Cách đây chưa lâu, tại Hội nghị tiếp xúc cử tri các huyện, thành phía Nam tỉnh Lâm Đồng với Đoàn ĐBQH khóa XIV, ông Đoàn Văn Việt, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH khóa XIV đơn vị tỉnh Lâm Đồng thông tin: từ tháng 12 năm 2017, địa phương Lâm Đồng sẽ bắt đầu áp giá viện phí mới theo Thông tư số 02/2017/TT - BYT của Bộ Y tế.
Cách đây chưa lâu, tại Hội nghị tiếp xúc cử tri các huyện, thành phía Nam tỉnh Lâm Đồng với Đoàn ĐBQH khóa XIV, ông Đoàn Văn Việt, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH khóa XIV đơn vị tỉnh Lâm Đồng thông tin: từ tháng 12 năm 2017, địa phương Lâm Đồng sẽ bắt đầu áp giá viện phí mới theo Thông tư số 02/2017/TT - BYT của Bộ Y tế.
Theo quy định tại thông tư này, có 3 nhóm dịch vụ dành cho người chưa có thẻ bảo hiểm y tế được điều chỉnh khung giá tối đa, bao gồm: giá dịch vụ khám bệnh, kiểm tra sức khỏe; giá dịch vụ ngày giường điều trị và giá dịch vụ kỹ thuật, xét nghiệm. Trong 3 nhóm dịch vụ trên, nhóm dịch vụ khám bệnh và nhóm dịch vụ ngày giường điều trị có mức tăng giá rất mạnh, cao gấp 2 - 4 lần so với giá hiện hành. Cụ thể, ở phòng khám đa khoa khu vực hoặc trạm y tế, tiền khám bệnh tăng 4 lần. Số tiền này tăng 2 lần nếu khám bệnh ở bệnh viện hạng 1 và hạng 2. Tuy nhiên, tác động mạnh nhất đến người bệnh chưa có thẻ bảo hiểm y tế là ở nhóm giá dịch vụ kỹ thuật và xét nghiệm.
Đặc biệt, Thông tư số 02 của Bộ Y tế còn quy định có những dịch vụ y tế có chi phí rất cao, ví như: dịch vụ chụp PET CT chi phí tối đa lên đến trên 20 triệu đồng, dịch vụ chụp PET CT mô phỏng xạ trị có chi phí gần 21 triệu đồng... Do vậy, với việc áp giá viện phí mới, nếu người bệnh không có bảo hiểm y tế, lại chẳng may gặp phải bệnh nặng cần điều trị dài ngày, thì áp lực về mặt tài chính là rất lớn.
Trước thông tin địa phương Lâm Đồng áp dụng khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo Thông tư số 02 của Bộ Y tế, nhiều cử tri tỏ rõ lo lắng, nhất là các hộ dân vừa thoát nghèo. Cử tri Nguyễn Thị Tuân (ngụ Tổ dân phố 3, thị trấn Cát Tiên, huyện Cát Tiên) bày tỏ: “Với việc điều chỉnh viện phí này, bệnh nhân không có bảo hiểm y tế là người bị ảnh hưởng nhiều nhất”.
Cử tri K’Lú (ngụ tổ dân phố 2A, thị trấn Đạ Tẻh, huyện Đạ Tẻh) chia sẻ: “Nếu không có những điều chỉnh từ phía chính sách, các hộ dân mới thoát nghèo sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Vì trước nay họ vẫn thuộc diện được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí. Song, giờ thoát nghèo rồi, đồng nghĩa với việc “ra” khỏi diện được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí, trong khi việc tham gia bảo hiểm y tế đối với các gia đình này quả là vấn đề nan giải”.
Có cùng quan điểm với cử tri K’Lú, cử tri Nguyễn Thị Ngọ (ngụ Thôn 7, xã Đạ Kho, huyện Đạ Tẻh) kiến nghị: “ĐBQH nên xem xét, cân nhắc để đề xuất với ngành chức năng cấp thêm 1 năm thẻ bảo hiểm y tế cho các đối tượng vừa thoát nghèo”.
Theo cử tri Ngọ, việc cấp thêm 1 năm thẻ bảo hiểm y tế cho đối tượng trên là cần thiết. Bởi, họ vừa thoát nghèo, cần có thời gian để phát triển kinh tế. Một khi kinh tế ổn định thì việc các gia đình này tham gia bảo hiểm y tế là chuyện hoàn toàn khả thi.
TRỊNH CHU