Theo số liệu của BHXH tỉnh, đến ngày 30/6, trên địa bàn toàn tỉnh có 931.602 người tham gia BHYT, đạt độ bao phủ 71,4%. Để đạt chỉ tiêu cuối năm 2017, Lâm Đồng có tỉ lệ bao phủ BHYT 77,8% dân số, ngày 7/7, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1505/QĐ-UBND về việc phê duyệt kế hoạch sử dụng 20% số kinh phí dành cho khám chữa bệnh năm 2015 chưa sử dụng hết để thực hiện một số chính sách y tế năm 2017.
Theo số liệu của BHXH tỉnh, đến ngày 30/6, trên địa bàn toàn tỉnh có 931.602 người tham gia BHYT, đạt độ bao phủ 71,4%. Để đạt chỉ tiêu cuối năm 2017, Lâm Đồng có tỉ lệ bao phủ BHYT 77,8% dân số, ngày 7/7, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1505/QĐ-UBND về việc phê duyệt kế hoạch sử dụng 20% số kinh phí dành cho khám chữa bệnh năm 2015 chưa sử dụng hết để thực hiện một số chính sách y tế năm 2017.
|
Nhiều bệnh nhân có thẻ BHYT đang nhận thuốc tại quầy cấp thuốc BHYT của Trung tâm Y tế huyện Bảo Lâm. Ảnh: Diệu Hiền |
Không thể ở cuối bảng xếp hạng
Lâm Đồng đứng cuối bảng về tỉ lệ bao phủ BHYT toàn dân năm 2016, không đạt chỉ tiêu Chính phủ giao về độ bao phủ BHYT trong số 63 tỉnh, thành phố cả nước.
Theo Cơ quan BHXH tỉnh, do nắm chắc đặc điểm tình hình của địa phương, nên BHXH tỉnh luôn tham mưu kịp thời cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo công tác này, đồng thời chủ động tổ chức thực hiện hiệu quả chính sách BHXH, BHYT. Đặc biệt, thông qua công tác tham mưu, từ năm 2014, tỉnh đã tiếp tục hỗ trợ thêm 30% mức đóng BHYT cho đối tượng hộ cận nghèo từ ngân sách của địa phương; hỗ trợ thêm 20% mức đóng BHYT cho học sinh sinh viên (HSSV) năm học 2016- 2017 từ nguồn quỹ BHYT kết dư năm 2015. Kết quả, trong năm 2016 đã hỗ trợ cho 32.818 người thuộc hộ cận nghèo; hỗ trợ thêm cho 34.753 HSSV tham gia BHYT, qua đó nâng số người trên địa bàn toàn tỉnh có thẻ BHYT lên 926.194 người (đạt tỉ lệ bao phủ BHYT 71,84% dân số).
Tuy nhiên, so với chỉ tiêu bao phủ BHYT năm 2016 Thủ tướng Chính phủ giao là 72,5% thì Lâm Đồng vẫn chưa đạt. Nguyên nhân là do tổng số người tham gia tăng thêm không “bù” nổi số người giảm bớt. Cụ thể: Trong giai đoạn 2010 - 2015, toàn tỉnh có 31 xã đặc biệt khó khăn, theo quy định, 100% số dân trên địa bàn xã đặc biệt khó khăn được cấp thẻ BHYT miễn phí, tuy nhiên, đến giai đoạn 2016 - 2020, Lâm Đồng chỉ còn 8 xã trong danh sách đặc biệt khó khăn.
Tỉ lệ hộ nghèo năm 2015 ở Lâm Đồng là 6,67%, đến năm 2016 giảm còn 5,17%. Tuy nhiên, đa số người dân sau khi thoát nghèo đều không tiếp tục tham gia BHYT, do điều kiện kinh tế gia đình họ vẫn chưa ổn định. Thấy được vấn đề này, ngân sách tỉnh đã hỗ trợ 30% mức đóng và cùng với 70% mức đóng của ngân sách trung ương nên tỉ lệ hộ cận nghèo ở Lâm Đồng tham gia BHYT đạt 100%.
Khoảng trống hiện nay là nhiều người thuộc nhóm hộ gia đình chưa thật sự quan tâm đến việc tham gia BHYT và đối với đối tượng hộ gia đình nông - lâm - ngư nghiệp có mức sống trung bình, do mức hỗ trợ tham gia BHYT thấp so với mức giảm trừ của đối tượng tham gia theo hộ gia đình, nên số người thuộc nhóm này tham gia còn rất thấp. Mặt khác, công tác tuyên truyền BHYT cho nhóm đối tượng nông - lâm - ngư nghiệp cũng chưa được sâu rộng.
Nâng cao tỉ lệ bao phủ BHYT
Năm 2017, Lâm Đồng được giao chỉ tiêu đạt tỉ lệ bao phủ BHYT 77,8% dân số. Đây là một nhiệm vụ quan trọng đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền địa phương. UBND tỉnh đã tổ chức hội nghị phát triển đối tượng tham gia BHYT năm 2017, với sự tham gia của lãnh đạo chính quyền các huyện, thành phố và đại diện các sở, ban, ngành liên quan. Tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Văn Đa đã giao nhiệm vụ cụ thể cho từng sở, ban, ngành, địa phương cùng vào cuộc thực hiện “chiến dịch” tăng độ bao phủ BHYT năm 2017 theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Để thực hiện tốt nhiệm vụ, BHXH tỉnh xác định công tác tuyên truyền chính sách BHXH, BHYT là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của năm 2017. Tiếp tục đẩy mạnh kiểm tra, đối chiếu, đôn đốc các đơn vị, doanh nghiệp phải tham gia đầy đủ BHXH, BHYT cho người lao động; phối hợp với ngành Giáo dục, UBND các huyện, thành phố tập trung phát triển đối tượng tham gia BHYT HSSV năm học 2016-2017, phấn đấu nâng tỉ lệ từ 86% trong năm học 2015-2016 lên 100% vào cuối năm học 2016-2017. Đồng thời, BHXH tỉnh tiếp tục củng cố và mở rộng hệ thống đại lý thu BHXH, BHYT; tiếp tục phối hợp chặt chẽ với UBMTTQ, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ và Tỉnh Đoàn tăng cường vận động hội viên, đoàn viên gương mẫu, thể hiện qua việc 100% hội viên và gia đình hội viên tham gia BHYT.
Mới đây, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1505/QĐ-UBND ngày 7/7 phê duyệt kế hoạch sử dụng 20% số kinh phí dành cho khám chữa bệnh năm 2015 chưa sử dụng hết để thực hiện một số chính sách y tế năm 2017 trên địa bàn tỉnh với tổng số tiền khoảng 14,4 tỷ đồng. Cụ thể, mức hỗ trợ các đối tượng tham gia BHYT như sau: Hỗ trợ thêm 20% mức đóng cho đối tượng HSSV hiện chưa có thẻ BHYT (ngoài 30% ngân sách nhà nước đã hỗ trợ theo quy định), như vậy HSSV được hỗ trợ đến 50% mức đóng BHYT. Theo tính toán sẽ có 128.988 HSSV được hỗ trợ mức đóng BHYT với kinh phí 8,4 tỷ đồng. Hỗ trợ 100% mức đóng BHYT đối với người nhiễm HIV/AIDS có hoàn cảnh khó khăn chưa có thẻ BHYT với 95 người, kinh phí khoảng 65 triệu đồng.
Quyết định của tỉnh cũng tiếp tục hỗ trợ 5 tỷ đồng cho các đối tượng như: Hỗ trợ thêm 70% mức đóng BHYT trong 5 tháng (bắt đầu thực hiện từ ngày 1/8, ngoài 30% ngân sách nhà nước đã hỗ trợ theo quy định tại Khoản 2, Điều 3 - Nghị định số 105/2014/NĐ-CP) cho đối tượng HSSV người dân tộc thiểu số không sống trong vùng kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn, chưa có thẻ BHYT (như vậy đối tượng này được cấp thẻ BHYT 100%). Hỗ trợ 100% mức đóng BHYT trong 12 tháng (bắt đầu thực hiện từ ngày 1/8) đối với người nhiễm HIV/AIDS có hoàn cảnh khó khăn không có điều kiện mua thẻ BHYT. Hỗ trợ thêm 70% mức đóng BHYT trong 5 tháng (bắt đầu thực hiện từ ngày 1/8), ngoài 30% ngân sách nhà nước đã hỗ trợ theo quy định tại Khoản 3, Điều 3 Nghị định số 105/2014/NĐ-CP cho đối tượng hộ gia đình nông - lâm -ngư nghiệp có mức sống trung bình (như vậy, đối tượng này cũng được cấp miễn phí 100% thẻ BHYT).
Ngoài ra, UBND tỉnh cũng quyết định hỗ trợ 360 triệu đồng bổ sung vào Quỹ khám chữa bệnh người nghèo của tỉnh. Giao cho cơ quan BHXH tỉnh lập thủ tục nhận kinh phí từ Quỹ kết dư BHYT, chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan khẩn trương lập danh sách, thực hiện việc hỗ trợ cho các đối tượng nêu trên theo đúng quy định.
DIỆU HIỀN