Lâm Hà Tập trung nâng cấp, làm mới đường giao thông

08:09, 26/09/2017

Trong năm 2017, nhiều tuyến đường liên xã, tỉnh lộ trên địa bàn huyện Lâm Hà vẫn còn tình trạng xuống cấp trầm trọng, người dân đi lại trong mùa mưa đặc biệt khó khăn. 

Trong năm 2017, nhiều tuyến đường liên xã, tỉnh lộ trên địa bàn huyện Lâm Hà vẫn còn tình trạng xuống cấp trầm trọng, người dân đi lại trong mùa mưa đặc biệt khó khăn. Tuy nhiên, UBND huyện Lâm Hà thông tin, các tuyến đường nằm trong tình trạng xuống cấp đã được đầu tư, sửa chữa từ năm 2016 tới nay và dự kiến tới năm 2020, địa phương sẽ tiến hành xong việc duy tu, làm mới gần 200 km đường với số vốn đầu tư gần 2.000 tỷ đồng. 
 
Thị trấn Nam Ban nhiều đoạn đường xuất hiện ổ voi ngập nước mỗi khi mưa xuống. Ảnh: C.Thành
Thị trấn Nam Ban nhiều đoạn đường xuất hiện ổ voi ngập nước mỗi khi mưa xuống. Ảnh: C.Thành

Theo ghi nhận những ngày cuối tháng 9, tuyến Tỉnh lộ 726 đi từ trung tâm thị trấn Nam Ban chạy qua xã Nam Hà, Phi Tô và Đạ Đờn, huyện Lâm Hà (dài trên 24 km) nhiều vị trí đã xuống cấp rất nặng. Mặt đường bị biến dạng, xuất hiện chi chít “ổ voi, ổ gà” ngập nước tới 20 - 30 cm như “đánh bẫy” người đi đường. Ngay tại thị trấn Nam Ban, đoạn qua cầu sắt, người dân cho biết những “ổ voi” ngập nước rộng tới 4-5 m 2 đã tồn tại vài năm nay chưa được sửa chữa dứt điểm. Hằng ngày, nhiều xe tải hạng nặng đi qua đây làm mặt đường ngày một xấu thêm. Tuy nhiên, mật độ “ổ voi, ổ gà” và đường sạt lún nặng nhất, khiến người dân đi lại khó khăn là tuyến đường dài 21 km nối từ xã Nam Hà, Phi Tô và một phần xã Đạ Đờn. 
 
Người dân các xã trên cho hay, tính đến nay tuyến giao thông chính được coi là tam giác kinh tế Đạ Đờn - Phi Tô - Nam Hà mới sử dụng chưa được 13 năm (năm 2004 bắt đầu được trải thảm nhựa) đã và đang trở lại viễn cảnh con đường đất đỏ, lầy lội, bụi mù như con đường đất trước đây. Ông Nguyễn Văn Thu (56 tuổi, người dân thôn Từ Liêm 1, xã Nam Hà) cho biết: “Chỉ cần một trận mưa nhỏ là mặt đường ở đây nhầy nhụa vì các lớp nhựa đã bị bong tróc gần hết. Các rãnh nước hai bên đường không có chỗ thoát nước, độ dốc cao khiến nhiều vị trí sạt lở, sụt lún. Những đoạn “ổ voi” lớn, đường bị khoét sâu, đi nguy hiểm, người dân chúng tôi cùng chính quyền xã đã đổ đá, dặm vá tạm thời nhưng chỉ được một vài bữa rồi đâu lại vào đấy”. 
 
Nhọc nhằn nhất trên tuyến đường trên là người dân xã Phi Tô, con đường chạy qua xã chỉ hơn 8 km nhưng có tới 6 km bị xuống cấp, thường được nhiều người gọi là tuyến đường “khổ ải”. Mỗi khi mưa xuống, con đường lầy lội bùn đất, cộng thêm nhiều “ổ gà, ổ voi” khiến người dân phải “gồng mình” đi lại trên tuyến đường lầy lội và trơn trượt. 
 
Ông Bùi Xuân Toàn, người dân thôn Phú Hòa, xã Phi Tô phản ánh: Tình trạng đường xuống cấp đã xuất hiện nhiều năm nay. Mùa nắng thì bụi mù mịt, còn mùa mưa bùn ngập từ 20 - 30 cm, người đi đường không cứng tay lái thường xuyên bị té ngã. Đồng thời, do không có hệ thống thoát nước ở dọc hai bên đường nên toàn bộ lượng nước mưa bị ứ đọng tạo thành những hố sâu hoắm, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông, nhất là vào ban đêm. 
 
Tương tự, nhiều năm nay Quốc lộ 27 (QL 27) và đường Tỉnh lộ 725 qua địa phận huyện Lâm Hà cũng xuất hiện nhiều vị trí xuống cấp khiến việc đi lại của người dân gặp không ít trở ngại. Tại QL 27, đoạn chạy qua Lâm Hà giáp xã Bình Thạnh (huyện Đức Trọng) kéo tới đèo Chuối xã Đạ K’Nàng (huyện Đam Rông) có hàng chục vị trí xuất hiện các “ổ gà”, mặt đường nhựa bong tróc, gồ ghề. Còn tại tuyến Tỉnh lộ 725, đoạn từ thị trấn Đinh Văn chạy qua xã Tân Hà, Tân Thanh người dân cũng khổ sở nhiều năm nay vì mặt đường xuống cấp trầm trọng. Theo ghi nhận, đoạn đường dài 10 km xuống cấp nặng nhất từ trung tâm xã Tân Hà kéo ra thị trấn Đinh Văn luôn bụi mù mịt vào mùa nắng, còn lúc trời mưa lớn thì lầy lội, nước che ổ gà giao thông đi lại chậm chạp. Theo người dân khu vực trên, mặc dù đoạn đường này bắt đầu được duy tu, nâng cấp một năm trở lại đây nhưng tốc độ khá chậm khiến việc đi lại qua đoạn đường trên khó khăn thêm.
 
Ông Nguyễn Đức Tài - Chủ tịch UBND huyện Lâm Hà cho biết: Hiện các tuyến đường xuống cấp nặng nhất trên địa bàn huyện gồm: tuyến Tỉnh lộ 726, từ thị trấn Nam Ban qua Nam Hà, Phi Tô, Đạ Đờn; đường Nam Ban đi Mê Linh; một số đoạn tại QL 27, Tỉnh lộ 725, đoạn thị trấn Đinh Văn đi Tân Hà, Tân Thanh;… Đây đều là các tuyến đường xuống cấp nhiều năm nhưng do vốn đầu tư duy tu, nâng cấp lớn nên việc sửa chữa kéo dài. Tuy nhiên, điều đáng mừng là theo Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017; kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 của UBND tỉnh thì các tuyến đường tỉnh lộ, quốc lộ, liên xã trên địa bàn huyện Lâm Hà từ năm 2016 - 2020 về cơ bản đều được bố trí vốn làm mới, nâng cấp gần như toàn bộ. 
 
Cụ thể, UBND tỉnh đã bố trí vốn duy tu khẩn cấp đoạn từ xã Tân Hà ra trung tâm huyện dài 10 km với tổng vốn đầu tư là 15 tỷ đồng (đã giải ngân được 6,5 tỷ đồng), còn lại đang tranh thủ đề nghị Trung ương hỗ trợ thêm 8,5 tỷ đồng. Tuyến QL 27 chạy qua Lâm Hà do xuống cấp nhiều năm chưa được đại tu, năm nay Bộ Giao thông đã thống nhất duy tu với số vốn khoảng 17 tỷ đồng. Thành ủy Hà Nội cũng cam kết sẽ tặng cho huyện Lâm Hà 34 tỷ đồng để đại tu vỉa hè, cây xanh… tuyến đường trung tâm thị trấn Đinh Văn và một phần tuyến Tỉnh lộ 725. Tuyến Tân Văn - Phúc Thọ được đầu tư 20 tỷ đồng, dự kiến khởi công vào tháng 10/2017.
 
“Riêng tuyến Tỉnh lộ 726 qua 3 xã Nam Hà, Phi Tô, Đạ Đờn đã được UBND tỉnh đầu tư 122 tỷ đồng, hiện nay đã giải ngân được 40 tỷ đồng. Các tuyến đường khác như Tỉnh lộ 725, QL 27,… cũng đang nâng cấp và dự kiến cơ bản hoàn thành làm mới, nâng cấp, duy tu tới hết năm 2020 khoảng 200 km đường, với số vốn đầu tư gần 2.000 tỷ đồng. Đây được coi là giai đoạn đầu tư cho giao thông địa phương lớn nhất từ trước tới nay” - ông Tài cho hay.
 
C.THÀNH