Làm việc với Sở Xây dựng, Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Nguyễn Xuân Tiến nhấn mạnh một trong những nhiệm vụ quan trọng là "tập trung bàn sâu vấn đề quy hoạch, không để tình trạng kéo dài và bị động trong quản lý mãi"...
Làm việc với Sở Xây dựng, Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Nguyễn Xuân Tiến nhấn mạnh một trong những nhiệm vụ quan trọng là “tập trung bàn sâu vấn đề quy hoạch, không để tình trạng kéo dài và bị động trong quản lý mãi”. Cũng theo tinh thần này, căn cứ Quyết định số 704/QĐ-TTg ngày 12/5/2014 của Thủ tướng Chính phủ (gọi tắt là QH 704), UBND tỉnh Lâm Đồng đã có Văn bản số 3433/UBND-XD2 ngày 5/6/2017.
|
Một góc khu vực trung tâm thành phố Đà Lạt hiện tại. Ảnh:Minh Đạo |
Trách nhiệm trước hết là UBND thành phố Đà Lạt
Văn bản số 3433/UBND-XD2 của UBND tỉnh chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết trên địa bàn thành phố Đà Lạt (TPĐL). Trả lời Báo Lâm Đồng, ngày 7/8, Trưởng Phòng Kiến trúc - Quy hoạch, Sở Xây dựng Lâm Đồng, ông Phan Văn Trung cho biết, Giám đốc Sở Xây dựng Lê Quang Trung đã gửi Văn bản số 765/SXD-QHKT đề nghị UBND TPĐL khẩn trương triển khai lập các quy hoạch phân khu trên địa bàn theo kế hoạch.
Về thiết kế đô thị, UBND tỉnh đã giao UBND TPĐL triển khai lập (Kế hoạch số 2075, ngày 23/4/2015). Tuy nhiên, đến nay nhiệm vụ này đang triển khai chậm so với kế hoạch. Cụ thể là chỉ mới phê duyệt được nhiệm vụ, dự toán trục di sản Đông - Tây và đang trình UBND tỉnh phê duyệt nhiệm vụ, dự toán trục cây xanh Bắc - Nam. Vì vậy, Sở Xây dựng đã đề nghị UBND TPĐL khẩn trương triển khai đồ án thiết kế đô thị cho 2 trục di sản và cảnh quan nói trên. Trong đó, cần lưu ý thực hiện những nội dung chính về thiết kế không gian kiến trúc cảnh quan tuyến phố mới và tuyến phố cũ. Theo đó, thành phố cần có đề xuất nội dung và phương án thiết kế khoảng lùi cho tuyến phố và từng công trình, tuân thủ nguyên tắc không được phá vỡ cấu trúc không gian truyền thống khu vực và các quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành. Phương án thiết kế cụ thể chiều cao kiến trúc công trình cho tuyến phố gắn với mật độ xây dựng. Giải pháp kiểm soát tầng cao cho cả tuyến phố, từng đoạn phố...
Hiện nay, mật độ xây dựng gộp của 4 khu đô thị đã được xác định trong QH 704 và đã được UBND tỉnh thống nhất phân bổ cho các quy hoạch phân khu tại Văn bản 3712/UBND-XD2. Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức lập quy hoạch, UBND thành phố cần xem xét đến tính chất của từng phân khu để có phương án hoán đổi, bổ sung đảm bảo cân bằng các chỉ tiêu như: mật độ xây dựng gộp cho cả khu đô thị; mật độ cây xanh; đất giao thông. Quy hoạch phân khu cần phải xác định và cập nhật đầy đủ hệ thống các công trình điểm nhấn để thuận tiện cho việc triển khai dự án và quản lý sau khi phê duyệt.
Cũng ý kiến của Sở Xây dựng, về trình tự thủ tục, khi triển khai công tác lập quy hoạch phân khu phải thực hiện theo đúng quy định tại Nghị định 37/2010/NĐ-CP ngày 7/4/2010 của Chính phủ về việc lập, thẩm định phê duyệt và quản lý quy hoạch đô thị. Đặc biệt, lưu ý việc lấy ý kiến cộng đồng dân cư trong vùng quy hoạch và xử lý tốt các ý kiến góp ý nhằm tăng tính khả thi cho quy hoạch sau khi được phê duyệt.
Hài hòa quyền lợi nhưng không phá vỡ quy hoạch
Tại QH 704, về quy hoạch phân khu là quy hoạch định hướng phát triển không gian của TPĐL và vùng phụ cận; là định hướng các khu chức năng trong tổng thể của các khu đô thị. Ông Phan Văn Trung cho rằng, trong quá trình lập các đồ án quy hoạch phân khu (TL 1/2000) không áp ranh giới giữa các loại đất của QH 704 để thể hiện trong bản đồ quy hoạch phân khu trong vùng quy hoạch, mà căn cứ vào tình hình sử dụng đất, công trình kiến trúc, địa hình, hiện trạng hạ tầng kỹ thuật và lịch sử hình thành các điểm, khu dân cư để đảm bảo quyền lợi của người dân và việc khả thi khi triển khai thực hiện quy hoạch. Tuy nhiên, việc bố trí các khu dân cư không được làm thay đổi cơ cấu sử dụng đất, đảm bảo các định hướng của QH 704 và phải hài hòa, không phá vỡ quy hoạch chung...
Tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình thực hiện QH 704, Bộ Xây dựng cũng cho rằng QH 704 đã xác định một số khu vực tại đô thị trung tâm Đà Lạt sẽ hình thành một số công trình điểm nhấn trên các trục cảnh quan. QH 704 đề ra khung thiết kế đô thị tổng thể và hướng dẫn cụ thể đối với thiết kế đô thị TPĐL. Đây là cơ sở UBND tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo các ngành chức năng và TPĐL tổ chức triển khai quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết đô thị để xác định rõ các dự án, công trình điểm nhấn cụ thể, đảm bảo các tiêu chí về kiến trúc, phù hợp với cảnh quan, bản sắc đô thị,... Theo QH 704, tại Điểm a, Khoản 8, Điều 2, định hướng thiết kế đô thị về tầng cao cho TPĐL là: Khu đô thị trung tâm có tầng cao trung bình tối đa là 3-5 tầng (một số công trình điểm nhấn cao trên 5 tầng), khu đô thị phía Đông và Tây có số tầng cao tối đa là 5-7 tầng, khu đô thị phía Bắc tầng cao tối đa là 5 tầng. (Nghĩa là giảm rất nhiều tầng so với chủ trương của địa phương trước khi có QH 704).
Cũng tại QH 704, định hướng không gian thành phố Đà Lạt là “Bảo tồn và phát triển Đà Lạt thành đô thị đặc thù về quy hoạch, kiến trúc, văn hóa, lịch sử, cảnh quan tự nhiên; xây dựng Đà Lạt trở thành đô thị du lịch - văn hóa - khoa học, xanh và hiện đại có đẳng cấp quốc tế” (Điểm b, Khoản 6, Điều 1).
Theo Giám đốc Lê Quang Trung, những tháng còn lại của năm 2017, ngành đang tiếp tục tập trung triển khai đúng tiến độ các nhiệm vụ, trong đó có việc thực hiện Đề án thí điểm “Làng đô thị xanh”. Dự thảo Đề án đã được Sở hoàn chỉnh và trình UBND tỉnh xem xét, phê duyệt. Đó còn là xúc tiến nhanh theo lộ trình phát triển trung tâm Hòa Bình ở Đà Lạt sau khi đã công bố và lấy ý kiến của các tổ chức, đơn vị và cá nhân... Vì vậy thiết nghĩ, để triển khai nhanh tiến độ quy hoạch đô thị TPĐL, rất cần có sự phối hợp và đồng bộ giữa chính quyền địa phương Đà Lạt với các ngành chức năng của tỉnh.
MINH ĐẠO