Từ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đến nay Ðạ Tẻh đã cơ bản xóa bỏ được các phong tục tập quán lạc hậu, xây dựng đời sống văn hóa mới trong các cộng đồng đồng bào DTTS gốc Tây Nguyên.
Từ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đến nay Ðạ Tẻh đã cơ bản xóa bỏ được các phong tục tập quán lạc hậu, xây dựng đời sống văn hóa mới trong các cộng đồng đồng bào DTTS gốc Tây Nguyên.
|
Một buổi tuyên truyền phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống của Hội Phụ nữ huyện Đạ Tẻh trong vùng đồng bào DTTS. Ảnh: G.K |
Khi cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc
Đạ Tẻh hiện có gần 2.800 hộ với trên 21.450 nhân khẩu là đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống trên địa bàn, chiếm 41,6% dân số toàn huyện, trong đó dân tộc gốc Tây Nguyên có 890 hộ với trên 3.440 khẩu, chiếm khoảng 6% dân số.
Bao đời nay, một số phong tục, tập quán lạc hậu đã ăn sâu vào vùng đồng bào DTTS gốc Tây Nguyên. Chẳng hạn tục thách cưới bằng chóe, chiêng, trâu; tình trạng tảo hôn; kết hôn cận huyết thống với con cô, con cậu; tục ở rể nếu khi kết hôn không có đồ sính lễ; tục phạt vạ, mang con ngoài giá thú bị làng phạt...
Cùng đó tồn tại rất nhiều các tệ mê tín dị đoan như ốm đau không đi viện mà mời thầy cúng; tin bùa ngải, ma lai, thần rừng, thần núi, thần nước, thần lửa… Trong sinh đẻ, khi phụ nữ sinh con, người mẹ phải ăn nằm ở gần bếp trong thời gian một tuần và người lạ không được vào nhà. Nhiều cộng đồng nuôi gia súc, gia cầm ngay dưới sàn nhà ở gây mất vệ sinh.
Thực hiện sự chỉ đạo của tỉnh, Ban Dân vận Huyện ủy Đạ Tẻh từ tháng 8/2008 đã cùng Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể huyện, các tổ chức cơ sở đảng tiến hành khảo sát các phong tục, tập quán lạc hậu đang tồn tại trong vùng đồng bào DTTS, trong đó có cộng đồng đồng bào DTTS gốc Tây Nguyên. Sau đó cùng phối hợp tuyên truyền, vận động trong đoàn viên, hội viên và nhân dân, nhất là trong vùng đồng bào DTTS, từng bước xóa bỏ các phong tục tập quán lạc hậu, coi đây là việc làm cấp thiết và lâu dài.
Việc quan trọng nhất là phát triển kinh tế vùng DTTS. Cấp ủy đảng, chính quyền các cấp của Đạ Tẻh có nhiều chương trình chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho bà con, tạo mọi điều kiện để người dân có cuộc sống ổn định. Huyện hằng năm thường xuyên cử các đoàn công tác xã hội vào vùng DTTS, tổ chức các đợt khám chữa bệnh miễn phí. Đạ Tẻh cũng chú trọng triển khai các dự án phát triển kinh tế - xã hội trong vùng đồng bào DTTS; hỗ trợ giống, vốn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, từng bước thay đổi nhận thức, tập quán canh tác lạc hậu. Đồng thời, địa phương thực hiện tốt chương trình hỗ trợ làm nhà ở, cấp đất sản xuất cho bà con. Những nỗ lực này đã từng bước làm thay đổi diện mạo vùng đồng bào DTTS, đến nay nhiều hộ gia đình đã biết cách áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao đời sống.
Các đoàn thể như Huyện Đoàn, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân tăng cường công tác kết nghĩa giữa các chi đoàn trực thuộc; các chi hội mạnh với chi hội yếu, các chi hội thôn, buôn vùng đồng bào dân tộc để hỗ trợ khi cần…
Huyện Đoàn đã tổ chức gần 120 lớp với trên 1.700 lượt đoàn viên tham gia, xây dựng 23 tủ sách “Bác Hồ với thiếu nhi” với trên 500 đầu sách; tổ chức các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng cà phê, cao su, chè… cho hơn 1.000 lượt đoàn viên, thanh niên vùng đồng bào DTTS. Hội Nông dân các cấp trong huyện đã tổ chức trên 150 buổi tuyên truyền cùng các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật về cây trồng, vật nuôi trong vùng đồng bào DTTS với gần 7.700 lượt người tham gia. Hội Phụ nữ huyện thường xuyên tổ chức các đợt tuyên truyền về phòng chống “Tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vùng đồng bào DTTS” với hàng nghìn lượt người tham gia.
Ban Dân vận Huyện ủy còn phối hợp với các cơ quan, ban, ngành trong huyện tổ chức công tác dân vận ở các buôn, huy động gần 800 lượt người tham gia giúp đỡ bà con như đào hố trồng cao su, làm cỏ vườn cao su, trồng tre tầm vông; tổ chức các đợt khám bệnh. Các cấp chính quyền trong huyện cũng thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao cơ sở trong vùng đồng bào DTTS, vận động bà con chung tay xây dựng đời sống văn hóa mới, xóa bỏ các phong tục, tập quán lạc hậu.
Những thay đổi
Qua gần 10 năm cùng vào cuộc, đến nay về cơ bản các phong tục, tập quán lạc hậu trong vùng đồng bào DTTS gốc Tây Nguyên trên địa bàn Đạ Tẻh đã có bước chuyển biến tích cực, hầu như không còn tồn tại nếu không nói là cơ bản đã được xóa bỏ.
Khảo sát của ngành chức năng huyện gần đây cho thấy việc tang ma cúng tế với tục để người chết dài ngày nay đã giảm xuống rõ rệt; không còn hiện tượng chia tài sản cho người chết, không còn cảnh tổ chức ăn uống linh đình trong thời gian đám tang. Các tệ mê tín dị đoan chỉ còn xảy ra một vài trường hợp trong vùng sâu, vùng xa; khi ốm đau bà con đã không mời thầy cúng đến bắt ma, yểm bùa ngải mà biết cách đưa người bệnh đến trạm xá, bệnh viện để chữa trị.
Trong cưới xin, dù trên địa bàn vẫn còn một vài trường hợp chưa đủ tuổi do có thai sớm, không kịp thời phát hiện bắt buộc phải cho tổ chức cưới, tuy nhiên hiện tượng tảo hôn cơ bản hầu như không còn; tình trạng thách cưới chỉ còn mang tính hình thức, thay vào đó là tổ chức đám cưới theo nếp sống mới. Từ năm 2008 đến nay, toàn huyện có 75 trường hợp kết hôn sớm, trong đó có 25 trường hợp là người DTTS gốc Tây Nguyên; trong năm 2015, toàn huyện có 11 vụ tảo hôn, trong đó 5 vụ là người DTTS; đến năm 2016 vừa qua giảm còn 7 vụ, trong đó chỉ có 3 vụ là người DTTS.
Có thể nói công tác vận động của huyện đã mang lại những kết quả tích cực nhất định trong thay đổi lối sống của bà con đồng bào DTTS. Chẳng hạn, với cộng đồng người DTTS phía bắc vào Đạ Tẻh lập nghiệp, tập quán nuôi gia súc, gia cầm dưới sàn nhà nay đã giảm rõ rệt. Người Tày, người Nùng nay đã biết làm chuồng, trại chăn nuôi riêng biệt cách xa nhà để giữ vệ sinh.
Còn với cộng đồng người Mạ gốc Tây Nguyên trên địa bàn trước đây thường tổ chức lễ hiến sinh vào những dịp vui mừng như cưới hỏi, sinh đẻ, về nhà mới, kết nghĩa anh em, ốm đau, dịch bệnh, tang gia, thiên tai hạn hán… nhưng đến nay hầu như không còn. Đặc biệt không còn duy trì lễ hội đâm trâu để tạ thần linh gây tốn kém về kinh tế...
Cộng đồng đồng bào DTTS nói chung, trong đó có bà con gốc Tây Nguyên trên địa bàn Đạ Tẻh hôm nay đã có những thay đổi đầy tích cực. Hầu hết bà con đã có ý thức vận động nhau cùng xây dựng đời sống văn hóa mới, xây dựng nông thôn mới ở các thôn, buôn nơi mình sinh sống.
HỒNG LOAN - GIA KHÁNH