Từ năm 2015 đến nay, rừng Lộc Tân bắt đầu "nóng" trở lại, nhất là ở địa bàn giáp ranh còn nhiều loại gỗ quý như "miếng mồi" ngon khiến lâm tặc thường xuyên nhòm ngó. Trước tình hình đó, các ngành chức năng huyện Bảo Lâm và chính quyền địa phương đã tăng cường các biện pháp để giữ rừng.
Từ năm 2015 đến nay, rừng Lộc Tân bắt đầu “nóng” trở lại, nhất là ở địa bàn giáp ranh còn nhiều loại gỗ quý như “miếng mồi” ngon khiến lâm tặc thường xuyên nhòm ngó. Trước tình hình đó, các ngành chức năng huyện Bảo Lâm và chính quyền địa phương đã tăng cường các biện pháp để giữ rừng.
|
Cơ quan chức năng và người dân xã Lộc Tân cùng tuần tra giữ rừng. Ảnh: Khánh Phúc |
Xóa sổ nhiều băng nhóm phá rừng
Cùng với Lộc Bắc và Lộc Bảo thì Lộc Tân là một trong ba địa phương của huyện Bảo Lâm có diện tích rừng khá lớn với hơn 8.000 ha rừng tự nhiên. Địa bàn trải rộng giáp ranh với nhiều địa phương ngoài huyện như Phước Lộc (Đạ Huoai) hay Tôn K’Long (Đạ Tẻh) và cũng là một trong những cánh rừng của huyện Bảo Lâm còn nhiều loại gỗ quý, bán quý nên công tác quản lý, bảo vệ rừng (QLBVR) còn gặp rất nhiều khó khăn. Xác định, Lộc Tân là một trong những điểm “nóng” về phá rừng, nên huyện Bảo Lâm đã chỉ đạo các ngành chức năng phối hợp cùng chính quyền địa phương xã Lộc Tân tăng cường nhân lực để giữ rừng. Hiện, ở địa phương này, huyện Bảo Lâm đã thành lập 4 trạm QLBVR với các lực lượng chủ chốt tham gia như Hạt Kiểm lâm, Công an huyện, Huyện đội và Ban Quản lý Rừng phòng hộ Đam B’ri cùng tham gia giữ rừng.
Nhờ vậy, nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, truy quét lâm tặc để QLBVR ở Lộc Tân đã được các lực lượng chức năng phối hợp tiến hành thường xuyên, bài bản và có hiệu quả. Trên cơ sở này, nhiều băng nhóm phá rừng chuyên nghiệp, có tổ chức đã bị lực lượng chức năng “xóa sổ”. Đơn cử là Chuyên án LT 0615 được Công an huyện Bảo Lâm xác lập để triệt phá một băng nhóm phá rừng có tổ chức trên địa bàn vào đầu năm 2015. Để phá chuyên án này, Công an huyện Bảo Lâm đã huy động hàng chục trinh sát phối hợp với các lực lượng chức năng cùng vào cuộc. Đến tháng 6/2015, khi nắm được thông tin băng nhóm này đang phá rừng, khai thác gỗ trái phép tại một khu rừng trên địa bàn xã Lộc Tân, Công an huyện đã huy động lực lượng truy quét, vây bắt. Kết thúc chuyên án, cơ quan công an đã bắt được đối tượng Lê Viết Tưởng (ngụ phường B’Lao, TP Bảo Lộc) và 7 đồng phạm là tay chân của Tưởng cùng tham gia khai thác gỗ trái phép tại rừng Lộc Tân. Ngoài băng nhóm này, vào đầu tháng 8/2015, Công an huyện Bảo Lâm đã bắt giữ băng nhóm phá rừng khác gồm 3 đối tượng Trương Mạnh Hùng, Quách Hải Tô và Phạm Văn Hải. Đây là 3 đối tượng đã dùng máy cưa triệt hạ gần 200 cây thông hơn 30 năm tuổi tại các Tiểu khu 466 và 469 (xã Lộc Tân) gây xôn xao dư luận thời điểm đó.
Đặc biệt, mới đây, từ ngày 14/4 đến ngày 16/6, Công an huyện Bảo Lâm cùng các cơ quan chức năng đã triệt phá thành công một băng nhóm phá rừng có tổ chức trên địa bàn xã Lộc Tân và bắt giữ 7 đối tượng.
Trong đó, đối tượng cầm đầu của băng nhóm này là Trịnh Văn Long (43 tuổi, ngụ thôn 4, xã Lộc Tân). Băng nhóm của Trịnh Văn Long đã triệt hạ 20 cây gỗ kiền (nhóm 2A), với khối lượng gỗ thiệt hại gần 40 m3 tại các Tiểu khu 455 và 468 xã Lộc Tân.
Thiếu tá Lê Duy Thắng, Trưởng Công an xã Lộc Tân cho biết: “Thời gian qua, với sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của các cơ quan chức năng từ huyện đến cơ sở, nhiều băng nhóm phá rừng trên địa bàn xã Lộc Tân đã được triệt phá. Đây chính là lời cảnh báo khiến lâm tặc hoạt động trên địa bàn xã phải chùn bước, run sợ. Tuy nhiên, hiện tại, tình trạng khai thác rừng trái phép trên địa bàn xã vẫn còn nhưng chủ yếu nhỏ, lẻ không đáng kể. Qua công tác tuần tra, kiểm soát trong 6 tháng đầu năm, toàn xã chỉ xảy ra 8 vụ vi phạm lâm luật (giảm 10 vụ so với cùng kỳ). Đây là con số đáng khích lệ để Lộc Tân cố gắng phát huy thực hiện tốt công tác giữ rừng trong thời gian tới”.
Toàn dân cùng giữ rừng
Xuất phát từ quan điểm giữ rừng là phải dựa vào người dân, nên những năm qua, huyện Bảo Lâm đã tăng cường cán bộ về xã Lộc Tân phối hợp cùng chính quyền địa phương củng cố các tổ, đội quần chúng bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng trên địa bàn. Cán bộ kiểm lâm, ban lâm nghiệp, công an huyện tích cực phối hợp với trưởng thôn, già làng và những người có uy tín trong xã thường xuyên đến từng nhà để tuyên truyền, vận động nhân dân không phá rừng làm nương rẫy, không tiếp tay cho lâm tặc... Nhờ vậy, ý thức giữ rừng của người dân được nâng lên đáng kể để cùng tham gia giữ rừng.
Đặc biệt, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, từ năm 2015 đến nay, UBND xã Lộc Tân đã vận động được 100% hộ dân đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn các Thôn 1, 2, 3, 4 và Thôn 6 tham gia nhận khoán, bảo vệ rừng. Hơn 4.000 ha rừng đã được giao về cho 230 hộ đồng bào, chia thành nhiều nhóm hộ quản lý, bảo vệ. Hàng năm, từ việc nhận khoán, bảo vệ rừng mang lại thu nhập từ 7,5 - 8 triệu đồng/hộ. Nguồn thu này đã và đang giúp các hộ dân ổn định cuộc sống để động viên họ cùng tham gia giữ rừng. Ông K’Tút, Trưởng thôn kiêm Tổ trưởng Tổ nhận khoán QLBVR Thôn 6 (xã Lộc Tân) cho hay: “Hiện, thôn chúng tôi có 124 hộ là bà con đồng bào DTTS tham gia nhận khoán, bảo vệ hơn 1.500 ha rừng. Để thực hiện tốt công tác giữ rừng, thôn đã xây dựng hương ước và được toàn thể bà con cam kết, thống nhất cùng bảo vệ rừng. Hiện, tổ chúng tôi được phân thành 4 nhóm, mỗi ngày có từ 10 - 12 người cùng tham gia đi tuần tra, kiểm soát bảo vệ rừng tại các vùng trọng điểm giáp ranh. Qua tuần tra các thành viên trong tổ nhận khoán đã nhiều lần phát hiện lâm tặc khai thác gỗ trái phép và thông báo cho cơ quan chức năng ngăn chặn, xử lý”.
Ông Phan Văn Tú, Phó Ban quản lý Rừng phòng hộ Đam B’ri cho hay: “Hiện tại, Ban được giao nhiệm vụ QLBV hơn 3.000 ha rừng tại xã Lộc Tân, nhưng số lượng nhân viên tham gia giữ rừng ở đây còn mỏng nên việc giữ rừng còn nhiều khó khăn. Song, nhờ có bà con đồng bào và những nguồn tin đồng bào cung cấp kịp thời trong những chuyến thăm rừng đã giúp chúng tôi kịp thời xử lý nhằm hạn chế đáng kể tình trạng phá rừng ở Lộc Tân. Vì vậy, ngoài việc vào cuộc quyết liệt của các ngành chức năng, chúng tôi rất cần sự đồng hành của bà con để có được những nguồn tin quý giá phục vụ cho công tác giữ rừng đạt hiệu quả cao”.
KHÁNH PHÚC