Khi vai trò làm chủ của nhân dân được phát huy

09:08, 09/08/2017

Những năm qua, việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở ở thôn Lăng Kú, xã Gung Ré (Di Linh) đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội và thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Những năm qua, việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở ở thôn Lăng Kú, xã Gung Ré (Di Linh) đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội và thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
 
Bà con đóng góp ngày công tu sửa đường nông thôn. Ảnh: Lam Phương
Bà con đóng góp ngày công tu sửa đường nông thôn. Ảnh: Lam Phương
Thời gian qua, Chi bộ thôn Lăng Kú, xã Gung Ré đã chủ động xây dựng Nghị quyết chuyên đề, tổ chức tốt việc học tập, quán triệt nội dung quy chế dân chủ ở cơ sở cho cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân nâng cao nhận thức về quyền và nghĩa vụ của mình; tích cực hưởng ứng các phong trào của các cấp và địa phương đề ra. 
 
Chi bộ cũng nghiên cứu thực hiện đúng các hướng dẫn của Đảng ủy, Chỉ thị số 30-CT/TW của Bộ Chính trị khóa VIII về xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Nhờ đó, chi bộ đã cụ thể hóa, triển khai theo từng tháng, qúy; quán triệt cho cán bộ, đảng viên trước rồi vận dụng sâu rộng cho bà con và được bà con tích cực hưởng ứng, nhất là giúp nhau phát triển kinh tế, đóng góp tiền, công lao động, hiến đất xây dựng nông thôn mới...
 
Ông Nguyễn Văn Sinh - Bí thư Chi bộ thôn Lăng Kú cho biết: “Chi bộ luôn xác định chỉ có dân vận khéo thì nhân dân mới nắm được chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và những quy định của địa phương, tạo sự đồng thuận trong việc đưa Nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống”. Với nhận thức đó, dưới sự lãnh đạo của chi ủy, Tổ Dân vận của thôn đã phân công nhiệm vụ cho từng thành viên để làm tốt công tác vận động quần chúng phù hợp với từng đối tượng. Bên cạnh đó, Tổ Dân vận còn phối hợp với lực lượng nòng cốt, như đội ngũ cán bộ, đảng viên, già làng, những người có uy tín trong dòng họ, cộng đồng dân cư làm công tác tuyên truyền, vận động nhân dân.
 
Để thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở có hiệu quả, thôn Lăng Kú đã triển khai thực hiện theo phương châm: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” trên mọi lĩnh vực, như: chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; xây dựng hạ tầng nông thôn; vay vốn xóa đói giảm nghèo... 
 
Từ cách làm này, việc thực hiện quy chế dân chủ luôn được phát huy trên mọi lĩnh vực, nhất là trong chương trình xây dựng nông thôn mới. Để triển khai hiệu quả chương trình này, Chi bộ, Ban Nhân dân thôn Lăng Kú đã tổ chức tuyên truyền, quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng, Nhà nước nhằm tạo sự chuyển biến trong nhận thức để người dân hiểu rằng: chính họ đóng vai trò chủ thể với phương châm “nhân dân làm, nhà nước hỗ trợ”. Từ đó đã được bà con nhân dân trong thôn tích cực tham gia đóng góp tiền của, hiến đất, ngày công lao động để xây dựng các công trình phúc lợi. 
 
Năm 2011, một số hộ dân có đất canh tác vào đường hồ đập Lăng Kú đã đóng góp 237 ngày công và 27 triệu đồng để nâng cấp đoạn đường dài 1,7 km. Năm 2012, cùng với sự hỗ trợ vật liệu của Nhà nước, anh Nguyễn Văn Mạnh ở xóm 1 tự nguyện đóng góp trên 28 triệu đồng để làm đoạn đường bê tông dài 280 m, mặt đường rộng 1,5 m; nhân dân xóm 1, 3 và 4 góp 22,1 triệu đồng mua vật tư, mắc 27 bóng đèn đường chiếu sáng vào ban đêm... Ngoài ra, 11 hộ dân trong thôn cũng đã tự nguyện hiến đất để xã đầu tư đào ao (thủy lợi bậc thang) chống hạn cho cây trồng vào mùa khô, trong đó tiêu biểu là hộ ông K’Lãm  đã hiến 2.000 m2 đất...
 
Ông Nguyễn Văn Mạnh chia sẻ: “Là một người dân, mình phải có trách nhiệm với cộng đồng, xã hội, đóng góp một phần công sức của mình trong việc xây dựng thôn, buôn ngày càng thêm khởi sắc”.
 
Có thể thấy, việc thực hiện quy chế dân chủ ở thôn Lăng Kú đã đạt được nhiều kết quả, vai trò quyền làm chủ của nhân dân được phát huy và nâng cao. Đặc biệt, qua việc thực hiện dân chủ ở cơ sở đã củng cố niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng đối với nhân dân, góp phần thúc đẩy kinh tế, xã hội, giảm nghèo tại địa phương.
 
Lăng Kú là thôn nghèo được hưởng Chương trình 30a của Chính phủ. Thôn hiện có 176 hộ, 722 nhân khẩu, dân tộc thiểu số gốc Tây Nguyên chiếm 43%. Nếu trước năm 2010, toàn thôn có 42/125 hộ nghèo (chiếm 33,6%), đến nay còn 13 hộ nghèo, 40 hộ cận nghèo (xét theo tiêu chí đa chiều giai đoạn 2016 - 2020) và hộ có đời sống khá giả chiếm 35%.
 
Ông Nguyễn Văn Bảy, Trưởng thôn Lăng Kú khẳng định: “Từ nhận thức của người dân được nâng cao đã tác động tích cực đến công tác giảm nghèo ở địa phương. Mấy năm gần đây, bà con học hỏi nhau về kinh nghiệm sản xuất, áp dụng khoa học kỹ thuật và kết quả có nhiều chuyển biến rõ rệt. Số hộ chăn nuôi bò, dê, lợn đều tăng; đặc biệt, hiện nay, bà con cũng đang tập trung chuyển đổi giống cà phê già cỗi năng suất kém bằng biện pháp tái canh bước đầu đã mang lại hiệu quả tích cực”.
 
Việc thực hiện tốt quy chế dân chủ ở thôn Lăng Kú đã đạt được những hiệu quả rõ rệt, tạo được sự đồng thuận cao trong nhân dân. Người dân hăng hái thi đua lao động sản xuất và các phong trào thi đua yêu nước tại địa phương. Đây là một trong những tiền đề quan trọng để trong thời gian tới, cán bộ và nhân dân thôn Lăng Kú cùng chính quyền địa phương xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
 
LAM PHƯƠNG