Một trong 9 lĩnh vực ưu tiên của Ðề án "Xây dựng Ðà Lạt trở thành thành phố thông minh" giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn 2025 đã được UBND tỉnh Lâm Ðồng phê duyệt là lĩnh vực giao thông...
Một trong 9 lĩnh vực ưu tiên của Ðề án “Xây dựng Ðà Lạt trở thành thành phố thông minh” giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn 2025 đã được UBND tỉnh Lâm Ðồng phê duyệt là lĩnh vực giao thông. Tuy nhiên, để đạt được tính chất “thông minh” này, trước mắt cần giải quyết những tồn tại, hạn chế hiện nay.
|
Một trong những điểm ùn tắc thường xuyên là ngã ba Nguyễn Du - Trần Quý Cáp được Phó Chủ tịch UBND tỉnh nêu lên. Ảnh: M.Ðạo |
Từ chất lượng đường không đáp ứng
Bằng trực quan, có thể liệt kê ngay một số hiện trạng về giao thông hiện nay như: nhiều đoạn đường xuống cấp trầm trọng, ùn tắc lưu thông, chấp hành Luật Giao thông đường bộ chưa nghiêm túc... Có nhiều nguyên nhân, trước hết là một số tuyến đường cũ hẹp không còn đáp ứng được sự phát triển đô thị như mật độ dân cư tăng, lưu lượng người và phương tiện lưu thông lớn. Ví dụ các đường Bùi Thị Xuân, Phan Đình Phùng, Trần Quý Cáp...; nhất là tại các nút giao thông ngã ba, ngã tư hay các cổng trường học, chợ, khách sạn, nhà hàng... Bên cạnh đó, ùn tắc cục bộ còn do chính những người quản lý cơ sở liên quan (trường học, khách sạn, nhà hàng...) thiếu trách nhiệm tổ chức thực hiện an toàn giao thông; người tham gia giao thông không tuân thủ pháp luật. Cũng do lưu lượng người và phương tiện giao thông ngày càng tập trung vào một số nút giao thông dẫn đến ùn tắc lớn, nhất là cao điểm mùa du lịch và đầu (cuối) giờ làm việc, học tập, ví dụ như ngã tư Phan Chu Trinh - Trần Quý Cáp - Quang Trung - Lữ Gia; ngã ba Hải Thượng - 3/2...
Chất lượng đường ngoài thi công chưa đảm bảo kỹ thuật (ví dụ cầu đường sắt Trần Quý Cáp thi công năm 2015 đã đưa vào sử dụng nhưng bị trũng đọng nước hai bên làn) thì nguyên nhân chủ yếu do đường xuống cấp nhưng kinh phí duy tu bảo dưỡng chưa đáp ứng, phần khác do hệ lụy của việc thi công Dự án hệ thống thoát nước thải. Bên cạnh đó, phải thẳng thắn nói rằng: công tác duy tu bảo dưỡng không đảm bảo chất lượng như yêu cầu. Dẫn chứng một ví dụ cụ thể, đó là đường Nguyễn Trãi, Phường 9. Người dân ở khu vực này cho biết, mặc dù Công ty Cổ phần Dịch vụ đô thị Đà Lạt đã triển khai 2 lần duy tu bảo dưỡng bằng cách trải dặm một lớp nhựa và đá nhỏ những chỗ mặt đường bong tróc lõm sâu. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian rất ngắn đâu lại vào đấy. Tổ trưởng Tổ dân phố số 3 Quang Trung - Phạm Văn Cường khẳng định: Cả 2 lần thi công, đại diện tổ cũng như người dân đường Nguyễn Trãi đều không được thông báo về thi công và không được giám sát!
Ðến người tham gia giao thông
Là người phụ trách lĩnh vực đầu tư, xây dựng cơ bản, bồi thường giải phóng mặt bằng đối với các chương trình của UBND tỉnh, mới đây, tại cuộc họp với các sở, ngành, đơn vị liên quan, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Văn Yên đã nhắc nhở cụ thể nhiệm vụ đối với Thanh tra giao thông tỉnh cần nghiêm túc chấn chỉnh và xử lý nghiêm việc đỗ xe trong nội ô sai quy định. Ông Nguyễn Văn Yên đã nêu một ví dụ cụ thể là ngay tại ngã ba đường Trần Quý Cáp - Nguyễn Du, hằng ngày nhiều xe khách lớn đến nhà hàng đỗ ngay trên con đường Nguyễn Du (vốn đã hẹp, đang lổn nhổn đất đá do đơn vị thi công chưa hoàn nguyên mặt bằng) đã gây nên ùn tắc giao thông khá nghiêm trọng. Hoặc con đường Quang Trung (đoạn ngã ba giáp đường Cô Giang), nhiều người dân tham gia giao thông đã bày tỏ bức xúc việc có rất nhiều xe khách lớn, nhỏ và các loại xe hơi đỗ dọc hai bên đường gây cản trở giao thông không nhỏ, nhất là thời điểm tan trường của 4 trường học tiểu học, mầm non gần đó. Hoặc đó là chợ mới Đà Lạt, đặc biệt là thời điểm buổi sáng, mật độ lưu thông phương tiện giao thông dày đặc, gây rất nhiều ùn tắc, nguyên nhân chính do lối lưu thông chật, người bán hàng và xe máy chiếm dụng lối đi, quản lý còn thiếu hiệu quả.
Đó còn là người tham gia vượt trái làn đường, phóng nhanh vượt ẩu, không sử dụng mũ bảo hiểm theo quy định (nhất là đối tượng học sinh điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, xe máy điện). Chỉ cần hằng ngày đến các cổng trường học có học sinh theo học các cấp THCS, THPT như các trường Tây Sơn, Đống Đa, Hermann Gmeiner, Chi Lăng, Phan Chu Trinh, Bùi Thị Xuân, Nguyễn Du... và các điểm dạy học thêm ngoài giờ là thấy rõ nhất. Đấy là chưa kể đến học sinh tiểu học ngồi sau xe mô tô, xe gắn máy.
Để từng bước khắc phục tình trạng trên, trước hết, nhà trường và phụ huynh học sinh cần kiên quyết phối hợp yêu cầu học sinh chấp hành Luật Giao thông đường bộ (GTĐB). Đồng thời, ngành công an cần thường xuyên kiểm tra và xử lý nghiêm những hành vi vi phạm theo luật định. Khoản 2, Điều 30 Luật GTĐB quy định: “Người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe gắn máy phải đội mũ bảo hiểm có cài quai đúng quy cách”. Nếu vi phạm, phải chịu xử lý hành chính theo Điều 6 Nghị định 46/2016/NĐ-CP. Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình - Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia (UB ATGT QG) và Kế hoạch của UB ATGT QG, ngày 15/9, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có Văn bản số 6095/KH-UBND về Kế hoạch tổng kết 10 năm thực hiện quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm đối với người đi mô tô, xe máy. Mục đích đánh giá kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân...; định hướng những nhiệm vụ cần tiếp tục thực hiện nâng cao hơn nữa kết quả và hiệu quả quy định của pháp luật về bắt buộc đội mũ bảo hiểm...
Tại một hội nghị đánh giá kinh tế - xã hội tháng của tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, Trưởng Ban ATGT tỉnh Đoàn Văn Việt đã chỉ đạo các ngành chức năng cần kiên quyết xử lý nghiêm hơn nữa các hành vi vi phạm Luật GTĐB trên địa bàn tỉnh. Mục đích nhằm hạn chế đến mức thấp nhất về tai nạn giao thông cả 3 mặt: số người chết, số người bị thương và số vụ vi phạm. Việc chỉ đạo này rất cần thiết, bởi chính người viết bài này, mấy tháng gần đây có dịp đến các đô thị lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Vinh... một điều dễ nhận thấy là lực lượng công an ở những nơi này triển khai xử lý nghiêm đối với những hành vi vi phạm Luật GTĐB.
Trở lại Đề án “Xây dựng Đà Lạt trở thành thành phố thông minh”, ở lĩnh vực giao thông, các tiêu chí đo lường hiệu quả được đặt ra rất rõ ràng. Trong đó có các chỉ số như: Ùn tắc tại trung tâm thành phố (vụ/tháng); Ùn tắc toàn thành phố (vụ/tháng); Thương vong do tai nạn giao thông (người/tháng); Tốc độ di chuyển trung bình trên các tuyến chính trong giờ cao điểm (km/h)... Dĩ nhiên để đạt được tính chất “thông minh” của đô thị Đà Lạt cần ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trên diện rộng, tuy nhiên cùng đó là cơ sở hạ tầng giao thông, ý thức chấp hành giao thông và chế tài xử lý vi phạm giao thông đi cùng.
MINH ÐẠO