Nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục toàn diện

09:08, 09/08/2017

Năm học 2016-2017 vừa qua, quy mô trường, lớp, học sinh của huyện Đức Trọng ổn định; đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất được tăng cường. Công tác huy động học sinh ra lớp, tuyển sinh ở các bậc học triển khai thực hiện nghiêm túc, đúng quy trình, quy định; tỷ lệ huy động học sinh ra lớp tăng so với năm học trước: lớp 1 đạt 100%, lớp 6 đạt 99,9% (tăng1,1%)...

Năm học 2016-2017 vừa qua, quy mô trường, lớp, học sinh của huyện Đức Trọng ổn định; đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất được tăng cường. Công tác huy động học sinh ra lớp, tuyển sinh ở các bậc học triển khai thực hiện nghiêm túc, đúng quy trình, quy định; tỷ lệ huy động học sinh ra lớp tăng so với năm học trước: lớp 1 đạt 100%, lớp 6 đạt 99,9% (tăng1,1%)...
 
Học sinh Trường Tiểu học K’Long, Đức Trọng diễn tiểu phẩm tuyên truyền về an toàn giao thông. Ảnh: Phan Nhân
Học sinh Trường Tiểu học K’Long, Đức Trọng diễn tiểu phẩm tuyên truyền về an toàn giao thông.
Ảnh: Phan Nhân
Đổi mới hình thức, phương pháp để nâng cao chất lượng dạy và học
 
Phòng Giáo dục - Đào tạo (GDĐT) huyện Đức Trọng trong năm học vừa qua đã tập trung chỉ đạo thực hiện đổi mới mạnh mẽ hình thức đánh giá đối với học sinh phổ thông, nhất là bậc tiểu học (TH). Tiếp tục đổi mới cách thức kiểm tra, đánh giá kết quả học tập theo hướng phát triển năng lực; chú trọng kết hợp đánh giá trong quá trình giáo dục và đánh giá tổng kết cuối kỳ, cuối năm học. Từng bước nâng cao yêu cầu vận dụng kiến thức liên môn vào thực tiễn, hướng dẫn học sinh biết nhận xét, góp ý cho nhau và biết tự đánh giá. Tăng cường xây dựng “Nguồn học liệu mở”, đổi mới nội dung, phương pháp đánh giá chất lượng trong quá trình giáo dục. 
 
Ngành chỉ đạo các trường đẩy mạnh phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” nhằm phát huy tổng hợp các nguồn lực chăm lo cho nhà trường. Việc học tập, rèn luyện của học sinh gắn với triển khai thực hiện Đề án “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh, thiếu niên và nhi đồng giai đoạn 2015 - 2020”. Tổ chức tốt hoạt động ngoài giờ lên lớp, các hoạt động giáo dục đạo đức, kỹ năng sống, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện và duy trì sĩ số học sinh.  Các trường chỉ đạo các tổ, nhóm chuyên môn, giáo viên chủ động lựa chọn nội dung, xây dựng chủ đề dạy học trong mỗi môn học và các chủ đề tích hợp, liên môn; xây dựng kế hoạch dạy học phù hợp với các chủ đề và theo hình thức, phương pháp, kỹ thuật dạy học tích cực. Đồng thời, chú trọng giáo dục đạo đức và giá trị sống, rèn luyện kỹ năng sống, hiểu biết xã hội, thực hành pháp luật. Tăng cường các hoạt động nhằm giúp học sinh vận dụng kiến thức liên môn vào giải quyết các vấn đề thực tiễn. Hoạt động giáo dục trải nghiệm sáng tạo, nghiên cứu KHKT triển khai sâu rộng với các hoạt động phù hợp với từng đối tượng học sinh. 
 
Các trường thực hiện liên kết, phối hợp hỗ trợ trong việc ôn tập, bồi dưỡng học sinh giỏi các cấp; xây dựng và triển khai kế hoạch chuyên sâu tổ chức các cuộc thi đối với từng cấp học. 
 
Ngành thường xuyên chỉ đạo các trường triển khai các cuộc thi khác do các cấp phát động như “Viết thư quốc tế UPU” lần thứ 46 (năm 2017), “Vẽ tranh theo đề tài Chiếc ô tô mơ ước”, “Giao thông học đường”... Ngành tham mưu UBND huyện tổ chức Cuộc thi “Sáng tạo trong thanh, thiếu niên và nhi đồng năm 2017”... Các thầy cô giáo tích cực tham gia các hội thi và đạt kết quả: 313 giáo viên đạt giải cấp huyện, 28 cấp tỉnh (tăng 7) và 3 cấp quốc gia (tăng 2). 
 
Chú trọng công tác phổ cập giáo dục
 
Trong năm học qua, từ trường đến Phòng GDĐT Đức Trọng tổ chức tốt các cuộc thi với kết quả: 
 
- Cấp huyện có 6 giải toàn đoàn (TH 3, THCS 3), 82 giải đồng đội, 3.049 giải cá nhân (tăng 628 giải). 
 
- Cấp tỉnh: 3 giải toàn đoàn (2 giải ba, 1 giải khuyến khích); 204 giải cá nhân (TH 60, THCS 144). 
 
- Cấp quốc gia có 15 giải cá nhân.

Năm học qua, trong công tác phổ cập giáo dục (PCGD), Ban chỉ đạo Phổ cập giáo dục - Xóa mù chữ (PCGD-XMC) của huyện và các xã, thị trấn tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp củng cố, duy trì và nâng cao chất lượng PCGD-XMC ở địa phương. Các trường học thực hiện tốt việc huy động học sinh ra lớp và duy trì sĩ số, nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non (MN), giáo dục toàn diện học sinh phổ thông. Do đó, 15/15 xã, thị trấn được công nhận duy trì đạt chuẩn PCGD MN cho trẻ 5 tuổi; 15/15 xã, thị trấn được công nhận duy trì kết quả PCGDTH đúng độ tuổi mức độ 3 (tăng 15); 15/15 xã, thị trấn được công nhận đạt chuẩn PCGDTHCS, trong đó mức độ 2: 5/15 xã, thị trấn (tăng 5), mức độ 1: 10/15 xã, thị trấn. 

 
Phòng GDĐT cùng các địa phương, trường học đẩy mạnh công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, góp phần thực hiện các chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới. Các trường tăng cường và tập trung đầu tư, hoàn thành các tiêu chuẩn về chất lượng và hiệu quả giáo dục. Phòng GDĐT hỗ trợ đầu tư thiết bị, cơ sở vật chất cho các trường học tiệm cận chuẩn quốc gia theo lộ trình xây dựng trường chuẩn quốc gia gắn với xây dựng nông thôn mới. Tham mưu UBND huyện kiểm tra, thẩm định đánh giá trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 ở 8 trường học. Trong đó, đề nghị công nhận mới 2 trường (TH 1, THCS 1), công nhận lại 6 trường (MN 1, TH 4, THCS 1) và hoàn thành hồ sơ đề nghị UBND tỉnh kiểm tra, công nhận các trường TH đạt chuẩn quốc gia, Trường THCS Ninh Gia được UBND tỉnh công nhận đạt trường chuẩn quốc gia, Trường THCS Lê Hồng Phong, MN Bông Hồng được công nhận lại. Tiếp tục chỉ đạo TH Chơ Ré, THCS Tân Thành tự kiểm tra, hoàn thành hồ sơ theo quy định để đề nghị kiểm tra công nhận trường đạt chuẩn quốc gia năm 2017. Hiện có 41/69 trường thuộc UBND huyện đạt chuẩn quốc gia, đạt 59,4% (tăng 1 trường); trong đó, MN 10, TH 24, THCS 7, có 2 trường đạt chuẩn mức độ 2. 
 
Trong thực hiện các tiêu chí của bộ tiêu chí nông thôn mới, Phòng GDĐT chỉ đạo đảm bảo giữ vững nâng cao chất lượng tiêu chí số 14 về tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS được tiếp tục học trung học (phổ thông, bổ túc, học nghề). Đồng thời phối hợp với các xã, phòng ban của huyện tăng cường các nguồn lực, đầu tư cơ sở vật chất trường học đảm bảo theo tiêu chuẩn của tiêu chí số 5 (Tỷ lệ trường học các cấp: MN, mẫu giáo, TH, THCS có cơ sở vật chất đạt chuẩn quốc gia) góp phần xây dựng xã Tà Năng đạt chuẩn xã nông thôn mới trong năm 2017.  
 
Với những đổi mới và nỗ lực như trên, đánh giá chất lượng năm học 2016-2017 cho thấy: Ngành đã chủ động đề ra nhiều giải pháp đồng bộ để chất lượng giáo dục toàn diện tiếp tục được củng cố giữ vững, tăng so với năm học trước; chất lượng giáo dục vùng dân tộc thiểu số chuyển biến đáng kể, rút ngắn khoảng cách so với vùng thuận lợi. Chất lượng giáo dục mũi nhọn đạt kết quả cao, tăng cả về số lượng và chất lượng so với năm học trước.   
 
Tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, bước sang năm học 2017- 2018, ngành Giáo dục huyện Đức Trọng sẽ đổi mới công tác quản lý giáo dục, tăng cường vai trò, trách nhiệm của hiệu trưởng gắn với quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý và nhà giáo thực sự tâm huyết, trách nhiệm với nghề; thực hiện nghiêm túc trong việc đánh giá cán bộ quản lý, giáo viên theo chuẩn nghề nghiệp. Tăng cường các hình thức bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý và hỗ trợ hoạt động dạy học và quản lý qua trang mạng “Trường học kết nối”. Đẩy mạnh và nâng cao chất lượng sinh hoạt tổ, nhóm chuyên môn dựa trên nghiên cứu bài học; tổ chức sinh hoạt chuyên môn tại trường, cụm trường và ở cấp phòng GDĐT. Đẩy mạnh ứng dụng và phát huy hơn nữa vai trò của công nghệ thông tin trong dạy học, trong sinh hoạt chuyên môn, trong quản lý giáo dục và trong bồi dưỡng đội ngũ. Bên cạnh đó, tập trung các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện ở các bậc học, cấp học; đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực người học. 
 
NGUYỄN THANH