Màu cờ kỷ niệm

08:09, 05/09/2017

Ðã 72 năm từ ngày lá cờ Cách mạng Tháng Tám phần phật tung bay trong mùa thu lịch sử nhưng những câu chuyện, những kí ức vẫn không phai trong nhiều người.

Ðã 72 năm từ ngày lá cờ Cách mạng Tháng Tám phần phật tung bay trong mùa thu lịch sử nhưng những câu chuyện, những kí ức vẫn không phai trong nhiều người.
 
Tướng Lê Nam Phong: Tôi trưởng thành từ Cách mạng Tháng Tám
 
Tôi gặp tướng Lê Nam Phong khi ông 90 tuổi, ở TP HCM, nghe ông kể về những kỷ niệm mùa thu năm 1945 với nhiều xúc cảm. Hỏi ông, lí do nào khiến anh nông dân Lê Hoàng Thống (tên thật của tướng Phong) đi theo cách mạng? Ông hóm hỉnh đáp, thú thực là nhà tôi nghèo, nghèo tới mức hiếm khi biết cảm giác no bụng. Đi theo cách mạng vừa được ăn no hơn ở nhà, vừa được đánh giặc, sống có lí tưởng nên không riêng gì tôi, nhiều nông dân đã đi “làm” cách mạng.
 
Tướng Lê Nam Phong
Tướng Lê Nam Phong

Trước đó, cậu bé Thống tuổi 12, 13 thường xuyên nhịn đói, tay bồng em, lân la quanh những lớp học trường làng để học lỏm. Điều kiện thiếu thốn nhưng chỉ vài tháng cậu đã đọc thông viết thạo, biết tính toán cộng trừ nhân chia khiến nhiều người trong làng nể phục “học mót mà giỏi”.
 
Tổng khởi nghĩa, cậu bé Thống người gầy nhom vì thiếu ăn, chưa đủ tuổi nhập ngũ vẫn hăng hái lén bỏ đá vào túi quần để ăn gian trọng lượng dự đợt tuyển quân vào Vệ quốc đoàn. Không trúng tuyển, cậu ngồi khóc vì xấu hổ với bạn bè và gia đình. Đến lần thứ hai tuyển quân, lượng đá được tăng thêm gấp đôi trước đó, Thống may mắn được ông Khiếng (tức đồng chí Lê Nam Thắng, sau này là Thiếu tướng) và đồng chí Nguyễn Cận (sau này là Đại tá) tiếp nhận, cho vào làm liên lạc Trung đoàn 57. Thống cũng được cử đi học khóa quân sự đầu tiên của tỉnh (tháng 8 năm 1945) do Việt Minh - Trung đoàn 57 mở ở huyện Thanh Chương, cách nhà (huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) hơn 100 km.
 
Lê Hoàng Thống được bổ sung vào lực lượng tự vệ thành Vinh, trong biên chế của đại đội Hồng Sơn sau khóa huấn luyện ở Thanh Chương. “Nhớ lúc đi chân đất, quần cộc vào thành phố Vinh học quân sự, trong bộ quân phục Vệ quốc đoàn, tôi trở thành anh bộ đội Cụ Hồ oai phong dũng mãnh. Niềm vinh dự đó làm tôi hân hoan, vui sướng và cũng là nguồn cổ vũ, khích lệ động viên tôi hoàn thành nhiệm vụ do cán bộ và ban chỉ huy giao cho. Được sự khích lệ của cấp chỉ huy, tôi sẵn sàng nhận bất cứ nhiệm vụ gì, dù khó khăn, nặng nhọc” - trong hồi kí của tướng Lê Nam Phong có viết về kỉ niệm này. 
 
Cho tới bây giờ, ở tuổi 90, tướng Lê Nam Phong vẫn nhớ lại những tháng ngày tuổi trẻ sôi nổi, hăng say ấy. Đêm đông rét lạnh, phải lấy bì gai làm chăn, đồng đội vẫn tự trào với nhau bằng những câu thơ rất vui: 
 
Anh em du kích thành Vinh 
Đêm nằm chăn “Mỹ” rung rinh cái đùi 
Nửa đêm thức dậy, hùi hùi 
Tưởng rằng chăn Mỹ? Úi giời bì gai!”
 
Những ngày đầu vào Vệ quốc đoàn, mải mê hoạt động, lại do xa xôi cách trở, Lê Hoàng Thống không biết ngày cha mình mất ở quê, anh luôn mang nỗi buồn về điều này sau nhiều năm. Về sau, dù cấp trên cho phép nghỉ 1 ngày, anh cũng tranh thủ vừa đi vừa chạy bộ về thăm mẹ ở Quỳnh Lưu. Quãng đường 60 - 70 km khá xa mà anh vẫn luôn có mặt đúng thời gian cho phép.
 
“Nhờ nỗ lực phấn đấu, sau khi gia nhập Vệ quốc đoàn, trước khi ra Việt Bắc, tôi được kết nạp Đảng ở chùa Hưng Thông, huyện Hưng Nguyên. Tôi nghĩ mình đi theo cách mạng là đã hết khổ rồi, cái tên Hoàng Thống (thống trong từ thống khổ) bố mẹ đặt không phù hợp nên đổi tên mới cho đẹp. Ban đầu, tôi chọn tên Hồng Phong có nghĩa là ngọn gió đỏ - gió Cách mạng. Nhưng nhiều bạn bè bảo tên trùng với lãnh tụ của Đảng - đồng chí Lê Hồng Phong, bị giặc sát hại năm 1942. Tôi liền đổi chữ Hồng ra chữ Nam, vì nghe vậy cũng… sợ. Nam Phong là gió Nam - thứ gió mát lành nhất của quê tôi” - Tướng Lê Nam Phong giải thích ý nghĩa tên của mình. 
 
Những ngày có phong trào Tổng khởi nghĩa đã hun đúc cho tướng Lê Nam Phong những ý thức, ý chí đầu tiên về quyết tâm làm tròn nhiệm vụ mà Đảng và quân đội giao phó. Từ một thanh niên nông dân đi theo lá cờ cách mạng, thành liên lạc viên của Việt Minh cho đến khi được gia nhập vệ quốc, là chặng đường vô cùng quan trọng trong cuộc đời một vị tướng nổi tiếng sau này. Ở giai đoạn ấy, ông được các bậc cha chú và lớp đàn anh động viên, giáo dục để một lòng một dạ tin yêu, gắn bó và sẵn sàng hy sinh trên con đường cách mạng đã chọn. 
 
Giáo sư Nguyễn Huy Dung: Màu cờ luôn xúc động với tôi
 
Trong gia đình chúng tôi, chị Minh Khai và chị Minh Thái từ rất sớm đã giúp mẹ buôn bán ngược xuôi từ Bắc vào Nam, Nam ra Bắc. Đó cũng là mặt thuận lợi để các chị sớm giác ngộ cách mạng, hiểu biết nhiều về đường sá, cuộc sống và sớm dấn thân hoạt động.
 
Giáo sư Nguyễn Huy Dung
Giáo sư Nguyễn Huy Dung

Chị Minh Khai là nữ bí thư đầu tiên của Sài Gòn, là người chỉ đạo Nam Kỳ Khởi Nghĩa cả khi chị bị sa cơ vào tay giặc. Khi giặc đưa chị về Khám Lớn Sài Gòn và tra tấn hết sức dã man, chị vẫn tiếp tục vận động anh chị em đấu tranh. Còn sống là còn chiến đấu. Có lúc, sau những trận đòn tra tấn, chị dùng máu viết lên tường xà lim những câu thơ đầy bản lĩnh và khí chất người chiến sỹ cộng sản: Dù đánh, dù treo, càng cương quyết/ dù kềm, dù kẹp chẳng sai lời/ hy sinh phấn đấu vì nhiệm vụ, triệt để thực hành chết mới thôi…
 
Tuy bị giam hãm trong nhà tù nhưng Nguyễn Thị Minh Khai với cương vị là Bí thư Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn, là Ủy viên Xứ ủy Nam Kỳ nên chị vẫn tìm mọi cách để liên lạc với bên ngoài, tiếp tục lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ. Ngày 23/11/1940, cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ bùng nổ. Tuy nhiên, sau đó, khi cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ thất bại, chị Minh Khai cùng các đồng chí bị tòa án thực dân xử tử hình ở Hóc Môn. Trước lúc hy sinh chị còn tước vải quần áo nhà tù, đan một chiếc áo gối gửi về tặng mẹ bày tỏ chút lòng hiếu kính đối với mẹ. Chị ngã xuống khi mới 31 tuổi. Trước khi ra pháp trường, chị đã nhắn nhủ cùng đồng bào, đồng chí: Vững chí bền gan ai hỡi ai/ Kiên tâm giữ dạ mới anh tài/ Thời cuộc đẩy đưa người chiến sĩ/ Con đường cách mạng vẫn chông gai.
 
Năm 1941 chị Minh Khai của tôi hy sinh ở Sài Gòn. Đó là chặng đường đầy những đớn đau tang tóc trong gia đình chúng tôi.
 
Bố tôi, là một thư kí làm việc ở ga xe lửa Vinh. Ông không chịu được cú sốc về cái chết của con gái cả mà ông rất mực yêu thương nên gần như trở thành người khác sau khi con chết. Lúc ấy, ông không xin đưa được xác con về quê an táng, một mình, đầu đội mũ, chân đi giày, tay vịn tay nải túi xách lên tàu quay về Vinh. Tuy nhiên, đến khúc Nam Trung Bộ - quãng Bình Định, Phú Yên bây giờ, đổi tàu, ông theo đoàn người đi xuống tàu không mang theo gì bên mình cả. Khi ông về đến nhà là chân đất, đầu trần, người xác xơ tơi tả và lâm vào bạo bệnh. 9 tháng sau đó, bố tôi mất. Ba ngày sau khi bố mất, đến lượt chị Minh Thái bị bắt giam Hỏa Lò. Chị Minh Thái cũng viết thơ lên bức tường nhà ngục Hỏa Lò và hy sinh ở trong nhà ngục với tấm lòng kiên trung.
 
Anh Lê Hồng Phong - chồng chị Minh Khai cũng bị tù đày ở Côn Đảo. Tinh thần bất diệt của anh vẫn được nhiều bè bạn, đồng chí nhắc tới, kể lại với gia đình chúng tôi sau khi anh hy sinh. Biết anh là thủ lĩnh phong trào cách mạng, kẻ thù luôn tìm cách khuất phục anh. Thuyết phục bằng lời nói không xong, có lần anh đang ăn cơm, chúng dùng gậy đánh mạnh vào đầu anh khiến máu đổ ròng ròng xuống mặt. Anh vẫn bình thản ngồi bưng bát cơm ăn tiếp. Kẻ thù run sợ hỏi: “Tại sao tao đánh mày như thế mà mày vẫn thản nhiên ngồi ăn, mày không biết đau à?”. Anh quắc mắt, nhìn thẳng mặt kẻ thù, bình tĩnh đáp: “Chúng mày nói: Ngày nào chúng mày không đánh được chúng tao chảy máu thì chúng mày cảm thấy ăn không ngon. Vậy chúng tao cũng cần ăn để có máu đối phó với chúng mày. Đấy là tất cả lý do. Rất giản dị! Chúng mày cứ tiếp tục đi!”.
 
Nói xong anh tiếp tục cầm bát cơm chan máu ăn. Tinh thần bất diệt của anh Lê Hồng Phong khiến nhiều đồng chí đánh giá: “Gươm giáo của kẻ thù có thể chặt đứt gang, thép nhưng nó sẽ oằn mình đi khi chặt phải dũng khí của người cộng sản”. Tinh thần ấy cũng góp phần lớn vào tinh thần đấu tranh chung trong nhà tù Côn Đảo. Sau nhiều lần bị tra tấn man rợ, bị kiết lỵ nặng không được thuốc thang, anh Lê Hồng Phong hy sinh năm 1942, ở tuổi 40. Lịch sử ghi lại lời chào bất hủ của anh: “Tới phút cuối cùng, Lê Hồng Phong vẫn một lòng tin tưởng ở thắng lợi vẻ vang của cách mạng”.  
 
Mẹ tôi, một tay buôn bán lo toan chính mọi việc trong gia đình, sau nhiều mất mát, tang thương bà vẫn luôn động viên những đứa con của mình phải biết sống hiên ngang, xứng đáng với các anh chị đã hy sinh của mình. Năm 1945, mấy anh em chúng tôi khi ấy còn nhỏ (tôi 14 tuổi) theo nhau đi học võ dân tộc để có sức khỏe, khả năng tham gia đánh giặc khi lớn lên. 
 
Từ những ngày Cách mạng Tháng Tám thành công, cho tới tận bây giờ tôi vẫn luôn có những cảm xúc đặc biệt khi nhìn màu lá cờ đỏ. Trong đó hẳn nhiên có màu máu của những anh chị em tôi đã hy sinh vì một ngày mai tươi sáng, vì như anh Lê Hồng Phong nói: “Tới phút cuối cùng, Lê Hồng Phong vẫn một lòng tin tưởng ở thắng lợi vẻ vang của cách mạng”.   
 
VÕ THU HƯƠNG