Từ ngày thành lập đến nay, Bếp ăn tình thương tại Trung tâm Y tế Di Linh đã lan tỏa niềm yêu thương, sẻ chia với những hoàn cảnh khó khăn, những bệnh nhân nghèo đang điều trị bệnh tại đây. Những bát cháo, hộp cơm của nhiều tấm lòng thiện nguyện đã góp phần giúp cho bệnh nhân nghèo vơi đi những khó khăn trong cuộc sống và an tâm điều trị.
Từ ngày thành lập đến nay, Bếp ăn tình thương tại Trung tâm Y tế Di Linh đã lan tỏa niềm yêu thương, sẻ chia với những hoàn cảnh khó khăn, những bệnh nhân nghèo đang điều trị bệnh tại đây. Những bát cháo, hộp cơm của nhiều tấm lòng thiện nguyện đã góp phần giúp cho bệnh nhân nghèo vơi đi những khó khăn trong cuộc sống và an tâm điều trị.
|
Người nhà bệnh nhân đến nhận suất cơm tại bếp ăn. Ảnh: L.P |
Bếp ăn tình thương Di Linh được thành lập vào cuối tháng 4/2016, từ đó đến nay, góc bếp luôn đỏ lửa, tạo nên một không gian thật ấm cúng, đầy ắp niềm vui...
Khi có bếp ăn, niềm vui, lòng mong mỏi của nhóm thiện nguyện được nhân lên gấp bội, bởi lẽ, từ nay các thành viên trong nhóm không còn gặp phải những khó khăn, trở ngại, nhất là trong các khâu nấu nướng, chế biến và vận chuyển cấp phát thức ăn cho bệnh nhân như trước kia.
Nhớ lại cảnh khó khăn, vất vả đó, chị Đinh Thị Tâm - Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ thị trấn Di Linh, kiêm Bếp trưởng Bếp ăn tình thương, cho biết: “Trước đây, từ 2010, khi thị trấn thành lập tổ cháo tình thương đã gặp không ít vất vả. Bởi mỗi sáng các thành viên phải dậy từ 4 giờ để chuẩn bị mọi thứ, từ đi chợ đến đun nấu và nấu từ nhà rồi mới vận chuyển lên Trung tâm Y tế. Khó khăn nhất là lúc thời tiết mưa gió, những xô cháo, cơm hộp ướt sũng, nên các thành viên cảm thấy khá áy náy”.
Di Linh là địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, chiếm trên 36% dân số trong toàn huyện. Vì vậy, tỷ lệ bệnh nhân nghèo, bệnh nhân là đồng bào dân tộc thiểu số điều trị bệnh tại Trung tâm Y tế Di Linh chiếm số đông. Việc Bếp ăn tình thương được thành lập có ý nghĩa hết sức thiết thực, giúp người bệnh yên tâm hơn trong thời gian trị bệnh.
Để đảm bảo cho bếp ăn được duy trì tốt, ngoài việc phối hợp với Trung tâm Y tế Di Linh, Hội tài trợ xã Liên Đầm, các thành viên của bếp ăn còn vận động các nguồn tài trợ, ủng hộ, đóng góp từ các tổ chức tôn giáo, cá nhân và các mạnh thường quân... Riêng về gạo, các thành viên của bếp ăn đã vận động các đại lý gạo Hưng Trâm, Xuân Thơ, Đồng Hưng, Chùa Pháp Hoa tài trợ.
Nhờ sự chung tay, góp sức của các mạnh thường quân, các nhà hảo tâm..., nên bếp ăn luôn duy trì đều đặn. Mỗi buổi sáng trong tuần hỗ trợ 150 suất cháo và từ 120 - 150 suất cơm hộp vào các bữa trưa thứ ba, thứ sáu cho bệnh nhân nghèo. Trừ tiền gạo, gas và các phần cháo, bình quân Bếp ăn tình thương huyện Di Linh hỗ trợ 16.000 suất cơm với trị giá 240 triệu đồng/năm.
Cầm hộp cơm trên tay, ông Phạm Đình Phong, sống ở thị trấn Di Linh cho biết: “Tôi đến chăm sóc người nhà đang nằm viện tại Trung tâm Y tế đã vài ngày nay. Tôi thấy bếp ăn tình thương này rất sạch sẽ, chị em phục vụ tận tình, chu đáo, chất lượng bữa cơm đầy đủ các món và đảm bảo chất dinh dưỡng. Nhờ có bếp ăn này mà trong năm qua người bệnh đã giảm bớt những khó khăn trong khi nằm viện điều trị”.
Từ khi bếp ăn đi vào hoạt động đã được nhiều người biết đến, nên công tác vận động cũng gặp rất nhiều thuận lợi, nhất là các đoàn từ thiện đi khám chữa bệnh đến tham quan, ủng hộ, như Ban Từ thiện Phước Tâm (TP HCM), Bệnh viện Bình Dân. Bên cạnh đó, việc tổ chức hoạt động của bếp ăn được cải thiện đáng kể, nhất là khâu vệ sinh rất sạch sẽ, bếp ăn được sắp xếp, bố trí khoa học hơn; chị em không còn cảnh 4 giờ sáng phải lục đục dậy sớm đến nhà các thành viên để chế biến, nấu… có phần gây phiền hà cho gia đình. “Điểm đặc biệt, từ khi có bếp ăn, đó là rất thuận tiện cho chị em chúng tôi góp sức tham gia vào các bữa nấu ăn cũng như công tác vận động các mạnh thường quân... Từ đó, chất lượng các bữa ăn cho bệnh nhân nghèo được cải thiện” - chị Đinh Thị Tâm hồ hởi chia sẻ.
LAM PHƯƠNG