Trẻ mẫu giáo với trò chơi dân gian

09:07, 05/07/2017

Bên cạnh các trò chơi hiện đại như Kidsmart hay bộ xếp hình…, 2 năm nay, Trường Mầm non 12, thành phố Đà Lạt tổ chức cho trẻ lớp lá chơi các trò chơi dân gian mang tính giáo dục về bản sắc văn hóa dân tộc. Qua đó, tạo môi trường mở với các hoạt động ngoài trời để thu hút trẻ hứng thú tham gia khi vừa được học, vừa được chơi.

Bên cạnh các trò chơi hiện đại như Kidsmart hay bộ xếp hình…, 2 năm nay, Trường Mầm non 12, thành phố Đà Lạt tổ chức cho trẻ lớp lá chơi các trò chơi dân gian mang tính giáo dục về bản sắc văn hóa dân tộc. Qua đó, tạo môi trường mở với các hoạt động ngoài trời để thu hút trẻ hứng thú tham gia khi vừa được học, vừa được chơi.
 
Bé hát dân ca được lồng ghép trong các hội thi. Ảnh: T.Hương
Bé hát dân ca được lồng ghép trong các hội thi. Ảnh: T.Hương
Rồng rắn lên mây/Có cây lúc lắc/Có nhà hiển vinh….”, tiếng bài đồng dao từ thuở ấu thơ của trẻ con miền quê xa xưa cất lên trong trẻo cùng hàng dài “rồng rắn” hòa theo tiếng cười của lớp Lá 3, Trường Mầm non 12. Hơn 2 năm nay, hoạt động ngoài trời với các trò chơi dân gian dần trở nên lôi cuốn nhóm trẻ 5 tuổi của trường. Đó là kết quả từ giải pháp hữu ích của cô giáo Trần Bảo Thy nhằm rèn luyện kỹ năng sống cũng như phát huy tính tích cực, chủ động và sáng tạo của trẻ.
 
“Bản thân là một giáo viên mầm non, tôi luôn trăn trở và tìm các biện pháp để tổ chức các trò chơi dân gian một cách có hiệu quả nhất. Bởi ngày nay, trẻ sống trong một xã hội công nghiệp, chỉ quen với máy móc và ít có khoảng thời gian chơi. Thiệt thòi hơn các con không được làm quen và chơi các trò chơi dân gian. Vì vậy, giúp các con hiểu và quay về nguồn thì trò chơi dân gian là biện pháp hữu ích”, cô giáo Trần Bảo Thy chia sẻ. 
 
Bằng các vật liệu có sẵn như những viên sỏi hay que tre bào nhẵn, trò chơi ô ăn quan, xúc xắc xúc xẻ… khiến trẻ hứng thú với trò chơi mới. Thậm chí không cần dụng cụ, chỉ cần trẻ chơi với nhau như các trò kéo co, bịt mắt bắt dê, nhảy lò cò, mèo đuổi chuột… cũng thu hút sự tham gia của trẻ. Trò chơi dân gian được chia làm nhiều thể loại như trò chơi cần huy động sức mạnh tập thể với trò kéo co, cướp cờ giúp trẻ có kỹ năng phối hợp với tập thể; trò chơi trí tuệ như ô ăn quan, cờ cá ngựa giúp trẻ phát triển tư duy; trò chơi cần khéo léo như chơi chuyền, nặn đất sét… giúp trẻ phát huy tính sáng tạo… Theo cô Thy, “ngoài việc đem đến niềm vui cho trẻ, trò chơi dân gian còn rèn luyện trí lực, khả năng sáng tạo, sức khỏe, sự dẻo dai cũng như tính kiên trì cho các con”.
 
Cô Thy cho biết thêm, điều đặc biệt hơn là khi chơi các trò chơi dân gian, bao giờ trẻ cũng phải đọc các bài đồng dao, ca dao. Thông qua các bài ca dao, đồng dao đã gieo vào lòng trẻ tình yêu quê hương, đất nước, yêu bản sắc văn hóa cổ truyền và quan trọng hơn cả là việc đọc sẽ giúp trẻ phát triển ngôn ngữ. Bởi khi gặp những từ khó như zích zích zắc zắc, nu na nu nống, rềnh rềnh ràng ràng… đòi hỏi trẻ phải đọc được và phát âm chính xác. Những từ này ngoài giao tiếp đời thường ít khi trẻ gặp, do đó vốn từ của trẻ sẽ ngày càng phong phú hơn. Ngoài ra, các bài đồng dao còn giúp cho trẻ có kiến thức về môn Toán một cách nhẹ nhàng mà hiệu quả như: một người 2 chân, hai người 4 chân hay những số đếm từ 1 đến 10 trong trò chơi “Rồng rắn lên mây”…
 
Môi trường của trò chơi dân gian thường ở ngoài trời, gần gũi với thiên nhiên và môi trường xung quanh. Các trò chơi dân gian được lồng ghép với hoạt động học của trẻ như giáo dục thể chất, làm quen với văn học, làm quen với chữ cái, làm quen với toán, với âm nhạc… Hoạt động này được nhiều phụ huynh ủng hộ, nhất là việc đóng góp nguyên vật liệu để làm dụng cụ các trò chơi. Chị Đỗ Thị Hồng Hạnh - một phụ huynh tỏ ra rất hài lòng khi con đi học về đọc ê a những bài đồng dao, ca dao từng gắn bó với tuổi thơ của chị. “Bé còn rủ tôi chơi những trò chơi dân gian một cách hào hứng, bé không “dán mắt” vào ti vi hay điện thoại như trước”, chị Hồng cười.
 
“Ngoài việc tổ chức cho trẻ chơi trò chơi dân gian trong hoạt động học - chơi hàng ngày, Trường Mầm non 12 còn thường xuyên tổ chức ngày hội trò chơi dân gian, các hội thi lồng ghép trò chơi dân gian để nâng cao các kỹ năng chơi, cũng như giúp trẻ tham gia chơi các trò chơi dân gian một cách hào hứng. Việc kết hợp trò chơi dân gian trong các hoạt động học tại trường mầm non mang ý nghĩa to lớn trong việc rèn luyện thể lực, sự khéo léo, nhịp nhàng, rèn luyện trí tuệ, sự nhanh trí, óc phán đoán, gợi cảm xúc thẩm mỹ, hoạt động nhóm, tập thể, sự gắn kết của tình bạn và đặc biệt góp phần xây dựng nhân cách mang đậm văn hóa dân tộc Việt Nam cho trẻ ngay từ khi còn nhỏ”, cô Trần Thị Thu Lan - Hiệu trưởng trường Mầm non 12 khẳng định.
 
TUẤN HƯƠNG