Mỗi đợt hè về, những đứa trẻ sống ở đô thị, nếu không đi trại hè hoặc gia nhập các lớp học kỹ năng, thì cũng cùng bố mẹ tham quan du lịch đó đây. Các hoạt động vui chơi giải trí này ngày càng trở nên phổ biến trong giới trẻ thành phố...
Mỗi đợt hè về, những đứa trẻ sống ở đô thị, nếu không đi trại hè hoặc gia nhập các lớp học kỹ năng, thì cũng cùng bố mẹ tham quan du lịch đó đây. Các hoạt động vui chơi giải trí này ngày càng trở nên phổ biến trong giới trẻ thành phố. Chiều ngược lại, với trẻ em dân tộc thiểu số, những điều ấy còn quá xa vời, bởi mùa hè của các em là ở trên rẫy, là đi chăn trâu, bò hoặc ở nhà thay mẹ trông em.
|
Trẻ em vùng nông thôn thường tha thẩn chơi ở cạnh nhà vào dịp hè. Ảnh: T.Chu |
Bức tranh tương phản
TP Bảo Lộc 6 giờ sáng. Tôi chào ngày mới bằng ly cà phê sữa đá ở một quán cà phê có “view” khá đẹp, bất ngờ gặp ông Trần Đoàn. Ông Đoàn và tôi vốn là chỗ quen biết, nên trông thấy tôi, ông bèn ngồi xuống, xởi lởi: “Tôi vừa trở về từ đảo ngọc Phú Quốc!”.
Biết tính ông, tôi chưa vội lên tiếng, mà gọi thêm một ly cà phê đen nóng cho ông. Trong lúc chờ cà phê, ông Trần Đoàn lấy smartphone, đăng nhập facebook, rồi bắt đầu thao thao về chuyến du lịch của ông cùng cậu con trai tại đảo ngọc Phú Quốc. Như muốn tăng thêm tính thuyết phục của câu chuyện, mỗi địa danh mà ông và cậu con trai đã trải qua tại đảo ngọc Phú Quốc, đều được ông minh họa bằng một bức ảnh đính kèm. Tất cả các bức ảnh đó, ông Trần Đoàn đã chia sẻ trên facebook. “Chuyến du lịch 7 ngày tại Phú Quốc là phần thưởng cho thành tích học tập của cháu nó trong năm học vừa qua!”, ông Đoàn nói.
Theo ông Trần Đoàn, năm học 2016 - 2017, thành tích học tập của cậu con trai ông rất đáng khích lệ, tất cả các môn học đều có điểm số từ điểm 9 trở lên. Bởi thế, ông Đoàn đã không ngần ngại thưởng “nóng” cho cậu con trai bằng một chuyến du lịch, với lý do “để tiếp thêm động lực cho cháu nó cố gắng hơn trong năm học tới”.
Cũng là phần thưởng cho những nỗ lực để đạt thành tích cao trong học tập của 2 cô con gái, chị Nguyễn Thị Nhung, ngụ TP Đà Lạt, đã đưa cả gia đình xuống phố biển Nha Trang nghỉ ngơi 5 ngày. Sau khi trở về nhà chưa lâu, cơ quan của bố chị lại tổ chức cho cán bộ, công nhân, viên chức cùng gia đình đi nghỉ mát ở Nha Trang. Tình huống này khiến chị Nhung hơi khó nghĩ. “Nếu không phải Nha Trang, thì tôi cho 2 cháu nhà tôi đi ngay”, chị Nhung cho biết.
Thế rồi, chị Nhung quyết định cho 2 cô con gái ở nhà.
Mặc dù tiềm lực kinh tế gia đình chưa hẳn đã khá giả, nhưng chị Trần Thị Hiền, ngụ thị trấn Di Linh, vẫn cố tạo cho 2 đứa con một kỳ nghỉ hè bổ ích, bằng cách chọn Đà Lạt để đi du lịch, thay vì đưa con đi du lịch ngoại tỉnh. “Dù sao thì cũng phải tạo điều kiện cho con nó được đi đó đi đây để mở rộng tầm mắt. Chứ bắt con nó ở trong nhà suốt ngày ru rú cùng bố mẹ, gì chứ lạc hậu là cầm cái chắc”, chị Hiền quả quyết.
Suy nghĩ của chị Hiền là hoàn toàn xác đáng. Bởi xưa nay ông bà ta vẫn thường nói “đi một ngày đàng, học một sàng khôn” đấy thôi. Có điều không phải ai muốn cho con đi đó đi đây đều có thể thực hiện ngay được. Muốn thưởng cho con một chuyến du lịch ngắn ngày, học một khóa học năng khiếu, tham gia một trại huấn luyện kỹ năng..., yêu cầu tối thiểu là các gia đình phải có tiềm lực kinh tế. Song, yêu cầu này, rất khó khả thi với những gia đình sống ở nông thôn, nhất là những gia đình người dân tộc thiểu số.
Theo ông K’Tân, ngụ xã Đinh Trang Hòa, huyện Di Linh, do điều kiện kinh tế - xã hội vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số còn khó khăn, thiếu thốn, nên trẻ em nơi đây chưa được quan tâm đúng mức tới nhu cầu vui chơi giải trí. Việc đầu tư, tạo dựng các sân chơi cho trẻ theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng đều rất hạn chế. Sân chơi của trẻ em dân tộc thiểu số thường ở trên rẫy, bên bờ suối, thậm chí là bên vệ đường đầy bụi.
Trong suốt hành trình đi tới các xã vùng sâu của tỉnh Lâm Đồng, như: Gia Bắc, Sơn Điền, Tân Lâm, Tân Thượng, Tam Bố, Đinh Trang Thượng, Hòa Bắc (huyện Di Linh), Lộc Lâm, Lộc Bắc, Lộc Bảo, Lộc Tân (huyện Bảo Lâm), Phước Lộc, Đạ Oai, Đoàn Kết, Đạ P’Loa (huyện Đạ Huoai), Quảng Trị, Quốc Oai, An Nhơn (huyện Đạ Tẻh), Đồng Nai Thượng, Phước Cát II (huyện Cát Tiên)..., tôi không ít lần bắt gặp hình ảnh những em bé cởi trần, người đen trũi, lấm lem bùn đất, thơ thẩn chơi quanh nhà, hoặc đuổi nhau chạy trên đường dưới cái nắng chang chang. Hỏi chuyện mới biết, bố mẹ đi làm thuê, các em ở nhà tự trông nhau. Không có chỗ chơi, chúng đuổi nhau chạy ngoài đường, lúc nóng quá chúng chạy xuống suối tắm. “Tắm suối là trò chơi của chúng cháu. Ngày nào chúng cháu cũng rủ nhau ra suối tắm”, cháu K’Den, ngụ xã Đinh Trang Hòa thật tình.
Trên thực tế, có trẻ đã bị đuối nước khi đi tắm suối. Biết là chơi đùa ở suối không đảm bảo an toàn nhưng trẻ em vùng sâu không có lựa chọn nào khác, bởi chúng không có sân chơi riêng cho mình. Với các em, được thả mình vùng vẫy thỏa thích trong suối đã là một hạnh phúc.
Có thể thấy, nhiều hoạt động vui chơi của trẻ em vùng sâu chủ yếu là tự phát, bên cạnh các trò chơi đuổi bắt, thả diều, đá bóng nhựa..., các em chỉ còn biết ra suối tắm mà không có sự giám sát của người lớn.
Mong ước thật gần
Thay vì thỏa thích vui chơi trên một bãi biển thơ mộng nào đó như các bạn ở thành phố, tranh thủ những ngày không phải đến trường, một nhóm trẻ chừng 10 đứa ở xã Đinh Trang Hòa rủ nhau đi làm cỏ đổi công. Chúng chuẩn bị nào thức ăn, nước uống, xà bách... và những thứ lặt vặt khác cho một ngày lên rẫy. Ka Tràng Thy, một người trong nhóm, không quên mang theo con diều em đã nhờ người quen ở TP Bảo Lộc mua cho trước đó với giá 25.000 đồng, để đến trưa lúc nghỉ ăn cơm thả tý cho đỡ thèm. “Chúng cháu đổi công với nhau theo kiểu cuốn chiếu, làm cỏ ở rẫy bạn này xong, lại chuyển qua làm cỏ cho rẫy bạn khác. Chừng nào làm xong cỏ thì chuyển sang đi xúc cá, bắt ốc”, Ka Tràng Thy cho hay.
Theo những đứa trẻ này, các em không chỉ thiếu sân chơi riêng, mà nếu có sân chơi, các em cũng không có tiền để đến chơi. Cách chỗ các em ở khoảng 2 cây số, tại xã Hòa Ninh, có một hồ bơi. Thế nhưng, muốn vào đó để bơi, các em phải có tối thiểu 15.000 đồng cho một lần bơi. Số tiền ấy lại không dễ gì kiếm được trong độ tuổi của các em. Trong khi đó, địa phương vì nhiều lý do khác nhau chưa chú ý tới việc tổ chức các hoạt động vui chơi có quy củ cho trẻ em, thậm chí là bỏ trống mảng này.
Việc tạo dựng những sân chơi lành mạnh, những hoạt động tập thể cho trẻ em vùng sâu, vùng xa, đặc biệt là vùng dân tộc thiểu số vui chơi, rèn luyện kỹ năng giao tiếp, kỹ năng sống giúp trẻ mạnh dạn hơn là điều cần thiết. Nên chăng, thời gian tới, các cấp chính quyền, đoàn thể cần quan tâm nghiên cứu, xây dựng các chương trình, sân chơi cho trẻ ở địa bàn này nhiều hơn để các em được phát triển toàn diện và tránh được các tai nạn đáng tiếc xảy ra khi thiếu sân chơi, thiếu sự giám sát, quản lý của người lớn.
TRỊNH CHU