Hơn 10 năm làm báo là chừng đó thời gian tôi gắn bó với 6 huyện, thành phía Nam của tỉnh Lâm Đồng. Sự gắn bó này đã giúp tôi có những người bạn đồng hành, những người hỗ trợ cho tôi rất nhiều trong tác nghiệp, trong việc thu thập thông tin để có những bài báo đầy đủ thông tin, kịp thời gửi đến bạn đọc.
Hơn 10 năm làm báo là chừng đó thời gian tôi gắn bó với 6 huyện, thành phía Nam của tỉnh Lâm Đồng. Sự gắn bó này đã giúp tôi có những người bạn đồng hành, những người hỗ trợ cho tôi rất nhiều trong tác nghiệp, trong việc thu thập thông tin để có những bài báo đầy đủ thông tin, kịp thời gửi đến bạn đọc.
|
Một người bạn đồng hành đưa tôi vượt qua đoạn đường gian nan để viết bài. Ảnh: H.Sang |
Ngày mới bước chân vào nghề, làm việc tại địa bàn Bảo Lộc, không bạn bè đồng nghiệp, chưa có nguồn tin nên để có được đề tài là một việc khó đối với một lính mới như tôi. Mỗi buổi sáng, tôi chọn cách xách xe chạy lòng vòng đến hội trường ủy ban thành phố, đến các xã, phường để xem có cuộc họp nào diễn ra không. Khi đó, với tôi, mọi cuộc họp lớn nhỏ đều trở thành nguồn thông tin được tôi đón nhận một cách trân quý. Ngày nào nếu không có bất kỳ cuộc họp nào diễn ra, tôi lại tìm đến, lân la nói chuyện với các anh, chị làm việc tại các ban, ngành, đoàn thể. Cứ thế, tôi bước qua những ngày đầu chập chững vào nghề bằng những thông tin được tìm thấy từ những cuộc họp ở mọi cấp độ, từ những buổi nói những câu chuyện tưởng chừng không đâu vào đâu. Lâu dần, những cái tên được lưu trong danh bạ điện thoại của tôi ngày một nhiều hơn, những cuộc gọi báo tin cũng vì thế cứ đều đặn tăng lên.
Ngày mới bước chân vào nghề, có những lúc tin bài bị gác lại vì nhiều lý do, có những lúc công việc không trôi chảy, nản đến độ cảm thấy khí thế làm báo trong mình không còn chút nào, đôi lần tính bỏ nghề. Thế nhưng, chỉ cần một cuộc gọi ở đâu đó đang có sự vụ gì là tôi như sống lại, vác ba lô lên và đi mà không một chút mảy may suy nghĩ đêm đã khuya quá không hay tin bài liệu có được sử dụng. Rất nhiều lần, cảm giác bất lực cứ khiến tôi day dứt. Bất lực, day dứt không phải một tin, một bài của mình bị gác lại mà cái cảm giác đó đến từ suy nghĩ có lỗi với nguồn tin. Họ đã tin tưởng, đã gửi gắm quá nhiều nhưng mình lại chưa làm được hoặc không làm được. Trách nhiệm với nguồn tin, trách nhiệm với sự kỳ vọng của họ càng thôi thúc phải đi, phải tìm hiểu ngọn ngành và phải viết.
Hơn 10 năm làm báo bám sát với địa bàn phụ trách, những tên thôn, tên xã của Bảo Lộc, Bảo Lâm, Di Linh rồi Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên đã trở nên quá quen thuộc. Những nơi chốn xa xôi, hẻo lánh cùng với cuộc sống gian truân, vất vả của người dân bản địa hầu như tôi đã lần mò đặt chân đến. Càng đi, càng có kinh nghiệm và có một đội ngũ nguồn tin ngày càng nhiều. Tôi gọi họ là những người bạn đồng hành. Họ có thể là một ông lão làm nghề cắt tóc ở một xã hẻo lánh nhưng hễ thấy chuyện tréo ngoe là ông lại gọi tôi, lại sẵn sàng cùng tôi đi tác nghiệp, làm cho rõ ràng ngọn ngành những khuất tất. Họ có thể là một anh nông dân chân chất ở một xã nghèo nhưng sẵn sàng đương đầu với giới chức địa phương để báo tin, để cung cấp tài liệu cho tôi trong nhiều lần tác nghiệp về những vụ việc tiêu cực. Và, còn rất nhiều những người bạn đồng hành như thế. Họ là niềm tin, là động lực để tôi gắn bó với nghề báo. Đến giờ, khi ngồi viết những dòng này, vì bí mật nguồn tin, tôi vẫn chưa thể nêu tên tuổi cụ thể của họ, dẫu rất muốn một lần được vinh danh họ trên mặt báo. Bởi lẽ, họ xứng đáng được như thế. Cách họ hỗ trợ tôi tác nghiệp nhẹ tênh như chính họ cảm thấy mình cũng có trọng trách làm cho mọi việc sáng tỏ. Cách họ đối đãi với tôi như những người thân trong gia đình mỗi khi tôi ghé lại khiến không ít lần tôi phải chạnh lòng: Trọng trách của mình còn lớn quá.
Sau khi hoàn thành loạt bài viết về “xẻ thịt” đất rừng, ông già hớt tóc gọi tôi lại nhà khề khà ly rượu rồi ông bảo: Tao già rồi nên chẳng sợ, chỉ sợ là sợ cho mày. Sự lo sợ của ông không phải là vô cớ khi mà những kẻ xẻ thịt đất rừng không chỉ là giang hồ có máu mặt mà còn có cả tay trong, tay ngoài. Bởi thế, trong những ngày băng rừng quay phim, chụp ảnh cây rừng bị đốn hạ để nhường đất trồng chè, trồng cà phê, ông cứ kè kè bên tôi mà động viên đừng lo vì đã có ông bên cạnh. Chẳng hiểu vì lẽ gì mà tôi tin rằng có ông bên cạnh tôi sẽ được an toàn. Nhiều lần trở lại để làm những vụ việc khác, vẫn với cách nói đó, vẫn với cách bảo vệ tôi như thế ông đã giúp tôi hoàn thành nhiều đề tài hóc búa. Có lần, ông bảo tao thì chuyên nghe Đài Tiếng nói Việt Nam nhưng ông bạn trưởng thôn của tao lại toàn nghe Đài Á châu tự do. Rồi ông lý giải, nghe xong tụi tao lại tranh luận, ai đúng ai sai như thế nào để rồi phải biết giữ vững lập trường của mình. Câu chuyện phiếm của ông như muốn nhắc nhở tôi làm báo thông tin phải đa chiều, không tô hồng một phía cũng chẳng bôi đen cho bên nào.
Một bữa, đang ngồi ở văn phòng thì anh nông dân chân chất của tôi “tay xách nách mang” đến văn phòng một cặp vịt, đôi bình rượu gạo nhà tự nấu gọi là cảm ơn vì hiệu quả của bài Chia đều phân bón của hộ nghèo. Dẫu rằng, nếu không tố cáo, không hỗ trợ tôi viết bài thì số phân bón mà gia đình anh được nhận sẽ nhiều hơn so với khi báo đăng. Sau đó, anh còn bị nhiều người ở địa phương cạch mặt vì cái tội dẫn nhà báo về viết bài. Thế nhưng, anh vẫn vui. Niềm vui của anh có lẽ không cao siêu vì đã lên tiếng làm một việc trượng nghĩa, mà niềm vui đó chỉ gói gọn vì đã không phải áy náy trong lòng vì im lặng trước những sai trái. Cứ thế, anh cứ gọi tôi khi thấy xe chở gỗ lậu ngang nhiên đi giữa ban ngày, khi thấy một cây cầu dân sinh do Nhà nước đầu tư nhưng lại hụt mất một mố cầu khiến dân gặp khó khăn qua lại, khi thấy đường đi lên một thôn mới quá gian truân, vất vả cho người dân hay khi một vạt rừng bị xà xẻo để chiếm đất… Anh gọi tôi với một niềm tin tuyệt đối rằng báo chí lên tiếng, sự vụ sẽ được giải quyết mà bất chấp những lời đe dọa, những hiểm nguy có thể gây hại đến mình. Bởi thế, tôi nghe anh gọi cũng với một niềm tin tuyệt đối rằng tôi sẽ viết, sẽ đấu tranh đến cùng.
Tôi không có khái niệm làm báo ở huyện hay ở tỉnh, cũng không có khái niệm nhà báo lớn hay nhỏ, chỉ tin chắc một điều rằng mình còn gắn kết, còn dấn thân và bạn đọc có niềm tin thì bài báo của mình sẽ có sức lan tỏa. Gần địa bàn, thông hiểu địa bàn và nhận được sự hỗ trợ đắc lực của những người bạn đồng hành có lẽ là điều may mắn và hạnh phúc mà một người làm báo “ở huyện” như tôi đã nhận được. Xin cảm ơn những người bạn đồng hành đã giúp tôi có thêm động lực và niềm tin để viết báo, để thấy rằng chính nghĩa và lẽ phải luôn song hành bên nhau.
HỮU SANG