Nhiều năm qua, vùng Loan (Đức Trọng) luôn là điểm nóng về sốt rét tại Lâm Đồng. Theo Sở Y tế, trong 6 tháng đầu năm 2017, tình hình sốt rét toàn tỉnh ghi nhận 69 trường hợp, giảm 18 trường hợp so với cùng kỳ, tuy nhiên có biến động sốt rét tại 12 xã của 5 huyện: Đức Trọng, Đơn Dương, Bảo Lâm, Đạ Tẻh, Cát Tiên. Riêng tại Đức Trọng, sốt rét đang biến động tại các xã vùng Loan.
Nhiều năm qua, vùng Loan (Đức Trọng) luôn là điểm nóng về sốt rét tại Lâm Đồng. Theo Sở Y tế, trong 6 tháng đầu năm 2017, tình hình sốt rét toàn tỉnh ghi nhận 69 trường hợp, giảm 18 trường hợp so với cùng kỳ, tuy nhiên có biến động sốt rét tại 12 xã của 5 huyện: Đức Trọng, Đơn Dương, Bảo Lâm, Đạ Tẻh, Cát Tiên. Riêng tại Đức Trọng, sốt rét đang biến động tại các xã vùng Loan.
Phát hiện bệnh từ người dẫn đường tour du lịch đường rừng
Từ đầu tháng 5 năm 2017, đoàn giám sát sốt rét của Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh phối hợp với Trung tâm Y tế Đức Trọng đã tiến hành đợt giám sát dịch tễ sốt rét tại các xã vùng Loan - huyện Đức Trọng.
Theo báo cáo ghi nhận tình hình sốt rét ở Đức Trọng trong 5 tháng đầu năm 2017 có biến động, diễn biến phức tạp. Phát hiện 39 bệnh nhân mắc sốt rét (tăng 10 ca so với cùng kỳ năm 2016) tại 6 địa bàn: Ninh Gia, Ninh Loan, Tà Năng, Tà Hine, Đà Loan, Đạ Quyn.
Một trong những vấn đề phát sinh sốt rét biến động được cơ quan chuyên môn phân tích là do sự hình thành tour du lịch sinh thái ảnh hưởng đến tình hình sốt rét tại địa phương. Qua nắm bắt tình hình, từ năm 2016 đến nay, bắt đầu có các tour du lịch sinh thái do các công ty du lịch tại TP Hồ Chí Minh kết hợp người dân tại địa phương và một số công ty tại Đà Lạt tổ chức cho các đoàn khách tham gia du lịch sinh thái vùng rừng giáp ranh xã Đạ Quyn - huyện Đức Trọng (Lâm Đồng) đến làng Phan Dũng - xã Tuy Phong (Bình Thuận). Tour du lịch này thu hút du khách từ nhiều tỉnh khác tới, đặc biệt có cả du khách nước ngoài (Nga, Nhật, Pháp, Mỹ…). Mỗi tour du lịch kéo dài 2 ngày 3 đêm, du khách đi bộ xuyên rừng, dùng ngựa thồ chở đồ đạc, tổ chức ăn uống vui chơi và đốt lửa trại ngoài trời, ngủ lại trong rừng tại lều trại do đơn vị tổ chức tour cung cấp.
Đầu năm 2017 đến nay, các tour du lịch sinh thái kiểu này phát triển rầm rộ, ước tính lên tới hơn 800 khách/tháng, vào các dịp, lễ tết lên tới hơn 1.000 người/tháng và dự kiến còn phát triển hơn nữa. Theo khảo sát yếu tố dịch tễ nơi mà các du khách đi qua là vùng rừng hỗn giao, thời tiết nóng ẩm, có suối đá thuận lợi cho muỗi Anopheles phát triển và là vùng dịch tễ sốt rét.
Đoàn giám sát đã phát hiện một số bệnh nhân sốt rét là người tham gia dẫn đường các tour du lịch đường rừng. Cụ thể đã có 5 trường hợp được ghi nhận là các bệnh nhân: Nguyễn Văn T, 23 tuổi; Trần Văn H, 36 tuổi; Trần Văn V, 38 tuổi; Trần Tiến A, 15 tuổi đều được phát hiện và điều trị sốt rét tại xã Đạ Quyn; Kha Văn T, 24 tuổi được phát hiện và điều trị sốt rét tại xã Đà Loan.
Theo nhận định của đoàn giám sát dịch tễ sốt rét vùng Loan, nguy cơ nhiễm ký sinh trùng sốt rét tại các đối tượng tham gia du lịch sinh thái này là rất cao; yếu tố dịch tễ thuận lợi cho muỗi Anopheles; chính quyền địa phương khó khăn trong công tác quản lý vì số lượng du khách rất lớn và dự kiến còn gia tăng hơn nữa trong thời gian tới; đối tượng du khách tham gia tour này từ nhiều địa phương tới, trong đó có cả khách từ Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và nước ngoài, sau khi trở về khó phát hiện và theo dõi sự lây lan mầm bệnh ký sinh trùng sốt rét tại các địa phương, dẫn đến nguy cơ bùng phát dịch nếu có điều kiện thuận lợi.
Trẻ nhỏ cũng mắc sốt rét rừng
Qua kiểm tra 23 bệnh án tại Trạm Y tế xã Tà Năng và 17 bệnh án tại Phòng khám khu vực Đà Loan, đoàn giám sát đánh giá các ca bệnh sốt rét đã được điều trị đúng phác đồ quy định của Bộ Y tế.
Đặc biệt, đầu tháng 5/2017, xuất hiện ca bệnh 16 tháng tuổi tại xã Ninh Loan, qua khai thác yếu tố dịch tễ cho thấy bệnh nhi và gia đình từ trước đến nay không vào rừng, không đi xa khu vực sinh sống (gần trạm y tế xã - khu vực này nhiều năm nay không có bệnh nhân sốt rét). Bệnh nhi phát bệnh với tình trạng sốt cao, kèm tiêu chảy, đã được điều trị thuốc tiêu chảy tại nhà nhưng không đỡ, sau đó, cháu được gia đình đưa đi nhập viện tại Trung tâm Y tế Đức Trọng, qua thăm khám và xét nghiệm cận lâm sàng phát hiện bệnh nhi nhiễm ký sinh trùng sốt rét (P.vivax +), đã cho điều trị đúng theo phác đồ của Bộ Y tế. Tuy nhiên, theo đoàn giám sát, cần tiếp tục làm rõ nguyên nhân dẫn tới cháu bé mắc bệnh sốt rét để có biện pháp can thiệp phù hợp.
Trong thời gian qua, một số gia đình ở vùng Loan đưa cả con nhỏ vào rừng làm ăn, đã có những trường hợp trẻ em nhiễm ký sinh trùng sốt rét. Cụ thể, đoàn giám sát cũng ghi nhận bệnh nhi 26 tháng tuổi, ở xã Đà Loan được bố mẹ địu vào rừng chặt le đã mắc bệnh sốt rét. Ngoài ra, còn có một số người dân ở các xã lân cận trong huyện Đức Trọng tham gia khai thác lâm sản, với thực tế này, nguy cơ sốt rét gia tăng không chỉ ở vùng Loan mà còn có thể lây lan ra tại các địa bàn khác của huyện Đức Trọng.
Tình trạng người dân tại các xã vùng Loan vào rừng khai thác lâm sản trái phép là vấn đề tồn tại nhức nhối từ lâu được cơ quan chuyên môn y tế ghi nhận nhiều ca mắc sốt rét từ đối tượng đi rừng. Thời gian sau mùa thu hoạch cà phê, người dân vào rừng tham gia khai thác gỗ trái phép tại vùng rừng Bình Thuận giáp ranh tỉnh Lâm Đồng tăng cao. Đây là giai đoạn đầu mùa mưa là thời điểm thuận lợi cho muỗi Anopheles phát triển và là đỉnh cao mùa bệnh hàng năm tại Lâm Đồng.
Tăng cường phòng chống sốt rét
Trước tình hình này, Trung tâm Y tế Dự phòng Lâm Đồng đã kiến nghị Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng TP Hồ Chí Minh để phối hợp tổ chức điều tra dịch tễ sốt rét tại thực địa nhằm khuyến cáo những biện pháp phòng chống sốt rét thích hợp đối với các đối tượng khai thác lâm sản và tham gia tour du lịch tại địa phương.
UBND huyện Đức Trọng đã chỉ đạo ngành Y tế, Văn hóa; các Ban quản lý rừng phòng hộ Đại Ninh, Ninh Gia, Tà Năng; các xã, thị trấn tăng cường công tác phòng chống sốt rét trên địa bàn huyện. Yêu cầu các xã Tà Năng, Ninh Loan, Tà Hine, Đà Loan, Đạ Quyn, Ninh Gia triển khai các biện pháp hiệu quả trong phòng chống sốt rét, tăng cường truyền thông giáo dục sức khỏe, nâng cao ý thức cộng đồng tham gia phòng chống sốt rét. Các Ban quản lý rừng phòng hộ có biện pháp quản lý đối tượng đi rừng khai thác lâm sản trái phép nhằm bảo vệ rừng và góp phần ổn định tình hình sốt rét trên địa bàn. Thường xuyên tuần tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện, tuyên truyền, giải thích, vận động người dân không tổ chức tham quan, du lịch trong rừng. Giao cho ngành Văn hóa phối hợp với các xã, thị trấn trên địa bàn tăng cường công tác quản lý nhà nước về hoạt động du lịch trên địa bàn huyện, nhất là loại hình tham quan du lịch sinh thái, du lịch homestay, phượt… Trung tâm Y tế huyện tăng cường công tác phối hợp kiểm tra, giám sát phòng chống sốt rét tại các xã, thị trấn, sớm phát hiện các trường hợp bệnh nhân sốt rét để điều trị kịp thời; tổ chức cấp thuốc tự điều trị cho các đối tượng có nguy cơ mắc bệnh sốt rét cao, phối hợp vận động đối tượng nằm màn phòng chống muỗi đốt; tăng cường hoạt động của lực lượng y tế thôn, bản thực hiện công tác truyền thông trực tiếp cho người dân.
AN NHIÊN