Lội rừng suốt cả tuần, có đêm thức chỉ chợp mắt vài giờ để hơn 2 giờ sáng dậy truy bắt "lâm tặc". Hành trình vượt hơn 150 km đường bộ, hàng chục km đường sông, leo mỗi ngày 4 - 5 tiếng đồng hồ rừng sâu, núi cao, trơn trượt, té ngã đến tứa máu, nhưng một tay vẫn kịp ôm chặt chiếc máy ảnh vào lòng…
Lội rừng suốt cả tuần, có đêm thức chỉ chợp mắt vài giờ để hơn 2 giờ sáng dậy truy bắt “lâm tặc”. Hành trình vượt hơn 150 km đường bộ, hàng chục km đường sông, leo mỗi ngày 4 - 5 tiếng đồng hồ rừng sâu, núi cao, trơn trượt, té ngã đến tứa máu, nhưng một tay vẫn kịp ôm chặt chiếc máy ảnh vào lòng… Đổi lại, chính nhờ những trải nghiệm trong nhiều chuyến đi rừng trước đó, đặc biệt hai lần tác nghiệp năm 2016 đáng giá ấy, tôi đã có phóng sự ảnh “Khẩn cứu rừng Tây Nguyên” được trao Giải B duy nhất (không có Giải A hạng mục ảnh Báo chí), Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XI năm 2016.
|
Nhà báo Minh Đạo nhận Giải thưởng Báo chí Quốc gia năm 2016 tại Hà Nội |
Năm ngày ở rừng
Với 34 năm gắn bó với nghề báo, trong đó hàng chục năm làm tại Báo Lâm Đồng, tôi có dịp đến rất nhiều cánh rừng trên địa bàn Nam Tây Nguyên. Không thể kể hết những tháng ngày ở với rừng. Nhiều lần đi cùng nhiều thế hệ lãnh đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Lâm Đồng như các ông Huỳnh Đức Hòa, Nguyễn Xuân Tiến, Nguyễn Văn Yên, Phạm S, hay lãnh đạo các sở, ngành. Rất nhiều lần tham gia cùng các cơ quan chức năng và cũng nhiều lần một mình tác nghiệp. Với tôi, đề tài tài nguyên rừng vừa là duyên lớn vừa là nghiệp sâu. Thực trạng rừng Tây Nguyên những năm qua đã và đang bị tàn sát dữ dội làm ảnh hưởng lớn hệ sinh thái vô cùng quan trọng của cả khu vực miền Trung và Đông Nam Bộ. Nguyên nhân việc quản lý bảo vệ rừng chưa hiệu quả như Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ rõ là “do còn có sự buông lỏng của lực lượng kiểm lâm, chủ rừng cũng như sự vào cuộc chậm trễ của chính quyền các cấp”. Một trong những vùng rừng bị tàn phá nặng nề nhất là khu vực giáp ranh giữa các tỉnh vì tình trạng “cha chung không ai khóc”.
Thấm nhuần tinh thần trên, tôi quyết định xâm nhập các khu vực rừng giáp ranh ở Nam Tây Nguyên, trong đó 2 điểm nóng nhất ở tỉnh Lâm Đồng là giáp ranh tỉnh Đắk Nông và tỉnh Bình Thuận. Sau 2 tuần kết luận của Thủ tướng, tôi cùng lực lượng chức năng Trung ương và địa phương đến hiện trường “vụ phá rừng rất nghiêm trọng” tại xã Lộc Bắc, huyện Bảo Lâm (giáp tỉnh Đắk Nông). Là nhà báo duy nhất lội rừng suốt 5 ngày đêm để tác nghiệp trước sự tàn phá khủng khiếp đến cánh rừng nguyên sinh, nên dù là người cao tuổi nhất trong đoàn, vượt hàng chục km đường sông, leo mỗi ngày 4 - 5 tiếng đồng hồ rừng sâu, núi cao trơn trượt, vô vàn gian khổ và hiểm nguy rình rập trên dòng sông xiết mạnh, trong rừng sâu giăng mắc, nhưng cuối cùng tôi cũng đã vượt được chính mình. Cũng dễ hiểu, quá trình ấy, có những thành viên trong đoàn đành bỏ cuộc giữa hành trình. Với tôi, chiếc gậy vừa làm điểm tựa vừa để chống trượt, chiếc áo mỏng chống mưa, chai nước đeo vai, và đặc biệt là chiếc máy ảnh tác nghiệp đã cùng suốt hành trình. Cũng như nhiều người, không ít lần tôi bị trượt ngã, gậy văng, nước rơi, máu tứa chân, nhưng một tay vẫn kịp ôm chặt chiếc máy ảnh vào lòng. Bởi tôi tự nhủ: bỏ công sức leo cao luồn sâu đến những hiện trường này mà không có máy để tác nghiệp thì coi như chuyến đi vô nghĩa.
Vì vậy, để chủ động tác nghiệp, tôi tranh thủ phỏng vấn, trao đổi với những người liên quan như: nhà chức năng, chủ rừng, đối tượng lâm tặc và người dân. Tại hiện trường, miếng bánh mì, ngụm nước nhỏ, cùng nghị lực đã giúp tôi đủ sức nhanh chóng quan sát, tìm các góc máy tác nghiệp. Đêm tại nhà trọ, ai cũng mệt nhoài, nhưng các cán bộ kiểm lâm ngồi tính toán mức độ thiệt hại gỗ, còn tôi lặng lẽ chép tất cả ảnh chụp được trong ngày vào máy tính.
Vụ phá rừng khu vực sông Đồng Nai sau đó các cơ quan chức năng bước đầu khởi tố 11 nghi can, bắt được chủ mưu Lê Hồng Hà (biệt danh “Hà đen”) sau 42 ngày phát lệnh truy nã toàn quốc. Mức độ thiệt hại rừng bị khai thác nhiều năm lên đến hàng ngàn m3 gỗ, riêng thời gian chúng tôi khám nghiệm có hơn 300 m3 gỗ nhóm IV và III. Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình chỉ đạo Bộ Công an, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường và Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cần phải làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan đã để xảy ra vụ phá rừng, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Và thức trắng đêm
Trong khi đoàn tiếp tục điều tra vụ phá rừng giáp ranh tỉnh Đắk Nông nêu trên và vụ phá rừng với khoảng 100 người bao vây hành hung cán bộ Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Ban, huyện Lâm Hà làm chết một cán bộ và bị thương 2 cán bộ khác, tôi lại cùng các kiểm lâm lặng lẽ lên đường xuống tỉnh Bình Thuận. Đây là đợt truy quét tại rừng huyện Di Linh - khu vực nhiều năm bị lâm tặc các tỉnh tàn sát khốc liệt. Chúng tôi hành quân gần 150 km bằng quyết tâm và nguyên tắc giữ bí mật tuyệt đối “năm không” như Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm S từng chỉ đạo (không được biết về địa điểm, thời gian, thành viên đoàn, kế hoạch và chỉ huy). Bốn người hóa trang ngồi xe máy hộ tống, 12 người lên ô tô bít kín bạt. Trong ca bin, trưởng đoàn, Chi cục phó Kiểm lâm Võ Danh Tuyên (bây giờ là Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Lâm Đồng) cải trang mặc thường phục cùng tôi ngồi che cho các trinh sát dẫn đường.
Ô tô ì ạch bò qua từng con sông và cánh rừng. Gặp lán thứ nhất, xe đi chậm thăm dò. Vắng lặng, không có bóng người. Không khí căng thẳng. Trưởng đoàn Tuyên quyết định: Tiếp tục tiến sâu theo đường mòn. Cây cối che chắn, quất vào ô tô, anh em vừa mở đường vừa cảnh giới. Bỗng có tiếng chó sủa inh ỏi, anh em nhanh chóng tập kích. Cả 4 đối tượng lâm tặc trần trục chưa hết ngỡ ngàng đã bị khống chế. Đoàn xét hỏi nhanh, lục soát tang vật khẩn trương, đồng thời cử người trinh sát. Kết hợp các nguồn tin, chúng tôi biết phía trong có lán dựng bên mép “sông 7” (cách gọi của các đối tượng lâm tặc, nghĩa là từ bìa rừng vào có 20 con sông, chúng tôi đã đi qua 6 sông). Trưởng đoàn quyết định tạm trú, tổ chức nấu ăn và ém quân. Nhóm lo hậu cần, nhóm canh phòng tấn công giải cứu, tôi được chọn cùng nhóm tinh nhuệ tiếp tục hành quân do thám “sông 7”. “Gần đây có mùi khói!”, anh Thanh người đi đầu phát hiện. Chúng tôi rón rén dìu nhau qua sông và tản nhanh thành các mũi bao vây hiện trường. Không có người, chỉ những hộp, phách gỗ Hương và Gõ cất giấu trong bụi cây; giữa sân, lửa âm ỉ cháy… Nhóm phân công mai phục mỗi người một lùm cây, hơn một giờ để lắng nghe tiếng cưa vọng nhưng không có động tĩnh, tạm rút quân...
|
Nhà báo Minh Đạo tác nghiệp tại hiện trường nóng bỏng |
Tại lán, mọi sinh hoạt cá nhân và bữa ăn tối diễn ra chóng vánh. Đêm buông rất nhanh. Mỗi người tự thiết kế một nơi nằm vội. Mặc dù đốt lửa xua ác thú, bôi kem chống muỗi, vắt, nhưng ai cũng trằn trọc giữa đêm lạnh hoang vu. Cảm giác của tôi lúc này không khác gì hồi ở đảo chìm ngoài Trường Sa, cũng không có sóng điện thoại, nghĩa là chủ động độc lập tác chiến. Không gian rừng sâu căng thẳng, mọi hiểm nguy bất chợt có thể diễn ra…
2 giờ 15 phút, anh Tuyên bật dậy khỏi võng và lệnh: “Anh em chuẩn bị lên đường!”. Chỉ để lại 3 người bị cảm mạo ở lại canh phòng, 14 người cùng súng, gậy, đèn pin cầm tay hoặc đeo trên đầu lặng lẽ nối nhau đi. Khoảng hơn 100 mét, lệnh yêu cầu giữ bí mật cao nhất nên chỉ còn 3 chiếc đèn pin chúi xuống đất. Đêm mộng mị. Chốc chốc có người chao đảo vì va vào những tảng đá to giữa đường tối đen. Gần mép “sông 7”, lệnh truyền tai nhau: “Tắt đèn! Tắt đèn!”. Tất cả bám sát nhau, rón rén, lội qua sông. Rất cần kỹ năng thì mới không bị ngã ngay giữa dòng nước xiết qua đá trơn. Vượt được qua sông, chúng tôi ập vào bao vây lán của lâm tặc và cùng cảnh giới. Đèn pin đồng loạt bật lên loang loáng. “Tất cả nằm im, chỉ bỏ 2 tay ra ngoài võng!”. Mấy tiếng quát trấn áp, các đối tượng lâm tặc bị khống chế ngay, không kịp trở tay vì bị bất ngờ đánh úp. Tang vật có 11 hộp và phách gỗ nhóm II, III cùng những chiếc xe máy độ lại. Đấu tranh nhanh, chúng tôi được thông tin có 2 lán nữa trong “sông 12”.
Yêu cầu các đối tượng dẫn đường, đoàn khẩn trương tiếp tục tiến công. Rất nhiều đoạn sông sâu, có nơi ngập hơn một mét nước. Chó lại sủa vọng núi rừng. Đoàn phải khẩn trương tắt rừng nhanh nhất có thể. Nhiều hộp và phách gỗ Bằng lăng, Căm xe (nhóm I và II) vứt ngổn ngang dọc đường. Im lặng, dò dẫm... Phát hiện được lán của đối tượng nằm trên dốc, tất cả lao lên, bao vây và áp sát. Cả 5 đối tượng toan chống cự nhưng không kịp vì đã bị khống chế và còng tay ngay. Đấu tranh khai thác nhanh, đoàn cử người theo đối tượng đi tìm cưa máy, xe máy, số còn lại dẫn 7 đối tượng về lại lán “sông 6” bằng cách còng chung hai đối tượng để tránh tẩu thoát hay chống đối. Người, vũ khí, tang vật vi phạm cùng bì bõm vượt suối sâu và đá lởm chởm. Về đến lán lúc 6 giờ 37 phút. Phờ phạc và mệt, nhưng chúng tôi đều vui vì án đã đánh thắng, cả 2 phía đều không một ai bị thương tích.
Dịp ra Hà Nội nhận giải thưởng Báo chí Quốc gia vào tháng 6/2017, tôi vinh dự được hai đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị là Nguyễn Thiện Nhân - Chủ tịch MTTQ Việt Nam và Phạm Minh Chính - Trưởng Ban Tổ chức Trung ương trao. Nhiều lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam khen ngợi. Anh Hồ Quang Lợi - Phó Chủ tịch thường trực Hội nắm tay tôi và nói: “Để có được tác phẩm phóng sự ảnh này, chú không chỉ yêu nghề, dấn thân mà thực sự đã phải ăn sương nằm đất...”. Đó là lời khích lệ rất lớn của anh, và tôi cũng tự nhắc mình: phía trước rừng đang vẫy gọi!
Đà Lạt, tháng 8 năm 2017
Bút ký: MINH ĐẠO