Trong những năm qua, xã Liên Hiệp (Ðức Trọng) đã triển khai nhiều giải pháp tích cực để nỗ lực giảm tỷ lệ sinh con thứ ba. Nhờ vậy, tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên đã giảm so với các năm trước, từ 13,5% (2014) giảm xuống còn 9,84% (2016).
Trong những năm qua, xã Liên Hiệp (Ðức Trọng) đã triển khai nhiều giải pháp tích cực để nỗ lực giảm tỷ lệ sinh con thứ ba. Nhờ vậy, tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên đã giảm so với các năm trước, từ 13,5% (2014) giảm xuống còn 9,84% (2016).
|
Cán bộ y tế xã Liên Hiệp phát tờ rơi tuyên truyền DS-KHHGĐ cho người dân trên địa bàn. Ảnh: T.V |
Theo ông Nguyễn Văn Dũng - Trưởng Ban Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ), Phó Chủ tịch UBND xã Liên Hiệp, mặc dù vẫn còn gặp nhiều khó khăn nhưng kết quả này là sự nỗ lực, vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể xã. Cụ thể, từ thực tế của địa phương, đồng thời, nhằm góp phần xóa đói, giảm nghèo, nâng cao chất lượng dân số, trong những năm qua, Đảng ủy, HĐND, UBND xã đã quan tâm đầu tư cả về nguồn lực, vật lực, đồng thời chỉ đạo cho các ban, ngành, đoàn thể địa phương chủ động đưa chương trình DS - KHHGĐ vào công tác của mỗi đơn vị. Cùng đó, cán bộ dân số xã cùng cộng tác viên dân số các thôn, xóm đã đến từng gia đình rà soát các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ để hướng dẫn áp dụng các biện pháp tránh thai hiện đại.
Toàn xã có 2.048 phụ nữ trong độ tuổi từ 15-49 tuổi có chồng, trong đó, tỷ lệ các cặp vợ chồng sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại tăng từ 69,3% năm 2012 lên 73,1% (2016). Trong những năm qua, ngành dân số xã đã phát huy vai trò của những người uy tín trong thôn, xóm để tuyên truyền, vận động các cặp vợ chồng thực hiện KHHGĐ. Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền qua tờ rơi, loa phát thanh của thôn, xóm.
Song song với đó, xã cũng thường xuyên tổ chức các buổi tư vấn, nói chuyện trực tiếp với nội dung chủ yếu là cách sử dụng các biện pháp tránh thai, chăm sóc sức khỏe sinh sản, phòng - chống lây nhiễm HIV. Với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, vào mỗi đợt chích ngừa, tiêm vacxin hàng tháng, cộng tác viên dân số và y tế thôn bản sẽ kết hợp tuyên truyền, phân tích cho bà con hiểu những hệ lụy của việc sinh nhiều con sẽ kéo theo đói nghèo, thất học, trẻ bị suy dinh dưỡng. Đồng thời, lồng ghép với việc vận động chị em sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại. Ngoài ra, xã đã tích cực triển khai mô hình can thiệp giảm tình trạng sinh con thứ 3 như “Câu lạc bộ phụ nữ không sinh con thứ 3 trở lên” ở thôn đồng bào dân tộc Gân Reo - là thôn có tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên vẫn còn khá cao.
Ngoài đội ngũ cộng tác viên dân số thực hiện công tác của mình, Ban Dân số xã đã thường xuyên kết hợp cùng Hội Phụ nữ, Nông dân, Đoàn Thanh niên tuyên truyền trong các hội nghị, trong các buổi sinh hoạt về thực hiện giảm sinh con thứ 3. Anh Huỳnh Ngọc Đãi - Bí thư Đoàn xã Liên Hiệp cho biết, công tác tuyên truyền giáo dục vận động thanh niên thực hiện pháp lệnh dân số, thực hiện công tác DS-KHHGĐ được Đoàn Thanh niên xã xác định là một trong những nội dung quan trọng, nhằm chuyển đổi nhận thức, thái độ và hành vi của thanh niên, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của thanh niên và nhân dân trên địa bàn.
Vì vậy, hàng năm, Ban Thường vụ Đoàn xã đã chủ động phối hợp với Ban DS-KHHGĐ đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho thanh thiếu niên về công tác DS-KHHGĐ bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng, phù hợp với nội dung giáo dục được cụ thể hóa, gần gũi với cuộc sống đời thường như: Phát tờ rơi, tổ chức nói chuyện chuyên đề, hội thảo, sinh hoạt các CLB, mô hình… với hơn 7 cuộc, thu hút trên 350 ĐVTN - HSSV tham gia mỗi năm. Đồng thời, Đoàn xã đưa nội dung giáo dục về DS trở thành nội dung được quan tâm trong sinh hoạt thường kỳ của các chi đoàn.
Bà Trịnh Thị Hoàng - Chủ tịch Hội LHPN xã Liên Hiệp cũng cho hay, xác định chị em phụ nữ là đối tượng chủ yếu của chương trình DS - SKSS - KHHGĐ, những năm qua, Hội phụ nữ xã đã tăng cường công tác tuyên truyền và lồng ghép các hoạt động tuyên truyền vào các buổi họp chi hội, tổ hội và các cuộc họp Ban chấp hành phụ nữ xã; kết hợp tuyên truyền sâu rộng đến cán bộ, hội viên phụ nữ trong xã để chị em nên dừng lại ở việc sinh từ 1-2 con, để có điều kiện phục vụ gia đình và chăm sóc con cái.
Chị Nguyễn Thị M. (thôn Gân Reo) cho hay: “Tôi năm nay 45 tuổi, có 3 con gái rồi. Nói thật, lúc trước cũng định cố, biết đâu sinh được thằng con trai cho đủ nếp, đủ tẻ nhưng sau nhiều lần được nghe các chị phụ nữ, công tác dân số phân tích, tôi đã hiểu ra càng sinh nhiều con, càng khó thoát nghèo, lại không thể nuôi và chăm con tốt được nên năm ngoái, tôi đã quyết định đi triệt sản. Giờ thì vợ chồng tôi đã yên tâm làm ăn, lo cho các con ăn học thôi”.
THY VŨ