổi) và Dương Thị Khánh Vy (5 tuổi) cùng ngụ tại thôn 1, xã Lộc Phú rủ nhau ra hồ thủy lợi trong xã vui chơi như một số lần khác. Khi thấy chiếc xuồng câu cá của người dân địa phương để không ai trông coi, 2 em Tuấn và Vy leo lên chèo xuồng ra hồ chơi, còn cháu Hoàng đứng trên bờ. Thời điểm này không có người lớn tại khu vực quanh bờ hồ nên không ai nhắc nhở. Sau khi chèo xuồng ra hồ cách bờ khoảng 10 m thì không may chiếc xuồng nhỏ bị lật úp làm 2 em Tuấn và Vy rơi xuống hồ và bị đuối nước nhanh chóng. Riêng em Hoàng đứng trên bờ nhìn thấy 2 bạn bị đuối nước nhưng vì sợ nên đã bỏ chạy về nhà chứ không gọi người cứu giúp.
 
Trước đó, chỉ trong 2 tháng cuối năm 2016, tại địa bàn xã Lạc Xuân, huyện Đơn Dương và xã Lộc Tân, huyện Bảo Lâm cũng đã xảy ra hai vụ đuối nước thương tâm làm 6 em học sinh độ tuổi từ 10 tới 12 tử vong. Và tháng 1/2017, tại Tổ dân phố 5 (phường Lộc Tiến), TP Bảo Lộc, một học sinh nữ cũng bị trượt chân rơi xuống hồ nước tưới cà phê trong vườn tử vong khi đi chơi cùng các bạn trong lớp. 
 
Tăng cường các giải pháp
 
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lâm Đồng, thực hiện Quyết định số 234/QĐ-TTg ngày 5/2/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2016-2020, năm 2017 UBND tỉnh Lâm Đồng tiếp tục ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình bơi an toàn, phòng, chống đuối nước cho trẻ em giai đoạn 2017 - 2020. 
 
Theo kế hoạch, việc tổ chức các hoạt động bơi và phát triển phong trào tập luyện bơi cho trẻ em; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng và năng lực chuyên môn của đội ngũ huấn luyện viên, hướng dẫn viên về công tác phòng chống tai nạn đuối nước trẻ em, góp phần giảm đến mức thấp nhất tai nạn đuối nước có thể xảy ra, nâng cao thể lực và tầm vóc cho thanh thiếu nhi. Phấn đấu đến năm 2020, toàn tỉnh có 40% trẻ em trong độ tuổi tiểu học, trung học cơ sở biết kỹ năng an toàn trong môi trường nước.
 
Phòng Pháp chế Học sinh - sinh viên, Sở Giáo dục và Đào tạo thông tin về các giải pháp thường xuyên, bên cạnh các hoạt động nhằm đảm bảo học sinh giải trí lành mạnh trong những ngày hè, hằng năm ngành giáo dục tỉnh luôn tuyên truyền các biện pháp phòng ngừa đuối nước, ban hành các văn bản liên quan tới nhà trường, cũng như các cấp chính quyền và gia đình các em học sinh. Trong đó có chương trình bơi an toàn, xây dựng thí điểm mô hình học sinh toàn trường biết bơi và nhân rộng mô hình phòng, chống đuối nước trẻ em mở rộng trên địa bàn tỉnh trên cơ sở phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện. Tuy nhiên, hiện nay do các ban, ngành liên quan mới chỉ dừng lại ở mặt chủ trương khuyến khích nhà trường đầu tư hồ bơi trong trường học theo hướng xã hội hóa. Còn trên thực tế, hiện chỉ một số trường hiếm hoi có hồ bơi và đưa môn bơi lội vào môn thể dục tự chọn như: Trường THPT Lộc Phát (TP Bảo Lộc), Trường Phổ thông DTNT Bảo Lâm… và rải rác trên địa bàn tỉnh có một số hồ bơi tư nhân đáp ứng một phần nhu cầu thể thao, giải trí của học sinh trong mùa hè nắng nóng.
 
Về giải pháp lâu dài, Sở Giáo dục và Đào tạo đang phối hợp Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng phương án chi tiết tham mưu cho UBND tỉnh về việc xây dựng hồ bơi trong trường học. Tăng cường vận động xã hội hóa thông qua các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đầu tư xây dựng bể bơi, hồ bơi tại các xã, phường, thị trấn, trường học để tạo điều kiện cho trẻ em, học sinh được học bơi và tập luyện bơi. Khi có cơ sở vật chất tương đối, Sở sẽ xem xét đề xuất đưa chính thức môn bơi lội vào môn học tự chọn của học sinh trên địa bàn toàn tỉnh. Tuy nhiên, qua trao đổi với chúng tôi, một lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết việc xã hội hóa xây dựng bể bơi trong và gần khu vực trường học hiện nay còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Việc triển khai trên thực tế còn khá chậm so với kỳ vọng.
 
C.THÀNH