Nhớ mãi đồng đội

09:08, 01/08/2017

Những ngày tháng Bảy mưa bão nhiều và áp thấp nhiệt đới. Mãi đến sáng ngày 28 tháng 7, cơn mưa dài ngày vẫn chưa ngớt. Lúc sáng sớm, nhiều người từ Di Linh, thành phố Hồ Chí Minh, Bình Thuận, Tây Ninh, Đức Trọng, thành phố Bảo Lộc đã... "đội mưa" về tới Nghĩa trang Liệt sĩ Di Linh. 

Những ngày tháng Bảy mưa bão nhiều và áp thấp nhiệt đới. Mãi đến sáng ngày 28 tháng 7, cơn mưa dài ngày vẫn chưa ngớt. Lúc sáng sớm, nhiều người từ Di Linh, thành phố Hồ Chí Minh, Bình Thuận, Tây Ninh, Đức Trọng, thành phố Bảo Lộc đã... “đội mưa” về tới Nghĩa trang Liệt sĩ Di Linh. Tề tựu về đây, họ mang theo hoa quả, heo quay, xôi, gà... và những nén hương thơm để viếng thăm đồng đội đã mãi mãi an nghỉ giữa lòng đất mẹ Tây Nguyên. 
 
Lễ dâng hương. Ảnh: X.Long
Lễ dâng hương. Ảnh: X.Long
Trên ngọn đồi lộng gió, nơi đồng đội đang nằm, trở nên ấm áp bởi những hàng thông cao vút được địa phương tôn tạo gần bốn chục năm nay. Đây không phải là lần đầu, mà cứ vào dịp 27/7 hàng năm, họ là những người đồng chí, đồng đội cùng một chiến hào năm xưa trên vùng đất kháng chiến K3 (huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng cũ) về đây để thăm viếng các anh, các chị đã không tiếc máu xương, anh dũng hy sinh cho đất nước “nở hoa độc lập, kết trái tự do”. Đây cũng là dịp để họ gặp gỡ, cùng nhau sẻ chia những kỷ niệm, tình cảm đồng đội và ôn lại truyền thống cách mạng, thăm hỏi động viên nhau trong cuộc sống, công tác... 
 
Hơn 8 giờ sáng, cơn mưa vừa nhẹ hạt dần và bầu trời trở nên sáng trong hơn, ai ai cũng mừng vui. Thế là, mỗi người một tay cùng với các thành viên trong Ban Liên lạc kháng chiến K3 tất bật công việc cho buổi gặp gỡ. Một con heo quay, vài mâm xôi, ít nải chuối, vài khay bánh ngọt, mấy con gà luộc, hoa quả... xếp đặt ở vị trí trang trọng cạnh Đài Liệt sĩ, với cả những tấm lòng nhớ thương về các anh, các chị.
 
Trên tay, mỗi người một nén hương thơm, kính cẩn nghiêng mình tưởng nhớ trước anh linh các anh hùng, các liệt sĩ đã hy sinh trên vùng chiến khu K3 và chiến trường tỉnh Lâm Đồng cũ. Thật xúc động, nhiều người rơm rớm nước mắt, lắng nghe ông Trần Hải, Trưởng ban Liên lạc lực lượng kháng chiến K3, phát biểu tại lễ dâng hương: “Chúng ta là những người cùng chiến hào, công tác và chiến đấu tại K3 (huyện Di Linh) và tỉnh Lâm Đồng cũ. Hôm nay là ngày giỗ chung, chúng tôi về đây để đốt nén hương tưởng nhớ công lao của các đồng chí. May mắn hơn, chúng tôi là những đồng đội đang còn sống. Chúng tôi luôn tri ân các anh, các chị là những đồng chí, đồng đội đã hy sinh vì mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Chúng tôi cùng với các cấp chính quyền đã quy tập 257 liệt sĩ hy sinh về Nghĩa trang Liệt sĩ. Chúng tôi đã cố gắng tìm kiếm, nhưng vẫn chưa tìm thấy hết, hiện còn 32 liệt sĩ chưa được quy tập. Chúng tôi mong sao các anh, các chị linh thiêng hãy báo “mộng” cho chúng tôi biết để đưa các anh, các chị cùng về nơi an nghỉ...”. 
 
So với những lần trước, lần gặp gỡ nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh, Liệt sĩ năm nay được quy tụ đông đủ hơn. Nghe theo tiếng gọi của Đảng, họ là những cán bộ thoát ly tham gia cách mạng từ những năm 1960 đến trước năm 1975, công tác ở các đơn vị khác nhau trên chiến trường K3 và T29 (tỉnh Lâm Đồng cũ). Giờ đây, họ đều là những cán bộ nghỉ hưu, hiện đang sinh sống tại Lâm Đồng và các tỉnh. 
 
Bà Phan Thị Thanh Hùng (73 tuổi), người con của “Đất thép” anh hùng Củ Chi, thoát ly tham gia cách mạng năm 1962, hoạt động tại chiến trường K3, hiện đang sinh sống tại Di Linh. Trong giai đoạn 1968 - 1972, bà được giao nhiệm vụ làm Đội trưởng Đội nữ Pháo binh 8/3. Đến viếng thăm và thắp hương từng phần mộ liệt sĩ, gặp chúng tôi, bà tâm sự: “Tôi, chưa lần nào thiếu vắng trong những buổi gặp gỡ và viếng mộ đồng chí, đồng đội vào dịp 27/7 do Ban Liên lạc kháng chiến K3 tổ chức. Đây là việc làm rất có ý nghĩa không riêng gì với tôi, với cả đồng đội mà còn là hình ảnh để giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ con cháu”. 
 
Tuy ở thành phố Hồ Chí Minh, năm nào cũng vậy, vào dịp 27/7, cả hai vợ chồng chị Lê Thị Hoa đều về Di Linh viếng Nghĩa trang Liệt sĩ để thăm lại đồng đội năm xưa. Nhưng 3 năm nay, chị chỉ lên Di Linh một mình, vì chồng chị đã mất. Chị chia sẻ với chúng tôi: “Với nghĩa cử của người còn sống đối với người đã hy sinh, tôi luôn nhớ mãi đồng đội mình trong những năm tháng đồng cam cộng khổ, sống chết bên nhau để có được ngày hôm nay”...
 
Trong cuộc kháng chiến tại chiến trường K3 và T29 đã có hàng ngàn, hàng vạn lượt cán bộ, chiến sĩ và đồng bào tham gia kháng chiến, gùi lương tải đạn, che giấu, nuôi dưỡng cán bộ cách mạng.
 
Và đến hôm nay, tại Nghĩa trang Liệt sĩ Di Linh xinh đẹp này đã quy tập 257 cán bộ, chiến sĩ đến từ mọi miền đất nước, đã anh dũng hy sinh; trong đó, có 3 Anh hùng liệt sĩ là liệt sĩ K’Đen (quê xã Đồng Tiến, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận), liệt sĩ Nguyễn Đình Quân (quê ở tỉnh Thanh Hóa) và liệt sĩ Đoàn Đức Ngọc (quê ở huyện Di Linh). 
 
Cuộc gặp gỡ truyền thống hàng năm tại Nghĩa trang Liệt sĩ của lực lượng kháng chiến K3 Di Linh chan chứa rất sâu nặng nghĩa tình đồng đội. Mỗi lần gặp là một lần làm vơi dần nỗi đau thương, mất mát trong mỗi đồng chí và cả đồng đội. 
 
XUÂN LONG