Không cam chịu sống chung với cái nghèo, với ý chí vươn lên làm giàu chính đáng, đi đầu ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao bằng mô hình trồng rau thủy canh, Nguyễn Vinh Phú trở thành đại diện khởi nghiệp của thanh niên Lâm Đồng tại Đại hội Đoàn toàn quốc diễn ra vào cuối năm 2017.
Không cam chịu sống chung với cái nghèo, với ý chí vươn lên làm giàu chính đáng, đi đầu ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao bằng mô hình trồng rau thủy canh, Nguyễn Vinh Phú trở thành đại diện khởi nghiệp của thanh niên Lâm Đồng tại Đại hội Đoàn toàn quốc diễn ra vào cuối năm 2017.
|
Nguyễn Vinh Phú bên vườn rau thủy canh mang thương hiệu Đà Lạt Sunfarm. Ảnh: Q.U |
Khởi nghiệp không bao giờ là muộn
Tốt nghiệp ngành Toán - Trường Đại học Đà Lạt, Nguyễn Vinh Phú (sinh 1984 - tổ dân phố Yết Kiêu, Phường 5, Đà Lạt) được nhận vào làm việc tại một công ty khai thác lâm sản của nhà nước. Sinh ra từ nghèo khó, Nguyễn Vinh Phú không ngừng nuôi lớn khát vọng làm giàu; nhưng sẽ không thể làm giàu từ công việc mình đang làm khi rừng đang ngày càng thu hẹp, vì môi trường sống cần hạn chế khai thác, Nguyễn Vinh Phú đã chủ động tìm cho mình hướng đi mới.
Lớn lên từ ruộng vườn, học hành thành tài, để rồi lại trở về với ruộng vườn cũng là chuyện bình thường, với anh khởi nghiệp không lúc nào là muộn. Phú xin nghỉ việc cũng đúng vào lúc việc ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, đặc biệt là phương pháp trồng rau thủy canh đang phát triển mạnh mẽ ở Đà Lạt. Trước đây anh thường giúp ba mẹ trồng rau theo phương pháp truyền thống, với diện tích đất của gia đình không nhiều chỉ có 1,5 sào (1.500 m
2), lại thường xuyên chịu sự ép giá của các chủ vựa thu mua nên cuộc sống không dư dả. Ở tuổi hơn 30, Phú bắt đầu khởi nghiệp tìm tòi, học hỏi phương pháp canh tác mới trồng rau thủy canh. Mạnh dạn đầu tư để biến diện tích canh tác của gia đình thành một vườn rau hiện đại cho năng suất, chất lượng cao, hình thành nên thương hiệu rau sạch Đà Lạt Sunfarm.
Chi phí ban đầu bỏ ra cho việc trồng rau thủy canh khá tốn kém bởi công nghệ đầu tư cho hệ thống ống nước, giàn rau hoàn toàn nhập khẩu từ Ấn Độ, giống rau và dưỡng chất hòa tan để duy trì hoạt động trồng rau thủy canh nhập khẩu từ Israel cũng có giá thành rất cao, hệ thống nhà kính cũng được đầu tư vững chắc.
Trên diện tích 1,5 sào, vườn rau của Nguyễn Vinh Phú là một không gian với đủ sắc màu, đẹp mắt và có sức hút. Các loại rau cải (ăn chín) và các loại xà lách (ăn sống) được trồng theo từng ô, từng lứa, để ngày nào cũng có rau thu hoạch. Rau thủy canh sinh trưởng và phát triển nhanh bởi hấp thụ trực tiếp dưỡng chất tinh chế hòa tan qua dòng thủy lưu, từ khi trồng đến khi thu hoạch chỉ 30 ngày, và giá cả cũng cao gấp 2 - 3 lần rau canh tác trên đất. Mỗi tháng anh thu từ 3 - 4 tấn rau, bán tại TP Hồ Chí Minh giá 30 ngàn đồng/kg và doanh thu khoảng 120 triệu đồng, trừ hơn 70 triệu đồng chi phí đầu tư, lợi nhuận khoảng hơn 50 triệu đồng/vụ. Phú tâm sự: “Trồng rau thủy canh không phải là việc làm hái ra tiền như một số người vẫn nghĩ, chỉ là việc có đầu tư, bỏ công sức thì có lợi nhuận tương xứng. Với năng suất cao, thời gian cho một vụ rau ngắn, đặc biệt việc canh tác trong nhà kính và cách ly hoàn toàn với đất sẽ tránh được mầm bệnh sẽ tạo nên rau sạch, nên giá cũng sẽ cao”.
Qua tìm hiểu, Phú nhận thấy các dưỡng chất hòa tan vào nước trồng rau thủy canh có công thức sinh hóa khá đơn giản mà các nhà khoa học nông nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể nghiên cứu và sản xuất được, nhưng hiện tại người nông dân đều phải nhập khẩu từ các nước có nền nông nghiệp phát triển với giá thành rất cao. Với xu thế tạo ra thực phẩm sạch, an toàn, đặc biệt là phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trồng rau thủy canh, thì việc quan tâm nghiên cứu dưỡng chất thủy canh hoàn toàn là một đề tài gợi mở cho các nhà khoa học trong nước, chuyển giao cho nông dân, để giảm giá thành sản phẩm.
Đưa rau sạch từ vườn đến trực tiếp người tiêu dùng
Hiện tại, trang trại rau Đà Lạt Sunfarm của Phú đang tạo việc làm thường xuyên cho 3 lao động là những người trẻ tuổi. Họ như những cộng sự đắc lực làm việc trực tiếp chăm sóc rau, điều chỉnh các thông số kỹ thuật để rau sinh trưởng phát triển tốt, thu hoạch đóng gói vận chuyển. Còn Phú thì thường xuyên đi về giữa Đà Lạt - TP Hồ Chí Minh như con thoi, năng động tìm kiếm đầu ra cho rau sạch của mình.
Ngoài việc hình thành nên nhóm thanh niên trồng rau thủy canh liên kết cùng nhau đưa rau sạch Đà Lạt vào các siêu thị lớn, Phú đang thực hiện ý tưởng mang rau từ Đà Lạt trực tiếp đến tay người tiêu dùng ở TP Hồ Chí Minh không phải qua trung gian bằng chuỗi cửa hàng bán sỉ và lẻ do chính mình gây dựng.
Bởi thường xuyên chứng kiến thương lái luôn tự cho mình cái quyền được “lái” giá cả thị trường, ép giá người nông dân, Nguyễn Vinh Phú đã đứng ra liên kết với bà con nông dân, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, từ đó mỗi tháng tiêu thụ hàng chục tấn rau trên địa bàn phường. Nguồn rau anh liên kết với nhà vườn đưa về TP Hồ Chí Minh 100% được trồng từ nhà kính, đảm bảo rau an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng được bán cho các đầu mối bán cho các trường học phục vụ bữa ăn bán trú, nội trú cho học sinh.
Hiện tại, chuỗi cửa hàng bán lẻ rau an toàn Đà Lạt đã được Nguyễn Vinh Phú khai trương cửa hàng đầu tiên kết hợp với quán cà phê trên đường Dương Quảng Hàm - quận Gò Vấp được người tiêu dùng tin cậy. Tương lai Phú sẽ trồng thêm nhiều loại rau quả như dâu tây, ớt chuông đang được thị trường ưa chuộng, vừa mở rộng sản xuất vừa xây dựng mô hình nông nghiệp phát triển bền vững. Với ý chí lập thân, lập nghiệp, vươn lên làm giàu chính đáng, Nguyễn Vinh Phú trở thành đại diện tiếng nói khởi nghiệp của thanh niên Lâm Đồng trong việc đi đầu ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao tại Đại hội Đoàn toàn quốc diễn ra vào cuối năm 2017.
QUỲNH UYỂN