Từ 10 năm qua, phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" như một cơn gió lành thổi vào buôn làng Chi Rông (xã Phú Hội - huyện Ðức Trọng) góp phần làm cho đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào K'Ho nơi đây không ngừng đổi thay từng ngày.
Từ 10 năm qua, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” như một cơn gió lành thổi vào buôn làng Chi Rông (xã Phú Hội - huyện Ðức Trọng) góp phần làm cho đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào K’Ho nơi đây không ngừng đổi thay từng ngày.
|
Đường vào buôn Chi Rông đã được nhựa hóa. Ảnh: Q.U |
Chi Rông là buôn làng cổ của đồng bào K’Ho quần tụ sinh sống từ lâu đời. Toàn thôn có 335 hộ, 1.352 nhân khẩu, người dân tộc K’Ho chiếm gần 90%; hầu hết đồng bào sống bằng sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi đại gia súc trên diện tích canh tác 380 ha. Đất rộng, nhưng cái ăn cái mặc vẫn khó khăn trải qua nhiều đời, nhiều năm, nhiều tháng. Chỉ từ khi phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đến với buôn làng, cuộc sống mới bắt đầu đổi thay.
Đồng bào đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tích cực tham gia các lớp chuyển giao áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Từ đó đã chuyển một phần không nhỏ diện tích từ trồng lúa nước, cà phê qua trồng rau màu thương phẩm, chỉ còn 165 ha trồng lúa, còn lại trồng củ cải, cà rốt, khoai lang và các loại rau; một vài hộ đã mạnh dạn ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, nâng cao chất lượng nông sản, 1,6 ha đã được phủ nhà lưới, nhà kính. Dù giá cả rau màu không ổn định, nhưng đồng bào đã chăm chỉ, cần cù lao động sản xuất vươn lên ổn định cuộc sống, đời sống vật chất không ngừng được nâng cao.
Đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, đồng bào K’Ho ở buôn làng Chi Rông đã thực hiện tốt quy ước và các tiêu chí xây dựng thôn văn hóa, gia đình văn hóa. Đời sống không ngừng thay đổi từng ngày trên từng vườn rau, ruộng lúa. Bà con đã chủ động liên kết cùng các chủ vựa rau có tâm, được các chủ vựa ký hợp đồng đầu tư giống, vốn, tích cực tham gia các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật, canh tác rau màu, củ cải, cà rốt, khoai lang, đầu ra được chủ vựa bao tiêu sản phẩm với giá cả hợp lý. Một bên có đất, có công, một bên góp vốn và đảm bảo đầu ra - đôi bên cùng có lợi. Năng suất cây trồng cao, thu nhập ổn định, đời sống của đồng bào được nâng lên, thôn đã hoàn thành xóa nhà tạm, nhiều nhà xây kiên cố, nhiều hộ giàu xây biệt thự khang trang, mua sắm vật dụng sinh hoạt hiện đại. Thu nhập bình quân đầu người trong thôn đạt 40 triệu đồng/người/năm. Cả thôn chỉ còn 4 hộ nghèo, 6 hộ cận nghèo do thiếu đất canh tác, có người ốm đau hoạn nạn. Đồng bào tự tin, hăng hái lao động trên chính ruộng đất của mình, đầu tư nhiều nông cụ tiên tiến như máy cày, máy vỡ đất...; kỹ thuật canh tác của đồng bào cũng không ngừng tăng lên, tự làm ăn trên chính ruộng đất cha ông để lại.
Thực hiện nếp sống văn minh, buôn làng không có tệ nạn, luôn giữ vững truyền thống đoàn kết cộng đồng, đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau trong việc cưới việc tang, chung tay đầy lùi hủ tục lạc hậu, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp. Nhiều phong trào thi đua sôi nổi diễn ra, đồng bào chấp hành tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước, xây dựng gia đình hòa thuận, no ấm, tích cực thực hiện các tiêu chí xây dựng gia đình văn hóa, thôn văn hóa. Hàng năm, 100% hộ gia đình trong thôn đều đăng ký xây dựng gia đình văn hóa, qua bình xét cuối năm 82 - 85% số hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa, nhiều hộ là tấm gương tiêu biểu trong lao động sản xuất, gìn giữ hạnh phúc gia đình, đóng góp tích cực cho cộng đồng. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao đã thu hút đông đảo nhân dân tham gia vào các hội diễn, giải đấu của xã và đạt thành tích cao. Nhiều năm liền thôn đạt danh hiệu thôn văn hóa.
Công tác giáo dục luôn được quan tâm hàng đầu, đồng bào đã quan tâm đến việc học của con em mình, 100% trẻ em được đến trường, không có học sinh bỏ học giữa chừng. Nhiều hộ gia đình đã đầu tư nuôi con ăn học đến nơi, đến chốn, nhiều em đang theo học các trường đại học, cao đẳng chuyên nghiệp, nhiều người đã trở thành kỹ sư, cử nhân. Công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em được chú trọng, 100% trẻ em dưới 1 tuổi và phụ nữ có thai được tiêm chủng và khám thai định kỳ, phong trào tham gia bảo hiểm y tế toàn dân được đồng bào tích cực hưởng ứng.
Ông K’Lan - một người con của Chi Rông 20 năm làm cán bộ thôn cho biết: Cuộc sống ấm no đã về với đồng bào K’Ho ở buôn làng Chi Rông, nhưng nếu ở đây đầy đủ nguồn nước thủy lợi tưới tiêu thì việc canh tác còn phát triển nhiều hơn nữa, đời sống của đồng bào còn thay đổi nhiều hơn nữa. Nằm chỉ cách hồ Gia Chánh (Nam Sơn - Liên Nghĩa) không xa, nhưng dòng nước chưa về với đồng bào, diện tích 165 ha trồng lúa phải trông chờ vào nước trời chỉ trồng được 1 vụ, mùa khô thì ruộng bỏ không. Vào những năm hạn hán, Chi Rông là nơi chịu ảnh hưởng nặng nề. Nhà K’Lan có 4 mẫu đất chỉ trồng lúa 1 vụ, thu 6 tạ/sào, mỗi năm được hơn 20 tấn lúa, K’Lan nói: “Vì không chủ động được nguồn nước nên 6 tháng làm, 6 tháng chơi”. Diện tích trồng rau được dùng nước tưới từ các giếng khoan. K’Lan luôn mơ ước có một con mương lớn dẫn nước từ hồ thủy lợi về cánh đồng lúa để đồng bào Chi Rông ngày càng thêm no ấm.
QUỲNH UYỂN