Năm 2017 với nhiều thay đổi trong công tác tuyển sinh, các trường đại học (ĐH) trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã có nhiều phương án để đảm bảo cho việc tuyển sinh diễn ra đúng, đủ chỉ tiêu và chất lượng nhất.
Năm 2017 với nhiều thay đổi trong công tác tuyển sinh, các trường đại học (ĐH) trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã có nhiều phương án để đảm bảo cho việc tuyển sinh diễn ra đúng, đủ chỉ tiêu và chất lượng nhất.
Đây là năm đầu tiên từ khi áp dụng kỳ thi THPT quốc gia, thí sinh đăng ký xét tuyển ĐH, cao đẳng (CĐ) cùng thời điểm với việc nộp hồ sơ đăng ký dự thi. Và cũng là năm đầu thí sinh đăng ký tại các điểm thu nhận hồ sơ nơi địa bàn mình học tập, sinh sống mà không phải đến nộp tại các trường ĐH, CĐ như mọi năm. Nhưng không phải vì vậy mà công tác tuyển sinh tại các trường ĐH trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng “kém sôi động” hơn mà ngược lại, các trường phải lên phương án kỹ càng trước thời điểm thí sinh làm hồ sơ dự thi THPT quốc gia và xét tuyển ĐH, CĐ.
|
Kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ năm nay, thí sinh không phải đến tận các trường ĐH, CĐ để nộp hồ sơ như mọi năm. Ảnh: Tuấn Hương |
ĐH Đà Lạt thường trực xét tuyển sinh
Năm nay, việc thí sinh được đăng ký không giới hạn nguyện vọng nhưng chỉ trúng tuyển vào một nguyện vọng duy nhất sẽ giúp các trường tránh được tình trạng thí sinh ảo. Tuy nhiên, đây cũng là khó khăn để các trường xác định điểm chuẩn sao cho đúng, vì phải dựa vào kết quả trúng tuyển trên phần mềm của Bộ GD-ĐT và qua nhiều lần lọc ảo. |
Tiến sĩ (TS) Trần Hữu Duy - Trưởng Phòng Đào tạo, Ủy viên Thường trực Hội đồng tuyển sinh năm 2017 Trường ĐH Đà Lạt cho biết, năm nay thí sinh không phải đến trực tiếp trường để nộp hồ sơ nên công tác thu nhận hồ sơ được “cắt giảm”. Tuy nhiên, trong quá trình làm hồ sơ, nhà trường thường xuyên nhận được các cuộc điện thoại với nhiều câu hỏi của thí sinh và phụ huynh về việc tuyển sinh. Vì vậy, ngay trước thời điểm thí sinh nộp hồ sơ dự thi THPT quốc gia và xét tuyển sinh ĐH, CĐ, nhà trường đã bố trí một phòng thường trực xét tuyển sinh để hỗ trợ, tư vấn cho thí sinh. Ngoài việc chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, nhân sự cũng được ĐH Đà Lạt tăng cường cho phòng thường trực xét tuyển sinh. Bên cạnh đó, Hội đồng tuyển sinh còn thành lập đường dây nóng và hộp thư điện tử để thường xuyên tiếp nhận thông tin cũng như giải đáp thắc mắc cho thí sinh.
Năm học 2017 - 2018, ĐH Đà Lạt tuyển 3.200 chỉ tiêu cho hệ đại học chính quy. “Sở dĩ chỉ tiêu này tăng hơn so với năm ngoái là do số lượng giảng viên hoàn thành việc học tập nâng cao trình độ của trường tăng, đảm bảo số lượng tiến sĩ, thạc sĩ so với số lượng đào tạo sinh viên. Hiện trường có 340 giảng viên, trong đó, trên 80% là tiến sĩ, thạc sĩ. Số lượng hồ sơ đăng ký vào trường năm 2017 là gần 8.700 hồ sơ với gần 11.500 nguyện vọng, tăng gần gấp 3 lần so với năm ngoái. Trong số đó, có 25 thí sinh được xét tuyển diện 30a sẽ học dự bị 1 năm, nếu đạt kết quả tốt sẽ được xét tuyển vào học chính thức và 7 thí sinh được tuyển thẳng diện học sinh giỏi, học sinh đoạt giải các cuộc thi quốc gia”, TS. Duy cho hay.
ĐH Yersin tuyển sinh theo 2 phương thức
Năm học 2017 - 2018, Trường ĐH Yersin Đà Lạt tuyển sinh 650 chỉ tiêu cho 9 ngành theo 2 phương thức: xét tuyển dựa vào kết quả học tập năm học lớp 12 ở bậc THPT với 60% chỉ tiêu và xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi THPT quốc gia 2017 với 40% chỉ tiêu.
Là trường ngoài công lập, vì vậy, ĐH Yersin đưa ra nhiều chế độ chính sách để thu hút sinh viên. Đặc biệt là chính sách thu hút sinh viên khá, giỏi như miễn học phí 4 năm học cho sinh viên có điểm đầu vào từ 20 trở lên theo kỳ thi THPT quốc gia năm 2017; miễn phí chỗ ở cho những sinh viên ở xa khi có nhu cầu; cấp học bổng trên 500 triệu đồng/năm cho sinh viên khá, giỏi và khó khăn… Riêng sinh viên ngành Kiến trúc, Thiết kế nội thất, Ngôn ngữ Anh, Công nghệ sinh học, Điều dưỡng được đào tạo tiếng Nhật miễn phí và có cơ hội được thực tập cũng như làm việc tại Nhật Bản. Bên cạnh đó, 100% sinh viên theo học tại ĐH Yersin Đà Lạt có cơ hội thực tập, làm việc tại các công ty thành viên/liên kết thuộc Tập đoàn TTC.
“Bên cạnh tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo, nhà trường luôn chú trọng giáo dục kỹ năng mềm cho sinh viên, tạo cơ hội cho sinh viên được trải nghiệm. Đồng thời, hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường qua cuộc thi “Khởi nghiệp kinh doanh” với số tiền giải thưởng lên đến 300 triệu đồng mỗi năm”, Thạc sĩ Nguyễn Thanh Sơn - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Yersin Đà Lạt cho biết.
Công tác tuyển sinh đại học trên địa bàn tỉnh đã sẵn sàng. Các trường ĐH đang nỗ lực để “cánh cửa” bước vào giảng đường đại học của thí sinh thêm “rộng mở”.
TUẤN HƯƠNG