Từ năm 2004 đến nay, Quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) Liên Hiệp đã mạnh dạn thực hiện mục tiêu tương trợ cộng đồng một cách sâu rộng, giúp cho nhiều mảnh đời khó khăn muốn vay vốn ngân hàng nhưng không đủ điều kiện, đã tiếp cận được vốn vay, tiêu biểu là 2 mô hình: "Tổ vay vốn cho các thành viên nghèo, thành viên khó khăn" và mô hình "Nuôi bò sinh sản, phấn đấu xóa nghèo".
Từ năm 2004 đến nay, Quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) Liên Hiệp đã mạnh dạn thực hiện mục tiêu tương trợ cộng đồng một cách sâu rộng, giúp cho nhiều mảnh đời khó khăn muốn vay vốn ngân hàng nhưng không đủ điều kiện, đã tiếp cận được vốn vay, tiêu biểu là 2 mô hình: “Tổ vay vốn cho các thành viên nghèo, thành viên khó khăn” và mô hình “Nuôi bò sinh sản, phấn đấu xóa nghèo”.
|
Nguyễn Thị Thu Hồng - Giám đốc QTDND Liên Hiệp (thứ nhất từ phải sang) được Hội LHPN tỉnh khen thưởng về tăng cường vai trò của phụ nữ trong đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể. Ảnh: D.H |
Bà Nguyễn Thị Thu Hồng - Giám đốc QTDND Liên Hiệp cho biết: QTDND Liên Hiệp đi vào hoạt động từ năm 1995, đến nay, mạng lưới hoạt động bao phủ trên địa bàn 6 xã, thị trấn gồm: Liên Hiệp, N’Thol Hạ, Hiệp Thạnh, Hiệp An và Liên Nghĩa (Đức Trọng), Thạnh Mỹ (Đơn Dương). Hơn 20 năm hoạt động, chúng tôi hiểu được những khó khăn của một số thành viên (người dân) rất cần vốn để sản xuất, chăn nuôi nhưng không đủ điều kiện để vay vốn ngân hàng. Đó là những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, có ý chí vươn lên vượt khó bằng chính sức lao động của mình nhưng hoàn toàn không vay vốn được nơi nào. Hiểu được những hoàn cảnh ấy, chúng tôi đáp ứng nhu cầu vốn phát triển sản xuất, chăn nuôi, kinh doanh dịch vụ, nâng cao đời sống cho khách hàng, thành viên bằng cách vay vốn không cần thế chấp tài sản và không tính lãi.
Mô hình “Tổ vay vốn cho các thành viên nghèo và thành viên khó khăn” này có tổng doanh số cho vay từ năm 2004 đến tháng 6/2017 là 27,2 tỷ đồng với 3.781 lượt vay. Kết quả đã giúp nhiều thành viên có cơ hội vươn lên thoát nghèo, đã trả gốc, trả lãi đầy đủ và đúng hạn, dư nợ cho vay này chiếm khoảng 2% - 6% trong tổng dư nợ. |
Từ năm 2004 đến nay, QTDND Liên Hiệp đã cho vay tín chấp theo mô hình “Tổ vay vốn cho các thành viên nghèo và thành viên khó khăn” không có đủ điều kiện tiếp cận với nguồn vốn tín dụng vì không có tài sản thế chấp mặc dù có đủ khả năng lao động để vươn lên trong cuộc sống. Với hình thức này, QTDND Liên Hiệp đã phối hợp với Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) địa phương hướng dẫn một số bà con chuyển đổi vật nuôi, cây trồng có hiệu quả, giúp một số hộ xóa đói giảm nghèo. Một số hộ DTTS được vay vốn đầu tư kịp thời vào sản xuất đã hạn chế nhiều nạn bán lúa non, bắp non, sau một thời gian, các thành viên DTTS tiếp cận được vốn vay làm ăn hiệu quả, có tích lũy và từ đó có điều kiện gửi tiền tiết kiệm vào QTDND Liên Hiệp.
Với cách vay vốn này, đã có hơn 500 thành viên tiếp cận vốn vay là hội viên Hội CTĐ của xã Hiệp Thạnh, thôn Gần Reo - xã Liên Hiệp, xã N’Thol Hạ (Đức Trọng), thị trấn Thạnh Mỹ (Đơn Dương) đã tập hợp thành 14 tổ vay vốn, mỗi tổ có từ 10 - 50 thành viên. Tính từ năm 2004 đến nay, số vốn vay được tăng lên trên mỗi thành viên; ban đầu, mỗi thành viên được vay 5 triệu đồng, rồi lên 8 triệu đồng và hiện nay là 10 triệu đồng/ 1 lần vay/năm để sản xuất, chăn nuôi với lãi suất vay thấp hơn lãi suất cho vay có thế chấp đối với thành viên khác.
Từ năm 2007, QTDND Liên Hiệp xây dựng mô hình “Nuôi bò sinh sản, phấn đấu xóa nghèo” dành cho đối tượng nghèo, ưu tiên thành viên thuộc gia đình chính sách. Nguồn vốn để cho vay là tiền lãi vốn góp xác lập của thành viên được phân phối lợi nhuận từ năm 2007 đến năm 2015. QTDND Liên Hiệp xin phép Đại hội thành viên hàng năm đưa nguồn tiền lãi vốn góp xác lập này vào Quỹ phúc lợi xã hội và sử dụng để cho vay các thành viên nghèo nuôi bò sinh sản nhưng không thu tiền lãi, sau 2 năm sẽ thu hồi vốn gốc để cho thành viên khác vay (xoay vòng vốn). Nhờ mô hình này, từ năm 2007 đến nay, QTDND Liên Hiệp đã cho 35 thành viên các xã Hiệp Thạnh, Liên Hiệp (Đức Trọng), Thạnh Mỹ (Đơn Dương) vay 35 con bò, với tổng doanh số cho vay 309,5 triệu đồng (tùy vào từng thời điểm, giá trị mỗi con bò mẹ từ 7 -10 triệu đồng). Kết quả của mô hình này là một số thành viên sau khi trả vốn gốc xong đã thoát nghèo, đã có thêm 1 hoặc 2 con bò được sinh ra từ con bò mẹ mà QTDND Liên Hiệp đã đầu tư sau 2 năm vay vốn không tính lãi, đến nay, có nhiều hộ gia đình đã nhân lên được 4 -5 con bò trong chuồng. Trong quá trình sử dụng vốn vay, các thành viên luôn trả vốn gốc đúng hạn với ý thức để giúp cho thành viên khác được tiếp cận vốn vay. Hiện nay có 11 thành viên nuôi bò với dư nợ của khoản cho vay này 110 triệu đồng.
Theo bà Thu Hồng, nguồn vốn cho vay tuy không nhiều, nhưng QTDND Liên Hiệp nhận thấy 2 mô hình này thật sự mang lại hiệu quả về mặt xã hội, nâng cao thu nhập cho thành viên nghèo, thành viên khó khăn, góp phần an sinh xã hội tại địa phương, hạn chế được nạn cho vay nặng lãi, cải thiện đáng kể đời sống của một bộ phận dân nghèo. Trong thời gian tới, QTDND Liên Hiệp sẽ tiếp tục nhân rộng các mô hình này trên cơ sở thận trọng và chặt chẽ để nguồn vốn được bảo toàn và giữ vững uy tín của đơn vị, góp phần chung tay vì người nghèo.
AN NHIÊN