Nhiều năm nay các tổ chức tôn giáo trong tỉnh đã có nhiều hoạt động dạy nghề theo chủ trương xã hội hóa, tạo công ăn việc làm cho rất nhiều người.
Nhiều năm nay các tổ chức tôn giáo trong tỉnh đã có nhiều hoạt động dạy nghề theo chủ trương xã hội hóa, tạo công ăn việc làm cho rất nhiều người.
|
Trong xưởng may tại K’Long. Ảnh: V.T |
Duy trì nghề truyền thống
Dưới chân đèo Prenn, Đà Lạt (tại xã Hiệp An - Đức Trọng), cách Quốc lộ 20 không xa phía bên trong là xưởng dệt may thổ cẩm K’Long đã hoạt động trong hơn 15 năm nay. Trên chiếc bàn rộng trong xưởng may, Ma Hỏa, 21 tuổi đang chậm rãi cắt vải thành các mảnh nhỏ theo đường phấn đã vạch sẵn “Vải này dùng để lót cho túi xách phía trong” - Ma Hỏa nói.
21 tuổi, người Tà In, Đức Trọng, cô gái người Chu Ru - Ma Hỏa mới chỉ học hết lớp 6 rồi ở nhà làm ruộng. Được một cha xứ trong vùng giới thiệu, cô lên đây học nghề đã được hơn 2 tháng, đã bắt đầu làm được một số việc đơn giản tại xưởng. “Học may cũng không khó lắm, nếu chịu khó vừa học vừa nhìn mọi người làm để làm theo thì cũng nhanh biết thôi” - Ma Hỏa cho biết.
Cùng làm việc với Ma Hỏa tại đây còn có hơn 20 người, có người làm ở đây vài năm, có người gắn bó đã trên chục năm. Phần lớn nhân công trong xưởng là người dân tộc thiểu số ở quanh đây, trong làng K’Ho K’Long, nhưng cũng có người Kinh từ Bảo Lộc lên, có người Chu Ru, ở Đơn Dương sang.
Như Ka Mây, mới 21 tuổi nhưng làm ở đây đã gần 4 năm. “Hồi đó học hết lớp 12, nhà khó khăn nên vào học may rồi làm luôn ở đây, nhà trong làng nên đi lại rất gần, làm ở đây cũng rất thoải mái, luôn có hàng để may, công việc ổn định” - Ka Mây cho biết. Xưởng dệt - may này do Giáo xứ Donbosco K’Long xây dựng nên và người khởi xướng là cha xứ Nguyễn Tiến Hùng. Khoảng đầu năm 2000 ông đã gửi K’Tinh, sinh 1970 - một thanh niên khuyết tật người làng K’Long xuống TP Hồ Chí Minh để học may và sau 1 năm “tu nghiệp” anh đã quay về cùng cha xứ mở xưởng dệt may thổ cẩm tại đây. “Thì cũng muốn giữ gìn nghề dệt thổ cẩm của cha ông truyền lại, tạo công ăn việc làm cho người làng” - K’Tinh nói.
Theo K’Tinh, thời cao điểm, xưởng dệt - may nơi đây đã từng có 50-60 người làm, cả ở khâu dệt lẫn khâu may. Nhưng rồi nghề dệt thưa vắng dần vì giá thành vải làm ra đắt, xưởng phải mua vải từ nhiều nơi về, chỉ còn dệt những mẫu hoa văn cần thiết. Đến nay xưởng dệt chỉ còn vài người, như “trình diễn” cho du khách xem, trong khi đó xưởng may lại hoạt động khá tốt với trên 20 người làm việc hằng ngày tại đây. Hàng may ra chủ yếu là váy áo thổ cẩm, túi xách, ba lô mang sau lưng, ví… với các họa tiết dân tộc. Hàng nơi đây không chỉ bán cho khách du lịch ghé thăm tại chỗ mà còn bán đi khắp nơi, từ các điểm du lịch tại Đà Lạt, TP Hồ Chí Minh, các tỉnh phía Bắc…
Điều thú vị, K’Tinh không chỉ là người dạy may và trực tiếp may hàng mà còn là người thiết kế ra các sản phẩm thổ cẩm đặc thù này. “Thỉnh thoảng cũng phải đi đây đi đó để nhìn và học thêm mẫu mới”, anh bảo từ khi mở xưởng đến nay đã dạy may cho rất nhiều người, không nhớ hết đâu.
Tuy nhiên, có một điều ưu tư, như chị Ka Toàn - phụ trách bán hàng ở đây cho biết, chính là lương cho người dệt - may tại xưởng khá thấp: “Cơ sở này duy trì trong hơn 15 năm nay, đã có chỗ đứng trên thị trường nhưng hàng bán chạy nhất là vào dịp hè, mùa du lịch, còn từ tháng 9 đến tết rất chậm. Xưởng cũng mong duy trì để tạo công ăn việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số trong vùng, giữ lại nghề dệt truyền thống cho con cháu nhưng cũng nhiều khó khăn, hàng chậm nên lương của chị em trong xưởng không cao, tháng chỉ 2-3 triệu đồng hoặc hơn chút, coi như lấy công làm lời mà thôi”.
Xã hội hóa giáo dục - dạy nghề
Rất nhiều tổ chức các tôn giáo trong tỉnh nhiều năm nay đã tham gia vào việc dạy nghề thông qua chủ trương xã hội hóa, đặc biệt là 2 tôn giáo lớn là Phật giáo và Thiên chúa giáo.
Tiên phong trong Thiên chúa giáo là Cộng đoàn Donbosco. Cùng với Cộng đoàn Donbosco K’Long mở xưởng dệt may thổ cẩm ở Đức Trọng thì Cộng đoàn Donbosco tại Bảo Lộc đã mở trường Trung cấp nghề Tân Tiến đào tạo rất nhiều nghề cho thanh thiếu niên.
Tại Đà Lạt, Dòng La San gần đây cũng đã mở Trường Tư thục dạy nghề La San tại Phường 4, cũng đào tạo rất nhiều ngành nghề như may, thêu, đan, điện gia dụng, công nghệ thông tin, kỹ thuật cấy mô trong nông nghiệp… Bắt đầu khai giảng từ năm 2014 đến nay, Tư thục dạy nghề La San đã có rất nhiều lớp đào tạo từ các lớp ngắn hạn đến dài hạn, mỗi lớp như thế trung bình có khoảng 60 học viên. Hiện ngôi trường này đang có kế hoạch xây dựng thêm các công trình nơi đây để mở rộng việc dạy nghề. Trước đó, tại Đơn Dương, Tu hội Truyền giáo Thánh Vinh Sơn cũng thành lập trường dạy nghề tại xã Quảng Lập từ năm 2009, đào tạo nhiều nghề như thêu, sửa xe máy cho thanh niên người dân tộc thiểu số.
Cùng với dạy nghề, các tổ chức tôn giáo lâu nay còn tham gia mở trường, mở lớp mẫu giáo tư thục, nhóm trẻ, lớp học tình thương, mở cơ sở lưu trú cho học sinh, sinh viên.
Toàn tỉnh Lâm Đồng hiện nay có 86 cơ sở mầm non tư thục được cấp phép hoạt động trong đó có 29 trường mầm non, 16 lớp mầm non và trên 40 nhóm trẻ. Điều đáng ghi nhận là các cơ sở giáo dục và dạy nghề ở nhiều nơi không thu học phí mà còn hỗ trợ tiền ăn trưa cho các học sinh - học viên người dân tộc thiểu số và gia đình nghèo.
Như Ma Hỏa, học viên của xưởng dệt may thổ cẩm K’Long cho biết, người học may ở đây được cha xứ hỗ trợ nhiều thứ, từ chỗ ở lại, hỗ trợ ăn trưa, học xong có thể vào làm ở đây hoặc có thể tìm việc ở các xưởng may trong nước hoặc về nhà mở tiệm may. “Nhà đâu có nhiều đất đai nên em mong có được một cái nghề để kiếm sống sau này” - Ma Hỏa suy nghĩ.
VIẾT TRỌNG