Bến bờ hạnh phúc

10:08, 18/08/2017

Đêm hôm ấy, tại một xóm nhỏ thuộc thôn Xuân Thành, bỗng nhộn nhịp khác thường. Bà con tổ chức liên hoan kỷ niệm tròn 30 năm rời mảnh đất Xuân Trường, Nam Định (1986 - 2016) vào lập nghiệp tại xã Đạ Pal, huyện Đạ Tẻh bây giờ.
 

Đêm hôm ấy, tại một xóm nhỏ thuộc thôn Xuân Thành, bỗng nhộn nhịp khác thường. Bà con tổ chức liên hoan kỷ niệm tròn 30 năm rời mảnh đất Xuân Trường, Nam Định (1986 - 2016) vào lập nghiệp tại xã Đạ Pal, huyện Đạ Tẻh bây giờ.
 
Vợ chồng ông Huệ - bà Hoa bên nương dâu Tam Bội năng suất cao
Vợ chồng ông Huệ - bà Hoa bên nương dâu Tam Bội năng suất cao

Trên chiếc sân lát gạch khá rộng đã bày đến chục mâm cỗ, đông đúc người trong thôn sống bên nhau đã 30 năm, mà giờ như mới gặp lần đầu. Ai cũng tay bắt, mặt mừng vì đời sống đã đổi thay. Ông Huệ - một “lão nông tri điền” nói to: - Đề nghị bà Nụ mở đầu chương trình văn nghệ đi. Tất cả hưởng ứng: Hát đi, hát đi, hát cho hay vào. Ở bàn giữa, một giọng hát Chầu văn - đặc sản của “rốn” chèo Nam Định ngọt ngào vang lên: “Ai đi đâu đấy hỡi ai/ Mời thăm Đạ Tẻh đổi thay đã nhiều/ Đạ Pal quê mới thân yêu/ Vâng theo lời Bác, xóa nghèo vươn lên/ Rộn ràng xóm dưới làng trên/ Chung tay xây dựng nông thôn đẹp giàu…”. Cứ thế, bà con vừa ăn vừa hát đến tận khuya.                                                                                  
“Lão nông tri điền” mà tôi vừa nhắc là ông Vũ Đức Huệ, nay đã 62 tuổi. Trong căn nhà rộng rãi, nhưng chỉ có hai ông bà sinh sống. Vào vùng đất này đã trên 30 năm, nhưng bây giờ ông mới thấy vui thật sự. 
 
Nhớ lại cái ngày rời quê hương lên tàu vào Nam, ông cũng không nghĩ mình về Đạ Tẻh, Lâm Đồng. Ra đi gần như hai bàn tay trắng. Lăn lộn một nắng hai sương, có lúc tưởng như không trụ nổi, muốn bỏ đi thành phố buôn bán. Nhưng lại nghĩ: Mình là nông dân, mẹ đẻ mình ra trên “bờ xôi ruộng mật”, sống nhờ sản xuất nông nghiệp. Không bám đất thì làm gì bây giờ? Rồi, ông nhớ đến câu chuyện mà bố ông kể lại: Những năm sinh thời, Bác Hồ rất thương quý nông dân. Nhiều lần Người về Nam Định, cùng ăn cùng làm với bà con. Đến đâu Người cũng dạy: “Việt Nam là một nước sống về nông nghiệp. Nền kinh tế ta lấy canh nông làm gốc... Nông dân giàu thì nước ta giàu. Nông nghiệp ta thịnh thì nước ta thịnh”.
 
Trong lần đi học Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 của Trung ương Đảng khóa X năm 2008 về nông nghiệp, nông dân và nông thôn, ông được biết Đảng xác định: “Nông nghiệp, nông dân và nông thôn có vị trí chiến lược trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, là cơ sở và lực lượng quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội bền vững, giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo an ninh, quốc phòng; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và bảo vệ môi trường sinh thái của đất nước…”. 
 
Đã bao nhiêu năm theo Đảng, theo Bác, việc khó như đánh giặc ngoại xâm, bảo vệ Tổ quốc, thống nhất đất nước, dân ta còn làm được, chả lẽ... Thế là năm 2012, bằng nghị lực của mình lại được sự giúp sức của Hội Nông dân, ông mạnh dạn vay vốn từ Quỹ hỗ trợ nông dân 20 triệu đồng, vốn tín chấp từ Ngân hàng Chính sách xã hội 80 triệu đồng, vốn Ngân hàng Nông nghiệp 200 triệu đồng, cộng với nguồn tiền tích lũy được, ông Huệ nhanh chóng chuyển đổi cơ cấu cây trồng mở ra con đường làm ăn mới cho mình. 
 
Việc đầu tiên là ông thay toàn bộ diện tích giống dâu tằm bầu đen già cỗi, năng suất thấp, chất lượng kém bằng giống dâu lai Tam Bội. Ông bỏ số né cũ, mua toàn bộ né công nghệ để nuôi tằm. Ông Huệ nhiệt tình giảng giải cho tôi biết về né công nghệ khác né tre truyền thống như thế nào. Né công nghệ được làm bằng gỗ, diện tích nhỏ dễ di chuyển. Khi lên né, mỗi con tằm ở một ô. Do thiết kế vừa khuôn, nên tằm chỉ ở trong ô mà không chăng tơ gốc ra ngoài. Vì thế sợi tơ dài hơn, chất lượng cao hơn. Hiện nay giá kén nuôi trong né công nghệ thường cao hơn né truyền thống 25 - 30 ngàn đồng/kg, mỗi kg kén công nghệ có giá 145 ngàn đồng. Một tháng gia đình ông nuôi hai lứa tằm, bình quân thu từ 130 - 145 kg kén, thu 20 - 25 triệu đồng. Ngay vụ đầu tiên, ông Huệ đã thắng lớn. Ông tiếp tục cải tạo vườn trồng 2 hecta cây ăn trái đang có ưu thế cạnh tranh trên thị trường như: quýt, bưởi da xanh. Ông nói: “Hai loại trái cây này đều cho thu hoạch vào cuối năm khi Tết Nguyên đán đến. Nhu cầu về bưởi dịp này sẽ tăng mạnh nên đầu ra đảm bảo. Có bao nhiêu bán hết bấy nhiêu. Mình chỉ việc... đếm tiền”. Rồi ông cười, đôi mắt long lanh, hàm răng trắng lấp lánh trong khói thuốc lào lan tỏa. 
 
Ông cho biết thêm: “Tôi mở rộng sản xuất theo hướng đa canh, đa con. Tạo sự khép kín và hỗ trợ lẫn nhau cùng phát triển. Phân heo, phân gà để bón cho cây, làm Bioga. Trồng cây để giữ đất, để cải tạo môi trường...”. Vì thế trên mảnh đất rộng 5 ha, ông Huệ tính toán thật hợp lý. Kinh tế vườn thì có cây dâu con tằm, có cây ăn trái, và coi đó là cây trồng chủ lực. Hàng ngày ông và vợ ông - bà Nguyễn Thị Hoa “đầu tắt, mặt tối” bên nương dâu xanh tốt. Hái dâu, cho tằm ăn, lên né, ra kén và tiêu thụ… công việc cứ như một điệp khúc của một bài hát mà giai điệu của nó luôn cổ vũ và lôi cuốn thúc giục vợ chồng ông quên cả mệt nhọc.  Còn chăn nuôi thì ông mạnh dạn đầu tư trang trại nuôi heo và gà thả vườn. Ông Huệ cho xây 200 m 2 chuồng và sắp xếp khoa học nơi nuôi heo nái, heo thịt. Mua hàng tấn lưới B40 quây vườn thả gà.
 
 Kết quả thật bất ngờ, chỉ sau một năm chuyển đổi cơ cấu trong sản xuất, năm 2013, thu nhập của gia đình ông lên hơn 1 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí lãi gần 500 triệu đồng. Nhưng sẽ bất ngờ hơn, khoản lãi ấy chỉ phải chi cho… hai người, ông và vợ ông. Bình quân thu nhập đạt 20 triệu đồng/người/tháng.
 
Ông Huệ vui vẻ nói: “Chỉ vài năm trước đây, có nằm mơ tôi cũng không thấy. Trăm triệu đã nhiều thế mà trong tay có bạc tỷ. Tôi càng thấm thía lời Bác Hồ dạy: Dân giàu thì nước mạnh. Chỉ có điều, mỗi người dân phải biết khắc phục khó khăn, tự lực vươn lên. Học Bác là phải làm được theo mong muốn của Bác. Tôi hỏi ông: “Chỉ có 2 ông bà, tiền lãi từ đó đến nay năm nào cũng vậy, từ 480 - 500 triệu đồng/năm, thì ông bà tiêu pha gì cho hết?”. Rít một hơi thuốc lào, tay phải bịt miệng điếu rồi vỗ vỗ vài cái, sái thuốc bay ra, ông rít thêm một hơi khoan khoái rồi thong thả: “Ngoài việc đầu tư tiếp cho sản xuất, tôi còn tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 10 lao động ở địa phương. Thu nhập mỗi lao động 3 - 4 triệu đồng/tháng. Trong mấy năm qua, gia đình tôi đã giúp cho 4 hộ nghèo với số tiền trên 100 triệu đồng không tính lãi để họ xóa nhà tạm và mua bò giống phát triển kinh tế gia đình”. Ông Chủ tịch Hội Nông dân xã Đạ Pal cũng thêm vào: “Ông Huệ nhiều năm làm Chi hội phó Hội Nông dân thôn Xuân Thành. Ngoài việc chịu khó làm ăn phát triển kinh tế gia đình, ông còn rất hăng say việc Hội. 5 năm qua, ông trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt cho 56 hộ trong chi hội biết cách làm ăn, từng bước làm giàu cho mình. Đóng 1 triệu đồng vào Quỹ hỗ trợ nông dân của xã, góp phần giúp các hộ nông dân khác có thêm đồng vốn làm ăn. Ông được Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua nông dân sản xuất kinh doanh giỏi giai đoạn 2012 - 2016”.
 
Trở lại cái đêm liên hoan mà may mắn tôi cũng được dự đến cùng. Nhớ lại những gương mặt nông dân rắn rỏi, chan chứa niềm vui - những lão nông từ Nam Định, nay sống tại Đạ Tẻh, Lâm Đồng, tôi nhận ra, đó là cụ Phạm Văn Đức giàu lên vì dám bỏ “làm ruộng ăn cơm nằm” để chọn cái nghề “chăn tằm ăn cơm đứng”. Là cụ Vũ Ngọc Quang, đã giàu nhưng không chỉ nghĩ cho mình; cụ còn ủng hộ 50 triệu đồng cho thôn làm cây cầu qua suối. Là cụ Mai Văn Bồng thoát nghèo ngoạn mục để vươn lên làm giàu bằng chăn nuôi bò sinh sản và trồng dâu nuôi tằm. Là cụ… vân vân và vân vân… Đó chính là những người trong xã, trong thôn từng được ông Huệ hướng dẫn về kỹ thuật, giúp đỡ về giống vốn những năm trước đây mà nay góp thành một “câu lạc bộ tỷ phú” của những nông dân mỗi năm làm ra một tỷ đồng trở lên.
 
Khi kết thúc đêm vui, bên những hộ nông dân sản xuất giỏi, họ khoe với tôi về những dự định cho kế hoạch sản xuất phát triển kinh tế trong những ngày tới. Tất cả đều ẩn chứa một ý chí vươn lên để làm giàu. Ông Huệ thổ lộ tâm can mình: “Anh ạ, trước đây mình đã sống những năm ở vùng đất nổi danh “Chiêm khê, mùa thối”. Nhưng ngày nay Xuân Trường - Nam Định quê mình kinh tế hộ nông dân đã phát triển mạnh lắm. Không lẽ mình đi xây dựng vùng quê mới mà đời sống cứ lẹt đẹt thì sao xứng với truyền thống của bà con ở ngoài kia”. Tôi hiểu ý ông. 
 
Thỉnh thoảng những hình ảnh đẹp đẽ về cái đêm cả xóm vui đón kỷ niệm ngày rời quê hương vào Đạ Tẻh, Lâm Đồng trong cái thế của người có “của ăn, của để” lại ùa về trong tôi. Kìa như đâu đây trong đêm hội, một giọng chèo theo điệu hát Sử lại vang lên, thôi thúc, tự hào, kiêu hãnh: “Này bà con ơi/… Đất Đạ Pal ngày thêm khởi sắc/ Ta nghe theo lời Bác dặn dò/ Cho nông dân ngày một ấm no/Cho đất nước đến bến bờ hạnh phúc…”.
 
Ký chân dung: NGUYỄN THƯỢNG THIÊM