Gần gũi như trở về "quê cũ" là cảm nhận của tôi khi đến Hà Lâm (Đạ Huoai) - một xã kinh tế mới của người Tòng Bạt, Ba Vì, Hà Nội năm xưa. "Hà" có nghĩa là Hà Nội, "Lâm" có nghĩa là Lâm Đồng, hai chữ cái đầu của hai địa danh ấy được ghép thành cái tên riêng cho vùng đất mới để chính từ đó, đất và người gắn bó với nhau, dệt nên "tấm áo" giàu đẹp cho Hà Lâm hôm nay.
Gần gũi như trở về “quê cũ” là cảm nhận của tôi khi đến Hà Lâm (Đạ Huoai) - một xã kinh tế mới của người Tòng Bạt, Ba Vì, Hà Nội năm xưa. “Hà” có nghĩa là Hà Nội, “Lâm” có nghĩa là Lâm Đồng, hai chữ cái đầu của hai địa danh ấy được ghép thành cái tên riêng cho vùng đất mới để chính từ đó, đất và người gắn bó với nhau, dệt nên “tấm áo” giàu đẹp cho Hà Lâm hôm nay.
Giọng nói Ba Vì kéo dài ở âm cuối vẫn thường bị người Hà Thành “mỉa mai” là “quê mùa”, thì giờ đây ở vùng kinh tế mới Hà Lâm tôi nghe sao thấy quá đỗi thân thương. Dạo một vòng quanh xã, bắt gặp bên hiên nhà những cụ bà răng đen hạt nhãn, đầu quấn khăn mỏ quạ bỏm bẻm nhai trầu. Rồi hình ảnh các cụ ông giọng nói sang sảng đầy khí chất người Hà Nội ngồi uống trà, bàn “chính sự” cho tôi một cảm giác như đang dạo chơi ở quê ngoại. chả là quê ngoại tôi ở Bất Bạt, Tòng Bạt, Ba Vì. 30 năm xa quê để khai hoang, làm kinh tế mới tận miền núi này nhưng bản chất và giọng nói, cả nét sinh hoạt thì người Hà Lâm hầu như vẫn giữ.
|
Vườn mít trĩu trịt quả của nhà ông bà Phạm Đức Thành, Thôn 3, xã Hà Lâm. Ảnh:N.Thu |
Vượt qua gian khó
“Đời sống dân Tòng Bạt nơi đây giờ khấm khá lắm, nhiều hộ trồng sầu riêng cho thu tiền tỷ, có nhà 3 - 4 tỷ, có nhà 5 - 7 tỷ/vụ, đời sống trên quê hương mới Hà Lâm đã “bỏ xa” hơn vùng quê Tòng Bạt ngoài Bắc. |
Cụ ông Phạm Doãn Điều, người đã 22 năm làm trong Hội Người cao tuổi của xã, và là một trong những hộ gia đình tiên phong đi kinh tế mới tại Hà Lâm từ những năm 1987 đưa tôi trở về cái ngày gian khó ấy qua hồi tưởng. Ông kể: “...ngày đó, xác định vào vùng kinh tế mới là gian khổ và đúng là gian khổ thật. Ngày đầu năm 1987, hàng chục hộ dân Tòng Bạt vào xây dựng kinh tế mới tại đây và gặp những trận sốt rét rừng rất nặng. Dân vào đến nơi thì thấy người ở các vùng xung quanh bỏ đi hết rồi. Bà con ở ven thành phố Hà Nội như Gia Lâm, Đông Anh bỏ đi nhiều, 10 nhà “chạy” mất 8 nhà rồi. Cũng phải thôi vì bà con chưa quen với gian khổ và cuộc sống núi rừng. Khi ấy hầu như chỉ còn lại dân Tòng Bạt, Bất Bạt, Ba Vì. Dân Tòng Bạt quen lao động nặng, không ngại khổ, chịu khó và rất tiết kiệm nên mọi khó khăn thử thách dường như “không xá” gì với ý chí của người dân. Ngày ấy, bệnh sốt rét hành hạ suốt ngày đêm, tuy khổ nhưng bà con “vẫn bứt lên” vượt lên sự gian khổ, vượt qua nỗi đau khi mất người thân họ hàng để tiếp tục trụ vững xây dựng và phát triển kinh tế. Quê ta cũng mất đi mấy người, như anh Tiếp - chồng chị Dung đấy là mất do sốt rét! Rồi nhiều nhà có đêm phải chôn mất 2 người con…”, nói đến đây, cụ Điều ngừng lại lấy khăn mùi xoa trong túi lau những giọt nước mắt đang lăn xuống má trên khóe mắt đỏ ngàu!.
Cụ kể tiếp: Những năm 80, ở Hà Lâm, Đạ Huoai xung quanh chỉ toàn là rừng, bà con tự phát rẫy, tự làm nhà lấy. Không như những nơi kinh tế mới khác được nhà nước làm nhà, làm vườn sẵn cho dân ở. Lúc đó, nếu không làm thì nhà nước sẽ lấy lại cho người khác, vì thế dân Tòng Bạt quyết tâm lắm, ai nấy đều lặng lẽ bảo nhau “ráng phát rẫy làm nương, tỉa bắp, trồng lúa nương, khoai sắn để ăn cho bớt đói”. 10 năm sau, nhà nước quan tâm, cho một phân viện y tế về đây để giúp đỡ bà con, phục vụ nhân dân, từ đó bà con đỡ lo “cái chết” vì sốt rét và trụ vững lại được.
Cụ Điều ghi nhận, có được như hôm nay cũng nhờ sự “chú ý” của nhà nước, nhất là y tế. Từ những ngày đầu, khoảng năm 1990, bấy giờ sốt rét cứ là nằm liền liệt ra, nhà nào cũng có người mắc căn bệnh này, vì còn thiếu thốn thuốc men nên cứ lặng lẽ nhìn người thân ra đi... đau lòng lắm. “Khi đó, tôi nhớ có đoàn công tác của bà Bộ trưởng Bộ Y tế vào thăm từng nhà dân của Hà Lâm và phải bật khóc vì thương dân quá. Tôi thấy bà Bộ trưởng móc trong túi lấy tiền của mình được tám chục ngàn đồng chia cho dân. Lúc ấy, tám chục ngàn cũng to lắm. Tôi được biết khi về Hà Nội, đoàn báo cáo với Trung ương, nên sau đó xã Hà Lâm đã được sự quan tâm đặc biệt hơn, Trung ương đã đầu tư cơ sở hạ tầng về y tế, cho người về đây giúp dân chữa bệnh sốt rét rừng.” - cụ Điều nhắc lại đầy xúc động.
Dệt tấm áo mới ấm no, giàu đẹp...
Theo số liệu thống kê của UBND xã Hà Lâm, về giá trị cây công nghiệp, tổng diện tích toàn xã đạt 730,44 ha, trong đó cây điều diện tích 534,39 ha, diện tích thu hoạch 454,09 ha, năng suất trung bình khoảng 14,7 tạ/ha, sản lượng 6.687 tấn; cây chè diện tích 80,6 ha, diện tích cho thu hoạch 70 ha, năng suất đạt 70 tạ/ha, sản lượng 490 tấn; cây cao su diện tích 53,13 ha, diện tích thu hoạch 25 ha, năng xuất 520 tạ/ha, sản lượng 130 tấn…
Riêng về cây ăn trái, cây trồng tạo nên thương hiệu cho vựa trái cây của Lâm Đồng là “Sầu riêng Đạ Huoai”, mít tố nữ Đạ Huoai hay chôm chôm nhãn Đạ Huoai: có tổng diện tích sầu riêng là 1.036,3 ha, năng suất ước đạt 97 tạ/ha, sản lượng 6.508 tấn; cây chôm chôm diện tích 149,88 ha, năng suất đạt 100 tạ/ha, sản lượng 1.267 tấn; cây mít các loại diện tích 50,5 ha, năng suất bình quân đạt 11 tấn/ha, sản lượng 557,6 tấn, đạt 100% kế hoạch; cây măng cụt diện tích 31,53 ha, năng suất đạt 14 tạ/ha, đạt 100% kế hoạch năm…
|
Vượt qua những ngày gian khó ấy, nay thì ở Hà Lâm nhà nào cũng đều khá giả. Năm 2016, thu nhập trên đơn vị diện tích của Hà Lâm đạt 58,4 triệu đồng. Thu nhập bình quân đầu người đạt 36,7 triệu đồng /người/năm. Được biết, toàn xã hiện có 926 hộ, 3.556 khẩu. 100% tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước hợp vệ sinh, 99% tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện. Năm 2016, tổng thu ngân sách xã đạt hơn 5,4 tỷ đồng, đạt 55% kế hoạch giao. Riêng phần thuế phí thu được 1,6 tỷ đồng bằng 102% kế hoạch giao.
Trực tiếp tận mắt chứng kiến vườn sầu riêng, mít tố nữ trĩu trịt quả; chôm chôm, măng cụt, xoài, tiêu, chè trồng xen dưới tán sầu riêng của nhà ông bà Phạm Đức Thành ở Thôn 3, xã Hà Lâm mới thấy sự trù phú mà thiên nhiên ban tặng cho vùng đất nơi đây. Nhà ông bà Thành đã đầu tư hệ thống tưới tự động toàn vườn với diện tích gần 5 ha và chuyển đổi giống cây trồng chất lượng cao, từ sầu riêng ta sang sầu riêng Thái. Bà Thành chia sẻ: Vụ này chỉ thu từ sầu riêng thôi, còn cây điều là năm nay mất trắng do mưa trái mùa khi vào vụ trổ bông nên cây điều không đậu trái. Vừa nói, bà vừa nhắc tôi đi ra mé ngoài của cây sầu riêng kẻo trái sầu riêng rớt xuống đầu, vì tháng 6 là đang vào mùa thu hoạch. Mỗi ngày 2 lần vào buổi sáng sớm và chiều tối gia đình lại đi nhặt trái sầu riêng và thu gom bán cho thương lái với mức giá tại vườn là khoảng 35 - 40 ngàn đồng/kg. Trừ hết chi phí mỗi vụ thu về ngót nghét gần 200 triệu đồng.
Nét mới là người dân nơi đây cũng đã nhanh ý, biết kết hợp trồng xen cây chè dưới tán cây sầu riêng, mít nên vừa tạo độ ẩm đất cho cây, vừa thu hoạch thêm lá chè. Cứ hai tháng cắt ngọn một lần, mỗi vụ nhà ông bà Thành cũng thu cả vài chục triệu đồng bán cho công ty sản xuất trà xanh không độ, chủ yếu để lo sinh hoạt gạo, muối trong gia đình.
Chủ tịch UBND xã Hà Lâm Phạm Doãn Thành cho biết: Đời sống nhân dân ngày càng khá lên, thời gian tới, Đảng ủy, chính quyền, đoàn thể của xã sẽ tiếp tục quan tâm hơn nữa công tác chuyển đổi giống cây trồng có chất lượng cao, chủ động tuyên truyền nhân dân trong công tác phòng chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi. Duy trì hoạt động các câu lạc bộ văn hóa, tổ tự quản “câu lạc bộ làm vườn có thu nhập cao”, tổ hợp tác thực hiện đạt kết quả đề án phát triển sản xuất bền vững.
Cụ ông Phạm Doãn Điều, nay đã gần 80 tuổi tự hào nói với tôi: “Hà Lâm hiện không còn hộ đói nữa, chỉ có 2 hộ khó khăn là người già neo đơn nhưng được bà con trong thôn, trong xã quan tâm giúp đỡ.
Đời sống dân Tòng Bạt nơi đây giờ khấm khá lắm, nhiều hộ trồng sầu riêng cho thu tiền tỷ, có nhà 3 - 4 tỷ, có nhà 5 - 7 tỷ/vụ, đời sống trên quê hương mới Hà Lâm đã “bỏ xa” hơn vùng quê Tòng Bạt ngoài Bắc. Tinh thần hiếu học, tỷ lệ thanh niên học sinh đỗ đạt cao ngày càng nhiều. Như nhà tôi đây, bây giờ có 6 người con dâu, rể, cháu nội, cháu ngoại tốt nghiệp đại học Ngân hàng, Tài chính, Kinh tế và đang công tác trong ngành ngân hàng. Tỷ lệ các cháu học hành đỗ đạt ngày một nhiều do đời sống kinh tế khá lên, người dân chăm lo học hành cho con em mình và các cháu đều có ý chí vươn lên. Thế hệ người già chúng tôi vui mừng lắm. Tuy chỉ có một điều dân còn mong chờ là có nguồn điện 3 pha để lấy điện phục vụ tưới tiêu. Điện sinh hoạt đã đủ, nhưng điện sản xuất để tưới vườn còn kém”.
Có thể nói rằng, chủ trương làm kinh tế mới của Đảng, Nhà nước ta từ 30 năm về trước đã khẳng định kết quả ở nhiều vùng miền. Và, ngày nay Hà Lâm cũng đang từng ngày khởi sắc. Con đường phía trước của Hà Lâm là tiếp tục phấn đấy, gây dựng để xã ngày càng văn minh, phát triển hơn. Hà Lâm chắc chắn sẽ còn phát triển vượt bậc về mọi mặt nữa, vì giờ đây, trên mảnh đất kinh tế mới này “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”.
NGUYỆT THU