Tiếp tục phát triển giáo dục theo hướng đổi mới căn bản, toàn diện

08:09, 05/09/2017

Tiếp tục phát triển theo hướng đổi mới căn bản, toàn diện, đảm bảo các yếu tố: chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế; chất lượng giáo dục được nâng cao một cách toàn diện; xây dựng nền giáo dục mở, thực học, thực nghiệp, dạy tốt, học tốt, quản lý tốt;

Tiếp tục phát triển theo hướng đổi mới căn bản, toàn diện, đảm bảo các yếu tố: chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế; chất lượng giáo dục được nâng cao một cách toàn diện; xây dựng nền giáo dục mở, thực học, thực nghiệp, dạy tốt, học tốt, quản lý tốt; có cơ cấu và phương thức giáo dục hợp lí, gắn với xây dựng xã hội học tập là nhiệm vụ trọng tâm của ngành Giáo dục và Ðào tạo (GDÐT) Lâm Ðồng trong năm học 2017 - 2018.
 
Niềm vui của học sinh DTTS huyện Lạc Dương trong ngày khai giảng năm học mới. Ảnh: Việt Hùng
Niềm vui của học sinh DTTS huyện Lạc Dương trong ngày khai giảng năm học mới. Ảnh: Việt Hùng

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực
 
Xác định con người là nhân tố hàng đầu để thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện GDĐT nên ngành Giáo dục Lâm Đồng luôn chú trọng việc nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục (CBQLGD) các cấp. Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học 2017 - 2018, Giám đốc Sở GDĐT Đàm Thị Kinh nhấn mạnh: Cần có chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, người có tài, có tay nghề cao tham gia giảng dạy, truyền nghề tại các cơ sở giáo dục, qua đó, mới có thể nâng cao chất lượng giáo dục.
 
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Đoàn Văn Việt cũng yêu cầu ngành Giáo dục phải tập trung vào việc bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và CBQLGD ngang tầm nhiệm vụ.
 
Do đó, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được ngành Giáo dục tập trung trong năm học 2017 - 2018. Trên cơ sở đó, ngành sẽ tổ chức rà soát, điều chỉnh và thực hiện tốt quy hoạch phát triển nhân lực đáp ứng yêu cầu về số lượng, chất lượng đội ngũ. Thực hiện tuyển dụng, sắp xếp, bố trí, sử dụng, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, luân chuyển, miễn nhiệm đối với nhà giáo và CBQLGD đảm bảo đúng quy định, đúng vị trí việc làm và yêu cầu về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp. Đồng thời, sẽ giải quyết tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ và giáo viên không đủ tiêu chuẩn. Đảm bảo đến năm 2020, đội ngũ nhà giáo các cấp học đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, phù hợp với quy hoạch mạng lưới trường, lớp của địa phương. 
 
Bên cạnh đó, để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cho giáo dục, ngành sẽ tích cực tham mưu UBND tỉnh có các chính sách ưu đãi, tôn vinh, biểu dương đối với những nhà giáo tiêu biểu, có đóng góp tích cực hoặc có thành tích đột xuất trong ngành giáo dục. Mặt khác, thực hiện đầy đủ, kịp thời chế độ, chính sách đối với đội ngũ nhà giáo và CBQLGD, đặc biệt là đội ngũ đang công tác tại vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Song song với đó là nâng cao năng lực lãnh đạo của CBQLGD các cấp. Tiếp tục quy hoạch đội ngũ cán bộ lãnh đạo, QLGD chủ chốt ở các cấp, các trường để tạo nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý phong phú, có chất lượng tốt. Thực hiện bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ chủ chốt các cơ quan quản lý nhà nước về GDĐT, các cơ sở ở địa phương và giữa các địa phương, đảm bảo phù hợp với năng lực, sở trường của từng cán bộ, góp phần nâng cao hiệu quả chỉ đạo, điều hành. Đồng thời, triển khai bồi dưỡng đội ngũ CBQLGD các cấp.
 
Ðổi mới trong dạy và học
 
Cũng như đội ngũ nhà giáo và CBQLGD, để đổi mới căn bản, toàn diện GDĐT thì học sinh đóng vai trò quan trọng. Do vậy, ngành Giáo dục chú trọng vào việc giáo dục theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực của người học. 
 
Để làm được điều này, ngành Giáo dục tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương pháp, hình thức dạy học đồng bộ với đổi mới thi, kiểm tra, đánh giá kết quả học tập và rèn luyện theo hướng phát triển năng lực học sinh, tiếp cận với chương trình giáo dục phổ thông mới. Trong đó, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy, học và quản lý giáo dục bằng cách triển khai có hiệu quả Đề án tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và hỗ trợ hoạt động dạy - học, nghiên cứu khoa học góp phần nâng cao chất lượng giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025 theo Quyết định số 117/QĐ-TTg ngày 25/1/2017 của Thủ tướng Chính phủ. Cùng với đó là phát triển hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin theo hướng đồng bộ, hiện đại và đảm bảo an toàn thông tin mạng; khai thác sử dụng có hiệu quả kho bài giảng e-learning của ngành phục vụ nhu cầu tự học của học sinh và đổi mới, sáng tạo trong hoạt động dạy học; nâng cao kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin cho cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên trong toàn ngành.
 
Đồng thời, đẩy mạnh hội nhập quốc tế trong giáo dục và đào tạo. Tiếp tục thí điểm áp dụng các mô hình giáo dục tiên tiến, chương trình giảng dạy, sách giáo khoa, kiểm tra, đánh giá trẻ  mầm non, học sinh, sinh viên; tham mưu tăng cường thu hút hợp tác và đầu tư của nước ngoài trong giáo dục và đào tạo. 
 
Trong những năm qua, ngành Giáo dục Lâm Đồng đã chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, chất lượng giáo dục mũi nhọn, cũng như triển khai mạnh mẽ việc đổi mới phương pháp dạy và học, ứng dụng công nghệ thông tin, với phương châm “dạy thực chất - học thực chất”. Chất lượng và hiệu quả hoạt động dạy - học từng bước được nâng lên theo hướng toàn diện. Tin rằng, với sự chủ động, ngành Giáo dục Lâm Đồng tiếp tục gặt hái nhiều thắng lợi trong năm học mới 2017 - 2018.                        
 
VIỆT HÙNG