Báo muộn, báo sớm

10:08, 18/08/2017

Để chuyển đến bạn đọc những dòng thông tin đa dạng và kịp thời trên mặt báo, phía sau những tít bài, tên tác giả là những gương mặt không tên cũng góp phần mình cho thông tin thêm kịp thời, hình thức thêm hấp dẫn…

Để chuyển đến bạn đọc những dòng thông tin đa dạng và kịp thời trên mặt báo, phía sau những tít bài, tên tác giả là những gương mặt không tên cũng góp phần mình cho thông tin thêm kịp thời, hình thức thêm hấp dẫn…
 
Bộ phận kỹ thuật chế bản Báo Lâm Đồng. Ảnh: Phan Nhân
Bộ phận kỹ thuật chế bản Báo Lâm Đồng. Ảnh: Phan Nhân

Ở vị trí phía sau
 
Làm việc trong môi trường báo chí, đã từng nghe những nhận xét có phần “chưa đa chiều” về bộ phận kĩ thuật là những người làm trong điều kiện “mưa không tới mặt, nắng chẳng tới đầu”, khi còn ở vị trí phóng viên (PV), tôi cũng không mấy tường tận về phần trăm chính xác của nhận xét ấy. Để rồi đến khi chuyển về làm công tác biên tập, hàng ngày đồng hành cùng các kỹ thuật viên (KTV) trên mỗi trang báo đã giúp tôi có thể hiểu hơn về đặc thù công việc của họ - những người ở vị trí phía sau…
 
Nếu nói một cách hình ảnh thì công việc KTV không trực tiếp lặn lội nắng mưa nhưng lại chịu ảnh hưởng không ít từ nhịp mưa nắng ấy. Đó là khi PV tác nghiệp ở những địa bàn vùng sâu vùng xa, tác nghiệp trong điều kiện bất lợi về kĩ thuật, ở những vùng mạng yếu, những khi thông tin về trễ, cả bộ phận Tòa soạn (TS) đợi tin và khi ấy, KTV cũng “ngóng” tin không kém. Để rồi, trong nhịp gấp gáp của công việc lúc đã muộn, họ vẫn tỉ mẩn từng thao tác chỉnh lại trang báo khi “đất” thừa hay thiếu, bình tĩnh xử lý những khuôn hình chuẩn, dò lại từng chi tiết về hình thức và cả nội dung để báo lên khuôn.
 
Trong vụ sập hầm thủy điện Đạ Dâng - Đạ Chomo - một sự kiện gây chấn động vào cuối năm 2014, hai PV Diễm Thương - Văn Báu tác nghiệp liên tục để chuyển tải sự gay cấn và những nỗ lực của công tác cứu hộ các nạn nhân bị mắc kẹt trong hầm. Vì mạng yếu, để chuyển thông tin, PV đã thể hiện nội dung bằng những tin nhắn từ điện thoại để KTV Phòng Báo điện tử ở cơ quan ngồi “dịch” những dòng tin không dấu, gõ vào file word và kiểm tra cú pháp để đưa tin theo kịp diễn biến sự việc. Loạt bài này sau đó đã đoạt giải nhất Giải báo chí tỉnh Lâm Đồng và phía sau giải nhất, là những giọt mồ hôi, sự lăn xả, thâm nhập của người viết và cũng không thể không nhắc đến sự tiếp sức từ đội ngũ KTV. 
 
Làm KTV ngại nhất điều gì? Khi nhận được câu hỏi này, hầu hết các KTV đều bày tỏ ngại nhất là “lỗi”. Mà lỗi thì có những tình huống “dở khóc, dở cười”. Đó là khi tin bài chuyển về cấp tập, những khi thay bài vào phút chót, KTV phải tập trung cao để thực hiện thao tác chuẩn xác, không làm mất đoạn, không đổ nhầm tin hay lấy nhầm hình trong vô số tài liệu đã tải về, không ráp ảnh này cùng dòng chú thích của ảnh khác… Đó là những khi mất tập trung, đầu nghĩ một từ nhưng tay lại gõ sang từ khác na ná. Đó là không rơi vào tình huống bị “máy hại chủ” khi bỗng dưng máy bị treo phải khởi động đi khởi động lại, bị lỗi phần mềm, mất điện đột xuất, gặp những bài viết không hiểu tác giả nhập liệu thế nào mà có rất nhiều mã chữ…
 
Những ngày cuối năm, nếu PV gấp rút với báo xuân thì không khí ấy cũng lan tỏa rõ rệt vào TS, vào từng vị trí biên tập viên (BTV) và KTV. Ban ngày làm báo thường kỳ, tối ăn vội bữa cơm rồi lại tập trung về cơ quan làm báo tết, cường độ công việc rất cao. Để có hình thức mặt báo bắt mắt, KTV phải đi tìm từng font chữ, tải từng bản hình ảnh rộn ràng sắc xuân nào mai, nào đào, hình ảnh con giáp… minh họa cho những trang quảng cáo. Mà thường những bản tải miễn phí ấy lắp ghép lại trong thời gian thực hiện ngắn không thể sánh ngang những nội dung quảng cáo riêng của các công ty được đầu tư đặt hàng thiết kế nên sự so sánh chất lượng trong tình huống này là khập khiễng.
 
KTV còn là người “toét mắt” với những lỗi mo-rát “rình rập”: không chỉ là viết hoa, viết thường, câu cú mà lắm lúc còn dò lại và phát hiện cả phần lỗi nội dung. Đó là tên nhân vật được lặp lại lần sau đã “thay tên đổi họ” so với lần đầu, số liệu thành phần không khớp với số tổng quát, chức vụ không đúng, nhắc đến thời điểm hiện tại nhưng ngày - tháng - năm bỗng dưng lùi hoặc tiến, câu cú “cụt, què” bất hợp lí… Rồi cả những lúc “đụng” tin, tin đã đưa trước đó nhưng tiếp tục có tin tương tự của tác giả khác, ở cấp độ phát hiện cao hơn còn là tin của tác giả này đã nằm trong bài của tác giả khác đăng trước rồi…
 
Có những lúc đã “rốn” lại cơ quan đến cùng để điều chỉnh màu ảnh hợp lí nhưng báo in ra không đẹp, có khi “lem nhem”, không phải đợi đến khi độc giả nhận xét, tự những người trình bày đã có những nỗi lòng riêng không dễ tỏ bày.
 
Tôi gọi họ là những người làm báo muộn bởi sáng đi làm có vẻ “đủng đỉnh” nhưng đến bữa cơm nóng hổi của gia đình thì người phụ nữ lại chưa thể có mặt, không kịp chuẩn bị cho con bữa ăn ngon, tối về muộn màng khi phố đã lên đèn. Có chàng KTV trẻ tuổi, sau ngày làm việc, cứ đến giờ hẹn hò với bạn lại nhận điện thoại quay lại TS để thay tin, bài phút cuối. Ngày lễ, tết, thay vì thong dong vui chơi hay có thể hừng hực tại hiện trường như PV đi tác nghiệp, KTV vẫn túc trực bên máy để kịp báo xuất bản. Nhịp sinh hoạt của KTV phụ thuộc hoàn toàn vào những khâu trước đó của người viết và người biên tập. Với yêu cầu chuyển tin nhanh chóng, kịp thời thì làm báo muộn là thường xuyên.
 
Phát hành báo sớm
 
Hơn 5 giờ sáng, từ Xí nghiệp in Bản đồ Đà Lạt, Báo Lâm Đồng được Bưu điện Lâm Đồng điều phối chuyển về các huyện, thành; các cơ quan, đơn vị, bạn đọc gần xa. Báo và Bưu điện được ví như mối quan hệ giữa “răng với môi”. 
 
8h sáng, bà Cao Thị Lượng, số 46 Ngô Quyền, Phường 6, Đà Lạt nhận được báo Lâm Đồng qua bưu tá. 80 tuổi đời, 53 năm tuổi Đảng, đọc báo Đảng đối với bà là nhu cầu cần thiết hàng ngày từ những thông tin toàn diện ở các địa phương trong tỉnh. Vốn là Chủ nhiệm Hợp tác xã từ mấy chục năm trước, đến nay bà vẫn quan tâm nhất là những chuyển biến trong lĩnh vực nông nghiệp. Nếu trước đây, phải đến 10h sáng mới có báo đọc thì nay bà đã có thể nắm thông tin sớm hơn, có thể bàn luận với con cháu nhiều diễn biến mới mà báo chuyển tải. 
 
Phát hành báo chí tại Bưu điện trung tâm tỉnh Lâm Đồng. Ảnh: Văn Báu
Phát hành báo chí tại Bưu điện trung tâm tỉnh Lâm Đồng. Ảnh: Văn Báu

Có 190 tuyến phát, 205 bưu tá (trong đó 117 bưu tá xã), hiện nay, Bưu điện Lâm Đồng với quyết tâm chuyển báo nhanh nhất đã đổi mới trong khâu khai thác để vận chuyển, phát báo kịp thời. Từ Đà Lạt về đến địa bàn xa nhất tỉnh là huyện Cát Tiên dài hơn 200 km, hơn 10h sáng, báo đã đến tay bạn đọc. Nếu đến địa bàn xa nhất của huyện Cát Tiên là xã Đồng Nai Thượng thì đến 14h30, độc giả đã có thể đọc Báo Lâm Đồng. Dù Lâm Đồng có địa hình rộng trên 9.773 km2 và hiểm trở nhưng từ vài năm nay, báo đã đến tay 100% bạn đọc ngay trong ngày. 
 
Đổi mới cách thức làm việc, với nhiều trang bị bảo hộ (giày, áo mưa, túi…), với smart phone để nhập thông tin về thời gian phát báo, với xe máy riêng của ngành, bưu tá hiện có thể an tâm trên mỗi nẻo đường bất kể điều kiện thời tiết nào để chuyển phát báo nhanh nhất. Ngay tại các xã khó khăn và xa xôi như Sơn Điền, Gia Bắc (Di Linh), dù mỗi kì phát hành chỉ chuyển gần 20 tờ báo nhưng báo vẫn đều đặn đến với bạn đọc qua những bưu tá mẫn cán trên những cung đường đèo. 
 
Tính tháng 8 này, lượng phát hành mỗi kỳ của Báo Lâm Đồng là 7.600 tờ, trong đó, các Đảng bộ và chi bộ Đảng trực thuộc là 4.070 tờ, địa phương trích kinh phí cấp phát báo Đảng tới 2.899 đảng viên lão thành và 495 người uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số. Món ăn tinh thần đến với bạn đọc vì thế không chỉ nhanh chóng mà còn thêm rộng mở. 
 
Báo đến sớm nghĩa là thông tin đến sớm, dù ở thời đại có vô số trang mạng đang bùng nổ thì báo giấy vẫn đang có một ý nghĩa riêng, lượng độc giả riêng. Ngồi làm báo muộn để sáng hôm sau cả BTV, KTV cùng đọc, ngắm và “soi” lại sản phẩm của chính mình, dù hài lòng hay vẫn còn những điều tiêng tiếc để cố gắng hơn cho kỳ sau... Còn ở phía ngoài TS, bưu tá đang đẩy nhanh tốc độ để sớm phát hành báo đến mọi nẻo đường. Chu trình ấy vẫn đang vận hành đều đặn ở thời điểm 40 năm Báo Lâm Đồng thành lập.
 
HẢI YẾN