Lập hành lang bảo vệ nguồn nước

08:09, 21/09/2017

Ngoài khai thác phát điện và phục vụ tưới tiêu trong sản xuất nông nghiệp, một số hồ nước trên địa bàn Lâm Ðồng còn cung cấp nước sinh hoạt cho dân cư. Do đó việc lập hành lang bảo vệ nguồn nước cho các hồ chứa là điều cần thiết cả trước mắt cũng như lâu dài trong quá trình quản lý, bảo vệ và khai thác nguồn nước. 

Ngoài khai thác phát điện và phục vụ tưới tiêu trong sản xuất nông nghiệp, một số hồ nước trên địa bàn Lâm Ðồng còn cung cấp nước sinh hoạt cho dân cư. Do đó việc lập hành lang bảo vệ nguồn nước cho các hồ chứa là điều cần thiết cả trước mắt cũng như lâu dài trong quá trình quản lý, bảo vệ và khai thác nguồn nước. 
 
Hồ Đankia nhìn từ đỉnh Langbiang
Hồ Đankia nhìn từ đỉnh Langbiang
Hồ Đankia được xây dựng qua hai giai đoạn 1945 và 1953 bởi chính quyền Pháp và người Nhật. Năm 1984 nhà máy xử lý nước từ hồ phục vụ cấp nước sinh hoạt được xây dựng với sự tài trợ của Chính phủ Đan Mạch. Các thông số kỹ thuật chủ yếu của hồ như sau: Diện tích mặt hồ: 245 ha; dung tích hữu ích: 20x106 m³.
 
Tổng diện tích lưu vực là 12.345,9 ha. Trong đó: đất nông nghiệp là 2.088 ha (chiếm 17% diện tích toàn lưu vực); đất có rừng là 8.654 ha (chiếm 70,1%); đất đồi núi chưa sử dụng 1.276,6 ha (chiếm 10,34%).
 
* Nhà máy nước Đan Kia 1: Công suất 25.000 m 3/ngày đêm.
 
* Nhà máy nước Đan Kia 2: Công suất giai đoạn 2010 là 24.000 m 3/ngày đêm; giai đoạn 2020 là 60.000 m 3/ngày đêm.
Các yếu tố thủy văn, địa mạo chỉ ra rằng, Lâm Đồng nằm trong khu vực có lượng mưa lớn, địa hình đồi núi có độ dốc cao chia cắt mạnh dẫn đến mạng lưới sông suối tại đây khá phong phú. Tỉnh Lâm Đồng là đầu nguồn của hệ thống sông Krông Nô và sông Đồng Nai (cung cấp nước cho 11 tỉnh, thành thuộc lưu vực sông)... với hệ thống hồ chứa tương đối nhiều, trong đó các hồ thủy điện, thủy lợi và các hồ phục vụ cấp nước sinh hoạt và cảnh quan du lịch... Các hồ chứa nước giữ một vai trò quan trọng trong hoạt động đời sống, kinh doanh, sản xuất của người dân. 
 
Theo số liệu tại “Dự án điều tra, đánh giá tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng năm 2016” của Sở Tài nguyên và Môi trường, hiện toàn tỉnh có khoảng 60 sông, suối với chiều dài trên 10 km; cùng với hệ thống 212 hồ chứa, 5 liên hồ chứa và 22 hồ chứa thủy điện... đã “xếp hạng” Lâm Đồng là tỉnh có mật độ sông, suối, ao hồ tương đối lớn, được phân bổ rộng khắp so với các tỉnh trong khu vực. 
 
Với vai trò quan trọng của các hồ chứa như vậy, mới đây, UBND tỉnh đã có công văn chỉ đạo sở, ngành chức năng và địa phương “thực hiện xây dựng phương án cắm mốc đối với hồ chứa nước sinh hoạt”. Đây là một trong những yêu cầu cần thiết phải thực hiện cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước nói chung và các hồ chứa cung cấp nước sinh hoạt nói riêng theo Nghị định số 43/2015/NĐ-CP của Chính phủ mà theo như Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi Trường Nguyễn Ngọc Phúc “đó là cơ sở pháp lý để quản lý, bảo vệ các hồ chứa nước, tránh việc xây dựng, đầu tư, sản xuất nông nghiệp tác động đến nguồn nước sinh hoạt”.
 
Cũng theo Sở Tài nguyên và Môi trường, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 5 hồ chứa bao gồm, hồ Đankia, hồ Tuyền Lâm, hồ Chiến Thắng, hồ Phương Nam và hồ Đạ Tẻh, ngoài nhiệm vụ chính cấp nước sinh hoạt, các hồ này còn làm nhiệm vụ điều tiết thủy lợi, phát điện, kết hợp cảnh quan du lịch và môi trường. Mặt khác, các hồ chứa cấp nước sinh hoạt những năm gần đây đang đứng trước thực trạng chịu tác động bởi hoạt động sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt của người dân sống xung quanh khu vực hồ nên phát sinh các chỉ số ngày càng gia tăng theo hướng bị ô nhiễm nhẹ. Qua đó, một trong những giải pháp nhằm ngăn chặn nguồn nước tránh khỏi tình trạng bị ô nhiễm; đồng thời góp phần quản lý, xử lý các chất thải tại khu vực một cách hiệu quả cũng như những tác động tiêu cực đối với môi trường hồ chứa cần phải tạo ra khoảng cách hành lang an toàn để bảo vệ nguồn nước. Cụ thể, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức làm việc với UBND huyện Lạc Dương, TP Đà Lạt và Bảo Lộc cùng các đơn vị trực tiếp quản lý hồ gần đây đã đi đến thống nhất các nội dung liên quan “xây dựng phương án cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước”. Các đơn vị có trách nhiệm xây dựng phương án và thực hiện việc cắm mốc giới hành lang bảo vệ hồ chứa đó là Trung tâm Quản lý đầu tư và khai thác thủy lợi Lâm Đồng, Học viện Lục Quân Đà Lạt và Trung tâm Nông nghiệp TP Bảo Lộc. Sở Tài nguyên và Môi trường cũng đưa ra lộ trình, kế hoạch thực hiện đối với hành lang bảo vệ nguồn nước sông, suối, kênh, rạch, hồ tự nhiên, hồ nhân tạo ở các đô thị, khu dân cư tập trung và các nguồn nước khác theo quy định của Chính phủ. Song trước mắt triển khai ngày kế hoạch thực hiện đối với 4 hồ chứa nước nói trên theo chỉ đạo của UBND tỉnh.

Ðiều 12, Ðiều 13 tại Nghị định 43/2015/NÐ - CP của Chính phủ quy định, đối tượng phải thực hiện xây dựng phương án và thực hiện cắm mốc giới hành lang bảo vệ nguồn nước là hồ chứa thủy điện, thủy lợi có dung tích từ 1 triệu m3 trở lên và sông, suối, kênh, rạch, hồ tự nhiên, hồ nhân tạo ở các đô thị, khu dân cư tập trung.

XUÂN TRUNG