Tốc độ xã hội hóa giáo dục còn chậm

09:07, 14/07/2017

Giai đoạn 2011 - 2015, tốc độ xã hội hóa lĩnh vực giáo dục - đào tạo còn chậm so với tiềm năng và định hướng của Nghị quyết số 38/2011/NQ-HĐND tỉnh. Trong đó, số trường và số học sinh ngoài công lập giảm dần qua 5 năm. 

Giai đoạn 2011 - 2015, tốc độ xã hội hóa (XHH) lĩnh vực giáo dục - đào tạo còn chậm so với tiềm năng và định hướng của Nghị quyết số 38/2011/NQ-HĐND tỉnh. Trong đó, số trường và số học sinh ngoài công lập giảm dần qua 5 năm. 
 
Việc huy động XHH giáo dục chỉ mới tập trung vào xây dựng, sửa chữa cơ sở vật chất và mua sắm trang thiết bị cho các trường công lập
Việc huy động XHH giáo dục chỉ mới tập trung vào xây dựng, sửa chữa cơ sở vật chất và mua sắm trang thiết bị cho các trường công lập
Trước hết, phải kể đến việc phát triển hệ thống trường ngoài công lập chỉ mới tập trung ở địa bàn thành phố và các thị trấn phát triển. Qua 5 năm (2010 - 2015), số trường mầm non và phổ thông ngoài công lập giảm 50 trường do chuyển đổi loại hình trường học theo Thông tư số 11/2009 của Bộ GDĐT và Nghị quyết số 17/2011 của HĐND tỉnh. Do đó, tỷ lệ học sinh ngoài công lập cũng giảm từ 17,4% năm học 2010 - 2011 xuống còn 6,48% năm học 2015 - 2016. So với chỉ tiêu định hướng đến năm 2015 của Nghị quyết 38/2011/NQ-HĐND tỉnh, tỷ lệ học sinh ngoài công lập không đạt được. Cụ thể: năm học 2015 - 2016, nhà trẻ chỉ đạt 67,1% so với chỉ tiêu định hướng 80%, mẫu giáo đạt 24,5% so với chỉ tiêu 30%; tiểu học đạt 0,56% so với chỉ tiêu 1%; THCS đạt 0,25% so với chỉ tiêu 1,5%; THPT đạt 3,64% so với chỉ tiêu 8%. 
 
Việc chuyển đổi các trường bán công sang loại hình trường tư thục chưa thực hiện được mà chỉ mới chuyển đổi từ trường bán công sang công lập. Trong năm học 2011 - 2012, đã chuyển 59 trường mầm non bán công sang trường mầm non công lập; chuyển đổi 11 trường phổ thông bán công sang trường phổ thông công lập. Điều này cũng dẫn đến tỷ lệ học sinh ngoài công lập giảm và tăng gánh nặng về ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, việc chuyển các trường THPT dân lập sang trường tư thục vẫn còn khó khăn. Đến nay, chỉ mới chuyển đổi được 3/5 trường phổ thông dân lập sang tư thục. 
 
Theo Sở GDĐT, một trong những nguyên nhân của tình trạng trên là công tác tuyên truyền về chủ trương XHH giáo dục chưa thường xuyên và chưa đầy đủ. Do đó, một số địa phương và một bộ phận cán bộ, nhân dân xem XHH chỉ là biện pháp huy động sự đóng góp của nhân dân trong điều kiện ngân sách nhà nước hạn hẹp. Cùng với đó, tư tưởng bao cấp, dựa vào ngân sách nhà nước vẫn còn tồn tại ở nhiều cấp, ngành, đơn vị sự nghiệp công lập.
 
Bên cạnh đó, công tác tham mưu chưa khuyến khích các nhà đầu tư đẩy mạnh XHH giáo dục. Đặc biệt, tỷ lệ tuyển sinh học sinh THPT ngoài công lập giảm; các cơ chế, chính sách khuyến khích XHH chậm được cụ thể hóa nên không tạo điều kiện cho hệ thống các đơn vị ngoài công lập hình thành, tồn tại và phát triển. Thu hút đầu tư XHH chưa xác định được danh mục các dự án đầu tư ưu tiên kèm theo các điều kiện khuyến khích cụ thể để làm cơ sở kêu gọi, thu hút đầu tư. Không những vậy, đầu tư cho các cơ sở XHH về giáo dục cần có số vốn đầu tư lớn, thời gian thu hồi vốn chậm nên chưa thực sự hấp dẫn các nhà đầu tư. 
 
Để phát triển XHH giáo dục giai đoạn 2016 - 2020, Sở GDĐT đã đề ra một số mục tiêu và giải pháp. Trong đó, mục tiêu cụ thể là đến năm 2020, tăng tỷ lệ học sinh ngoài công lập với nhà trẻ đạt 75 - 77% (năm 2015 tỷ lệ 67,1%), mẫu giáo đạt 28 - 30% (năm 2015 tỷ lệ 24,5%), tiểu học đạt 1 - 1,2% (năm 2015 tỷ lệ 0,56%), THCS đạt 0,6 - 0,8% (năm 2015 tỷ lệ 0,25%), THPT 5 - 8% (năm 2015 tỷ lệ 3,64%). 
 
Để làm được điều này, các giải pháp được Sở GDĐT đưa ra như: trước hết phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về huy động nguồn lực XHH của các tổ chức, cá nhân đầu tư cho phát triển giáo dục và đào tạo. Trong đó, nâng cao nhận thức của nhân dân và người học về đa dạng hóa loại hình học tập, có thái độ bình đẳng giữa cơ sở giáo dục - đào tạo công lập và ngoài công lập, góp phần thực hiện công bằng xã hội trong giáo dục. Tiếp tục có cơ chế, chính sách ưu tiên về đất đai, thuế, huy động vốn tín dụng đối với các cơ sở giáo dục và đào tạo thực hiện huy động nguồn lực của các tổ chức, cá nhân đầu tư cho phát triển giáo dục và đào tạo. 
 
Cùng với đó là điều chỉnh chế độ học phí, lệ phí đối với cơ sở giáo dục và đào tạo thực hiện XHH để bù đắp chi phí đào tạo. Áp dụng các chế độ học bổng, trợ cấp xã hội và miễn giảm học phí đối với người học trong các cơ sở giáo dục - đào tạo thực hiện XHH như người học trong các cơ sở giáo dục - đào tạo công lập. Đồng thời, tăng cường quản lý nhà nước về XHH giáo dục và đào tạo cũng như củng cố, phát huy vai trò của các tổ chức về công tác XHH giáo dục. 
 
VIỆT HÙNG