Tôi thường nói đùa, nghề báo với tôi có "nợ" mà không "duyên"! Gần 30 năm làm "phóng viên không... thẻ", cộng tác với nhiều tờ báo, tạp chí, đài PT-TH trong và ngoài tỉnh (một số tờ báo, tạp chí của Trung ương), tôi ngẫm ra: mình thực sự "mắc nợ" với nghề báo…
Tôi thường nói đùa, nghề báo với tôi có “nợ” mà không “duyên”! Gần 30 năm làm “phóng viên không... thẻ”, cộng tác với nhiều tờ báo, tạp chí, đài PT-TH trong và ngoài tỉnh (một số tờ báo, tạp chí của Trung ương), tôi ngẫm ra: mình thực sự “mắc nợ” với nghề báo…
|
Cộng tác viên Thanh Dương Hồng |
Là sinh viên (SV) Khoa văn, suốt những năm học Đại học Đà Lạt ngoài làm thơ, viết văn, tôi đã “thử bút” báo chí. Tôi cứ say sưa viết… Và, rồi đã có các bài báo được đăng, được trả nhuận bút. Lần đầu tiên được nhận nhuận bút tôi vui sướng không tả nổi. Thủa đó, khi mà “cơm áo không đùa với khách thơ” thì nhuận bút từ làm thơ, viết báo... cải thiện đáng kể đời sống một SV nghèo xa nhà như tôi. Dù rằng, nhuận bút cũng chỉ “giải quyết” các khoản: cơm bụi, cà phê, quán xá... Cái chính là thỏa niềm đam mê viết lách; rất giản dị - tôi yêu nghiệp viết! Cũng vì niềm đam mê này mà mãi đến tận bây giờ (dù công tác ở các cơ quan khác nhau), tôi vẫn lặng lẽ theo đuổi nghiệp viết báo như một mối... Nợ !
Qua sinh hoạt trong “Bút nhóm SV”, tôi có cơ hội quen biết một số anh, chị công tác ở Báo Lâm Đồng và một số báo khác; được anh em, bạn bè động viên, tôi mạnh dạn gửi bài cộng tác. Bài báo đầu tiên của tôi được đăng trên Báo Lâm Đồng là bài viết về một đêm Đà Lạt đẹp trời “Đêm thành phố đầy sao” (4/1991); Sau đó là các tin, bài viết, thơ, truyện ngắn lần lượt được đăng...
Một hôm đến cơ quan Báo Lâm Đồng (trụ sở cũ số 29 - đường 3/2) để xin báo đọc, lần đầu tôi gặp Tổng Biên tập Phạm Vĩnh. Khi biết tôi là SV đang cộng tác với Báo, chú nhẹ nhàng khuyên “Nghề báo không phải cứ tìm viết cái gì thật lớn lao mà cháu hãy tìm những điều thật nhỏ trong cuộc sống, những con người bình thường mà việc làm của họ cao quý, có ích. Cứ viết...”. Không biết lời chỉ dạy, sự “gợi mở” ấy có “sức hút” như thế nào đã khiến tôi nhớ mãi. Sau đó, gần như tôi “nghiêng” sang tìm tòi, gặp gỡ và viết về những mô hình, điển hình và có nhiều bài được đăng trên trang “Hoa thắm cao nguyên” của Báo Lâm Đồng như: “Có một cuộc đời như thế” (viết về cụ già kiếm sống ở cầu thang chợ Đà Lạt với cái cân sức khỏe nhỏ xíu); “Chuyện về một người lao động” (người mẹ nghèo quét rác, dọn vệ sinh ở Trường Đại học Đà Lạt để nuôi con ăn học); “Một gia đình tất cả cho đất nước” (gia đình có hai liệt sĩ và 3 thương binh nặng ở Phường 4 - Đà Lạt); hàng chục bài viết về gương học sinh nghèo hiếu học, SV vượt khó học giỏi”… Chẳng biết tự bao giờ, bút danh của tôi (T.D.H) được anh em, bạn bè “Làng” báo biết đến và đặt cho biệt danh: Cây bút “Hoa thắm cao nguyên” !..
Tốt nghiệp ra trường (6/1993), tôi ôm hồ sơ xin việc “gõ cửa” các cơ quan báo, đài... nhưng không được nhận. Những ngày “thất nghiệp”, tôi lại lang thang viết báo, tiếp tục cộng tác với báo, tạp chí, Đài PT-TH để có tiền sống và tìm... việc. Nhờ người quen giới thiệu, đầu năm 1994 tôi được nhận về công tác ở Tỉnh Đoàn Lâm Đồng. Cứ ngỡ, duyên nợ với nghiệp báo thôi không còn vương vấn nữa. Nhưng gần mười tám năm gắn bó với phong trào “lên rừng xuống biển”, đặc thù công việc tôi liên tục đi công tác cơ sở, cọ sát thực tế… cơ hội viết báo thuận lợi. Biết tôi đam mê viết lách, lãnh đạo cơ quan giao phụ trách công tác tuyên truyền, giáo dục của Đoàn Thanh niên. Những năm 1995 - 2003, lãnh đạo Tỉnh Đoàn phối hợp với Ban Biên tập Báo Lâm Đồng và lãnh đạo Đài PT-TH Lâm Đồng thực hiện “Chuyên trang thanh niên”; “Chương trình phát thanh thanh niên” và “Truyền hình thanh niên”. Thế là tôi có “đất dụng võ” tiếp tục gắn bó với báo chí, tuyên truyền…
Những năm công tác ở Đoàn Thanh niên là giai đoạn tôi viết nhiều, cộng tác với báo, đài tích cực nhất. Dù không được đào tạo chuyên môn, tôi tự tìm tòi, tự học các phóng viên (PV) chuyên nghiệp và tự đi thu thập thông tin, ghi chép, chụp ảnh, quay phim, ghi âm, phỏng vấn… Rất tự nhiên, tôi trở thành một nhà báo… Đoàn, nhà báo không thẻ!
“Hết tuổi” Đoàn! Một lần nữa tôi “gõ cửa” các cơ quan báo chí để theo đuổi niềm đam mê. Thế nhưng, cơ hội trở thành nhà báo chuyên nghiệp vẫn không đến…
Không có… duyên trở thành nhà báo chuyên nghiệp, không sao! Tôi chỉ sợ mình “cạn kiệt” đam mê!
Tôi hài lòng với công việc đang làm và “máu” viết lách vẫn nguyên vẹn! Tôi nhận ra, người viết báo phải thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin, tự trau dồi kiến thức, tư duy và kỹ năng xử lý tư liệu, bổ trợ tích cực cho công tác chuyên môn. Ngoài ra, viết văn, làm thơ hay viết báo giúp làm “hâm nóng” cảm xúc; bởi cảm xúc là “mạch nguồn”, yếu tố rất quan trọng quyết định chất lượng của một tác phẩm, một “sản phẩm” chuyên môn…
Báo Lâm Đồng kỷ niệm 40 năm Ngày phát hành số báo đầu tiên, dù “ngoại đạo”; song, không hiểu sao tôi thấy lòng vui và tự hào. Có lẽ, 40 năm phát triển của tờ báo, cơ quan ngôn luận - Tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Lâm Đồng - vùng đất gần 30 năm qua tôi lập nghiệp, sinh sống, công tác và cũng chừng ấy năm tôi cộng tác thường xuyên, đóng góp bằng kiến thức, tâm huyết và tình cảm với Báo Lâm Đồng!.
THANH DƯƠNG HỒNG