"A lô. Chú em hả? Anh gọi điện thoại báo em mừng là việc an táng cho anh trai của anh vừa xong sáng nay, ấm cúng, cảm động lắm em ạ! Anh cảm ơn em đã giúp anh. Và… và… các anh chị trong đó thật tốt… đã giúp đỡ hết sức chu đáo, để anh thực hiện được một việc lớn…".
“A lô. Chú em hả? Anh gọi điện thoại báo em mừng là việc an táng cho anh trai của anh vừa xong sáng nay, ấm cúng, cảm động lắm em ạ! Anh cảm ơn em đã giúp anh. Và… và… các anh chị trong đó thật tốt… đã giúp đỡ hết sức chu đáo, để anh thực hiện được một việc lớn…”.
|
Nghĩa trang Liệt sĩ Đà Lạt. Ảnh: Hà Hữu Nết |
Đoạn cuối cuộc điện thoại đứt quãng, yếu dần… Dường như người ở đầu dây bên kia… Khóc! Anh lại khóc. Chao ôi, tiếng khóc của một người đàn ông với mái tóc hoa râm, gương mặt sạm nắng, hốc hác trong một buổi chiều tháng Bảy ở Nghĩa trang Liệt sĩ Đà Lạt cứ khắc khoải hoài trong ký ức tôi…
Chiều ấy, tôi vừa đến cơ quan thì được thủ trưởng gọi lên giao nhiệm vụ: liên lạc, đón, phối hợp với Nhà khách Tỉnh ủy để bố trí nơi nghỉ và giúp đỡ anh Sơn (công tác ở Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thanh Hóa) đang trên đường vào Đà Lạt để bốc mộ người thân là liệt sĩ. Trao đổi thêm một số việc liên quan, thủ trưởng đọc cho tôi ghi số điện thoại cầm tay của người đàn ông ấy trước khi bước ra xe đi công tác. Tôi hiểu đây là nhiệm vụ, một công việc nghĩa tình và rất thiêng liêng nên suốt buổi chiều cứ vào ra chờ đợi.…
Dù đi đường xa còn mệt, nhưng vừa bước xuống xe, bắt tay làm quen, anh Sơn trao đổi nhanh với tôi kế hoạch, dự định công việc và nhờ tôi đưa anh đi làm việc với những cơ quan liên quan, anh nói cho kịp thời gian… Nhờ tôi đã trao đổi trước công việc với các anh, chị ở Sở Lao động TB-XH Lâm Đồng lúc đầu giờ chiều nên khi đưa anh Sơn đến chưa đầy mươi phút làm việc, các thủ tục, giấy tờ, chế độ… liên quan về việc di dời hài cốt liệt sĩ theo quy định đã được lãnh đạo Sở Lao động TB-XH hướng dẫn, hỗ trợ tiến hành chu đáo nhanh lẹ. Tôi vội nổ máy xe Honda đưa anh Sơn chạy lên Nghĩa trang Liệt sĩ Đà Lạt khi những tia nắng cuối ngày vàng vọt treo trên ngọn thông già.
Biết trước có khách đến liên lạc giải quyết công việc, anh Phan Xuân Báu (lúc đó là Trưởng ban quản lý Nghĩa trang Liệt sĩ Đà Lạt) đã đứng chờ sẵn ở cửa ngôi nhà làm việc trong khu nghĩa trang. Sau vài phút chào hỏi, giới thiệu, anh Báu lục một hồi trong cuốn sổ dày cộp ghi danh tánh gần 2.000 liệt sĩ của nghĩa trang; đôi mắt người quản trang chợt sáng lên… Đây rồi, Lê Quốc Thái: sinh năm 1950 tại Thanh Hóa; hy sinh tháng 10/1972; cấp bậc Binh sĩ, chức vụ: Trung đội trưởng Đặc công Tiểu đoàn 810… Dù vội, nhưng anh Sơn vẫn nán lại đốt mấy cây nhang cắm lên lư hương ở trên bàn thờ trong ngôi nhà khu nghĩa trang và đứng lầm thầm khấn vái trước một bàn thờ lớn giữa ngôi nhà. Nén nhang trong tay anh cứ run run, đôi mắt anh chớp chớp liền hồi…
Tôi và anh lần lượt leo lên từng bậc tam cấp dài dẫn lên nghĩa trang khi hoàng hôn Đà Lạt đã phủ mờ trên dãy núi xa xa và trời bắt đầu se lạnh. Hai anh em, người che gió, người bật lửa đốt một bó nhang to để anh thắp lên chiếc lư hương lớn trước Đài tưởng niệm Liệt sĩ. Trong lúc tôi đang cắm từng cây nhang lên các ngôi mộ hai bên tượng đài, anh Sơn bước vội về hướng phải của tượng đài trông dáng dấp vội vàng, khấp khởi. Đưa mắt lướt tìm trên các hàng mộ thẳng tắp, bất chợt anh ngồi sụp xuống, giang hai tay ôm choàng một ngôi mộ, giọng anh khản đặc. Anh ơi!
Tôi cầm bó nhang đến đứng bên cạnh anh như trời trồng. Dường như không để ý sự có mặt của tôi, anh Sơn khóc nức nở. Tiếng khóc đùng đục của người đàn ông 60 tuổi tóc đã hoa râm vỡ ra, hòa vào tiếng gió rì rào của rừng thông trong chiều nghĩa trang vắng lặng tạo ra một thứ âm thanh nghe rất lạ và thật nao lòng! “Đã 40 năm rồi anh nằm đây, cha mẹ vẫn chờ anh; các anh, chị em luôn chờ anh. Em sẽ đưa anh về quê mình, với gia đình mình anh nhé!...”.
Sau khi bàn bạc và nhờ Ban quản lý Nghĩa trang giúp một số công việc chuẩn bị việc cúng kiến, làm lễ, bốc mộ… tôi đưa anh về nhà khách. Đêm Đà Lạt đã xuống tự khi nào. Ngồi sau xe máy, người đàn ông chợt rùng mình nép sát vào lưng tôi. Chết thật, giờ tôi mới nhớ ra lúc chiều vội quá quên không mang cho anh cái áo lạnh. Toàn thân anh run lập cập sau làn vải mỏng trong chiếc áo sơ mi ngắn tay… Đêm đó, tôi ở lại phòng anh nghỉ chơi đến tận khuya. Rót mời tôi ly đế ngâm với mấy củ sâm (anh mang từ Thanh Hóa vào), người đàn ông kể tôi nghe câu chuyện về gia đình, về người anh trai hơn 40 năm nằm lại nơi đây và những năm tháng gia đình anh tìm kiếm, đợi chờ…
“Anh Thái thoát ly gia đình tham gia kháng chiến từ năm 1968 khi đó anh vừa tròn 18 tuổi, anh đi B (lần thứ nhất) ở chiến trường Quảng Trị - Khe Sanh; tháng 3/1970, anh đi B vào Nam (lần thứ hai) giữ chức vụ Trung đội trưởng Đặc công Tiểu đoàn 810 chiến đấu ở chiến trường Tuyên Đức (Lâm Đồng cũ); đến tháng 10/1972 anh hy sinh trong một lần đi công tác…”. Đó là những thông tin về người anh trai liệt sĩ mà mãi đến năm 1976 gia đình mới nhận giấy báo tử ghi lại. Gần chục năm sau ngày đất nước thống nhất, lần theo địa chỉ (ghi trong giấy báo tử), gia đình mấy lần đi tìm nhưng không tìm được mộ anh (do trước đó, anh Thái hy sinh và chôn ở khu vực suối Cam Ly, sau này mới được đưa về Nghĩa trang Liệt sĩ Đà Lạt). Nhưng gia đình vẫn tin anh Thái nằm lại đâu đó ở Lâm Đồng và một ngày sẽ tìm được hài cốt anh… Tình cờ, Huỳnh Văn Nhị - sinh viên Khoa Văn Trường Đại học Đà Lạt (học trò cũ của anh Sơn) trong một lần cùng sinh viên tham gia “công trình thanh niên” chăm sóc Nghĩa trang Liệt sĩ Đà Lạt đã phát hiện trên một ngôi mộ trong nghĩa trang có tên: Lê Quốc Thái, quê ở Thanh Hóa… mà có lần nghe thầy Sơn kể chuyện. Chàng sinh viên này đã điện thoại báo cho thầy cũ. Anh Sơn liền có mặt tại Đà Lạt và vỡ òa niềm vui khôn xiết khi nhận ra đúng là mộ của anh ruột mình!
Anh Sơn tâm sự, gia đình anh có tất cả 8 anh em; trong đó 5 người đi bộ đội; duy chỉ có anh Thái “mãi mãi không trở về”! Nhiều năm qua khi tìm được nơi anh yên nghỉ, anh Sơn đã mấy lần lên thăm mộ anh trai và có nguyện vọng muốn đưa anh về an táng tại nghĩa trang quê nhà. Lần này, áp dụng Thông tư Liên tịch 01/TTLT-BLĐTB&XH-BTC ngày 29/1/2008 của Bộ Lao động TB-XH và Bộ Tài chính “về hướng dẫn thủ tục và mức hỗ trợ thân nhân liệt sĩ đi thăm viếng mộ và di dời hài cốt liệt sĩ”, anh đã làm đầy đủ các thủ tục xin di dời hài cốt anh trai về an táng tại Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Hàm Rồng - quê hương anh…
Nhờ sự hỗ trợ, giúp đỡ chí tình, chu đáo của Sở Lao động TB-XH Lâm Đồng, Ban quản lý Nghĩa trang Đà Lạt, các cơ quan liên quan và anh em đồng nghiệp… việc bốc mộ, làm lễ truy điệu cho liệt sĩ Lê Quốc Thái được tổ chức trang nghiêm tại Nghĩa trang Liệt sĩ Đà Lạt; tạo những điều kiện hết sức thuận lợi để gia đình đưa hài cốt liệt sĩ Lê Quốc Thái về an táng ở Nghĩa trang liệt sĩ quê hương ông trọn vẹn nghĩa tình!...
Dù chỉ mấy ngày ngắn ngủi để giúp anh những công việc liên quan, nhưng dường như giữa anh và tôi có sự đồng cảm sâu sắc; đặc biệt khi biết tôi vừa là con liệt sĩ vừa là con thương binh, anh Sơn rất quý tôi. Anh gọi tôi là “chú em”, hay “em trai” rất thân mật.
THANH DƯƠNG HỒNG