Đạ Huoai nỗ lực giảm nghèo

09:08, 16/08/2017

Nếu như năm 2014, số hộ nghèo của huyện Đạ Huoai đã giảm xuống còn 245 hộ (chiếm 2,66%) thì đến cuối năm 2016, theo tiêu chí hộ nghèo chuẩn đa chiều, con số này đã tăng lên 316 hộ (chiếm 3,34%). Vì vậy, ngay từ đầu năm 2017, Đạ Huoai đã tập trung mọi nguồn lực và triển khai nhiều chương trình, giải pháp hướng tới mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững.

Nếu như năm 2014, số hộ nghèo của huyện Đạ Huoai đã giảm xuống còn 245 hộ (chiếm 2,66%) thì đến cuối năm 2016, theo tiêu chí hộ nghèo chuẩn đa chiều, con số này đã tăng lên 316 hộ (chiếm 3,34%). Vì vậy, ngay từ đầu năm 2017, Đạ Huoai đã tập trung mọi nguồn lực và triển khai nhiều chương trình, giải pháp hướng tới mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững.
 
Chè trồng dưới tán điều đang mang lại hiệu quả kinh tế cao giúp nhiều hộ dân ở Đạ Huoai thoát nghèo. Ảnh: K.Phúc
Chè trồng dưới tán điều đang mang lại hiệu quả kinh tế cao giúp nhiều hộ dân ở Đạ Huoai thoát nghèo.
Ảnh: K.Phúc

Theo Quyết định 582 ngày 28/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ thì hiện tại, huyện Đạ Huoai không còn xã 135 và thôn đặc biệt khó khăn như các năm trước. Điều này cũng đồng nghĩa với việc các nguồn vốn được Nhà nước đầu tư cho công tác giảm nghèo của huyện như 135 và 30a đã bị cắt giảm. 
 
Bên cạnh đó, tại một số xã trên địa bàn huyện tập trung đông đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) như Đạ P’Loa, Đoàn Kết và Phước Lộc thì cuộc sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn. 
 
Cùng với đó, từ cuối năm 2016, việc rà soát hộ nghèo cũng đã thay đổi theo chuẩn đa chiều được áp dụng cho công tác giảm nghèo giai đoạn 2016 - 2020. Dựa theo tiêu chí chuẩn đa chiều, thì phần lớn các hộ nghèo ở huyện Đạ Huoai còn thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản như y tế, giáo dục, nhà ở, vệ sinh môi trường và tiếp cận thông tin. 
 
Đặc biệt, điều là một trong những loại cây trồng chủ lực của huyện Đạ Huoai, với hơn 9.000 ha. Song, việc mất trắng mùa điều vừa qua, khiến hàng ngàn hộ dân ở huyện Đạ Huoai không kịp trở tay và làm ảnh hưởng không nhỏ đến thu nhập của người dân địa phương... 
 
Trước những khó khăn đã và đang phải đối diện, huyện Đạ Huoai đã chủ động tập trung mọi nguồn lực, triển khai lồng ghép các chương trình, nguồn vốn như nông thôn mới, vốn hỗ trợ sản xuất (chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi) và một số nguồn vốn khác của địa phương đầu tư cho công tác giảm nghèo. 
 
Để tránh tình trạng “tái nghèo”, địa phương đang tập trung mọi nguồn lực cho công tác giảm nghèo. Trong đó, có các chính sách ưu đãi cho các hộ nghèo, cận nghèo và mới thoát nghèo vay vốn để đầu tư phát triển sản xuất; đồng thời, thực hiện tốt công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn để góp phần nâng cao đời sống cho người dân.
(Theo ông Tăng Xuân Sóng, Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Đạ Huoai)
Để công tác giảm nghèo đạt hiệu quả cao, huyện Đạ Huoai đã chỉ đạo và giao trách nhiệm cụ thể cho các phòng, ban chuyên môn và các xã, thị trấn cùng vào cuộc triển khai thực hiện. Trong đó, có việc rà soát và phân nhóm hộ nghèo từ nhóm 1 đến nhóm 4 để có chính sách hỗ trợ và tạo điều kiện giúp họ tiếp cận với các chương trình, nguồn vốn vươn lên thoát nghèo. 
 
Cùng với đó, địa phương cũng chủ động đẩy mạnh công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo nhanh và bền vững giai đoạn 2016 - 2020 theo chuẩn đa chiều của Chính phủ tới mọi tầng lớp nhân dân. Từ đó, nhận thức của người nghèo đã có sự chuyển biến khi họ hiểu được chính sách giảm nghèo của Nhà nước chỉ là hỗ trợ (không cấp phát) nên không trông chờ, ỷ lại mà chủ động đầu tư phát triển kinh tế gia đình tự lực vươn lên.
 
Hiện nay, theo thống kê của huyện Đạ Huoai thì Đạ P’Loa là xã có số hộ nghèo nhiều nhất của địa phương với 73 hộ. Ông Trần Thanh Tuyến, Chủ tịch UBND xã Đạ P’Loa, cho biết: “Điều là cây trồng chủ lực, chiếm 2/3 diện tích đất nông nghiệp của toàn xã, nên việc mất trắng mùa điều gây ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của người dân mà đặc biệt là các hộ nghèo. Bên cạnh đó, các nguồn vốn đầu tư như 135, 30a không còn đã tác động không nhỏ đến công tác giảm nghèo của địa phương. Tuy nhiên, ngay từ đầu năm 2017, xã đã xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện công tác giảm nghèo. Từ đó, chủ động lồng ghép các chương trình, nguồn vốn giúp các hộ nghèo chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để tăng thu nhập. Đặc biệt, trong năm 2017, được sự quan tâm đầu tư của huyện, xã đang có 8 hộ nghèo được đầu tư xóa nhà tạm giúp họ giải quyết được khó khăn về nhà ở. Đây chắc chắn sẽ là động lực để họ vươn lên thoát nghèo bền vững trong thời gian tới”.
 
Còn tại xã Phước Lộc, theo kết quả rà soát hộ nghèo vào cuối năm 2016, toàn xã còn 47 hộ nghèo. Trong đó, có 4 hộ nghèo nhóm 1 (vừa thiếu hụt về thu nhập và các dịch vụ xã hội), 19 hộ nghèo nhóm 2 (thiếu hụt về thu nhập), 15 hộ nghèo nhóm 3 (thiếu hụt về các dịch vụ xã hội) và 8 hộ nghèo nhóm 4 (người cao tuổi không có khả năng lao động). Ông K’Vĩnh, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Lộc, cho hay: “Hiện tại, phần lớn hộ nghèo của địa phương là do gia đình đông con, thiếu đất sản xuất, người già không còn khả năng lao động và chủ yếu là bà con đồng bào DTTS. Để giúp họ thoát nghèo, xã đã phân công cán bộ trực tiếp phụ trách, hướng dẫn giúp từng hộ chuyển đổi cây trồng, vật nuôi. Từ đó, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của bà con nhằm có chính sách hỗ trợ, giúp đỡ. Bên cạnh những chủ trương, chính sách hỗ trợ chung cho hộ nghèo, xã đã rà soát các hộ có khả năng thoát nghèo trong năm để có phương án giúp đỡ và hỗ trợ thêm giúp họ thoát nghèo trước. Đây là giải pháp đã giúp địa phương đạt được những kết quả cao về công tác giảm nghèo trong những năm qua”.
 
Ông Tăng Xuân Sóng, Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Đạ Huoai, cho biết: “Theo chuẩn đa chiều, hiện toàn huyện Đạ Huoai còn 316 hộ nghèo; trong đó, có 294 hộ vừa nghèo về thu nhập, vừa thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản và 22 hộ không nghèo về thu nhập nhưng thiếu hụt một số dịch vụ xã hội cơ bản. Để công tác giảm nghèo đạt hiệu quả tốt, huyện đã triển khai lồng ghép các chương trình, nguồn vốn ưu tiên các hộ nghèo đầu tư chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi tăng thu nhập, giúp họ từng bước tiếp cận với các dịch vụ xã hội và nâng cao điều kiện sống. Cùng với đó, trong năm 2017, từ nguồn kinh phí của địa phương và xã hội hóa, huyện đã và đang triển khai hỗ trợ giúp 24 hộ nghèo xóa nhà tạm (mức hỗ trợ 40 triệu đồng/hộ). Đây cũng là cơ sở để địa phương phấn đấu đến cuối năm 2017 có 60 hộ thoát nghèo, đưa tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 2,58%”.
 
KHÁNH PHÚC