Quan niệm "Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô" trong xã hội hiện nay không còn nặng nề như trước đây. Nhiều gia đình hiểu rõ và thực hiện đúng chính sách dân số với thông điệp dễ thuộc, dễ nhớ: "Dù gái hay trai, chỉ hai là đủ".
Quan niệm “Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô” trong xã hội hiện nay không còn nặng nề như trước đây. Nhiều gia đình hiểu rõ và thực hiện đúng chính sách dân số với thông điệp dễ thuộc, dễ nhớ: “Dù gái hay trai, chỉ hai là đủ”.
|
Chị Nguyễn Thị Mỹ Bình - nữ hộ sinh của TYT Lộc Ngãi hài lòng với 2 cô con gái dễ thương. Ảnh: A.Nhiên |
Gia đình thế hệ 8X
Gia đình thế hệ 8X của anh Nguyễn Nhật Trường (SN 1982) và chị Hoàng Thị Kim Oanh (SN 1983) có 2 cô con gái đang học lớp 7 và lớp 4 ở Tổ dân phố 3 - phường Lộc Phát, là gương sáng về sinh con một bề vươn lên trong sản xuất, gương mẫu trong sinh hoạt cộng đồng, sống tốt đời đẹp đạo. Anh Trường cho biết: “Bây giờ những gia đình trẻ như chúng tôi đều không nặng nề chuyện sinh con trai hay con gái và họ cũng không muốn sinh nhiều, chỉ 1 - 2 đứa con thôi, trai hay gái không quan trọng lắm. Bên đạo Công giáo không giới hạn số con nhưng tùy khả năng của mình, mỗi cặp vợ chồng quyết định số con để nuôi dạy cho nên người. Chúng tôi nghĩ sinh ít con để dễ dàng chăm sóc, cho bé đi học, con nào cũng là con, mình đều chăm sóc nuôi dưỡng, không có con trai cũng không sao”.
Anh Trường là con trai duy nhất trong gia đình có 5 chị em, khi sinh cháu nội là 2 con gái, chị Oanh cho biết: “Gia đình nhà chồng cũng dễ, không nhất thiết phải có con trai, bà nội quý hai cháu lắm. Có cộng tác viên dân số đến vận động vì gia đình tôi sinh con 1 bề là gái dễ dẫn đến sinh con thứ ba trở lên nhưng tự mình cũng ý thức được không sinh nhiều con đâu. Tôi thấy bây giờ tệ nạn xã hội nhiều, thấy nhiều gia đình có con trai nghịch phá nên không mơ con trai”.
Anh Trường cũng chia sẻ: “Vợ chồng tôi chỉ học hết phổ thông, lúc mới lập gia đình vất vả, chật vật, rồi tự lực vươn lên. Có 2 đứa con nhỏ thì mình càng cố gắng làm lụng vì đã sinh con thì phải nuôi con tốt. Bên cạnh việc làm rẫy cà phê 2 mẫu, lúc nông nhàn thì tôi đi làm thợ hồ, cuộc sống đủ ăn để lo cho 2 bé ăn học. Đến giờ thì gia đình đã mua đất xây được ngôi nhà khang trang như thế này”.
Nếu như gia đình anh Trường theo đạo Thiên chúa giáo thì gia đình chị Bình lại theo đạo Phật cũng đều dừng lại ở 2 con gái. Chúng tôi đến Thôn 1, xã Lộc Ngãi, Bảo Lâm thăm nhà chị Nguyễn Thị Mỹ Bình cũng thuộc thế hệ 8X (SN 1984), làm nữ hộ sinh của Trạm Y tế Lộc Ngãi hơn 10 năm. Chị đã sinh 2 gái (4 và 8 tuổi) cho biết: “Với bản thân em hoặc trong gia đình cảm nhận sinh con trai hay con gái thấy bình thường, không vấn đề gì hết. Còn khi ra ngoài xã hội gặp bạn bè, người nọ người kia cứ hỏi “Có 2 gái rồi thì sinh thêm nữa à? Có sinh nữa không?”. Nói chung, chúng tôi không có áp lực gì chuyện có 2 con gái. Chồng tôi làm vườn và làm MC đám tiệc, có 2 con gái cũng vui vẻ, cả hai cũng đều không có ý định sinh thêm con”.
Mẹ chồng chị Bình, bà Phạm Thị Quận, 79 tuổi, nói: “Tôi có 5 đứa con, 3 gái, 2 con trai, đang ở với con trai út, Bình là dâu út có 2 cháu gái, con nào cũng con, gái như trai. Chồng tôi mất 18 năm, khi sống cũng ở đây với con trai út, tôi nghĩ con trai cũng như con gái. Bây giờ đẻ thì dễ nhưng mai mốt nuôi cho ăn học khó lắm, không có tiền mà nuôi đâu, nó đẻ thì tùy nó chứ mình đâu có đẻ nhưng mà cực. Có 2 gái rồi nếu đẻ nữa biết đâu ra con trai hay gái nữa, rồi làm ăn khó khăn, bỏ con lăn lóc khổ, hồi thế hệ già này đẻ 5 - 10 đứa cực lắm, bà theo đạo Phật nên cầu bình an phước nhà là đủ rồi, mà xã hội có nhiều người có 1 thằng con trai quậy phá, xì ke ma túy, mẹ cha không thờ nổi, nhức đầu nhức óc, ham gì con trai”.
Siêu âm đã biết gái, biết trai
Tại Trung tâm Y tế Bảo Lâm, chị Vũ Thị Hương ở Tổ 6, thị trấn Lộc Thắng (Bảo Lâm) mang thai 29 tuần con thứ hai, chị đi khám thai cho biết: “Qua khám thai, tôi đã biết con gái, đứa con đầu được 4 tuổi cũng là con gái. Với gia đình tôi không quan trọng con trai hay con gái, nói chung con nào cũng được, cứ sinh đủ hai con, vì nhà chồng cũng không nặng nề chuyện con trai con gái nên tâm lý cũng thoải mái”.
Nằm tại phòng sinh được 1 ngày, chị H’Dung, 23 tuổi (ở Tổ 8, thị trấn Lộc Thắng), mới có con trai đầu lòng, sinh thường 3 kg, cho biết: “Theo quan niệm người M’Nông chúng em thích con gái, nhưng bây giờ bà con cũng không quan trọng phải có con gái như trước đây, con nào cũng là con. Đối với mình thì thích 2 đứa con, 1 trai 1 gái để dễ nuôi. Nếu không có con gái thì mình vẫn sinh 2 đứa thôi. Gia đình mình còn là hộ nghèo, chồng đánh cá ở hồ Bảo Lâm, còn mình em chỉ ở nhà nên chỉ muốn sinh 2 con thôi không sinh nhiều”.
BSCK I Lục Văn Công - Trưởng Khoa sản, Trung tâm Y tế Bảo Lâm cho biết: Thống kê, tại khoa sản có số sinh năm 2016 là 790 trẻ sơ sinh, trong đó bé trai 373 cháu và 417 bé gái. Trong 6 tháng đầu năm 2017 có 402 trẻ sơ sinh thì có 194 bé trai và 208 bé gái. Như vậy, thực tế, số trẻ sinh ra ở bệnh viện mà chúng tôi thống kê thì bé gái vẫn nhiều hơn bé trai. Có tháng thì tỉ lệ bé trai ra đời cao hơn nhưng cũng có tháng tỉ lệ bé gái sơ sinh nhiều hơn. Tình trạng can thiệp giới tính thì không có, chứ siêu âm thấy con gái rồi thì đi làm dịch vụ bỏ thai để không sanh nữa thì tôi chưa thấy ai đề nghị nhu cầu này. Các vùng có các bà mẹ đến sinh con tại bệnh viện này bao gồm: Lộc Bắc, Lộc Bảo, Lộc Lâm, B’Lá, Lộc Thắng, Lộc Ngãi; còn 3 xã Lộc Thành, Lộc An, Lộc Tân thì không về đây sinh do quá xa Trung tâm Y tế Bảo Lâm.
Bác sĩ Công cho biết thêm: “Đã 27 năm công tác ở đây, tôi làm công tác siêu âm thì thấy rằng tuần thứ ba, thứ tư người ta đã hỏi con tôi thế nào trai hay gái, nhưng vì con gái hay con trai mà lựa chọn phá thai thì tôi thấy không có. Người ta chỉ hỏi vậy thôi, phần lớn người ta biết giới tính của con mình khi mang thai, do siêu âm thông báo nhưng trong giấy tờ thì bác sĩ không ghi giới tính nam hay nữ, nhưng trong khi bệnh nhân khám siêu âm thì người ta hỏi bác sĩ cũng nói nhỏ cho biết con chị là nam hay con chị là nữ rồi. Biết giới tính xong để bà bầu chuẩn bị đồ mặc cho bé sơ sinh, ngay như đồ nam đồ nữ cũng khác. Nên có lúc tôi siêu âm hỏi bà bầu biết giới tính để làm gì thì bảo là để chuẩn bị đồ cho bé, còn sàng lọc bỏ thai thì chưa thấy nói. Trong xã hội chắc chắn có lựa chọn giới tính thai nhi, tuy nhiên theo tôi không nhiều lắm. Vì thực tế tôi gặp trường hợp đẻ hai đứa con gái, khi sinh con thứ ba cũng con gái luôn, khi tôi được đề nghị mổ đẻ ra con gái rồi thì người chồng đến biết con gái không thèm chăm sóc. Trường hợp này ít thôi, đó do tâm lý nhưng không nhiều, thỉnh thoảng có người như vậy thôi, còn đa số thì người ta có con gái hay con trai khi sinh ra rồi thì chấp nhận vậy. Đối với đồng bào dân tộc thì không nhất thiết con trai, họ thích con gái hơn.
Phóng sự: AN NHIÊN