Có một chủ doanh nghiệp tư nhân gắn bó với cây thuốc Lâm Đồng vừa được Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh khen thưởng về những đóng góp to lớn trong lĩnh vực này. Đó là ông Phạm Hoàng - Giám đốc Công ty TNHH Ưu Sinh Học đã có thành tích nghiên cứu khoa học về dược liệu.
Có một chủ doanh nghiệp tư nhân gắn bó với cây thuốc Lâm Đồng vừa được Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh khen thưởng về những đóng góp to lớn trong lĩnh vực này. Đó là ông Phạm Hoàng - Giám đốc Công ty TNHH Ưu Sinh Học đã có thành tích nghiên cứu khoa học về dược liệu.
|
Gian hàng trưng bày các sản phẩm từ cây Phật thủ tại các hội chợ Techmart của Công ty TNHH Ưu Sinh Học. Ảnh: An Nhiên |
Công ty TNHH Ưu Sinh Học đã chú trọng đến hoạt động khảo nghiệm giống dược liệu từ năm 2012 trên vùng đất tiếp giáp giao thoa giữa hai biên độ nhiệt: Đạ Ròn (Đơn Dương). Tại đây, trên diện tích 0,5 ha cây Phật thủ được trồng cây gây giống sau 3 năm đã cho sản phẩm thu hoạch, chế biến thành phẩm và hom giống. Sản phẩm chế biến thô từ Phật thủ gồm: rượu, mứt sấy khô được đưa ra thị trường và tham dự các kỳ hội chợ Techmart Đắk Nông, Nha Trang (Khánh Hòa) cùng với cây giống, quả tươi thương phẩm được khách hàng yêu thích đặt hàng, chuyển giao giống, kỹ thuật trồng, chăm sóc. Qua 4 năm, Công ty đã chuyển giao kỹ thuật cho một số nông hộ trồng Phật thủ ở tại Lâm Đồng và các tỉnh Khánh Hòa, Đắk Lắk, Đắk Nông, các cây Phật thủ ở những nơi này cũng đã cho trái.
Giám đốc Công ty TNHH Ưu Sinh Học, ông Phạm Hoàng cho biết, qua chu trình canh tác, chuyển giao cho các nông hộ trồng Phật thủ thành công, chúng tôi đã thanh lý vườn cây, chuẩn bị các điều kiện ổn định cho vườn ươm cây dược liệu do Công ty liên kết đầu tư với Trung tâm bảo tồn và chế biến cây dược liệu thuộc Văn phòng Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa ngành nghề nông thôn phía Nam nhằm tiếp cận nguồn vốn để nhân giống bảo tồn cây Actiso. Bên cạnh đó, Công ty đang nhân giống và khảo nghiệm nhóm cây dược liệu quý phục vụ hỗ trợ điều trị HIV tại các vườn giống ở Tà Nung, Đạ Ròn và Đà Lạt. Đồng thời, Công ty đầu tư xây dựng phòng Lab sẽ là nguồn đầu vào cùng với các nhóm cây dược liệu bản địa, ngoại nhập tại Lâm Đồng và Tây Nguyên sẽ đảm bảo tính ổn định, bền vững cho hoạt động xưởng chế biến dược liệu của Công ty đến năm 2030.
Ông Phạm Hoàng cho biết thêm, trong điều kiện tiềm năng dược liệu phong phú của Lâm Đồng, một số nhóm doanh nghiệp nông hộ đã tổ chức trồng dược liệu và cơ quan khuyến nông tỉnh cũng hỗ trợ cho nông hộ phát triển. Tuy nhiên, những rào cản làm hạn chế việc bảo tồn, phát triển dược liệu của địa phương chính là: Quy hoạch chuỗi cung ứng, chế biến, tiêu thụ… chưa đồng bộ, chưa tạo ra giá trị cạnh tranh, tăng thêm; các cơ sở nhỏ lẻ có sản phẩm sơ chế, không kiểm soát được nguồn gốc, phá giá với sản phẩm có thương hiệu và không được xử lý theo luật định. Ngoài Ladophar - đơn vị dẫn đầu về chế biến, tiêu thụ dược liệu và xây dựng được chuỗi phân phối dược liệu, thực phẩm chức năng thì phần lớn các doanh nghiệp nhỏ chỉ dừng lại ở phân khúc thị phần đã đáp ứng được như: nguyên liệu sơ chế thô, thực phẩm chức năng, rượu…; tính liên kết bị dừng lại theo mùa vụ, đơn hàng hoặc bị khống chế bởi thông tin, mặt bằng giá tiêu thụ thị trường ASEAN. Nông hộ, doanh nghiệp nhỏ phân tán bị các đầu mối thương lái ép giá hoặc kích ứng khai thác nguồn dược liệu tự nhiên không kiểm soát để bán thô hoặc không đủ vốn, trình độ kỹ thuật và năng lực để tạo chuỗi liên kết cung ứng hoặc đầu tư xưởng sơ chế bảo quản các cây thuốc quý như Đinh lăng, Bạch chỉ, Lan gấm, Đông trùng hạ thảo… Địa phương chưa có đơn vị đầu mối kiểm định dược chất sau thu hoạch; kiểm định và cung ứng giống dược liệu chất lượng theo quy chuẩn vùng, quốc gia; hoạt động thương mại ở quy mô nông hộ theo mùa vụ, bán thô sơ chế, không kiểm soát, giá thấp và không ổn định.
Theo Giám đốc Công ty TNHH Ưu Sinh Học, để hoạt động bảo tồn và phát triển dược liệu của tỉnh mang lại tính chất ổn định bền vững cần sớm có các giải pháp như: Về quản lý nhà nước cần tăng cường quy hoạch bảo tồn, phát triển cây thuốc khu vực dân doanh, nông hộ đến năm 2020 và tầm nhìn 2030. Có chính sách hỗ trợ thu hút doanh nghiệp, HTX làm vệ tinh đầu tư đến nhóm nông hộ trồng và chế biến cây thuốc. Xây dựng quy chuẩn chất lượng thương hiệu với nhóm dược liệu ưu tiên phát triển; ứng dụng công nghệ sinh học, kỹ thuật sấy, chiết xuất, trích ly, bảo vệ nguồn gen, nhân giống… đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh nhóm dược liệu có thương hiệu vùng, quốc gia, có giá trị cao sau thu hoạch, chế biến. Tăng tỉ lệ hội viên là doanh nghiệp trong Hội Dược liệu tỉnh, tạo ra chuỗi giá trị liên kết hỗ trợ, cung ứng, phân phối, phát triển hàng hóa có giá trị cạnh tranh từ cây dược liệu. Tạo lập mối quan hệ với phòng Lab các trường đại học, cao đẳng, viện nghiên cứu khoa học Tây Nguyên, các Hội chuyên ngành trong tỉnh để hỗ trợ, tư vấn, phản biện các đề tài khoa học, ứng dụng công nghệ kỹ thuật mới, công nghệ sinh học trong bảo tồn, phát triển cây thuốc quý.
AN NHIÊN