Chuyện cũ và mới ở Ninh Loan

08:09, 05/09/2017

Ninh Loan, một trong các xã vùng Loan như hàng trăm xã vùng xa khác, nhưng nếu có gì đặc biệt là bởi còn đó ký ức của những người đi mở đất, cùng câu chuyện về sự vươn lên đổi thay cuộc sống nơi đây.

Ninh Loan, một trong các xã vùng Loan như hàng trăm xã vùng xa khác, nhưng nếu có gì đặc biệt là bởi còn đó ký ức của những người đi mở đất, cùng câu chuyện về sự vươn lên đổi thay cuộc sống nơi đây.
 
Trồng cà chua trong nhà kính ở Ninh Loan. Ảnh: D.Q
Trồng cà chua trong nhà kính ở Ninh Loan. Ảnh: D.Q

Tình cờ gặp và trò chuyện với ông Trần Ngọc Năm, Chủ tịch Hội Nông dân xã Ninh Loan, huyện Đức Trọng, mới biết ông là con em của những gia đình Hà Nam Ninh đi kinh tế mới ở vùng Loan hồi những năm bảy mấy tám mươi của thế kỷ trước. Ồ, thế không phải chỉ có vùng KTM Lán Tranh - Tân Hà của người Hà Nội ở Lâm Đồng sao? Ông Năm bảo không. Những năm sau giải phóng, đất đai chật hẹp, tỉnh Hà Nam Ninh lúc đó cũng có chủ trương giãn dân đi KTM. Gọi là Hà Nam Ninh theo địa giới hành chính lúc đó chứ người dân đi KTM đều thuộc hai huyện Hải Hậu và Trực Ninh của tỉnh Nam Định hiện giờ. Trước đó, vào tháng 2/1979, một đoàn thanh niên xung phong vào trước chuẩn bị cơ sở cho cư dân đi sau. Gia đình ông Năm là một trong mười mấy hộ đặt chân tới Ninh Loan đầu tiên, lúc đó còn là xã Loan thuộc huyện Đơn Dương. Đó là những ngày cuối năm 1979. Và sau đợt đi của gia đình ông Trần Ngọc Năm, từ cuối năm 1979 tới hết năm 1980, có xấp xỉ 300 gia đình thuộc Hà Nam Ninh di chuyển vào Ninh Loan sinh sống, tạo nên một vùng đất có diện mạo như hôm nay.
 
Gia đình ông Phạm Văn Sinh, bà Phạm Thị Oanh, thôn Hải Ninh, xã Ninh Loan là một trong những gia đình đi KTM từ năm 1980. Những ký ức từ thuở ấy vẫn ngập tràn trong bà, khi ấy còn là một cô gái đương tuổi xuân thì. Bà Oanh bảo, khác hẳn với quê hương Nam Định bằng phẳng của bà, Ninh Loan lúc ấy đất đai toàn trên gò là rừng, dưới sình lầy mọc đầy lau sậy, cỏ tranh. Mỗi nhà được chia một khoảng đất nhỏ để làm cái nhà gỗ, mái lợp tranh, lợp tôn, cộng thêm một năm lương thực. Muỗi, vắt, thú rừng ngập Ninh Loan, ai ai cũng bị sốt rét, sốt đến mức đi bộ cũng thấy trời nghiêng đất ngả, sốt tới mức rụng tóc, trọc hết cả đầu. Ban đêm, những tiếng thú rừng kêu vang vùng đất mà với người dân đồng bằng, nó như vùng “rừng thiêng núi thẳm”. Nhiều người nản và đã quay ngược lại quê cũ hoặc tìm tới nơi khác, nhưng vẫn còn nhiều gia đình kiên trì ở lại. Và những người nông dân đồng bằng sông Hồng bắt đầu bắt tay vào khai hoang. Những vùng đất trũng, bà con nhổ hết tranh, sậy, diệt từng cộng mầm cỏ để gieo xuống hạt lúa, hạt bắp. Rồi từ từ, cỏ chịu thua người, những màu xanh của bắp, lúa, mì thay dần, lấn dần đất sình lầy. Người Ninh Loan thoát dần khỏi sốt rét, khỏi cái đói. Và năm 1990, Ninh Loan học trồng loài cây công nghiệp cà phê. Thực sự đời sống của cư dân Ninh Loan đã chuyển sang một bước mới, vững vàng hơn, ấm no hơn và trong tương lai không xa, sẽ giàu có hơn. 
 
Chị Vũ Thị Ngọc Điệp, Bí thư Đảng ủy xã Ninh Loan, con em một gia đình KTM Hải Hậu khoe với tôi những thành tích của quê hương mình. 
 
Ninh Loan hiện giờ có 1.400 hộ, đời sống nói chung đều ổn định, chỉ còn 28 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 1,86%. 
 
Toàn xã có xấp xỉ 3 ngàn ha cà phê, 200 ha lúa và 200 ha hoa màu các loại. Điện, đường, trường, trạm đều có đủ, nhà cửa khang trang. Xã đã đạt chuẩn NTM vào năm 2014, một dấu mốc quan trọng có được từ sự hỗ trợ của Nhà nước và sự cố gắng rất nhiều của bà con trong xã. Chị Điệp chia sẻ, thực sự Ninh Loan chuyển mình, đời sống vươn lên khoảng 5-7 năm gần đây do Nhà nước hỗ trợ và nhân dân chủ động phấn đấu. Còn trước đó, do địa bàn ở khá xa, đi lại còn khó khăn nên đời sống của nhân dân còn gặp nhiều vất vả. Bây giờ, không chỉ trồng cà phê, trồng lúa nước, người Ninh Loan bắt đầu phát triển cây rau công nghệ cao. Những lớp nhà kính đã bắt đầu hiện diện giữa màu xanh của bạt ngàn cà phê. Chị Điệp tâm sự: “Lâm Đồng có hai vùng KTM, khu Nam Ban của người Hà Nội và Ninh Loan của Nam Định nhưng Ninh Loan chúng em thì ít người biết vì xa quá. Người Nam Định đã tạo nên vùng đất Ninh Loan hôm nay, xứng đáng với mồ hôi công sức những người đi trước”. 
 
Ninh Loan hôm nay thay da đổi thịt, đường sá đi lại thông thoáng, nhà cửa khang trang, khác hẳn Ninh Loan một thuở xa xôi, khó khăn trong ký ức rất nhiều người. Xa quê cũ hàng ngàn cây số, người Ninh Loan giữ lại những dấu vết tên làng, tên xóm tại quê mới. Những Nam Hải, Ninh Thái, Hải Ninh..., tên làng xưa xã xưa trở thành tên gọi thôn xóm hôm nay. Những người đi mở đất mang theo trong mình nỗi nhớ, tình yêu và hơn hết, họ đã mang theo ý chí vượt khó, lòng chăm chỉ lao động, xây dựng nên một Ninh Loan đẹp, trù phú giữa cao nguyên Lâm Viên.
 
DIỆP QUỲNH