Tiến sĩ của buôn làng K'Ho

09:07, 17/07/2017

Sinh năm 1976, Cil Duin là niềm tự hào của Tổ dân phố Bon Đưng 1, thị trấn Lạc Dương khi là tiến sĩ người đồng bào dân tộc thiểu số gốc Tây Nguyên đầu tiên của tỉnh Lâm Đồng.

Sinh năm 1976, Cil Duin là niềm tự hào của Tổ dân phố Bon Đưng 1, thị trấn Lạc Dương khi là tiến sĩ người đồng bào dân tộc thiểu số gốc Tây Nguyên đầu tiên của tỉnh Lâm Đồng.
 
“Học đến thạc sĩ là hết chưa con?”
 
Cil Duin luôn cố gắng khi tâm niệm rằng mình “học thay luôn phần của gia đình”. Ảnh: V.Quỳnh
Cil Duin luôn cố gắng khi tâm niệm rằng mình “học thay luôn phần của gia đình”. Ảnh: V.Quỳnh
Đó là câu hỏi mà bố của Cil Duin hỏi con trai khi anh lấy được bằng Thạc sĩ Lịch sử vào năm 2007. Với người đàn ông K’Ho cả một đời lầm lũi nơi ruộng vườn nương rẫy, thạc sĩ, tiến sĩ là gì, ông không biết. Ông chỉ biết rằng mình muốn con cái phải đi cho hết con đường mà cuộc đời ông khao khát. Và Cil Duin là người con đã thay ông hoàn thành giấc mơ dang dở đó khi trở thành Tiến sĩ Quản lý học vào năm 2015.
 
Mở đầu buổi trò chuyện, Cil Duin khiêm tốn bảo, câu chuyện của mình có gì để kể đâu. Nhưng càng nghe anh tâm sự về con đường “đi tìm cái chữ”, càng thấy khâm phục biết bao về sự cố gắng và nỗ lực của một người con núi rừng.
 
Sinh ra và lớn lên trong giai đoạn những năm 70-80, khi mà trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số đói nghèo vẫn còn dai dẳng, cái ăn còn chưa đủ huống hồ đeo đuổi con chữ, anh vẫn vượt qua “trào lưu” bỏ học để bền bỉ đến trường. “Nguyên cả huyện Lạc Dương hồi đó chỉ có 5-6 người đồng bào dân tộc thiểu số là bạn tôi học hết lớp 9. Hồi đó, cái đói còn hoành hành. Tháng 6, tháng 7 là những tháng giáp hạt, nhà nào cũng gặp cảnh đói ăn trong khi năm học mới lại thường được bắt đầu từ đầu tháng 9. Những tháng đó cực kì vất vả. Thế nên học sinh bỏ học theo cha mẹ lên rừng làm rẫy, mình cũng thuộc đối tượng đó nhưng may mắn thay khi bố mẹ nhất quyết không cho bỏ học.” - anh chia sẻ.
 
Theo học đã khó, để “đưa” được con chữ vào trong đầu lại càng khó gấp bội phần, nhất là với những đứa trẻ vùng cao sáng cắp sách đến trường, chiều lem luốc chăn trâu hay lên rẫy. Thế nên, gia đình Cil Duin có 9 anh chị em, chỉ mỗi anh là đủ kiên trì và nghị lực để đi trọn con đường.
 
Ngay từ nhỏ, cậu bé Cil Duin đã lẽo đẽo đi theo anh chị tới trường nghe cô giáo giảng về con chữ. Anh bắt đầu đi học rất muộn, khi đã 11 tuổi mới vào lớp Một. Nhưng lúc đó vẫn chưa ý thức được tầm quan trọng của việc học chữ, thế nên cậu học trò nhỏ vẫn chỉ có suy nghĩ đi học cho có, bố mẹ bảo đi học thì phải đi thôi. Chỉ từ năm học lớp Năm, sau lần bỏ học gần 1 tuần nhưng bố vẫn quyết tâm dắt tay lên trường, anh mới hạ quyết tâm phải đi cho trọn con đường học tập, tự cam kết với bản thân nhất quyết không được bỏ học một lần nào nữa.
 
Vậy là, từ việc vẫn còn rất khó khăn để viết được một đoạn văn tiếng Việt ngắn vào năm lớp Bốn, một năm sau, Cil Duin đã tiến bộ rõ rệt theo từng ngày, và cứ thế giữ vững niềm say mê với con chữ khi tiếp tục theo học tại Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh.
 
Năm 2002, sau khi tốt nghiệp Khoa Lịch sử tại Trường ĐH Sư phạm Huế, anh trở về Lạc Dương, trở thành giáo viên Trường THPT Lang Biang - chính thức bắt đầu hành trình “gieo chữ” trên mảnh đất nghèo. Tại thời điểm đó, anh còn có nguyện vọng được đi vùng sâu, vùng xa với suy nghĩ sức trẻ thì nên đi xa để cống hiến, để phục vụ.
 
Những tưởng, với một người con K’Ho sinh ra, lớn lên và theo đuổi con chữ trong nỗi nhọc nhằn, khó khăn thì chỉ chừng đó là đủ. Thế nhưng, với suy nghĩ đơn giản rằng cảm thấy mình còn thích đi học, nhiệt huyết học còn đang nhiều nên muốn tiếp tục học đến khi nào học không được nữa mới thôi, Cil Duin quyết định đi thi cao học, lấy tấm bằng Thạc sĩ Lịch sử Việt Nam tại Trường Đại học Đà Lạt. Tháng 9/2012, anh theo học Trường Đại học Sư phạm Bắc Kinh, Trung Quốc và trở thành Tiến sĩ ngành Quản lý học vào năm 2015. “Con chim giữa núi rừng”- lúc này mới cảm thấy đủ để dừng lại.
 
Tấm gương của buôn làng
 
Cil Duin nói rằng, cuộc đời anh đã gặp nhiều điều may mắn thì mới có thể không dang dở giấc mơ học hành. Người mẹ năm nay hơn 80 tuổi vô cùng tự hào về con trai của mình. “Nếu như còn bố thì chắc chắn bố cũng sẽ rất tự hào và mãn nguyện vì con trai đã thay ông đi hết con đường mà ông trăn trở” - Cil Duin tâm sự. Bố anh mất năm 2014, lúc anh đang học ở Trung Quốc. 2 tuần trước khi sang Trung Quốc để học chính thức, bố bị phát hiện bệnh ung thư máu nên Cil Duin buộc phải lựa chọn giữa đi và ở. Bố không đồng ý anh bỏ, vậy là anh đi. Nghe tin bố yếu, anh về được 5 ngày thì ông mất. Sau một tháng chịu tang, Cil Duin trở lại Trung Quốc và cố gắng để đảm bảo thời gian hoàn thành chuyên đề.
 
Bây giờ, không chỉ gia đình Cil Duin, mà bà con, họ hàng ở Lạc Dương đều lấy làm hãnh diện vì lần đầu tiên có một người con K’Ho ở mảnh đất này học lên tận tiến sĩ. Mỗi lần Cil Duin đi và về, bà con hàng xóm lại thường lấy ché rượu cần và con gà để đón như một cách thể hiện tình cảm quý mến. 
 
Còn trong câu chuyện của già làng Păng Tin Sing ở thôn Bnơ C trong mỗi dịp lễ tết, Cil Duin luôn là cái tên được ông nhắc tới như là một tấm gương để khuyên dạy con cháu phải biết vượt khó đến trường. Với những đứa nhỏ ở nhà - cũng là học trò của Cil Duin, ông Păng Tin Sing vẫn bảo: “Cứ như thầy Duin đây này”, tức là hãy cố gắng như thầy. Người dân của buôn làng đều gọi anh là thầy, ngay cả bây giờ khi anh đã thôi dạy và chuyển về công tác tại Phòng Giáo dục huyện Lạc Dương - như là một sự kính trọng và yêu mến - mà anh bảo đó là niềm hạnh phúc.
 
Bây giờ, điều kiện học đã không còn quá khó khăn. Người trẻ K’Ho dưới chân núi Lang Biang lại được Cil Duin tiếp thêm động lực, truyền lửa và bồi đắp niềm tin rằng mình cũng có thể làm được, nên Cil Duin tin rằng, rồi mai này, không xa, người K’Ho ở Lâm Đồng sẽ không còn chỉ có mỗi anh là tiến sĩ.
 
VIỆT QUỲNH