(LĐ online) - Đây là Hội nghị tổng kết trực tuyến với các huyện - thành phố, được UBND tỉnh Lâm Đồng tổ chức ngày 21/9/2017, nhằm đánh giá kết quả đạt được qua 15 năm thực hiện tín dụng chính sách (TDCS) giai đoạn 2002-2017, với trọng tâm là thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi với người nghèo và các đối tượng chính sách khác theo Nghị định 78/2002/NĐ-CP ngày 4/10/2002 của Chính phủ; đề ra mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện trong thời gian tới.
(LĐ online) - Đây là Hội nghị tổng kết trực tuyến với các huyện - thành phố, được UBND tỉnh Lâm Đồng tổ chức ngày 21/9/2017, nhằm đánh giá kết quả đạt được qua 15 năm thực hiện tín dụng chính sách (TDCS) giai đoạn 2002-2017, với trọng tâm là thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi với người nghèo và các đối tượng chính sách khác theo Nghị định 78/2002/NĐ-CP ngày 4/10/2002 của Chính phủ; đề ra mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện trong thời gian tới.
|
Các tập thể được nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng |
Báo cáo đánh giá kết quả, hiệu quả của việc thực hiện TDCS cho thấy, các chương trình tín dụng ưu đãi có ý nghĩa rất quan trọng về mặt KT-XH, giúp cho trên 529 ngàn lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn, với số tiền 7.300 tỷ đồng; huy động sức mạnh tổng hợp và sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị - xã hội tham gia thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, tạo việc làm và đảm bảo an sinh xã hội… Đồng thời, báo cáo cũng chỉ ra những mặt còn hạn chế của hoạt động TDCS dẫn đến chưa phát huy tối đa hiệu quả nguồn lực, nguồn vốn ưu đãi có hạn so với nhu cầu vay vốn, hạn mức cho vay của nhiều chương trình còn thấp hơn so với yêu cầu thực tế; mặc dù tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, nhưng số hộ nghèo ở vùng sâu, vùng xa, vùng ĐBDTTS vẫn còn cao và ranh giới giữa hộ thoát nghèo và tái nghèo rất mong manh.
Với việc triển khai đủ 13 chương trình TDCS, người vay được nhận vốn ngay tại Điểm giao dịch xã và sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay… góp phần nâng mức thu nhập bình quân trong toàn tỉnh lên 50 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 5,19%. Hoạt động của NHCSXH góp sức đưa huyện Đơn Dương trở thành huyện nông thôn mới và 60 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Dư nợ đến 30/6/2017 đạt hơn 2.758 tỷ đồng, tăng 28,3 lần so với năm 2002 có sự đóng góp của các Hội đoàn thể thông qua các Tổ TK&VV, góp phần vào thành công của hoạt động TDCS trên địa bàn. Chỉ thị 40 tạo ra sự chuyển biến tích cực, tác động đến toàn thể nhân dân. Báo cáo cũng đề xuất các giải pháp để tiếp tục mở rộng và nâng cao hiệu quả hoạt động TDCS xã hội trong thời gian tới; cũng như các kiến nghị, đề xuất để tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW…
Đại diện Hội đoàn thể các cấp, UBND huyện – xã, tổ TK&VV, hộ vay đã có tham luận trực tiếp tại Hội nghị, khẳng định tính ưu việt của TDCS, giúp người nghèo và các đối tượng chính sách có cơ hội sản xuất kinh doanh thoát nghèo, vươn lên làm giàu; đồng thời, có những kiến nghị nhằm phát huy hiệu quả của nguồn vốn TDCS.
Tham dự Hội nghị, ông Lê Ngọc Bảo - Ủy viên HĐQT, Trưởng ban kiểm soát NHCSXHVN, nhấn mạnh, 15 năm qua, NHCSXH Lâm Đồng đã triển khai thực hiện tốt chương trình TDCS trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng với 13 chương trình tín dụng, tỷ lệ tăng trưởng bình quân 26,7%/năm, đạt hiệu quả kinh tế - xã hội to lớn, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo… Chính quyền cấp xã tạo điều kiện tổ chức 147 điểm giao dịch xã phường, phát huy vai trò của Tổ TK&VV, nâng cao vai trò giám sát của cơ sở, đặc biệt là của nhân dân trên địa bàn; chính quyền tạo điều kiện về cơ sở vật chất, bổ sung nguồn vốn ủy thác và cấp bù lãi suất cho hộ nghèo và đối tượng đi lao động ở nước ngoài; sự nỗ lực của cán bộ công chức NHCSXH, cán bộ các hội đoàn thể tham gia công tác ủy thác vốn vay… là những điều kiện để NHCSXH Lâm Đồng hoạt động tốt và luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ hằng năm…
Tổng kết Hội nghị, ông Nguyễn Văn Yên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, Trưởng Ban đại diện (BĐD) NHCSXH tỉnh đánh giá cao những kết quả mà NHCSXH Lâm Đồng đã đạt được trong 15 năm qua. Trong đó, thành công lớn nhất là người nghèo, ĐBDTTS và các đối tượng chính sách khác không ỷ lại, tự thân vận động vượt khó, giảm nghèo, nắm bắt cơ hội để sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, hoạt động TDCS vẫn còn những vấn đề cần khắc phục trong thời gian tới, từ tổ chức của BĐD đến các Tổ TK&VV để nâng cao hơn nữa hiệu quả của các chương trình TDCS…
Ghi nhận những thành tích giai đoạn 15 năm hoạt động của NHCSXH Lâm Đồng, UBND tỉnh Lâm Đồng tặng Bằng khen cho 14 tập thể và 30 cá nhân; NHCSXH Việt Nam tặng Giấy khen cho 24 xã, 2 tập thể và 24 cá nhân thuộc NHCSXH Lâm Đồng, 15 tổ trưởng Tổ TK&VV, 16 cá nhân thuộc các tổ chức Hội đoàn thể đã có thành tích xuất sắc trong 15 năm triển khai, thực hiện và phối hợp thực hiện các chương trình TDCS (giai đoạn 2002-2017) trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.
LÊ HOA