Để ca khúc mãi "xanh"

09:07, 07/07/2017

20 thành viên của Đội tuyên truyền các ca khúc cách mạng xã N'Thol Hạ đang nỗ lực để thực hiện mục tiêu làm "sống" lại những giai điệu, những khúc hát mãi "xanh".

20 thành viên của Đội tuyên truyền các ca khúc cách mạng xã N’Thol Hạ đang nỗ lực để thực hiện mục tiêu làm “sống” lại những giai điệu, những khúc hát mãi “xanh”.
 
Tiết mục Nhân dân Nam Tây Nguyên nhớ Bác. Ảnh: H.Thắm
Tiết mục Nhân dân Nam Tây Nguyên nhớ Bác. Ảnh: H.Thắm
Nhắc về Đội tuyên truyền các ca khúc cách mạng (TTCKCM) xã N’Thol Hạ (huyện Đức Trọng), anh Lê Bá Dương - Phó Chủ tịch UBND xã không khỏi bồi hồi. Bốn năm về trước, anh là người đứng ra thành lập Đội khi còn ở cương vị Bí thư đoàn xã. Anh Dương cho biết, khi đó, ý tưởng thành lập một sân chơi dành riêng cho thanh niên đồng bào dân tộc thiểu số nhen nhóm trong anh và các thành viên trong chi đoàn. Sau một thời gian cân nhắc, Đội TTCKCM ra đời.
 
Đội TTCKCM ra đời trong bối cảnh dòng nhạc trẻ, nhạc thị trường đang lên ngôi và phát triển chóng mặt, nhất là đối với thanh niên; trong khi đó những ca khúc ngợi ca về Đảng, Bác Hồ, ca ngợi quê hương, đất nước đang dần bị khán giả lãng quên. Ngay trong chính các thành viên của đội cũng không phải ai cũng yêu thích các ca khúc cách mạng ngay từ đầu. Chính vì thế, Đội đã đặt ra mục tiêu làm “sống” lại những giai điệu, để khúc hát mãi “xanh”.
 
“Quá trình vận động anh em tham gia gặp rất nhiều khó khăn vì thanh niên DTTS đôi khi chưa thực sự cởi mở trong các hoạt động xã hội. Ngày đó xã còn nghèo, các em cũng phải phụ giúp cha mẹ công việc đồng áng, nhiều em phải đi làm ở xa. Mỗi người một công việc, một tính cách, rất khó để dung hòa. Cũng có nhiều bạn nản chí vì khi mới thành lập điều kiện còn rất khó khăn, nhất là thiếu kinh phí. Đến ngày được đứng chung trên sân khấu biểu diễn với các thành viên Đoàn ca múa nhạc của tỉnh, ai ai cũng đều xúc động vì những nỗ lực của mình đã được khán giả đón nhận”, anh Dương chia sẻ.
 
Hiện tại, Đội TTCKCM có 20 thành viên, đều đặn sinh hoạt và tham gia các hoạt động lớn nhỏ của xã, tham gia các hội thi hoặc được mời lưu diễn ở nhiều địa phương khác.
 
“Nhớ nhất lần mình múa hát bài Cô gái mở đường: Em đi san rừng, em đi bạt núi, em như con suối nước chảy không ngừng/ Em đi bước tiếp chặng đường, theo những anh hùng Tổ quốc yêu thương/ Góp công cùng chiến thắng thù, góp công cùng tiền phương chiến thắng thù. Là bài ca đã đi cùng năm tháng, quen thuộc với mọi người vậy mà khi tụi mình hát lên, khán giả bên dưới chú ý lắng nghe, có người xúc động, rồi vỗ tay hưởng ứng khiến chị em không ai bảo ai đều hết sức hào hứng. Điều đó khiến mình càng tự tin hơn, làm động lực cố gắng hơn để có thể gắn bó được với đội”, chị KLong K’Xuân (36 tuổi) - thành viên lớn tuổi nhất chia sẻ. Đối với chị, những bài hát giống như món ăn tinh thần chẳng thể thiếu hằng ngày. Chất giọng khỏe khoắn nhưng không kém phần ngọt ngào của chị thích hợp để hát nhiều thể loại nhạc khác nhau, nhưng chị lại chỉ dành tình cảm cho những ca khúc “nhạc đỏ”, đặc biệt là những bài hát về người con gái Tây Nguyên như Cô gái Tây Nguyên đi làm thủy lợi, Tình ca Tây Nguyên...
 
Bận rộn với công việc của một bí thư chi bộ thôn (thôn Bon Rơm) nhưng chị chẳng bao giờ vắng mặt trong các hoạt động chung. Chị bảo, còn gì ý nghĩa hơn khi được khoác lên mình bộ trang phục truyền thống, cất lên lời ca ngọt ngào, và được hòa mình vào những giây phút lịch sử của dân tộc.
 
Còn đối với Cil Ny Va (21 tuổi), mỗi đợt tham gia sinh hoạt của Đội là mỗi bước khiến Ny Va trưởng thành hơn, được học hỏi nhiều hơn. Ny Va tham gia từ khi là cô bé 17 tuổi còn ngồi trên ghế nhà trường đến khi học đại học em vẫn cố gắng sắp xếp thời gian để cùng về Đội tập luyện và biểu diễn. Là thành viên nhỏ nhất, cũng là người có vóc dáng nhỏ nhất nhưng giọng hát của em thì chẳng hề “nhỏ” chút nào. Giọng hát cũng chính là điều Ny Va tự tin nhất. Và có lẽ, giấc mơ trở thành cô giáo mầm non trong cô bạn cũng được đánh thức từ đó.
 
Anh Trần Đình Trung, Bí thư Đoàn xã, phụ trách Đội TTCKCM cho biết, tất cả các tiết mục đều do các thành viên trong đội “tự biên tự diễn”. Từ việc chọn bài cũng không được trùng lặp, các động tác, đạo cụ cũng phải thật phong phú, không chỉ đem đến cho người xem sự mới lạ mà đó cũng chính là cách để duy trì đam mê và tạo hứng khởi cho chính các thành viên. Nếu như những ngày đầu, người dân còn tỏ ra khá “xa cách” thì nay bà con tại địa phương đã cổ vũ nhiệt tình với những đêm biểu diễn có mặt gần một ngàn khán giả.
 
“Từ khi thành lập đến nay, Đội TTCKCM đã tạo ra một “sân chơi” của tuổi trẻ, vừa tạo môi trường phát triển các nhân tố văn nghệ phục vụ cho hoạt động của Đoàn, đặc biệt là đối với thanh niên dân tộc thiểu số. Thông qua những ca khúc cách mạng đó, những câu chuyện lịch sử kể, tái hiện trên sân khấu một cách sinh động đã góp phần nhân lên tinh thần tự hào dân tộc, tình yêu quê hương đất nước. Đó cũng là cách nhắc, khơi gợi trong bản thân các bạn thanh niên về lý tưởng của tuổi trẻ, lòng biết ơn các thế hệ đi trước”, anh Trung cho biết thêm. 
 
HỒNG THẮM