Hơn 32 năm chông gai với nghề

09:08, 18/08/2017

Bác Hồ dạy: Những người làm báo là những chiến sỹ trên mặt trận tư tưởng, đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với nhân dân và phản ánh tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân đến với Đảng, với Nhà nước

Bác Hồ dạy: Những người làm báo là những chiến sỹ trên mặt trận tư tưởng, đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với nhân dân và phản ánh tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân đến với Đảng, với Nhà nước. Tuân theo lời dạy của Bác, những nhà báo chân chính đã luôn hoàn thành sứ mệnh cao cả của báo chí cách mạng. Đặc biệt, từ khi Đảng khởi xướng đổi mới toàn diện đất nước, nhiều nhà báo đã không ngại dấn thân vào mặt trận đầy cam go, thử thách đó là đấu tranh với những biểu hiện tiêu cực, những việc “cần làm ngay” do đồng chí N.V.L soi đường, chỉ lối. 
 
Hội CCB Báo Lâm Đồng phối hợp với Công ty Biểu diễn chuyên nghiệp Hương Miền Nam tổ chức buổi biểu diễn văn nghệ “Đời đời nhớ ơn đồng đội” để gây quỹ tặng nhà “Nghĩa tình đồng đội”.
Hội CCB Báo Lâm Đồng phối hợp với Công ty Biểu diễn chuyên nghiệp Hương Miền Nam tổ chức buổi biểu diễn văn nghệ “Đời đời nhớ ơn đồng đội” để gây quỹ tặng nhà “Nghĩa tình đồng đội”.

Tháng 7/1978, thi đậu vào Khoa Văn - Sử, Trường Đại học Tổng hợp Huế (nay là Đại học Khoa học Huế), đến tháng 2/1979, khi quân bành trướng Bắc Kinh tiến đánh các tỉnh biên giới phía Bắc, Chủ tịch nước ban hành Lệnh Tổng động viên trong cả nước, cùng với 5 sinh viên khác, tôi được Trường Đại học Tổng hợp Huế tiễn đưa lên đường làm nghĩa vụ quân sự, huấn luyện tại Trường Hạ sỹ quan Thiết giáp 500 ở thị xã Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phú (nay là TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc). 
 
Sau hơn hai năm thực hiện nghĩa vụ quân sự, đến tháng 2/1981, tôi trở lại Trường Đại học Tổng hợp Huế, tiếp tục theo học tại Khoa Văn. Sau 4 năm học tập tại trường, đến tháng 9/1985, tôi được phân công về Báo Lâm Đồng làm phóng viên. Dù ở cương vị phóng viên, hay sau này cương vị Trưởng phòng Văn hóa - Xã hội, Xây dựng Đảng - Nội chính, hay nay là Trưởng Phòng Bạn đọc - Quảng cáo - Phát hành, tôi luôn không ngại khó, ngại khổ, ngại va chạm trong tác nghiệp, trong thể hiện quan điểm của người cầm bút trên mặt trận chống tiêu cực, chống các biểu hiện sai trái, trù dập, ức hiếp những người yếu thế trong xã hội. 
 
Sau hơn 32 năm tham gia vào mảng đề tài gai góc, đầy gian khổ này, tôi tự thấy mình có may mắn là được trui rèn bản lĩnh nghề nghiệp, trưởng thành trong môi trường cầm bút, được bạn đọc tin tưởng, thường hay hỏi ý kiến tư vấn mỗi khi gặp khó khăn trong cuộc sống, hay khi phải đối đầu với những vấn đề gai góc của tư pháp, hành pháp, thậm chí khi bị “trù dập”, ức hiếp người yếu thế… Bên cạnh niềm vui đó, tôi cũng gặp không ít chông gai, vất vả vì sự phản ứng của một số tổ chức, cá nhân bị báo chí phê bình, phanh phui những việc “cần làm ngay”. Những lần phải đối đầu với những trường hợp như vậy, vừa là bài học nghề nghiệp cho bản thân, vừa là những kỷ niệm không bao giờ quên trong hơn 30 năm tác nghiệp báo chí của tôi. 
 
Tiếp bạn đọc
Tiếp bạn đọc

Còn nhớ, vào năm 1990, hưởng ứng “Những việc cần làm ngay” của đồng chí N.V.L, tôi thực hiện loạt bài phóng sự điều tra về những tiêu cực tại Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt. Sau đó, Thanh tra tỉnh vào cuộc và đã có kết luận về những sai phạm, cũng như trách nhiệm của từng cá nhân trong Đảng ủy, Ban Giám hiệu nhà trường. Dựa trên kết luận và kiến nghị xử lý của Thanh tra tỉnh, UBND tỉnh cũng đã có quyết định xử lý phê bình Bí thư Đảng ủy, cách chức Hiệu trưởng nhà trường. Không đồng tình với mức độ xử lý của UBND tỉnh, Hiệu trưởng nhà trường liên tục đến Tòa soạn Báo Lâm Đồng thắc mắc: Tại sao Đảng lãnh đạo toàn diện, nhưng Bí thư Đảng ủy chỉ bị phê bình, còn hiệu trưởng lại bị cách chức. Nhiều lần, tôi giải thích đó là quyết định xử lý của chính quyền, còn báo chí chỉ phanh phui vụ việc, không liên quan gì với nhau, nhưng vì cho rằng: Trăm sự đều do báo chí phanh phui, nên hiệu trưởng nhà trường không chấp nhận, vẫn kiên trì khiếu kiện, khiến tôi mất không ít thời gian giải trình, giải thích. Cũng trong năm đó, tôi thực hiện phóng sự điều tra “Những tiêu cực của Công an huyện Cát Tiên cần phải được xử lý”, được bạn đọc trong tỉnh hết sức đồng tình, hưởng ứng. Thế nhưng, lại gặp phản ứng quyết liệt của không chỉ lãnh đạo Công an huyện Cát Tiên, mà cả của một số huyện khác, vì cho rằng: làm mất danh dự, uy tín của ngành Công an. Cũng may, lúc đó, Giám đốc Công an tỉnh Vũ Linh và BBT Báo Lâm Đồng có thái độ bình tĩnh, đề nghị Thường trực Tỉnh ủy thành lập đoàn kiểm tra. 
 
Sau một thời gian kiểm tra, đoàn kết luận, cơ bản phóng sự của Báo Lâm Đồng đã phản ánh đúng bản chất vụ việc. Sau đó, tỉnh và ngành Công an đã có quyết định xử lý thích đáng những cá nhân cán bộ, chiến sỹ Công an huyện Cát Tiên có sai phạm trong vụ việc. Tuy vậy, tôi vẫn còn phải hết sức vất vả trong việc đề phòng sự “trả đũa” của một vài cá nhân đã bị xử lý kỷ luật. 
 
Phối hợp với Công ty Bảo Việt nhân thọ Lâm Đồng trao tặng nhà “Nghĩa tình đồng đội”.
Phối hợp với Công ty Bảo Việt nhân thọ Lâm Đồng trao tặng nhà “Nghĩa tình đồng đội”

Một kỷ niệm khó quên trong đời làm báo của tôi nữa là: Năm 1986, tôi xuống công tác tại Vùng KTM Hà Nội (nay hợp nhất thành huyện Lâm Hà). Được anh Trần Ngọc Trác giới thiệu với các CCB và cán bộ lão thành tại HTX Mê Linh, tôi điều tra, thực hiện phóng sự “Vua Mèo ở vùng KTM Hà Nội” đề cập đến những sai phạm của Chủ nhiệm HTX Mê Linh - Cao Xuân Thu. Khi phóng sự được Báo Lâm Đồng đăng và được phát trên sóng Đài PT-TH Lâm Đồng, nhiều người dân ở vùng KTM Hà Nội lên Đà Lạt nghe được, truyền tai nhau và về yêu cầu Đài TT-TH Vùng KTM tiếp sóng phát lại. Tuy nhiên, thực hiện chỉ đạo của Đảng ủy - BQL Vùng, Đài TT-TH Vùng KTM Hà Nội không được tiếp sóng. Cũng may, vào thời điểm đó, có đồng chí Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội - Nguyễn Công Tạng vào làm việc với vùng, người dân tại HTX Mê Linh và xã Đông Thanh kéo lên BQL yêu cầu được gặp, đề nghị Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho phát lại bài phóng sự được phát trên Đài PT-TH tỉnh Lâm Đồng. Thể theo yêu cầu của người dân, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Công Tạng yêu cầu Đài TT-TH Vùng phát lại phóng sự “Vua Mèo ở vùng KTM Hà Nội”. Nghe xong phóng sự điều tra của tôi, người dân hả hê, phấn khởi, còn đồng chí Nguyễn Công Tạng yêu cầu BQL Vùng phải chỉ đạo Công an vùng vào cuộc điều tra những tiêu cực của Chủ nhiệm HTX Mê Linh đã được đề cập trong phóng sự. 
 
Tuy điều tra, kết luận vụ việc đúng như phóng sự đã phản ánh, nhưng mãi đến khi có quyết định thành lập huyện Lâm Hà, Chủ nhiệm HTX Mê Linh mới bị buộc tội với mức án hai năm tù giam. Sau khi thực hiện xong thời hạn tù, ra tù, Chủ nhiệm HTX Mê Linh bị bệnh qua đời. Nhưng mỗi lần xuống Lâm Hà nói chung, vào Vùng KTM Nam Ban nói riêng, gặp tôi, nhiều cán bộ và người dân vẫn gọi đùa “Vua Mèo Vùng KTM Hà Nội”. 
 
Sau phóng sự “Vua Mèo”, tôi thực hiện nhiều phóng sự điều tra khác về các ngành, các cơ quan của Vùng KTM và đều được Huyện ủy, UBND huyện Lâm Hà lúc đó chỉ đạo, điều tra, kết luận xử lý đúng đắn theo quy định của pháp luật. Đó là điều đáng mừng, đáng phấn khởi, để lại kỷ niệm vui trong cuộc sống, trong nghề nghiệp của tôi.
 
Nhân kỷ niệm 40 năm Ngày Báo Lâm Đồng phát hành số báo đầu tiên, tôi nêu một vài kỷ niệm trong hàng loạt kỷ niệm vui buồn qua hơn 32 năm chông gai với nghề báo để muốn nói rằng: Nghề nào cũng vậy, khi dám dấn thân vào gian khổ mới có được sự trưởng thành nghề nghiệp. Tuy phải gánh chịu nhiều gian nan, vất vả, nhưng lại gặt hái được thành công, như Bác Hồ đã dạy: “Gạo đem vào giã bao đau đớn/Gạo giã xong rồi trắng tựa bông/ Sống ở trên đời người cũng vậy/ Gian nan rèn luyện mới thành công!”.
 
HOÀNG KIẾN GIANG