Giữ gìn câu dân ca quan họ

08:09, 26/09/2017

Ban ngày, họ là những người mẹ, người chị tảo tần với nong kén, nong tằm. Nhưng khi đêm về, họ lại trở thành những liền anh, liền chị thực thụ trong không gian của tiếng trống, tiếng đàn và những câu dân ca quan họ. 

Ban ngày, họ là những người mẹ, người chị tảo tần với nong kén, nong tằm. Nhưng khi đêm về, họ lại trở thành những liền anh, liền chị thực thụ trong không gian của tiếng trống, tiếng đàn và những câu dân ca quan họ. Ðúng như lời của một thành viên của CLB đàn và hát dân ca xã Hà Đông, huyện Ðạ Tẻh: “Tình yêu quê hương là ở đây chứ đâu!”, giữa bao la đất trời Tây Nguyên, “tâm hồn” miền Bắc vẫn vẹn nguyên trong từng câu hát.
 
Với cô Thưởng (mang kính) và các thành viên của CLB, ngồi đâu cũng có thể hát, ở đâu cũng có thể làm sân khấu. Ảnh: V.Q
Với cô Thưởng (mang kính) và các thành viên của CLB, ngồi đâu cũng có thể hát,
ở đâu cũng có thể làm sân khấu. Ảnh: V.Q

Cùng chung niềm đam mê
 
Chúng tôi đến thăm Câu lạc bộ (CLB) đàn và hát dân ca của xã Hà Đông đúng vào buổi lao động dọn dẹp vệ sinh môi trường, cô Đặng Thị Thưởng (sinh năm 1954) - chủ nhiệm CLB, vẫn vui vẻ, nhiệt tình và niềm nở. Mồ hôi còn đọng trên trán và tay vẫn đang cầm cán liềm, cô bảo: “Nhìn các chị em vừa mới đây còn xắn ống quần làm lao động hay những lúc lấm lem ruộng vườn, chắc không ai ngờ cũng chính các cô ấy lại hát hay đến thế mỗi lần lên sân khấu”. 
 
Và trong suốt buổi trò chuyện với các chị trong Ban Chủ nhiệm CLB, xen giữa những câu nói, thỉnh thoảng vẫn vang lên những câu quan họ một cách rất tự nhiên, như thể đó là một thói quen gần gũi và thân thuộc trong cuộc sống của người dân nơi đây.
 
CLB đàn và hát dân ca của xã Hà Đông mới được ra mắt vào ngày 19/5/2017, nhưng trước đó, các thành viên đã có nhiều lần tham gia biểu diễn văn nghệ trong các dịp lễ, tết tại địa phương. Từ những người cùng chung niềm đam mê với những làn điệu chèo, những câu dân ca quan họ, cùng chung niềm đau đáu vì con cháu sinh ra sau này không còn mấy thiết tha với âm nhạc truyền thống, cô Thưởng đã thành lập nên CLB, với mong muốn tạo ra một không gian để những câu dân ca quan họ được cất lên.
 
Từ 10 thành viên ban đầu, đến nay, CLB đã có gần 30 thành viên cả nam lẫn nữ, cả trong xã lẫn các xã lân cận. Người nhỏ nhất năm nay 24 tuổi, và người lớn nhất là cụ ông Bùi Quang Khánh ở xã Quốc Oai, năm nay đã 70 tuổi, khi nào tập phải nhờ cháu chở đi nhưng chưa hề vắng mặt một buổi.
 
Những ngày đầu còn khó khăn, nhạc cụ của CLB đều do các thành viên tự bỏ tiền ra trang bị, cũng đầy đủ trống, kèn, sáo, đàn nhị,... Quần áo quan họ cũng được các chị tận dụng từ những chiếc áo dài cũ, cắt ra, sửa lại để làm áo tứ thân. “Nhớ đêm diễn ra mắt CLB, các thành viên ai có gì góp nấy để làm trang phục biểu diễn. Bà con thấy thương quá, thích quá cũng góp thêm chút ít. Bây giờ, CLB đã có 8 bộ trang phục quan họ, vài bộ trang phục chèo” - cô Thưởng chia sẻ.
 
Đều đặn mỗi tháng một lần, các thành viên CLB lại tập trung tại Nhà văn hóa xã để cùng nhau sinh hoạt. Mỗi khi có lễ hội hay thi thố, giao lưu, CLB mới tranh thủ thời gian để tăng cường luyện tập. Cứ ngày ra đồng, tối về tập hát. Chị Nguyễn Thị Nga - một trong những thành viên đầu tiên của CLB, cười đùa bảo: “Thú thật là chị không biết hát đâu, nhưng cứ nghe quan họ hay dân ca cất lên là mình thích lắm. Không hát hay được thì tham gia vào khâu tổ chức, làm MC. Ban đầu mình đi lo hậu cần, lúc nào chịu không nổi nữa thì “nhảy” lên sân khấu luôn”.
 
CLB được thành lập và hoạt động chủ yếu dựa trên niềm đam mê và sự nhiệt tình của các thành niên, nên mấy cô cháu bảo nhau tự đóng góp vào để hoạt động. Chị Nguyễn Thị Vân - một trong những thành viên trẻ của CLB, chia sẻ: “Ở đây, ai cũng vừa tham gia công tác xã hội nhưng còn phải lao động đảm bảo cuộc sống, nhiều khi mệt lắm nhưng cái “máu” nó có sẵn trong người rồi, mệt thế nào cũng tranh thủ thời gian rảnh buổi tối để đi tập cho thỏa nỗi đam mê, thỏa niềm yêu thích từ trong máu thịt”.
 
Người truyền cảm hứng
 
Bây giờ, các thành viên của CLB đàn và hát dân ca xã Hà Đông đang nung nấu ý tưởng đưa dân ca, quan họ vào trong các lễ tiệc tại địa phương. Bởi như cô Thưởng nói thì: “Dân ca đang dần bị mai một, giới trẻ không còn nhiều người đam mê nên mai đây không khéo lại bị quên lãng. Nếu trong các đám cưới mà làm được như vậy thì sẽ là điều kiện để phát huy được bản sắc truyền thống của dân tộc”.
 
Có lẽ vì sợ mai một, nên cô Thưởng có hẳn một quyển sổ dày, chép tay hơn trăm bài cô vừa sưu tầm vừa tự sáng tác. Quê gốc ở Hà Nội, cô Thưởng vào Đạ Tẻh từ năm 1984 và từ đó đến nay, không lúc nào cô không đau đáu về những lời ca quan họ. Thường xuyên viết kịch bản, rồi dàn dựng tiểu phẩm cho xã, cho huyện trong các cuộc thi và thường đoạt giải cao, cô Thưởng chia sẻ: “Bí quyết thắng giải và khiến cho tiết mục của mình trở nên đặc biệt là lồng ghép dân ca, hò vè, quan họ vào trong tiết mục, phần thi và tiểu phẩm, khiến các tiết mục trở nên nhẹ nhàng nhưng gần gũi và dễ đi vào lòng người, công tác tuyên truyền từ đó cũng trở nên dễ dàng và hiệu quả hơn. Đây cũng là một cách đơn giản nhưng hiệu quả để lan tỏa niềm yêu thích dân ca quan họ đến với nhiều người”.
 
Một trong những mục tiêu mà CLB đàn và hát dân ca xã Hà Đông đề ra khi mới thành lập, là phải làm sao truyền được niềm đam mê với dân ca quan họ đến cho thế hệ trẻ. Bây giờ thì số người trẻ đã chiếm 1/3 số thành viên của CLB. “Mới đầu, các bà các mẹ phải vận động kiên trì lắm thì bọn trẻ mới miễn cưỡng tham gia. Ban đầu, các cháu còn e ngại, chưa hiểu được giá trị của ca dao, dân ca. Nhưng sau khi được tập luyện, rèn giũa, hát được rồi thì đứa nào cũng đam mê.”- cô Thưởng tự hào bảo đó là thành công lớn nhất của CLB.
 
Ở cái tuổi gần 70, cô Thưởng vẫn nhanh nhẹn và hoạt bát, và trước đầu chiếc xe gắn máy, các con gắn thêm cho cô một bóng đèn pha cho đủ sáng để đi ban đêm. Bởi các anh chị biết rằng, với niềm đam mê to lớn và những niềm trăn trở với dân ca, quan họ thì đến lúc nào còn đi được, cô Thưởng vẫn sẽ còn một mình một xe đến tập cho các xã khác những khi họ nhờ, dẫu có là ban đêm như trước giờ chăng nữa.
 
VIỆT QUỲNH