Không có những giọt nước mắt giàn giụa tiễn đưa nhưng trong đám tang của cụ có sự ngậm ngùi, tiếc nuối của con cháu trong gia đình, của bà con chòm xóm và cả người dân địa phương.
Không có những giọt nước mắt giàn giụa tiễn đưa nhưng trong đám tang của cụ có sự ngậm ngùi, tiếc nuối của con cháu trong gia đình, của bà con chòm xóm và cả người dân địa phương.
|
Di ảnh của cụ Cắm trong vòng tay con cháu tại lễ tang được tổ chức vào sáng 18/7. Ảnh: Đ.Anh |
Ngày đưa tiễn cụ Tô Đình Cắm, trời ngưng mưa sau những ngày dài mưa gió do ảnh hưởng của bão. Mây trời không trong xanh mà xám trắng buồn bã như tấm lòng những người đưa tiễn. Nghĩa trang nơi chôn cụ bình dị nằm giữa cánh đồng Thôn 8, xã Quốc Oai, huyện Đạ Tẻh, theo đúng ước nguyện của cụ khi còn sống. Mưa bão khiến đường trơn trượt khó đi nhưng không ngăn được dòng người đến đưa tiễn cụ. Người con rể cả của cụ Cắm, ông Hà Minh Sơn (66 tuổi) cứ nhắc đi nhắc lại rằng, ông rất cảm động và thấy ấm lòng khi đám tang của bố mình được tổ chức trang trọng và ấm tình đồng chí, đồng đội, ấm tình của bà con lối xóm. Không những vậy, ngay khi bố ông ốm nặng hay trước đó đi nữa, bà con lối xóm và lãnh đạo địa phương lúc nào cũng quan tâm thăm hỏi đến cụ. Điều khiến ông Sơn nhớ nhất về cụ Cắm là những câu chuyện mà cụ thường kể khi còn tỉnh táo về thời gian chiến đấu ở chiến trường. Có những trận đánh, bị địch vây đuổi, cụ Cắm phải trầm mình dưới nước để tránh bom đạn, khi lên bờ thì đỉa đeo bám đầy người. “Những câu chuyện đó của cụ giúp con cháu trong gia đình có thêm tinh thần yêu nước và lòng căm thù giặc” - ông Sơn chia sẻ.
Cụ Tô Đình Cắm sinh năm 1922 tại Cao Bằng. Cụ Cắm từng có thời gian chiến đấu cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp sau khi tham gia vào Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân được thành lập năm 1944. Năm 1992, cụ cùng gia đình chuyển vào huyện Đạ Tẻh sinh sống. Cụ Cắm từ trần lúc 22 giờ 10 phút ngày 14/7. Lễ truy điệu của cụ Cắm được Tỉnh ủy, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh chỉ đạo Huyện ủy và Ban Chỉ huy huyện Đạ Tẻh tổ chức trang trọng vào sáng 18/7. |
Sống bình dị và là tấm gương để bà con dân tộc Tày nói riêng và người dân địa phương nói chung noi theo là chia sẻ của rất nhiều người về cụ Cắm. Còn nhớ cách đây trên dưới 10 năm, một đồng nghiệp của tôi đã có bài viết về cụ Cắm trên Báo Lâm Đồng. Ngoài những chi tiết chiến trường, những việc làm thời bình của cụ thì điều khiến tôi ấn tượng nhất chính là tấm ảnh chụp cụ Cắm cùng người vợ của mình bên giàn trầu không leo trước hiên nhà. Hình ảnh bình dị nhưng ngập tràn hạnh phúc của tuổi già. Sau này, cụ được xây tặng nhà tình nghĩa, nhưng căn nhà cũ ấy vẫn được giữ lại. Căn nhà này cũng là nơi cụ lập bàn thờ Đại tướng Võ Nguyên Giáp, mà cụ Cắm vẫn gọi là anh Văn, khi Đại tướng qua đời. Khi hay tin Đại tướng mất, đôi mắt trầm đục của cụ nhòe lệ. Cụ ôm tấm hình Đại tướng vào lòng và nấc nghẹn.
Khi tôi đến nhà cụ để chuyển lời có một cơ quan muốn tài trợ toàn bộ chi phí để đưa cụ ra dự đám tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp, cụ lại khóc rồi bảo muốn đi lắm, muốn được gặp anh Văn lần cuối lắm nhưng không được nữa rồi. Khi đó, nhiều cơ quan, đơn vị khác cũng có ý muốn đưa cụ đi tiễn biệt Đại tướng lần cuối nhưng do sức khỏe cụ không đảm bảo nên không thể thực hiện được. Thế rồi, mỗi năm đôi ba lần, tôi lại có dịp trở lại nhà cụ, khi thì theo đoàn thăm hỏi của tỉnh, khi thì ghé lại vì những yêu cầu của công việc. Mỗi lần trở lại, cụ lại yếu hơn, tai bị lãng hơn và tinh thần không còn được minh mẫn. Thế nhưng, đón tôi lúc nào cũng là nụ cười rạng rỡ như đối với người thân quen. Người con dâu út của cụ vừa là người “phiên dịch” vì cụ bị lãng tai, vừa là người kể những câu chuyện thường nhật của cụ mỗi khi có khách như tôi viếng thăm. “Tùy bữa cụ có thể ăn kém hơn một chút nhưng rượu lúc nào cũng phải có cho cụ, nếu không cụ lại mắng. Hiểu ý bố, con cháu trong nhà đều đáp ứng, mong bố tìm được niềm vui của tuổi già” - con dâu út của cụ từng chia sẻ.
Nhắc đến cụ Cắm, hẳn nhiều người sẽ nhớ đến cụ là một trong 34 đội viên đầu tiên của Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Cụ cũng là người đội viên cuối cùng theo đồng đội về với gió núi, mây trời. Ngày cụ ra đi cũng cận kề ngày cả nước tri ân những anh hùng, liệt sỹ đã hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Cụ Cắm có lẽ là người lớn tuổi nhất được công nhận là thương binh. Thất lạc giấy tờ, chuyển nơi sinh sống là những trở ngại khiến việc công nhận thương binh của cụ bị chậm lại. Năm 2013, khi đã ngoài 90 tuổi, cụ được công nhận là thương binh 3/4. Sự công nhận này dẫu có muộn màng nhưng công lao của cụ đã được các thế hệ con cháu quan tâm, ghi nhận.
Thượng tá Lê Văn Quý, Chỉ huy trưởng BCH Quân sự huyện Đạ Tẻh, chia sẻ: “Đối với những người đứng trong hàng ngũ Quân đội Nhân dân Việt Nam như tôi hôm nay luôn tự hào về cụ Cắm. Cụ thực sự là tấm gương, là tượng đài lịch sử để chúng tôi học tập và noi theo”. Cũng theo Thượng tá Quý, đám tang của cụ Cắm đã nhận được sự quan tâm của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Quân khu 7 và của chính quyền địa phương. Nhiều tướng lĩnh đã đến viếng, gửi vòng hoa để chia buồn cùng gia đình cụ Cắm.
Đám tang của cụ Cắm diễn ra bình dị theo tập tục của người Tày nhưng cũng không kém phần trang trọng. Phần mộ của cụ được nằm cạnh mộ vợ mình và hướng mặt về gia đình với mong muốn cụ mãi sẽ dõi theo từng bước đi của con cháu. Tấm di ảnh của cụ Cắm đỏ rực những huân, huy chương trên ngực áo được đem đến mộ phần. Những chén rượu được đem đến mời nhau trọn vẹn nghĩa tình. Những vòng hoa được đắp lên mộ cụ ấm áp ngày tiễn đưa. Vòng hoa của gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp trên mộ cụ Cắm như vô hình trở thành sợi dây gắn kết tinh thần bất diệt của những con người luôn một lòng vì nước, vì dân.
Xin tiễn biệt cụ về với mây trời!
ĐÔNG ANH