Đam Rông: Chủ động bảo vệ hành lang an toàn lưới điện trong mùa mưa bão

09:08, 16/08/2017

Năm 2017, Điện lực huyện Đam Rông tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức bảo vệ hành lang an toàn lưới điện cao áp tới người dân. Đặc biệt, trong điều kiện mùa mưa bão (từ tháng 5 tới tháng 10), nguy cơ mất an toàn hành lang lưới điện tại địa bàn một huyện vùng núi luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro, bất trắc.

Năm 2017, Điện lực huyện Đam Rông tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức bảo vệ hành lang an toàn lưới điện cao áp tới người dân. Đặc biệt, trong điều kiện mùa mưa bão (từ tháng 5 tới tháng 10), nguy cơ mất an toàn hành lang lưới điện tại địa bàn một huyện vùng núi luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro, bất trắc.
 
Nhân viên Điện lực Đam Rông đang tiến hành phát quang bụi rậm, bảo vệ hành lang an toàn lưới điện cao áp tại khu vực đèo Chuối. Ảnh: C.Thành
Nhân viên Điện lực Đam Rông đang tiến hành phát quang bụi rậm, bảo vệ hành lang an toàn lưới điện cao áp tại khu vực đèo Chuối. Ảnh: C.Thành

Theo ông Võ Quốc Cường - Phó Giám đốc Điện lực Đam Rông, hiện tại quy mô hệ thống điện Đam Rông bao gồm: 145 km đường dây trung thế. Khối lượng đường dây hạ thế bọc dây 100%, đạt 176,6 km, với tổng 131 trạm biến áp, tổng dung lượng 7.675 kA, cung cấp điện cho 9.920 khách hàng. 
 
Ông Cường cho rằng, nguyên nhân chủ yếu ảnh hưởng tới mất an toàn hành lang lưới điện cao áp là do hơn 80% đường dây điện phải chạy qua địa hình rừng núi, cây cối rậm rạp, lồ ô, tre mọc nhanh ảnh hưởng tới khoảng cách an toàn (khoảng cách chiều cao 3 m). Nguyên nhân chính trên cộng với những trận mưa lớn kèm gió giật, nước từ đỉnh núi đổ về gây sạt lở đất nên hằng năm đều xảy ra các sự cố về điện. Bằng chứng là ba tháng gần đây, trong những trận mưa lớn, gió giật, không dưới 6 trường hợp cây cối trên đèo Chuối ngã đổ vào cột điện trung thế, ngã trụ, chập điện… khiến 2 lần đơn vị buộc phải cắt điện tạm thời để sửa chữa. Tương tự các sự cố nhỏ hơn, gây tổn thất điện khác cũng liên tục xảy ra, ở nhiều tuyến đường dây trên phạm vi cả huyện.
 
Trước đây, cuối năm 2005, khi Điện lực Lâm Đồng đưa đường điện về Đam Rông, nhà dân khi đó còn rất thưa thớt nhưng qua hơn 10 năm thành lập huyện, tốc độ xây dựng nhà tăng nhanh khiến khoảng cách như: chiều cao, khoảng lùi, trụ giữa sân nhà dân… làm ảnh hưởng ít nhiều tới hành lang an toàn lưới điện cao áp. 
 
“Ngay cả những sự việc nhỏ cũng tiềm ẩn nguy cơ an toàn điện, như trong năm 2017, một số thanh niên dùng súng hơi bắn chim đậu trên trụ sứ đường dây cao áp khiến trụ bể vỡ. Khi phát hiện sự việc hay nghe người dân trình báo chúng tôi phải cắt điện nguyên khu vực một xã để nhân viên tiến hành xử lý, khắc phục sự cố cho dù rất nhỏ như vậy” - ông Cường chia sẻ.
 
Theo Điện lực Đam Rông, hiện nay toàn huyện có hai nguồn điện cung ứng từ đường dây trung thế (điện áp 22KV-35KV). Một đường từ hướng huyện Lâm Hà nối từ Quốc lộ 27 đi qua đèo Phú Sơn, đèo Chuối vào trung tâm huyện (kết nối năm 2015), đường còn lại từ hướng tỉnh Đắk Lắk được kết nối từ năm 2005. Việc có hai đường dây trung thế cung cấp điện cho Đam Rông để phòng trường hợp trục trặc đột ngột thì có đường dây còn lại duy trì điện cho các xã còn lại trong huyện. Theo đó, trường hợp đường dây nối từ huyện Lâm Hà qua bị tắc điện, chỉ có xã Đạ K’Nàng, xã Phi Liêng bị ngắt điện, riêng các xã còn lại của huyện Đam Rông vẫn có điện từ Đắk Lắk truyền tải về và ngược lại.
 
Với tuyến đường điện chạy qua rừng núi chủ yếu dọc Quốc lộ 27 từ huyện Lâm Hà giáp địa phận tỉnh Đắk Lắk, mỗi tháng một lần nhân viên Điện lực Đam Rông phải dùng xà gạc, các dụng cụ chuyên biệt để đi phát quang, kiểm tra hết tuyến đường dây cao áp dài hơn 20 km. 
 
Sáng ngày 5/8, chúng tôi có dịp đi theo anh Lê Văn Chánh, Đội trưởng Đội quản lý vận hành Điện lực Đam Rông cùng nhân viên quản lý vận hành Nguyễn Thế Trúc đi kiểm tra các tuyến đường dây điện. Tại đây, hai anh dùng xe máy đi kiểm tra đường dây điện cao áp chạy qua khu vực đèo Chuối dài hơn 10 km và chỉ ít phút đã phát hiện một số trụ điện phía dưới có nhiều cây tạp, bụi tre mọc dưới đường dây có khả năng gây mất an toàn lưới điện nên dùng xà gạc phát quang bụi rậm, chặt bỏ một số cây lồ ô lớn. 
 
Theo anh Chánh, đây là công việc các anh làm thường xuyên do phần lớn đường dây điện nằm trong tầm ảnh hưởng của cây nên việc chặt tỉa, phát quang các cây tạp như vậy để đảm bảo vận hành an toàn lưới điện trong điều kiện bình thường. Với những trường hợp cây nghiêng, mục, chết khô có khả năng ngã đổ, ảnh hưởng trực tiếp tới đường điện anh em có thể chặt ngay. Riêng những cây tươi, có nguy cơ ngã đổ, đơn vị phải liên hệ các đơn vị khác để được phép chặt phát cây lớn theo quy định. 
 
Ông Võ Quốc Cường cho biết thêm, với 98% hộ dân trong huyện đã có điện sử dụng, lưới điện hạ thế được lắp vào tận các hộ ở các thôn, bản xa xôi nhất nên chất lượng cuộc sống của người dân ngày một được cải thiện. Tuy nhiên, để đảm bảo tốt an toàn lưới điện nếu chỉ ngành điện thực hiện thì chưa đủ. Vì vậy, các tổ chức cũng như người dân trên địa bàn huyện cần sự đồng thuận, chung tay thực hiện, góp phần bảo đảm hành lang lưới điện, giúp hạn chế tối đa sự cố đáng tiếc có thể xảy ra.
 
“Trong mùa mưa bão, chúng tôi luôn chủ động thực hiện chặt phát cây cao có khả năng làm ảnh hưởng đến an toàn đường dây; thực hiện triệt để các giải pháp kỹ thuật như nâng cao khoảng cách pha đất; phát quang cây cối, củng cố các điểm sạt lở, tăng cường kiểm tra đường dây, hành lang tuyến, kiểm tra thường xuyên và đột xuất. Qua đó, phát hiện sớm các nguy cơ để phòng tránh các sự cố điện đáng tiếc xảy ra. Với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp, chúng tôi tự tin trong 6 tháng cuối năm 2017, sẽ đạt các chỉ tiêu về tổn thất điện năng, chỉ tiêu độ tin cậy lưới điện cũng như giảm thiểu tối đa rủi ro về an toàn lưới điện cao áp từ các lý do khách quan mang lại”- ông Cường nói.                                    
 
C.THÀNH