Ghi trên đường… tác nghiệp

09:08, 18/08/2017

Tây Nguyên, miền đất đỏ bazan huyền thoại, chất chứa bao câu chuyện kỳ thú về văn hóa đa bản sắc của các tộc người bản địa, cùng với sự giao thoa, kết nối mạch nguồn văn hóa các dân tộc anh em trên mọi miền Tổ quốc. Thung thăng giữa đại ngàn xanh cùng với những đồng nghiệp, hành trang nghề nghiệp của tôi mỗi ngày lại "gánh" thêm được nhiều điều… 

Tây Nguyên, miền đất đỏ bazan huyền thoại, chất chứa bao câu chuyện kỳ thú về văn hóa đa bản sắc của các tộc người bản địa, cùng với sự giao thoa, kết nối mạch nguồn văn hóa các dân tộc anh em trên mọi miền Tổ quốc. Thung thăng giữa đại ngàn xanh cùng với những đồng nghiệp, hành trang nghề nghiệp của tôi mỗi ngày lại “gánh” thêm được nhiều điều… 
 
Đường đến hiện trường vụ lở núi làm hàng chục hành khách bị mắc kẹt trên đèo Hòn Giao
Đường đến hiện trường vụ lở núi làm hàng chục hành khách bị mắc kẹt trên đèo Hòn Giao

Làm “tin nóng”…
 
Vốn là phóng viên phụ trách mảng Thời sự, Văn hóa - Xã hội, Nội chính, tôi thuộc nằm lòng yêu cầu của Tòa soạn: “Phóng viên phải nhanh, nhạy, nhưng đồng thời phải đảm bảo tính chuẩn xác về mặt thông tin”. Vì lẽ đó, tôi luôn đặt mình vào tư thế “đi” hay nói đúng hơn là sẵn sàng “chạy”... Phải chạy bất cứ giờ giấc, chạy nhanh nhất (có thể) đến các “điểm nóng”, đến hiện trường vụ việc để chính tai nghe, mắt thấy, tay ghi chép, ghi hình thì mới có được bản tin sốt dẻo đến với bạn đọc. Sự có mặt ở hiện trường, giúp cho phóng viên chủ động, độc lập về nguồn tin, đưa thông tin nhanh nhất đến bạn đọc, đồng thời giảm thiểu những sai sót không đáng có do hạn chế về mặt thời gian. 
 
Trong những lần chạy đó, tôi nhớ nhất việc đưa tin về vụ mưa bão, gây sạt lở núi, làm tắc đường khiến nhiều phương tiện cùng hành khách bị kẹt hơn hai ngày đêm trên đèo Hòn Giao (đường 723, nối phố biển Nha Trang với phố núi Đà Lạt). Vụ việc xảy ra giữa đường rừng, nằm cách Đà Lạt tới gần 80 km, trời vẫn đổ mưa tầm tã, nơi hành khách gặp nạn không có sóng điện thoại. Để có thông tin, hình ảnh chuẩn xác, tôi cùng một số đồng nghiệp quyết định đội mưa vượt hàng chục km đường, băng qua những điểm sạt lở đầy hiểm nguy rình rập để tiếp cận các nạn nhân. Không thể tin vào mắt mình, hàng chục hành khách, có cả trẻ em đang co ro, mặt tái mét vì đói, vì rét khi nhiệt độ ngoài trời về đêm xuống còn 4-70C trong những cái “thùng sắt di động” (xe khách), đang bất động bên vách núi dựng đứng, bên kia là vực sâu thăm thẳm, trong khi hai đầu đường hàng chục điểm sạt lở, không có lối ra. Rất may, trong đoàn xe bị kẹt lại trên đèo, có một xe vận chuyển heo đi các tỉnh phía Bắc tiêu thụ, chủ xe này đã cho mổ những con heo sắp chết vì lạnh để các hành khách gặp nạn ăn cầm hơi, đợi đơn vị cứu hộ thông đường… 
 
Quyết định của tôi không chỉ mang lại hơi thở cuộc sống, tính chuẩn xác cho bản tin của phóng viên, nó còn mang lại uy tín cho Báo Lâm Đồng. Bởi thời điểm đó, chiều cùng ngày, nhiều tờ báo mạng đưa tin lực lượng chức năng đã thông được đường, giải cứu hàng chục hành khách bị kẹt giữa rừng. Có tờ báo còn đưa tin, các nạn nhân nước mắt lưng tròng chạy đến ôm chầm lấy vị Giám đốc Sở GT-VT Lâm Đồng, người chỉ huy thông đường tiếp cận hành khách gặp nạn (?!). Trong khi, sự thật đến giữa khuya ngày gặp nạn thứ hai, bằng tất cả nỗ lực, lực lượng cứu nạn, cứu hộ của hai tỉnh Lâm Đồng và Khánh Hòa cũng mới chỉ thông đường được một chiều…     
 
Vòng xoang nối kết
 
Và rồi cũng trong những lần chạy… tôi đã bị cuốn vào ngọn “lửa thiêng” hừng hực cháy. Buôn làng dưới chân núi LangBiang (H. Lạc Dương) vọng tiếng chiêng cồng. Lửa rừng và hồn chiêng quấn quyện những đôi chân trần của những chàng trai, cô gái miền sơn cước trong hương rượu cần mênh mang, chếnh choáng. Vòng xoang “nở” rộng, nhịp chiêng đã ngân dài, chiêng chao giữa đại ngàn Tây Nguyên... Tiếng tù và của già làng Krajan Plin trầm hùng dội vào vách núi, báo với Yàng, với thần linh, buôn làng về lễ hội mùa xuân. Ánh lửa bập bùng nhòa khói lam chiều giữa đại ngàn yên ả. Già làng Krajan Plin ngửa mặt lên trời và mở đầu ngày hội bằng một câu tiếng dân tộc bản địa: Ơ Yàng!... 
 
Không gian cổ tích, nguyên sơ. Những chàng trai, cô gái miền sơn cước dặt dìu quý khách vào vòng xoang. Những cung bậc tình cảm, những giai điệu Tây Nguyên, những câu yal yau, tam pơt bản địa hừng hực tuôn trào trong men rừng ngất ngây. Mùa này, người Tây Nguyên gọi là mùa “ăn năm, uống tháng”, mùa con người sống “cạn” với mình, với nhau, với đại ngàn độ lượng và với những khát vọng nguyên thủy của mình. Đang đắm chìm trong men say đại ngàn, bất chợt, già làng Krajan Plin vỗ vai tôi, già bảo: “Xoang là cách gọi của hình thức múa tập thể đông người, tạo thành vòng tròn trong ngày hội, thường múa xung quanh cây nêu và di chuyển ngược chiều kim đồng hồ, như những con chim Lạc trên trống đồng...”. Vũ điệu xoang thường gắn liền với mùa hội của đồng bào dân tộc bản địa Tây Nguyên. Có lễ hội, có tiếng cồng, tiếng chiêng quấn quyện ngọn “lửa thiêng” ắt sẽ có điệu xoang và mỗi dân tộc có kiểu xoang khác nhau, khác ở động tác múa.
 
Không gian vỡ òa trong nhịp chiêng ngân và điệu rơkel khát cháy. Khi ngọn lửa đã đượm lòng, soi rõ từng khuôn mặt, những chàng trai cuồn cuộn cơ bắp, những cô gái bầu ngực căng tròn, hồn nhiên, mộc mạc bắt đầu vào vòng xoang, trong ngất ngây men rượu cần, lạc về miền hoang sơ. Múa xoang không quy định số người, cái vòng tròn đó là cầu nối giữa quá khứ và hiện tại, trong đó mỗi động tác đều mô phỏng, tái hiện đời sống sinh hoạt, sản xuất hàng ngày của người ở rừng thiêng. “Không biết nó hình thành từ định luật nào, nhưng là từ số không và về với số không. Cái vòng tròn đó nằm trong cái “khuôn” của buôn làng, của Yàng” - Già làng Krajan Plin thổ lộ.
 
Những cái nắm tay đoàn kết, cùng nhau nhịp bước ngược chiều kim đồng hồ, như con chim Lạc bay về nguồn cội… Điệu xoang trở nên huyền diệu, đắm say là thế. Nhưng, phải đến một lần lỗi nhịp, lạc hướng, tôi mới nhận ra…
 
Phóng viên Báo Lâm Đồng cùng đồng nghiệp tác nghiệp tại hiện trường vụ xe rau bốc cháy trên đèo Bảo Lộc
Phóng viên Báo Lâm Đồng cùng đồng nghiệp tác nghiệp tại hiện trường vụ xe rau bốc cháy trên đèo Bảo Lộc

Giấy xin rút lại lời nói 
 
Cơn mưa rừng bất chợt đầu mùa khô Tây Nguyên không kéo dài như câu chuyện “gieo chữ” của cô giáo người Mông dưới chân núi Chúa. Trên đỉnh dốc Mông nhìn xuống, con đường đến trường làng Mông “đủ bàn chân đi” đã dài và rộng. Hơn ba mươi em học sinh dân tộc Mông, Tày, Nùng, Dao… ở thôn 10C, xã Lộc Thành (H. Bảo Lâm) vây quanh cô giáo Lý Thị Mỵ. 
 
Tiếng trống tan trường đã điểm. Tôi chào lóng ngóng bằng tiếng Mông mới vừa học lõm. Có phải nhân vật trong tác phẩm Vợ chồng A Phủ không? Tôi bắt chuyện. Cô Mỵ bẽn lẽn.
 
Cô Mỵ tốt nghiệp Trường Sư phạm Cao Bằng năm 1991, đã có quyết định lên vùng tiểu cao ở quê dạy học. Sang năm 1992, cô “xuống núi” miền Tây Bắc để lên cao nguyên Lâm Đồng xây dựng hành trình cuộc sống mới khi tròn 22 tuổi. Cô kể, ba năm đầu mới vào, mình cũng đi làm thuê cùng bao người khác trong làng để kiếm sống. Học sư phạm mà không được đứng lớp, buồn lắm! Cũng may, đến năm 1995, làng đã dựng được căn nhà lá để làm lớp học và đã chiêu mộ được khoảng 30 em học sinh, tuổi tác thì lẫn lộn, 5 tuổi, 6 tuổi, 10 tuổi… có đứa không đủ tuổi cũng khai cho đủ tuổi để được mở lớp học. Học ghép từ lớp 1 đến lớp 5. Giờ thì vui lắm rồi, trường đã được xây, cấp 1, cấp 2 có cả. Vậy là con cháu của người Mông, người Tày, người Dao, hay người K’Ho… đã được học hành để hòa nhập với xã hội.
 
Nhìn cô Mỵ, ngắm lũ trẻ đang mải chơi trên sân trường chưa chịu ra về, những đồi chè, cà phê ngút ngàn… miền đất mới đã hiện lên bóng dáng một vùng quê ấm áp và bình yên.
 
Quê cô đẹp thế sao lại vào đây? Tôi hỏi bất ngờ. Với vẻ trầm buồn khi ký ức vọng về, cô nói, quê mình đẹp lắm, nhưng cái đói, cái nghèo thì cứ đeo bám triền miên. Cái nghèo là thế, nhưng từ bao đời nay, những dòng họ Thào, Lý, Hoàng, La… của Nà Nội quê mình vẫn ôm lấy dòng sông Vàng và tham gia cách mạng. Có lẽ, trên chuyến xe “lịch sử” hơn hai mươi năm trước đến đây… cũng là định mệnh! Giờ đây, làng Mông đã có trường, có lớp và những con chữ đang ngày càng sinh sôi, nẩy nở trong bản tình ca người giáo viên những ngày mở đất.
 
Chuyện về cô giáo Mỵ “gieo” chữ dưới chân núi Chúa thật đẹp. Đẹp như loài hoa dã quỳ mộc mạc Tây Nguyên. Và câu chuyện chưa dừng lại… Đêm đó, tôi ở lại làng Mông, cùng uống rượu ngô với “thủ lĩnh” khai mở làng Mông Thào Hùng Khải. Sáng, những bước chân học sinh tung tăng đến trường. 
 
Thầy Hiệu trưởng Trương Văn Liền đứng đợi khá lâu và từ tốn đưa cho tôi tờ giấy A4, đánh máy rõ ràng: “Giấy xin rút lại lời nói”. Nội dung là xin được rút lại những chuyện thầy Liền kể với tôi về sự nỗ lực của cô giáo Mỵ thời còn ở miền quê Tây Bắc, nhưng chưa được kiểm chứng. 
 
Thành ngữ có câu “lời nói gió bay”. Song, với hiệu trưởng Trương Văn Liền, đó là trách nhiệm, lời nói và giá trị. “Lời đã nói ra” là một trong những điều không thể lấy lại, nhưng vị hiệu trưởng của ngôi trường vùng xa, còn thiếu thốn vật chất này đã làm được. Với tôi, đó là câu chuyện đầy tính nhân văn, đáng để trân trọng và khó có thể gặp lại trên hành trình tác nghiệp…
 
VÕ TRANG