Nằm trong vùng nông thôn với 70% học sinh là người dân tộc thiểu số, Mầm non Họa Mi tại xã An Nhơn - Đạ Tẻh nhiều năm liền không ngừng nỗ lực vươn lên và là ngôi trường tiêu biểu của Giáo dục Đạ Tẻh trong năm học 2016 - 2017 vừa qua.
Nằm trong vùng nông thôn với 70% học sinh là người dân tộc thiểu số, Mầm non Họa Mi tại xã An Nhơn - Đạ Tẻh nhiều năm liền không ngừng nỗ lực vươn lên và là ngôi trường tiêu biểu của Giáo dục Đạ Tẻh trong năm học 2016 - 2017 vừa qua.
|
Sân chơi cho trẻ ở Trường Mầm non Họa Mi - An Nhơn (Đạ Tẻh). Ảnh: V.Trọng |
Những khó khăn
Nằm ngay khu vực trung tâm xã, trước mặt là cánh đồng lúa xanh ngắt trải dài trong mùa này, Mầm non Họa Mi là một ngôi trường đẹp ở huyện Đạ Tẻh.
Với những người từng gắn bó với vùng đất lúa An Nhơn này, sự phát triển của những ngôi trường nơi đây trong đó có Mầm non Họa Mi có chút gì đó giống như một điều... thần kỳ. Được thành lập năm 2003, ban đầu Mầm non Họa Mi với 9 cán bộ, giáo viên, nhân viên, 6 lớp với 130 trẻ mẫu giáo ban ngày học trong các hội trường thôn trong xã, còn nhà hiệu bộ là 1 phòng của trạm xá cũ, tất cả đều tạm bợ trong suốt một thời gian dài. Phải đến năm 2013, sự thay đổi mới đến, đó là năm huyện đầu tư trên 3 tỷ đồng để xây lại một ngôi trường mới hoàn toàn.
Đến nay Mầm non Họa Mi - An Nhơn là ngôi trường đạt chuẩn quốc gia với 7 phòng học, trong đó có 4 phòng học kiên cố, trường có đầy đủ phòng chức năng, có khu hiệu bộ, có cây xanh, có sân chơi cho trẻ với rất nhiều đồ chơi, có nhà bếp… Năm học 2016 - 2017 vừa qua, trường có tổng cộng 176 cháu theo học trong 7 nhóm lớp gồm 1 lớp nhà trẻ, 1 lớp mầm, 2 lớp chồi, 3 lớp lá, trong đó có 1 phân hiệu tại buôn người dân tộc thiểu số Tố Lan. Công tác nơi đây có 22 cán bộ, giáo viên, nhân viên.
Đóng chân trên vùng đất lúa - xã thuần nông An Nhơn ven tỉnh lộ 721 của Đạ Tẻh nên học sinh của trường chủ yếu là con của những người làm nông một nắng hai sương, trong đó con cháu người dân tộc thiểu số phía bắc vào đây lập nghiệp như Tày, Nùng, Dao chiếm trên 70%, thêm một lớp khoảng trên 25 cháu là học sinh Châu Mạ ở buôn Tố Lan, phần còn lại là cộng đồng người Kinh, đa số từ Bình Định vào (An Nhơn là tên một huyện của tỉnh Bình Định).
Với lượng học sinh người dân tộc thiểu số chiếm đa số như thế nên trong suốt nhiều năm trường phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Như cô giáo Phạm Thị Hoa, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, dân cư trong xã đa phần đời sống còn khó khăn, đặc biệt là với các hộ đồng bào dân tộc thiểu số nên nhiều gia đình rất xem nhẹ giáo dục mầm non, coi trường mầm non như chỗ “giữ hộ con” mà thôi, có đi học cũng được mà nghỉ cũng không sao. Mãi gần đây khi cuộc sống khá lên suy nghĩ này mới thay đổi. Đặc biệt là cộng đồng Châu Mạ trong buôn Tố Lan, nhiều người chẳng muốn cho trẻ đến trường, mùa lúa đến nhiều nhà cha mẹ mang cả con trẻ lên rẫy, có lúc cả tháng mới về nhà. Chính vì vậy, trường không chỉ khó huy động trẻ ra lớp mà còn khó trong duy trì sĩ số.
Cùng đó, với trẻ người dân tộc thiểu số do nhiều gia đình khó khăn, điều kiện chăm sóc trẻ cũng hạn chế nên không ít trẻ bị suy dinh dưỡng, thấp người nhẹ cân. Trẻ người dân tộc, nhất là trẻ Châu Mạ cũng chưa nói được tiếng Kinh nên việc dạy học ở trường cũng ít nhiều khó khăn cho giáo viên.
Và những nỗ lực
Mầm non Họa Mi trong nhiều năm nay đã thực hiện phương châm “Xây dựng trường học lấy trẻ làm trung tâm”, trước nhất là tích cực vận động phụ huynh đưa con đến trường đồng thời làm tốt công tác duy trì sĩ số. Để các cháu đến lớp, Ban giám hiệu trong nhiều năm nay khi có trẻ vắng học lại cử giáo viên xuống tận địa bàn, đến tận từng nhà các cháu để tìm hiểu hoàn cảnh gia đình nhằm vận động phụ huynh đưa con đến lớp trở lại. Tại thôn Tố Lan, để chống bỏ học, giáo viên của trường phải phối hợp tốt với chính quyền để đến từng nhà vận động, nhiều lúc phải lên tận rẫy.
Cùng đó, nhà trường lâu nay chú ý xây dựng Quỹ hỗ trợ “Học sinh nghèo vượt khó” của trường thông qua các nguồn vận động xã hội hóa cùng sự đóng góp của cán bộ, giáo viên, nhân viên trong trường. Trường đã giúp đỡ cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn từ cặp vở, đồ dùng học tập đến áo quần để các cháu có điều kiện đến trường hằng ngày.
Trong bán trú, trường theo cô Hoa chú ý nâng chất lượng bữa ăn để cải thiện dinh dưỡng cho học sinh. Bên cạnh cá thịt cho các cháu theo khẩu phần ăn, nhà trường vùng nông thôn đất rộng nên vận động cán bộ, giáo viên trong trường trồng thêm bầu bí, rau cải, chuối dùng cho bữa ăn hằng ngày, “Nhiều thì không có nhưng cũng đủ cho các cháu dùng” - cô Hoa cho biết.
Cùng đó, trường cũng từng bước nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, tập trung đầu tư cho chuyên môn, nâng cao tay nghề đổi mới phương pháp giảng dạy.
Nếu như năm 2012 trường chưa có giáo viên giỏi thì đến năm 2014 Mầm non Họa Mi đã có 8 giáo viên giỏi cấp trường, đến nay đã có giáo viên giỏi cấp huyện và cấp tỉnh.
Để xây dựng trường thành một điểm xanh, thân thiện với học sinh, nhà trường theo cô Hoa nỗ lực vận động xã hội hóa (mỗi năm chừng 15 - 30 triệu đồng) để xây dựng mái vòm che cho học sinh, mua thêm đồ chơi, đồ dùng học tập.
Cho đến nay Mầm non Họa Mi đang làm rất tốt việc duy trì sĩ số học sinh hằng năm. Trong năm học 2016 - 2017, trường chỉ có cháu nghỉ cách nhật nhưng không có cháu nào bỏ học.
Từ năm học 2014 - 2015 đến nay, ngôi trường trên vùng đất lúa An Nhơn này liên tục là tập thể lao động tiên tiến, là điểm sáng của Giáo dục Đạ Tẻh. Trường được Ngành Giáo dục Lâm Đồng biểu dương là đơn vị xuất sắc trong công tác phổ cập giáo dục cho trẻ 5 tuổi giai đoạn 2011 - 2015, được UBND huyện Đạ Tẻh công nhận là tập thể hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Trong năm 2016 vừa qua, trường đã đạt chuẩn quốc gia. “Chúng tôi đang phấn đấu trong 3 năm đến đưa trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2” - cô Hoa cho biết.
VIẾT TRỌNG