Lâm Đồng quan tâm công tác đền ơn, đáp nghĩa, thực hiện chính sách người có công

09:07, 13/07/2017

Lâm Đồng hiện có 39.830 đối tượng thuộc diện chính sách, người có công. Trong đó: 3.973 thương binh, 1.981 bệnh binh, 5.164 gia đình liệt sĩ, 4 Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, 1.111 người có công với cách mạng, 300 bà mẹ được phong và truy tặng Mẹ Việt Nam Anh hùng (hiện có 32 mẹ còn sống) đang được các tổ chức, đoàn thể phụng dưỡng, chăm sóc...

Lâm Đồng hiện có 39.830 đối tượng thuộc diện chính sách, người có công. Trong đó: 3.973 thương binh, 1.981 bệnh binh, 5.164 gia đình liệt sĩ, 4 Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, 1.111 người có công với cách mạng, 300 bà mẹ được phong và truy tặng Mẹ Việt Nam Anh hùng (hiện có 32 mẹ còn sống) đang được các tổ chức, đoàn thể phụng dưỡng, chăm sóc. Ngoài ra, toàn tỉnh còn có 120 cán bộ tiền khởi nghĩa, 94 cán bộ lão thành cách mạng, 2.504 người là nạn nhân chất độc da cam...; toàn tỉnh có hơn 3.000 mộ liệt sĩ ở các nghĩa trang liệt sĩ thành phố Đà Lạt, Bảo Lộc, huyện Di Linh và hàng chục nhà bia ghi tên liệt sĩ ở các xã anh hùng trong toàn tỉnh. Các nghĩa trang liệt sĩ được xây dựng khang trang, sạch đẹp, là những công trình lịch sử, văn hóa của địa phương.
 
Đoàn viên Cụm Đảng, đoàn thể - trường học thăm, tặng quà gia đình có công với cách mạng tại xã Đạ Chais, huyện Lạc Dương. Ảnh: N.Ngà
Đoàn viên Cụm Đảng, đoàn thể - trường học thăm, tặng quà gia đình có công với cách mạng tại xã Đạ Chais, huyện Lạc Dương. Ảnh: N.Ngà
Mặc dù tình hình kinh tế địa phương còn không ít khó khăn, thách thức, nhưng các cấp ủy đảng, chính quyền luôn quan tâm, chú trọng và thực hiện tốt công tác đền ơn, đáp nghĩa. Toàn tỉnh hiện có 10.035 đối tượng được chi trả trợ cấp hàng tháng, kinh phí chi trả 16.231.670.000 đồng/tháng. Với phương châm Nhà nước và xã hội cùng chung tay chăm sóc các đối tượng chính sách và người có công, trong 10 năm qua, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” của tỉnh đã ủng hộ hơn 34 tỷ đồng; sửa chữa và xây dựng mới hơn 1.000 ngôi nhà tình nghĩa; hàng chục vườn cây, ao cá và trên 200 sổ tiết kiệm tình nghĩa với số tiền gần 1 tỷ đồng được trao tặng cho những người được hưởng chính sách ưu đãi. Toàn tỉnh có gần 4.000 thương binh, bệnh binh được chăm lo, giúp đỡ chu đáo ở gia đình; 32 Mẹ Việt Nam Anh hùng và con liệt sĩ mồ côi được các tổ chức chính trị xã hội, các cơ quan, đơn vị quân đội, công an, trường học, bệnh viện, doanh nghiệp… nhận đỡ đầu, chăm sóc. 
 
Cùng với việc thực hiện các chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” đối với người có công với cách mạng đã trở thành hoạt động thường xuyên và sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân. Các cấp ủy đảng và chính quyền, cùng với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị, xã hội và các đơn vị, cá nhân đã tự nguyện vận động, quyên góp, tổ chức nhiều hoạt động thiết thực như: tặng nhà tình nghĩa, xây dựng Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, “Tổ thương binh tình nghĩa”, “Đi tìm đồng đội”, “Xã phường làm tốt công tác chăm sóc người có công”..., đã mang lại những hiệu quả to lớn, thiết thực. Phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” được phát huy và nhân rộng; đã có 100% xã, phường, thị trấn được công nhận thực hiện tốt công tác đền ơn đáp nghĩa. Do vậy, toàn tỉnh đã có 99,5% hộ gia đình chính sách có mức sống bằng hoặc khá hơn mức sống trung bình của dân cư địa bàn cư trú. Nhiều thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ đã trở thành những nhà quản lý, nhà khoa học tài giỏi, những doanh nhân thành đạt... 
 
Thắp nến tri ân khơi dậy truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” tốt đẹp của dân tộc. Ảnh: P.Nhân
Thắp nến tri ân khơi dậy truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” tốt đẹp của dân tộc. Ảnh: P.Nhân
Với đạo nghĩa “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, thời gian tới, các cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh cần tiếp tục đẩy mạnh, làm tốt hơn nữa công tác “Đền ơn đáp nghĩa” đối với những gia đình thương binh, liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng. Theo đó, thực hiện tốt những nhiệm vụ sau:
 
Một là, đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị, tư tưởng; bồi đắp truyền thống yêu nước, đạo lý uống nước nhớ nguồn cho mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ.
 
Hai là, tiếp tục rà soát các đối tượng chính sách chưa được hưởng chế độ để giải quyết kịp thời, góp phần tri ân, xoa dịu phần nào những mất mát, hy sinh mà họ đã cống hiến cho Tổ quốc.
 
Ba là, làm tốt công tác xã hội hóa, vận động các tổ chức, cá nhân, các nhà hảo tâm, mạnh thường quân quan tâm hỗ trợ tốt hơn nữa những đối tượng chính sách, người có công có hoàn cảnh khó khăn, giúp họ vươn lên, hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống.
 
Thứ tư là, triển khai và thực hiện đồng bộ các chế độ, chính sách ưu đãi đối với người có công; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát để ngăn ngừa hoặc xử lý nghiêm những sai sót, tiêu cực trong lĩnh vực này; từ đó củng cố niềm tin, tôn vinh, lòng biết ơn của xã hội đối với người có công.
 
Năm là, các cấp ủy đảng, chính quyền tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng.
 
 NGUYỄN THỊ MỴ