Thế giới đang chuyển mình mạnh mẽ bởi cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (Industry 4.0); theo đó, các đô thị đang có xu hướng hình thành thành phố thông minh (Smart City). Với nhiều thuận lợi về địa lý cùng với sự phê duyệt đô thị của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch thành phố đặc thù, tỉnh Lâm Đồng đang quyết liệt triển khai hiện thực hóa Đà Lạt thành thành phố thông minh trong tương lai gần.
Thế giới đang chuyển mình mạnh mẽ bởi cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (Industry 4.0); theo đó, các đô thị đang có xu hướng hình thành thành phố thông minh (Smart City). Với nhiều thuận lợi về địa lý cùng với sự phê duyệt đô thị của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch thành phố đặc thù, tỉnh Lâm Đồng đang quyết liệt triển khai hiện thực hóa Đà Lạt thành thành phố thông minh (TPTM) trong tương lai gần.
|
Lâm Đồng có chỉ số ứng dụng công nghệ thông tin cao (thứ 11/63) sẽ thuận lợi để xây dựng thành phố thông minh. Ảnh: M.Đạo |
TPTM “là thành phố mà ở đó công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) được ứng dụng vào mọi hoạt động đem lại hiệu quả trong quản lý hành chính, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng sống và đảm bảo phát triển bền vững”. Mặc dù thành phố Đà Lạt chưa phải đối mặt với vấn đề liên quan đến dân số tập trung cao, nhưng việc xây dựng TPTM sẽ là cơ hội để thành phố tận dụng khoa học công nghệ, không chỉ giải quyết những vấn đề trước mắt, mà còn nắm bắt thời cơ bứt phá phát triển kinh tế bền vững, phù hợp với định hướng xây dựng Đà Lạt đạt chuẩn đô thị trực thuộc trung ương, hiện đại và đạt đẳng cấp quốc tế. TPTM là thành phố mà ở đó dùng chung một hệ thống hạ tầng ICT, cho phép chia sẻ lợi ích giữa các ngành, giữa người dân, doanh nghiệp và chính quyền. Dĩ nhiên không một sớm một chiều mà còn phải vượt qua nhiều khó khăn như tài chính, nhân lực vận hành, lượng dịch vụ được tích hợp, những dữ liệu nền tảng, những giải pháp, ứng dụng tiện ích...
Với tư cách đơn vị tư vấn, sau 10 tháng triển khai theo ký kết với UBND tỉnh Lâm Đồng, tháng 8/2017, Tập đoàn VNPT đã có những phác họa cơ bản ban đầu cho bước khởi động tiếp. Định hướng chiến lược xây dựng TPTM cho Đà Lạt bao gồm: Tăng cường sự tham gia của người dân trong hoạt động quản lý nhà nước; Tăng cường sự kết nối giữa các lĩnh vực; Nâng cao chất lượng sống và làm việc; Quản trị TPTM hơn; Nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế bền vững thông qua nền nông nghiệp thông minh, thân thiện với môi trường và phát huy ngành du lịch như một động lực. Nguyên tắc xây dựng Đà Lạt - TPTM trước hết là bám sát định hướng phát triển của Chính phủ, phù hợp với điều kiện đặc thù của địa phương, đặc biệt là Quyết định 704/QĐ-TTg ngày 12/5/2014 của Thủ tướng Chính phủ về “Phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050”. Đó còn là các nguyên tắc như: Lấy người dân làm trọng tâm; Tham khảo các xu hướng nổi bật trên thế giới và đúc kết kinh nghiệm; Tính khả thi của các giải pháp; Tính hiện đại, đồng bộ, có khả năng kết nối cao và an toàn, bảo mật; Đảm bảo sự đồng bộ giữa các giải pháp công nghệ và phi công nghệ; Khuyến khích doanh nghiệp và người dân cùng tham gia trong quá trình xây dựng dữ liệu mở.
Qua khảo sát, phân tích, đánh giá thực tiễn, VNPT và Lâm Đồng đã thống nhất cao Đề án xây dựng Đà Lạt trở thành TPTM chia 3 giai đoạn: 2017-2020, 2020-2025 và sau 2025. Trong đó, giai đoạn 2017-2020 tập trung ưu tiên 9 lĩnh vực: chính quyền số; nông nghiệp; du lịch; môi trường và các lĩnh vực khác như an ninh an toàn, quy hoạch đô thị, giáo dục, y tế, giao thông. Những lĩnh vực này vừa là lợi thế cần được khai thác phát huy ở cấp độ mới về chất; vừa là mối quan hệ hữu cơ có tính tương hỗ và là nền tảng sự phát triển bền vững của thành phố Đà Lạt.
Mục tiêu TPTM của Đà Lạt được cụ thể hóa bằng những kết quả để các sở, ngành liên quan và địa phương cùng bắt tay xây dựng kế hoạch. Đối với “chính quyền số”, sẽ giúp thu hút người dân, tổ chức, doanh nghiệp cùng tham gia các hoạt động của cơ quan nhà nước thông qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến tập trung. Mặt khác, giúp kết hợp chặt chẽ giữa chính quyền, doanh nghiệp và người dân thông qua việc đa dạng các kênh giao tiếp... Với “nông nghiệp thông minh”, lợi ích mang lại bao gồm: người nông dân và doanh nghiệp được cung cấp đầy đủ các thông tin và tiện ích thiết thực về nông nghiệp, nông sản và chất lượng sản phẩm một cách nhanh nhất. Cùng đó, tối ưu hóa hoạt động quản lý, điều hành của cơ quan nhà nước trong quy hoạch phát triển nông nghiệp... Với “du lịch thông minh”, Đà Lạt nhằm tới hình thành hệ sinh thái du lịch và tạo lợi ích tương hỗ giữa 3 đối tượng: du khách, chính quyền và doanh nghiệp. Theo đó, phát triển ngành du lịch chất lượng cao, thúc đẩy, đóng góp phát triển kinh tế bền vững.
Đà Lạt - TPTM còn được quan tâm xây dựng là “thành phố an toàn và thân thiện”. Nghĩa là cư dân được yên tâm sinh sống và làm việc trong môi trường ổn định về an toàn chính trị; du khách được trải nghiệm các dịch vụ du lịch an toàn; chính quyền chủ động kiểm soát trật tự an toàn xã hội, xử lý và ứng cứu kịp thời. Ở lĩnh vực “môi trường”, người dân và doanh nghiệp được cung cấp đầy đủ và thường xuyên các thông tin về hiện trạng và diễn biến của môi trường sống, cùng các thông tin trợ giúp, định hướng và cùng tham gia bảo vệ môi trường. Với cơ quan quản lý, hệ thống công nghệ ICT sẽ hỗ trợ đắc lực để tối ưu hóa các hoạt động thuộc lĩnh vực bảo vệ môi trường... Về “quy hoạch đô thị”, các giải pháp sẽ trợ giúp quá trình tương tác của người dân với chính quyền thông qua các kênh thông tin; người dân nhanh chóng tìm kiếm thông tin hữu ích. Cùng đó, hệ thống về số hóa và mô phỏng sẽ giúp chính quyền, các nhà quy hoạch chủ động trong quá trình định hình, triển khai, giám sát các lĩnh vực liên quan đến đô thị. Ngoài ra, như đã nêu, các lĩnh vực “thông minh” khác như giáo dục, y tế, giao thông sẽ đưa đến một thành phố năng động, bền vững trong hội nhập phát triển.
Ngày 29/8, VNPT đã đề xuất 19 nhóm dự án, giải pháp trọng điểm để ưu tiên triển khai trong giai đoạn 2017-2020 nhằm sớm mang lại hiệu quả cho người dân, du khách, doanh nghiệp và chính quyền thành phố Đà Lạt. Đây cũng là ý kiến của ông Phạm Đức Long - Tổng Giám đốc VNPT cho rằng, quan tâm hàng đầu của TPTM là đạt được tính tiện ích, tính hiệu quả và hiện thực hóa được khả năng triển khai. Theo VNPT, “chính quyền số” cần 2 giải pháp: nâng cấp, triển khai bổ sung hoàn thiện các ứng dụng nội bộ trong các cơ quan nhà nước phục vụ công tác quản lý và các ứng dụng phục vụ giao tiếp đối với người dân, doanh nghiệp. “Du lịch thông minh” gồm các giải pháp về cổng thông tin và ứng dụng du lịch, bản đồ thông minh phục vụ du khách trên thiết bị di động; thành phố wifi... Giải pháp của “an ninh an toàn” là lắp đặt camera tập trung và xử phạt vi phạm giao thông; ứng dụng tiếp nhận phản ánh, thông tin sự cố khẩn cấp và điều phối lực lượng phản ứng nhanh. “Nông nghiệp thông minh” bao gồm quản lý chuỗi giá trị phục vụ truy xuất nguồn gốc nông sản; cổng thông tin điện tử kết nối nhà nông - nhà quản lý - nhà khoa học. “Giáo dục” là thể hiện từ cổng thông tin công bố thông tin giáo dục, tích hợp đào tạo trực tuyến. “Y tế” bao gồm hoàn thiện hệ thống khám chữa bệnh kết nối BHYT, BHXH; xây dựng y bạ điện tử hướng đến hồ sơ sức khỏe cho người dân. Lĩnh vực “môi trường” là mở rộng mạng lưới quan trắc chất lượng môi trường và công bố thông tin cho người dân; “quy hoạch đô thị” gồm công bố các thông tin quy hoạch qua cổng thông tin, quản lý cơ sở hạ tầng thống nhất, chiếu sáng đô thị; “giao thông” là ứng dụng cung cấp thông tin cho người dân để điều tiết hiện trạng giao thông...
Để quý IV/2017 Đề án xây dựng Đà Lạt TPTM hoàn thiện và triển khai sau đó, cần tập trung quyết liệt thực hiện từ nhiều phía, đặc biệt là 9 sở thuộc 9 lĩnh vực ưu tiên. Chủ tịch UBND tỉnh Đoàn Văn Việt đề nghị các sở phối hợp với VNPT tập trung xây dựng kế hoạch triển khai theo lĩnh vực của mình, cùng đó các địa phương liên quan, Sở Thông tin - Truyền thông và Ban điều hành sớm tập hợp để báo cáo thông qua Tỉnh ủy.
MINH ĐẠO