Quản lý, bảo vệ rừng còn nhiều thử thách

09:07, 07/07/2017

Báo cáo của Chi cục Kiểm lâm Lâm Đồng cho biết: Trong 6 tháng đầu năm 2017, toàn tỉnh đã phát hiện, lập biên bản 543 vụ vi phạm về quản lý, bảo vệ rừng (QLBVR), diện tích thiệt hại do phá rừng hơn 44 ha, (so cùng kỳ năm 2016 đã giảm 22,2% số vụ và 36,6% về diện tích)...

Báo cáo của Chi cục Kiểm lâm Lâm Đồng cho biết: Trong 6 tháng đầu năm 2017, toàn tỉnh đã phát hiện, lập biên bản 543 vụ vi phạm về quản lý, bảo vệ rừng (QLBVR), diện tích thiệt hại do phá rừng hơn 44 ha, (so cùng kỳ năm 2016 đã giảm 22,2% số vụ và 36,6% về diện tích). Tuy nhiên, mục tiêu giảm ít nhất 20% về số vụ vi phạm và 50% về diện tích rừng bị thiệt hại trong năm 2017 so với năm 2016 mà ngành NN&PTNT đặt ra liệu có hoàn thành?  
 
Tang vật phá rừng do Công an và Kiểm lâm huyện Đức Trọng bắt, lập biên bản xử lý vào tháng 3/2017. Ảnh: M Đạo
Tang vật phá rừng do Công an và Kiểm lâm huyện Đức Trọng bắt, lập biên bản xử lý vào tháng 3/2017.
Ảnh: M Đạo
 
6 tháng đầu năm 2017, thực hiện nhiệm vụ QLBVR và phát triển rừng ở Lâm Đồng được tiếp sức bởi Chỉ thị số 13/CT-TW ngày 12/1/2017 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác QLBVR và phát triển rừng. Cùng các văn bản khác của Thủ tướng Chính phủ, của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Lâm Đồng... là những cơ sở quan trọng để Chi cục Kiểm lâm Lâm Đồng với vai trò là cơ quan thường trực Ban chỉ đạo về Kế hoạch BV&PTR triển khai trong công tác tham mưu, chỉ đạo và điều hành, ông Nguyễn Khang Thiên - Chi cục trưởng cho hay. 
 
Một trong những giải pháp quan trọng đầu tiên là công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật bảo vệ rừng (BVR). Trong 6 tháng, Chi cục phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức được 221 cuộc với 11.443 lượt người tham gia, ký 547 bản cam kết BVR... Cùng đó, “cánh tay nối dài” của ngành Kiểm lâm được phát huy chính là 95 Ban Lâm nghiệp xã với 1.494 thành viên, trong đó có 113 kiểm lâm phụ trách địa bàn. Lâm Đồng là địa phương duy nhất triển khai mô hình hoạt động của Ban Lâm nghiệp xã và sau 4 năm thực hiện, mô hình này đã chứng minh được cầu nối ngành lâm nghiệp và chính quyền địa phương trong công tác tuyên truyền BVR ở cộng đồng dân cư, phối hợp tuần tra, kiểm tra và phát hiện, ngăn chặn các hành vi vi phạm trên địa bàn. Tuy nhiên, theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Lâm Đồng Võ Danh Tuyên, sắp tới cần có sơ kết đánh giá những mặt tốt để tiếp tục phát huy, đồng thời phân tích những vấn đề còn tồn tại, hạn chế nhằm điều chỉnh, bổ sung cơ chế hoạt động hiệu quả hơn. 
 
Trong 543 vụ vi phạm Luật BV&PTR của 6 tháng đầu năm 2017, vi phạm quy định về quản lý lâm sản cao nhất với 252 vụ; kế đến là vi phạm quy định về phát triển rừng 150 vụ và vi phạm quy định về quản lý rừng, sử dụng rừng 141 vụ. 
 
Trong các hành vi vi phạm, đáng lưu ý nhiều nhất là khai thác rừng trái phép 138 vụ với 777,640 m 3; phá rừng trái pháp luật 137 vụ với hơn 44 ha và hành vi mua, bán, cất giữ, chế biến, kinh doanh lâm sản trái các quy định của Nhà nước 125 vụ với gần 199 m 3
 
Trong 6 tháng, các ngành chức năng đã xử lý 682 vụ, trong đó 646 vụ xử lý hành chính và 18 vụ chuyển xử lý hình sự. Ngoài tịch thu các phương tiện, qua xử lý vi phạm cơ quan chức năng còn thu hơn 745 m 3 gỗ tròn, gỗ xẻ các loại, 74 cá thể và 85 kg động vật rừng; thu nộp ngân sách gần 5.207 triệu đồng. 
 
Trong các kết quả đạt được, đáng ghi nhận nhất là công tác phòng cháy chữa cháy rừng mùa khô 2016-2017. Dĩ nhiên, về khách quan, năm 2017 thời tiết có nhiều thuận lợi hơn, mưa rải rác trên diện rộng; mặt chủ quan, ngành Kiểm lâm đã chủ động hơn trong triển khai chặt chẽ ngay từ đầu. Vì vậy, toàn tỉnh chỉ xảy ra 8 vụ cháy với diện tích 25,44 ha; giảm 26 vụ, bằng 76,5% và giảm diện tích 92,72 ha, tương đương 78,5% so với cùng kỳ mùa khô trước đó; cùng đó, mùa khô năm nay có 2 vụ bắt được đối tượng ở huyện Đam Rông.  
 
Vấn đề chống đối, cản trở người thi hành công vụ tuy không diễn biến phức tạp như năm 2016 nhưng trong 6 tháng đầu năm 2017 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng vẫn còn xảy ra 5 vụ. 
 
Trong đó, có đến 3 vụ diễn ra trên địa bàn huyện Đạ Huoai và 2 vụ còn lại ở huyện Đam Rông, huyện Lâm Hà. Theo ông Thiên, cả 5 vụ trên Chi cục đã báo cáo UBND tỉnh và các cơ quan cấp trên để xem xét, chỉ đạo; tuy nhiên, các đối tượng ngày càng manh động, liều lĩnh, hung hãn, chủ động tấn công lực lượng chức năng. 
 
Chi cục trưởng Nguyễn Khang Thiên cũng thẳng thắn cho rằng, tình hình khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép tại khu vực giáp ranh giữa Lâm Đồng với các tỉnh vẫn còn diễn ra phức tạp, chưa được ngăn chặn triệt để. 
 
Thiết nghĩ, mặc dù đã có quy chế phối hợp, đã triển khai các trạm kiểm tra, kiểm soát liên địa phương, nhưng để thực sự hạn chế đến mức thấp nhất các khu vực rừng giáp ranh nói riêng và rừng nói chung rất cần sự quyết liệt, sự đồng bộ hơn giữa các lực lượng chức năng, trách nhiệm của chính quyền địa phương liên quan; đặc biệt vai trò, nghĩa vụ của đơn vị chủ rừng, doanh nghiệp thuê đất, thuê rừng và phát huy sức mạnh tổng hợp từ cộng đồng hộ nhận khoán... 
 
Chi cục trưởng Kiểm lâm Nguyễn Khang Thiên cho biết, trong thời gian còn lại của năm 2017, đơn vị này đã đề ra 17 nhiệm vụ, giải pháp nhằm giảm các hành vi xâm hại đến tài nguyên rừng. Tuy nhiên, như đã nêu trên, để cuối năm 2017 tỉnh Lâm Đồng đạt được mục tiêu giảm 20% số vụ vi phạm Luật BV&PTR và giảm ít nhất 50% diện tích rừng bị thiệt hại do cháy rừng, phá rừng gây ra so với năm 2016 thì vẫn còn rất nhiều thử thách đối với cả hệ thống chính trị cũng như các ngành, đơn vị liên quan. 
 
MINH ĐẠO